Đề xuất chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh cho công chức cấp tỉnh và cấp huyện tỉnh Thanh Hóa

(Quanlynhanuoc.vn) – Nhằm đánh giá thực trạng sử dụng tiếng Anh cũng như nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra, khảo sát trên 2 nhóm đối tượng là cán bộ, công chức và  lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh và cấp huyện của tỉnh Thanh Hóa. Thông qua kết quả phân tích nhóm tác giả đề xuất chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh cho công chức cấp tỉnh và cấp huyện tỉnh Thanh Hóa.

 

Ảnh minh họa 

Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu là đến năm 2020, có 30% cán bộ, viên chức trong cơ quan nhà nước có trình độ ngoại ngữ bậc 3 (theo Khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) trở lên1. Để đạt mục tiêu này, việc đổi mới dạy học ngoại ngữ nói chung, dạy học ngoại ngữ cho cán bộ, công chức (CBCC), viên chức nói riêng là một trong những yếu tố quyết định, trong đó việc xây dựng chương trình học tập phù hợp là vấn đề cần đặt ra.

Thực trạng nhu cầu nâng cao năng lực tiếng Anh cho công chức cấp tỉnh và cấp huyện tỉnh Thanh Hóa

Nhằm đánh giá thực trạng sử dụng tiếng Anh cũng như nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh cho đội ngũ CBCC, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra, khảo sát trên 2 nhóm đối tượng là 880 CBCC và 32 lãnh đạo, quản lý (LĐQL) cấp tỉnh và cấp huyện của tỉnh Thanh Hóa, thông qua phiếu điều tra, phân tích số liệu qua phần mềm SPSS.

Kết quả khảo sát cho thấy, 100% đội ngũ LĐQL đánh giá cao vai trò của tiếng Anh đối với CBCC, trong đó 48% LĐQL cho rằng tiếng Anh cần thiết; 52% là rất cần thiết. 60% CBCC cho biết mục đích học tiếng Anh của họ để phục vụ công việc hiện tại nhưng hiện nay, số CBCC biết tiếng Anh rất ít, chỉ chiếm 53,5%.

96% LĐQL có nhu cầu cử CBCC đi học tập, bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh ( NLTA); 80% CBCC có nhu cầu học tập nâng cao NLTA.

Căn cứ nhu cầu học tập nâng cao NLTA của CBCC, nhóm nghiên cứu tiếp tục khảo sát xác định yêu cầu, mong muốn thực sự của họ, cụ thể:

– Về lớp học, LĐQL chọn tiếng Anh giao tiếp 36%; tiếng Anh văn phòng: 33% và tiếng Anh chuyên ngành: 31%; CBCC chọn tiếng Anh giao tiếp: 41%; tiếng Anh văn phòng: 26,5%.

– Về thời gian tổ chức,  90% LĐQL yêu cầu CBCC học tiếng Anh ngoài giờ hành chính (thời gian sau giờ làm việc); 37% học thứ bẩy và chủ nhật. 51,2% CBCC chọn thời gian tổ chức mỗi khóa học nhiều nhất là 6 tháng và 52,4% mong muốn được tổ chức vào cuối tuần; 47,6% lựa chọn học các buổi tối, trong giờ làm việc hoặc sau giờ làm việc buổi chiều học 1 – 2 buổi/tuần.

– Về hình thức học: đội ngũ LĐQL chọn phương pháp học kết hợp giữa học trực tiếp và học online: 42%; CBCC muốn học kết hợp giữa hình thức học trực tiếp trên lớp và học online chiếm đa số với gần 70%.

CBCC đề xuất phương án học tại cơ quan là lựa chọn tốt nhất, hoặc tổ chức học tại Trường Đại học Hồng Đức.

– Về phương pháp giảng dạy (PPGD): đội ngũ LĐQL cho rằng, nội dung giảng dạy đồng thời 4 kỹ năng là: nghe – nói – đọc – viết và kết hợp dạy ngữ pháp, từ vựng là phương án tối ưu, chiếm 88%; CBCC cũng chọn phương pháp này là gần 70%.

Ngoài ra, CBCC còn mong muốn sẽ đưa việc học tiếng Anh vào tiêu chí bổ nhiệm cán bộ: 39,1%, hoặc tiêu chí đánh giá CBCC của cơ quan: 37,9%. 56% LĐQL được hỏi cho biết sẽ đưa việc tham gia học tiếng Anh vào tiêu chí đánh giá CBCC trong độ tuổi đi học; 44% LĐQL còn cho biết sẽ đưa tiêu chí về năng lực ngoại ngữ như một yêu cầu để bổ nhiệm cán bộ.

– Về tài liệu học tập: 67% LĐQL cho rằng cần biên soạn tài liệu giáo trình riêng cho khóa học; 51,1% CBCC cũng đồng ý với ý kiến của LĐQL. Qua đó cho thấy, mặc dù nguồn tài liệu giáo trình dùng để dạy học tiếng Anh hiện rất phong phú, nhưng để lựa chọn bộ tài liệu dạy học phù hợp với đối tượng người học thì không dễ dàng. Chính vì vậy, cần biên soạn giáo trình riêng cho nhóm đối tượng này.

– Về phương pháp kiểm tra, đánh giá (KTĐG):  92% LĐQL được hỏi cho biết nên có KTĐG trong quá trình triển khai khóa học. 51,1% CBCC đồng ý về việc theo dõi chuyên cần để xét điều kiện hoàn thành khóa học; 36% CBCC đề nghị lấy kết quả chuyên cần làm tiêu chí xếp loại CBCC tại cơ quan. 54% LĐQL đề xuất phải có sự theo dõi chuyên cần để xét điều kiện hoàn thành khóa học; 38% đề xuất kết quả chuyên cần cũng có thể lấy làm tiêu chí xếp loại CBCC2.

Đề xuất chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh cho cán bộ, công chức cấp tỉnh và cấp huyện tại tỉnh Thanh Hóa
 Xác định mục tiêu, nội dung cho đối tượng người học

CBCC có mục tiêu học tiếng Anh chủ yếu là để sử dụng tiếng Anh trong công việc. Hầu hết CBCC cần một lượng từ vựng cơ bản để giao tiếp. Bên cạnh đó, với mỗi nhóm ngành nghề khác nhau thì cần lượng từ vựng chuyên ngành cụ thể khác nhau phục vụ cho công việc của họ. Vì vậy, mục tiêu chính của khóa học cần phải cụ thể, rõ ràng, phù hợp với đối tượng người học.

Trước hết, khóa học cần đáp ứng mục tiêu nâng cao vốn từ vựng cho CBCC, trong đó lượng từ vựng cơ bản và một số từ vựng chuyên ngành. Từ vựng cần được cung cấp theo các chủ đề bài học và được lồng ghép vào bài dạy để nâng cao hiệu quả sử dụng. Ngoài ra, có thể cung cấp từ vựng theo chủ đề bằng cách hướng dẫn người học tự mình tạo ra một từ điển sắp xếp theo các trường từ vựng nhỏ hơn, hay các chủ đề với ngữ cảnh cụ thể, không những giúp người học nhớ từ lâu hơn mà còn sử dụng từ đúng hơn.

Việc trang bị kiến thức ngữ pháp cho người học là rất cần thiết. Kiến thức ngữ pháp cơ bản tiếng Anh bao gồm: danh từ, tính từ, trạng từ, động từ, giới từ, các thì trong tiếng Anh, câu điều kiện, câu chủ động – bị động, câu hỏi láy, động từ khuyết thiếu, câu trực tiếp – gián tiếp, mệnh đề quan hệ. Cũng có thể dạy ngữ pháp theo mô hình PPP (Presentation, Practice, Production)3. Với mô hình này, người học từng bước nắm vững cấu trúc, cách dùng và có thể sử dụng ngữ pháp này trong từng ngữ cảnh cụ thể của công việc. Người dạy cần kết hợp các PPGD linh hoạt, không nhất thiết chỉ sử dụng một phương pháp hay một cách thức cụ thể nào.

Song song với việc dạy ngữ pháp và từ vựng là nâng cao kỹ năng tiếng Anh cho người học. Trong các kỹ năng nghe – nói – đọc – viết, kỹ năng nghe và đọc được sắp xếp thành các kỹ năng tiếp nhận thông tin (receptive skills), hai kỹ năng còn lại kỹ năng tạo ra thông tin (productive skills)4.

 Xây dựng chương trình dạy học gắn với thực tế công việc của người học

Chương trình khóa học cần xây dựng chương trình dạy học theo định hướng giao tiếp nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ để CBCC có khả năng giao tiếp một cách độc lập, tự tin trong môi trường làm việc. Sử dụng PPGD theo định hướng giao tiếp, tổ chức một cách chủ động và tích cực cho người học, giúp họ nâng cao năng lực tự học ngoại ngữ.

– Kỹ năng nghe: nghe hội thoại và xác định được chủ đề của hội thoại; nghe thông báo, hướng dẫn, chỉ dẫn để hiểu được ý chính trong các thông báo hay tin nhắn thoại ngắn, diễn đạt rõ ràng bằng ngôn ngữ chuẩn mực.

– Kỹ năng nói: đưa ra những lập luận đơn giản; trình bày trước người nghe một cách ngắn gọn thông tin đã được chuẩn bị trước về một chủ đề, đồng thời trả lời những câu hỏi trực tiếp với người nghe. Nói tương tác, hội thoại hằng ngày, hội thoại công việc; phỏng vấn và trả lời phỏng vấn.

– Kỹ năng đọc: đọc lấy thông tin và lập luận; đọc tìm thông tin; đọc văn bản giao dịch và xử lý văn bản.

– Kỹ năng viết: viết sáng tạo; viết xử lý văn bản; viết báo cáo và tiểu luận: viết thư từ giao dịch; viết ghi chép, nhắn tin, điền biểu mẫu.

 Tài liệu, giáo trình sử dụng cho chương trình đào tạo, bồi dưỡng

Tài liệu, giáo trình được biên soạn có tính đến yếu tố nhu cầu người học sẽ tránh làm cho người học hụt hẫng, nhàm chán vì phải luyện tập tiếng Anh trong môi trường “khô cứng”, tình huống xa lạ với thực tế công việc, không có tính “thực” (authentic). Dựa trên những kết quả khảo sát về nhu cầu người học, chương trình được xây dựng cân đối giữa các khối kiến thức và kỹ năng, tập trung nâng cao vận dụng kiến thức từ vựng, ngữ pháp vào thực hành các kỹ năng tiếng Anh. Các bài học được thiết kế theo hướng theme – based (theo chủ đề) và task – based (theo hoạt động) nhằm phát huy hiệu quả phương pháp tổ chức dạy học ngoại ngữ lấy người học làm trung tâm, phát huy năng lực người học.

 Phương pháp và hình thức tổ chức dạy và học

Để việc học tiếng Anh đạt hiệu quả hơn, việc đổi mới PPGD là một việc làm cấp thiết. Đổi mới PPGD có thể được thể hiện qua các nội dung sau:

Cải tiến các PPGD: PPGD truyền thống như thuyết trình, đàm thoại, luyện tập luôn quan trọng và tương đối phù hợp với học viên đã đi làm. Giảng viên cần kết hợp các PPGD khác nhau tùy thuộc vào mục tiêu, trình độ và yêu cầu của từng nội dung bài học và từng nhóm đối tượng người học. Các dạng bài tập được biên soạn theo hướng phát huy tính chủ động sáng tạo cho người học, áp dụng thực hành theo hướng “nhận biết – liên hệ – tư duy sáng tạo”.

Đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học:  dạy học cho cả lớp, dạy học theo nhóm và dạy cho từng cá thể cần được kết hợp linh hoạt. Muốn đạt được hiệu quả cao phải tăng cường sự tương tác giữa thầy và trò, giữa trò với trò để tự rèn luyện và bổ sung kiến thức mới.

Phát huy tính chủ động của người học: giảng viên cần tăng cường khích lệ người học chủ động trong việc tiếp thu kiến thức nhằm phát huy tính chủ động của người học, như làm việc theo nhóm, thảo luận, làm dự án, giải quyết tình huống. Bên cạnh đó, giảng viên cũng cần cập nhật kiến thức và nâng cao kỹ năng sử dụng thiết bị đa phương tiện, khai thác internet và các phần mềm chuyên dụng để việc giảng dạy thêm phong phú, đa dạng và hiệu quả.

 Phương pháp kiểm tra đánh giá

Đánh giá kết quả học tập là quá trình thu thập thông tin, phân tích và xử lý thông tin, giải thích thực trạng việc đạt mục tiêu theo chuẩn đầu ra, tìm hiểu nguyên nhân giúp người học tiến bộ. KTĐG việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất giúp CBCC đạt mục đích cụ thể trong quá trình học tập rèn luyện. Đổi mới phương pháp KTĐG có thể thực hiện theo các nội dung sau:

Đánh giá theo năng lực: không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức đã học làm trung tâm đánh giá mà chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống ứng dụng khác nhau.

Đánh giá trong quá trình học tập: kết hợp giữa kiểm tra vấn đáp, kiểm tra viết và bài tập thực hành, kết hợp giữa hình thức đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan và tự luận nhằm phát huy những ưu điểm của mỗi hình thức đánh giá. Làm tốt kỹ thuật đánh giá không những có thể phát huy năng lực của mỗi cá nhân mà còn là công cụ kiểm soát tốt nhất sự tiến bộ và những khó khăn mà người học gặp phải. Đó là cơ sở để có biện pháp kịp thời nhất trong quá trình bồi dưỡng nâng cao NLTA cho CBCC.

Chương trình bồi dưỡng tiếng Anh cho CBCC được xây dựng với nội dung kiến thức ngữ pháp cơ bản của trình độ A2 và B1, từ vựng được giới thiệu theo từng chủ đề từ đơn giản như các thông tin liên quan đến bản thân, gia đình, công việc hằng ngày, môi trường và con người, y tế – giáo dục, văn hóa, xã hội, thể chế chính trị…

Các kỹ năng tiếng Anh được dạy tích hợp với việc nâng cao NLTA cho CBCC là mục tiêu chính của khóa học, trong đó có các ngữ liệu về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực công tác… Đồng thời, tổ chức KTĐG cũng được điều chỉnh cho phù hợp với đối tượng người học với các bài kiểm tra quá trình được thực hiện sau mỗi 15 tiết học cùng bộ đề kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ được biên soạn theo định dạng đề thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung 6 bậc dùng cho Việt Nam5.

Để đánh giá hiệu quả của chương trình bồi dưỡng, việc thử nghiệm mô hình các lớp học có thể được tổ chức với 120 học viên, chia thành 4 lớp học. Thời khóa biểu được lập chi tiết cho từng buổi học và đội ngũ giáo viên vững chuyên môn, giàu kinh nghiệm giảng dạy. Khóa học được thiết kế dựa trên cơ sở thực tế là những phân tích, đánh giá kết quả khảo sát về nhu cầu người học và những lý thuyết hiện đại về dạy học ngoại ngữ, khóa học được đánh giá là khá phù hợp với đối tượng người học là CBCC, đáp ứng hầu hết nhu cầu học tập của họ.

Như vậy, việc xây dựng chương trình bồi dưỡng nâng cao NLTA đáp ứng nhu cầu người học và yêu cầu xã hội là cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có trình độ ngoại ngữ  cao, bắt kịp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Chú thích:
1. Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020”.
2. Trịnh Thị Thơm, Nguyễn Thị Hồng. Nhu cầu nâng cao năng lực tiếng Anh của đội ngũ cán bộ, công chức cấp tỉnh và cấp huyện tỉnh Thanh Hóa. Tạp chí Giáo dục & Xã hội, số đặc biệt kỳ 2, tháng 11/2019.
3. British Council. Modul: Teaching Vocabulary and Grammar. Tài liệu tập huấn cho giáo viên tiếng Anh Trung học phổ thông tại Việt Nam, 2001.
4. British Council. Modul: Teaching the Skills. Tài liệu tập huấn cho giáo viên tiếng Anh Trung học phổ thông tại Việt Nam, 2001.
5. Leen Pil. Modul: Đánh giá dạy học tích cực. Tài liệu tập huấn cho giáo viên tiếng Anh Trung học phổ thông tại Việt Nam, 2001.

TS. Trịnh Thị Thơm – ThS. Trịnh Thị Hằng – ThS. Lê Thiên Tường
Trường Đại học Hồng Đức, tỉnh Thanh Hóa
Trường Đại học Hồng Đức, tỉnh Thanh Hóa
Trường Đại học Văn hóa – Thể thao – Du lịch, tỉnh Thanh Hóa