Nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp góp phần đẩy mạnh cải cách tư pháp

 (Quanlynhanuoc.vn) – Trong Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, bổ trợ tư pháp là lĩnh vực có vị trí quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động tư pháp (điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án). Về lý luận và thực tiễn, bổ trợ tư pháp được nhìn nhận là hoạt động không thể thiếu trong việc bảo đảm công lý, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo tinh thần Hiến pháp.

 

Thực trạng hoạt động bổ trợ tư pháp ở nước ta thời gian qua

Cải cách tư pháp (CCTP) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược CCTP đến năm 2020, theo đó, CCTP được triển khai theo 4 định hướng cơ bản: (1) Hoàn thiện thể chế hình sự, dân sự, thủ tục tư pháp; (2) Cải cách tổ chức các cơ quan tư pháp và các thiết chế bổ trợ tư pháp (BTTP) mà trung tâm là tòa án và khâu đột phá là tăng cường tranh tụng dân chủ; (3) Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp, BTTP, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp; (4) Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp.

Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị triển khai hoạt động bổ trợ tư pháp năm 2020 (Nguồn: internet).

Như vậy, có thể thấy, các hoạt động BTTP đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình CCTP nói chung và hoạt động tố tụng, xét xử nói riêng. Với góc độ bổ trợ cho hoạt động tố tụng thì BTTP được hiểu một cách đơn giản là trợ giúp, tạo điều kiện cho hoạt động tư pháp tiến hành được thuận lợi, nhanh chóng, chính xác bằng cách cung cấp hồ sơ, chứng cứ, phản biện cho các khâu, đoạn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời, giúp cho cá nhân công dân, tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Theo khoản 20 Điều 2 Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13/3/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp thì BTTP bao gồm các lĩnh vực: luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại.

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy, những năm qua, hoạt động BTTP đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhiều hoạt động có tính đột phá nhờ thực hiện chủ trương xã hội hóa theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW, trong đó, công chứng, luật sư và giám định tư pháp là những lĩnh vực hoạt động có vai trò hỗ trợ đắc lực cho hệ thống tư pháp. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm, chú trọng; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực BTTP đã góp phần thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và góp phần thúc đẩy sự phát triển, chất lượng cũng như tính chuyên nghiệp của hoạt động hành nghề trong lĩnh vực BTTP. Cụ thể:

Thứ nhất, về lĩnh vực luật sư, tư vấn pháp luật: việc thực hiện các quy định của Luật Luật sư năm 2012 và Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 được quan tâm, chú trọng. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Liên đoàn luật sư Việt Nam về việc kiện toàn chức danh lãnh đạo và Đảng đoàn của Liên đoàn; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện một số nhiệm vụ, đề xuất giải pháp toàn diện về quản lý nhà nước (QLNN) và phát triển nghề luật sư. Các địa phương đều đã quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường QLNN, trật tự kỷ cương đối với tổ chức và hoạt động của đội ngũ luật sư trên địa bàn.

Năm 2019, các bộ, ngành và địa phương đã thực hiện tổng kết 10 năm Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư, đề xuất định hướng, chính sách phát triển nghề luật sư trong tình hình mới; tập trung triển khai Nghị định số 137/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư. Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố đã thể hiện vai trò tích cực trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức thành công đại hội Đoàn luật sư ở 60/63 tỉnh, thành phố.

Nếu năm 2017, cả nước có tổng số 12.581 luật sư đã được cấp chứng chỉ hành nghề thì đến năm 2019, Bộ Tư pháp đã cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho thêm 1.366 trường hợp, nâng số luật sư được cấp chứng chỉ hành nghề lên trên 17.000 người (trong số đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp thẻ hành nghề cho 13.900 luật sư); cấp và gia hạn Giấy phép hành nghề tại Việt Nam cho 63 luật sư nước ngoài. Các luật sư đã thực hiện 109.097 vụ việc, nộp thuế gần 285 tỷ đồng, ngày càng đóng góp tích cực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động tố tụng, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa1.

Thứ hai, về lĩnh vực công chứng: từng bước thực hiện mục tiêu xã hội hóa hoạt động công chứng, góp phần làm lành mạnh hóa, bảo đảm an toàn pháp lý cho các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại; tạo việc làm và tăng thu ngân sách cho các địa phương. Năm 2019, Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thành công Đại hội đại biểu công chứng viên toàn quốc lần thứ nhất, thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, tạo điều kiện cho sự phát triển của hoạt động công chứng trong thời gian tới. Đồng thời, tổ chức tốt kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng lần thứ ba cho 884 thí sinh, bảo đảm nghiêm túc, công khai, khách quan và đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, cả nước có 2.688 công chứng viên; các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng được 6.730.759 hợp đồng, giao dịch, bản dịch và các loại việc khác, đóng góp cho ngân sách nhà nước và nộp thuế hơn 301 tỷ đồng2.

Hoạt động công chứng đáp ứng nhu cầu của người dân (Ảnh: T.H ).

Thứ ba, về lĩnh vực giám định tư pháp: từng bước thực hiện xã hội hóa đối với các lĩnh vực có nhu cầu giám định; xây dựng quy định chuẩn giám định cho từng lĩnh vực và xác định cơ chế đánh giá kết luận giám định bảo đảm đúng đắn, khách quan để làm căn cứ giải quyết các vụ việc. Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp theo Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ; quan tâm, chú trọng hơn đến việc tiếp nhận, trưng cầu và thực hiện giám định theo đề nghị của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế. Các bộ đã chú trọng rà soát, sửa đổi quy định, hướng dẫn công tác giám định thuộc lĩnh vực quản lý của mình.

Theo thống kê, nếu năm 2017, cả nước có 6.154 giám định viên tư pháp và 1.630 người giám định tư pháp theo vụ việc; cả nước đã thực hiện 156.864 vụ việc giám định, trong đó có 129.088 vụ việc theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng thì năm 2019, cả nước đã thực hiện tổng số 163.742 vụ việc giám định, trong đó có 139.007 vụ việc theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, qua đó đóng góp quan trọng cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nghiêm minh, đúng pháp luật, hạn chế oan sai3.

Thứ tư, về lĩnh vực bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại: hoạt động đấu giá tài sản đã đi vào nền nếp, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương trong quá trình tổ chức các cuộc đấu giá, bảo đảm tính trung thực, khách quan, công khai, minh bạch và tuân thủ đúng quy định của pháp luật; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản, người tham gia đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, hạn chế tình trạng tiêu cực trong các cuộc đấu giá. Việc triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành được chú trọng. Năm 2019, cả nước có 1.026 đấu giá viên đang hành nghề; đã thực hiện được 24.684 cuộc bán đấu giá thành công.

Thứ năm, về lĩnh vực quản lý thanh lý tài sản, hòa giải thương mại, thừa phát lại: theo thống kê, năm 2019, Bộ Tư pháp đã cấp Chứng chỉ hành nghề quản tài viên cho 119 trường hợp; cấp Giấy phép thành lập 3 trung tâm hòa giải thương mại, bổ nhiệm thừa phát lại đối với 41 trường hợp, miễn nhiệm thừa phát lại đối với 09 trường hợp. Trong lĩnh vực thừa phát lại, các địa phương đã xây dựng 21 Đề án thực hiện mới, nâng tổng số các địa phương thực hiện chế định thừa phát lại lên 34 tỉnh, thành phố, ngoài ra, có 6 địa phương đã xây dựng Đề án bổ sung về thành lập Văn phòng thừa phát lại4.

Công tác QLNN trong lĩnh vực BTTP cũng ngày càng đi vào chiều sâu, kịp thời tham mưu cho Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp trong việc chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động BTTP trong bối cảnh CCTP và hội nhập quốc tế. Hoạt động cấp phép, bổ nhiệm các chức danh BTTP từng bước được chuẩn hóa, kịp thời hơn, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp… Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực BTTP được chú trọng. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh kịp thời các sai phạm trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, hoạt động BTTP cũng như công tác QLNN về lĩnh vực BTTP vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục. Trong bối cảnh xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động BTTP, do quan điểm, nhận thức coi các nghề tư pháp như các nghề kinh doanh thông thường nên có xu hướng “tự do hóa” đối với các nghề này thay vì chú trọng đến chất lượng, tính chuyên nghiệp cũng như sứ mệnh bảo vệ công lý, công bằng xã hội và an toàn giao dịch, chống thất thoát tài sản công của chúng.

Hoạt động của một số tổ chức hành nghề BTTP, như luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, thừa phát lại còn có sai phạm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; vẫn còn hiện tượng chạy theo lợi nhuận gây ảnh hưởng đến uy tín hoạt động hành nghề trong xã hội, nhất là trong bối cảnh thực hiện chủ trương cắt giảm các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực BTTP. Một số công chứng viên còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, một bộ phận luật sư chưa đáp ứng được yêu cầu về dịch vụ pháp lý, chủ yếu là tham gia tố tụng; đội ngũ giám định viên còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng…

Bên cạnh đó, việc cấp một số chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực BTTP còn chậm. Việc thẩm tra đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, bổ nhiệm công chứng viên, thừa phát lại của một số sở Tư pháp còn mang tính chiếu lệ, chưa bảo đảm các thông tin hồ sơ đầy đủ, dẫn đến nhiều văn bản phải yêu cầu đính chính thông tin, xác minh… khiến thời gian xem xét cấp phép bị kéo dài.

Vai trò QLNN của các cơ quan hữu quan chưa thực sự đi vào chiều sâu, việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh, chưa có biện pháp hiệu quả để quản lý và chỉ đạo hoạt động BTTP.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp

Để nâng cao chất lượng hoạt động BTTP nhằm đẩy mạnh CCTP trong thời gian tới, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động xã hội hóa công tác BTTP, theo đó:

Một là, các cơ quan QLNN cần quan tâm khảo sát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các luật và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật đối với hoạt động BTTP. Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành liên quan chỉnh lý, hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp để trình Quốc hội thông qua; xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, nhất là thông tư của các bộ, ngành hướng dẫn về quy trình, nghiệp vụ giám định trong các lĩnh vực. Tổ chức tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, chuẩn bị các điều kiện, đề xuất sửa đổi Luật trong điều kiện bỏ quy hoạch công chứng.

Bên cạnh đó, nghiên cứu phương án chỉnh sửa, hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm nâng cao chất lượng hoạt động BTTP. Các quy định cần bảo đảm để phát huy vai trò của các tổ chức hoạt động BTTP ngoài công lập, tạo cơ chế khuyến khích, huy động các cá nhân, tổ chức có điều kiện tham gia hỗ trợ, đóng góp trên tất cả các phương diện cho công tác BTTP, đồng thời, hạn chế những hiện tượng không lành mạnh trong hoạt động BTTP.

Hai là, quy định về thẩm quyền QLNN, quản lý nghề nghiệp đối với lĩnh vực BTTP phải chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể với từng cơ quan và xây dựng cơ chế phối hợp, kết nối trách nhiệm giữa các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ quản lý.

Tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực BTTP, như công chứng, bán đấu giá tài sản, giám định tư pháp, thừa phát lại, quản lý, thanh lý tài sản; chú trọng xây dựng các phòng công chứng, trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thành các đơn vị sự nghiệp tự chủ làm đầu tàu về chuyên môn, nghiệp vụ. Kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh cho các địa phương, nhất là trong lĩnh vực công chứng, đấu giá, thừa phát lại.

Ba là, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về BTTP. Hoạt động công chứng, giám định, luật sư, tư vấn pháp luật không chỉ liên quan trực tiếp đến lợi ích khách hàng mà còn có mối liên hệ chặt chẽ với các hoạt động của cơ quan nhà nước, trong đó có các cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về BTTP. Khi phát hiện các vi phạm, cần kịp thời áp dụng các biện pháp chế tài cứng rắn, đúng quy định pháp luật, thậm chí đình chỉ, chấm dứt hoạt động của các tổ chức này.

Bốn là, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác BTTP: đối với lĩnh vực luật sư, cần hoàn thiện chỉ thị mới về hoạt động luật sư. Xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức Đoàn luật sư, nâng cao chất lượng và phát triển đội ngũ luật sư phù hợp với điều kiện phát triển thực tế của các địa phương theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp, kỹ năng và nghiệp vụ, đáp ứng về dịch vụ pháp lý cho các cơ quan, cá nhân, tổ chức. Rà soát, củng cố, kiện toàn và phát triển đội ngũ giám định tư pháp đủ về số lượng, đáp ứng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ…

Về lĩnh vực công chứng, phát triển có điều tiết các tổ chức hành nghề công chứng để cho ra đời những văn phòng công chứng thực sự có năng lực, công chứng viên có uy tín, chuyên môn. Trong lĩnh vực đấu giá, phải kiểm soát được tham nhũng, tối đa hóa tài sản cho Nhà nước, có sự tham gia rộng rãi của người có nhu cầu mua tài sản đấu giá…

Cần bảo đảm điều kiện và nguồn lực để thực hiện các đề án trong lĩnh vực BTTP; quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ về phương tiện làm việc, kinh phí để công chức Tư pháp và các chức danh BTTP được đào tạo lại hoặc được bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên.

Năm là, tiếp tục nâng cao nhận thức đúng đắn về chủ trương xã hội hóa hoạt động BTTP. Hiện nay, lực lượng cán bộ làm công tác QLNN về BTTP còn mỏng, dẫn đến nhiều công việc triển khai chậm hoặc khó triển khai vì thiếu cán bộ và nguồn lực. Do đó, các cấp ủy đảng, chính quyền cần nhận thức rõ ý nghĩa của việc xã hội hóa hoạt động BTTP cũng như quan tâm và tạo điều kiện cả về nhân lực và vật lực để thực hiện chủ trương này một cách hiệu quả, bền vững.

Để thu hút, khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia xã hội hóa hoạt động BTTP, cần có các biện pháp, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho họ thành lập tổ chức và hoạt động như ưu đãi về thuế, hỗ trợ trong việc thuê hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ trong đào tạo nhân lực, tư vấn cho cá nhân, tổ chức lựa chọn lĩnh vực tham gia xã hội hóa. Các cơ chế, chính sách cần được quy định rõ, nhất quán và lâu dài, tạo niềm tin và động lực thúc đẩy cá nhân, tổ chức mạnh dạn tham gia, đầu tư vào hoạt động BTTP. Đặc biệt là có chính sách ưu đãi thu hút người có trình độ, năng lực tham gia vào công tác giám định tư pháp. Cùng với đó, phát huy vai trò tự quản của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực BTTP.

Chú thích:
1, 2, 3, 4. Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 01/01/2020 của Bộ Tư pháp tổng kết công tác tư pháp năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
2. Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
3. Luật Giám định tư pháp năm 2012.
4. Luật Đấu giá tài sản năm 2016
5. Báo cáo của Cục Bổ trợ tư pháp tại Hội nghị triển khai công tác bổ trợ tư pháp năm 2020, ngày 07/ 01/2020.

TS. Phạm Văn Tài – ThS. Lê Văn Minh
Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại