Hoàn thiện chu trình quản lý ngân sách của tỉnh Luang Prabang, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào

(Quanlynhanuoc.vn) – Chu trình lập, xét duyệt, phê chuẩn ngân sách địa phương tại tỉnh Luang Prabang nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào là một quá trình khá chặt chẽ, được tính toán và lập từ các đơn vị ngân sách cấp huyện và tổng hợp theo nguyên tắc kế hoạch hóa thành ngân sách tỉnh. Quá trình lập dự toán bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công khai trong việc thảo luận về ngân sách địa phương.

 

Thành phố Luang Prabang yên bình nhìn từ trên cao (Ảnh: trover.com).
 Một số kết quả đạt được trong chu trình quản lý chu trình ngân sách tại tỉnh Luang Prabang

Hiện nay, chu trình lập, xét duyệt, phê chuẩn ngân sách địa phương (NSĐP) tại tỉnh Luang Prabang nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào là một quá trình khá chặt chẽ, được tính toán và lập từ các đơn vị ngân sách cấp huyện và tổng hợp theo nguyên tắc kế hoạch hóa thành ngân sách tỉnh. Quá trình lập dự toán bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công khai trong việc thảo luận về NSĐP.

Quá trình lập dự toán ngân sách của tỉnh được tiến hành dựa trên cơ sở hướng dẫn thực hiện các văn bản của Trung ương như Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 về lập, chấp hành, quyết toán và phân cấp quản lý NSĐP; kế hoạch kinh tế – xã hội của tỉnh (cả ngắn hạn và dài hạn); sổ kiểm tra về dự toán ngân sách của Bộ Tài chính giao; chính sách, chế độ thu – chi của Nhà nước; đánh giá ước thực hiện ngân sách năm báo cáo (năm trước) của tỉnh…

Việc duyệt quyết toán ngân sách được thực hiện theo trình tự: các đơn vị có nhiệm vụ thu – chi NSNN sẽ lập quyết toán của đơn vị mình, cơ quan dự toán cấp trên có trách nhiệm kiểm tra và duyệt quyết toán thu – chi ngân sách thuộc phạm vi mình quản lý gửi cơ quan tài chính. Cơ quan tài chính duyệt quyết toán thu – chi của các cơ quan cùng cấp; thẩm tra ngân sách cấp dưới và tổng hợp trình Ủy ban nhân dân xem xét trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn, sau đó báo cáo Chính phủ và Bộ Tài chính.

Tổ chức hạch toán kế toán về NSNN cơ bản thực hiện theo yêu cầu của hạch toán, hệ thống sổ, chế độ và bảng biểu kế toán cũng được sửa đổi phù hợp hơn. Các đơn vị chi tiêu ngân sách chịu sự giám sát của cơ quan cấp phát mà trước tiên là Kho bạc nhà nước (KBNN). Theo số liệu thống kê, tổng thu NSNN năm 2016, 2017, 2018 lần lượt là 110.956 triệu kíp, 184.387 triệu kíp và 186.342 triệu kíp (1 USD = 8.894 kíp)1.

Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, kiểm soát các khoản thu – chi tài chính của các cơ quan khác nhau, như kiểm tra, thanh tra nội bộ đơn vị; của ngành tài chính; các cơ quan kiểm tra nhà nước… Việc kiểm tra được thực hiện trước, trong và sau quá trình chấp hành ngân sách, kho bạc nhà nước (KBNN) đã thể hiện vai trò kiểm tra người chuẩn chi, điều kiện chi, mục đích, tính chất của các khoản chi rất tốt. Tổng chi NSNN năm 2016, 2017 và 2018 lần lượt là 287.579 triệu kíp, 374.023 triệu kíp và 470.551 triệu kíp2.

Một số hạn chế trong chu trình quản lý ngân sách tại tỉnh Luang Prabang

Thứ nhất, các chỉ tiêu ngân sách (từ khâu lập dự toán đến chấp hành và quyết toán) còn rườm rà; quá trình lập, xét duyệt, phê chuẩn ngân sách qua rất nhiều khâu, nhiều nấc trong cùng một cấp, trong khi đó, yêu cầu về thời gian lập và xem xét quyết định ngân sách lại có hạn. Một số chỉ tiêu ngân sách nhiều khi chỉ do thói quen mà không tính đến sự biến đổi và hiệu quả trong thực tế hoặc yêu cầu cấp dưới rất chi tiết và tính toán cụ thể cho từng loại chi, nhưng quá trình xét duyệt của cấp trên chưa được tính toán trên cơ sở khoa học và căn cứ vững chắc; một số chỉ tiêu mang nặng tính áp đặt chủ quan. Khi cấp phát kinh phí cho các đơn vị thụ hưởng ngân sách không sát với thực tế, nhưng lại bắt buộc các đơn vị sử dụng phải thực hiện đúng số cấp phát, không được làm theo nhu cầu thực tế. Các chỉ tiêu thu – chi ngân sách như định mức chi hành chính quá lạc hậu, chậm sửa đổi các định mức chi cho sự nghiệp kinh tế, các căn cứ xác định số thu chưa đầy đủ.

Thứ hai, quyền hạn về phê duyệt ngân sách chồng chéo giữa trung ương và chính quyền địa phương (CQĐP), cụ thể: Quốc hội có quyền phê chuẩn dự toán NSNN (bao gồm ngân sách trung ương và NSĐP) nhưng theo Luật Hành chính địa phương năm 2015 thì Hội đồng nhân dân duyệt dự toán NSĐP. Nghĩa là thẩm quyền phê chuẩn quyết toán NSĐP là do Hội đồng nhân dân địa phương thực hiện, sau đó Bộ Tài chính tổng hợp trình Quốc hội thông qua. Như vậy, cùng một nội dung, NSĐP lại có hai cơ quan cùng quyết định, trên thực tế, vai trò của CQĐP đặt vào thế bị động, phê chuẩn lại nội dung được cấp trên phê chuẩn.

Thứ ba, thủ tục hành chính trong lập dự toán, cấp phát, thanh toán chi ngân sách còn phức tạp, qua nhiều bước trung gian mới đến đơn vị sử dụng ngân sách. Quy trình kiểm soát chi NSNN qua KBNN còn phức tạp, chưa phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, đơn vị liên quan; thời gian kiểm soát chi còn dài (7 ngày làm việc); hồ sơ, chứng từ đề nghị thanh toán, số lượng mẫu biểu quá nhiều. Hiệu quả quản lý ngân sách và sử dụng ngân sách còn hạn chế; thu ngân sách còn dàn trải, thiếu tập trung, không có trọng điểm, đôi khi quá chú ý vào nguồn thu nhỏ. Mặc dù địa phương đã có nhiều biện pháp đẩy mạnh thu NSNN nhưng tình trạng thất thu ngân sách vẫn còn diễn ra. Các khoản chi cho sự nghiệp kinh tế như: giao thông, nông nghiệp, thủy lợi, địa chính không có căn cứ định mức cụ thể; tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu NSNN tuy đã có kết quả tích cực song vẫn thấp so với tiềm năng và yêu cầu.

Thứ tư, tổ chức quy trình kế toán quỹ NSNN (ở KBNN), kế toán các đơn vị sự nghiệp chưa được đổi mới thích ứng theo yêu cầu quản lý NSNN trong nền kinh tế thị trường. Cách tổ chức hạch toán quỹ ngân sách hiện hành làm tăng thêm mức độ căng thẳng trong điều hành của các cấp quản lý NSĐP như: quỹ ngân sách đã giảm ngay khi tiền chuyển về các đơn vị hành chính sự nghiệp, cho dù trên thực tế tiền vẫn chưa đi ra khỏi hệ thống KBNN, trong khi đó, KBNN không có khả năng báo cáo nhanh (hằng tuần) và chính xác tình hình tồn quỹ NSNN.

Quy định về kiểm toán quyết toán ngân sách còn bất cập, như: thời điểm kiểm toán chưa quy định rõ ràng, có nhiều trường hợp cơ quan kiểm toán thực hiện kiểm toán và có ý kiến sau khi quyết toán đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn.

Công tác kiểm soát chi, nhất là kiểm soát qua hệ thống KBNN bị động. Trong quá trình cấp phát ngân sách, 3 cơ quan: tài chính, KBNN và cơ quan chủ quản chủ yếu là kiểm tra ở khâu trước và trong khi xuất quỹ ngân sách, còn thực tế đơn vị thụ hưởng ngân sách chi tiêu như thế nào thì phải chờ quyết toán mới biết, nhiều khoản chi thực hiện tính chất “khoán trắng” không có sự kiểm tra, kiểm soát thường xuyên.

Giải pháp hoàn thiện chu trình quản lý ngân sách nhà nước tại tỉnh Luang Prabang
Một là, hoàn thiện quy định về vị trí, vai trò của CQĐP cấp tỉnh trong chu trình quản lý ngân sách.

Bảo đảm cho CQĐP chủ động trong việc quyết định các vấn đề kinh tế – xã hội tại địa phương, quyết định và xây dựng NSĐP trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc thống nhất của nền tài chính quốc gia. Theo đó, cần cho phép CQĐP cấp tỉnh ban hành một số loại định mức tiêu chuẩn phù hợp với khả năng ngân sách địa phương và điều kiện kinh tế – xã hội của từng vùng; quy định cụ thể và công khai tỷ lệ điều tiết từ các nguồn thu phân chia, số bổ sung giữa các cấp NSĐP; ban hành các văn bản điều chỉnh cơ chế vay giữa các cấp NSĐP. Cần giao cho CQĐP quyền yêu cầu kiểm toán quyết toán NSĐP trước khi phê chuẩn quyết toán. Cơ quan kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán ở địa phương nào phải có trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm toán cho CQĐP cấp đó. CQĐP có thể được thuê doanh nghiệp kiểm toán độc lập để thực hiện kiểm toán các công trình có sử dụng vốn ngân sách và kiểm toán số thu ngân sách trên địa bàn.

Hai là, hoàn thiện công tác lập dự toán ngân sách của tỉnh.

Quy trình lập dự toán NSNN phải bảo đảm yêu cầu, căn cứ lập dự toán theo luật định, thực hiện đầy đủ, đúng trình tự xây dựng dự toán, quyết định, phân bổ, giao dự toán NSNN. Trong quá trình lập dự toán NSNN cần chú ý 2 khâu then chốt là khâu hướng dẫn và thông báo số kiểm tra về dự toán cho các đơn vị thụ hưởng NSNN; khâu xem xét dự toán của các đơn vị thụ hưởng ngân sách gửi cho cơ quan tài chính các cấp. Lập dự toán NSNN cấp tỉnh phải tính đến kết quả phân tích, đánh giá tình hình thực tế kế hoạch ngân sách của các năm trước, đặc biệt là của năm báo cáo, dựa trên các chế độ chính sách, tiêu chuẩn, định mức cụ thể về thu – chi NSNN, đồng thời, bảo đảm đúng thời gian và quy trình từ dưới cơ sở tổng hợp lên, có như vậy mới sát với thực tế từng địa phương, đơn vị.

Đối với các đơn vị trong tỉnh, lập dự toán phải bám sát yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Lập và gửi dự toán đúng theo quy định, Sở Tài chính tổng hợp và xây dựng dự toán ngân sách trên cơ sở dự toán của các cơ quan, đơn vị, đồng thời dự kiến nguồn thu được hưởng để cân đối NSNN.

Xây dựng định mức chuẩn mực làm cơ sở cho việc lập dự toán và xét duyệt dự toán. Xây dựng các chuẩn mực khoa học làm cơ sở, căn cứ cho việc lập và xét duyệt dự toán ngân sách cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Ba là, hoàn thiện công tác chấp hành dự toán ngân sách của tỉnh.

Tổ chức thực hiện dự toán NSNN phải cụ thể hóa dự toán, duyệt chia ra hằng quý, tháng và được tiến hành theo nguyên tắc: kinh phí bảo đảm chi quỹ lương và kinh phí quản lý, kinh phí sự nghiệp được duyệt cả năm đều phải chia hằng quý, tháng và có tính mức tăng, giảm quỹ lương trong năm kế hoạch để điều chỉnh cho phù hợp; hình thành hạn mức thu – chi để bảo đảm theo tiến độ của năm kế hoạch.

Chấp hành dự toán NSNN cần có sự kết hợp giữa cơ quan tài chính các cấp bảo đảm ngân sách cấp trên quan tâm hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngân sách cấp dưới. Ngược lại, ngân sách cấp dưới phải chấp hành theo hướng dẫn, chỉ đạo của ngân sách cấp trên và thông tin kịp thời cho ngân sách cấp trên những khó khăn, thuận lợi trong quá trình chấp hành NSĐP để cùng nhau giải quyết. Đồng thời, các cơ quan chức năng quản lý NSNN đối với đơn vị thụ hưởng ngân sách phải thống nhất trong quản lý nhằm tránh sự chồng chéo không cần thiết.

Bốn là, hoàn thiện công tác quyết toán ngân sách của tỉnh.

Công tác quyết toán ngân sách phải chính xác, trung thực, đúng thời gian quy định. Tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách, cơ quan quản lý ngân sách tỉnh. Sở Tài chính có kế hoạch xét duyệt, thẩm định số liệu quyết toán để chấn chỉnh các sai phạm kịp thời.

Năm là, tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ kế toán tài chính các cấp.

Xây dựng đội ngũ kế toán tài chính có trình độ chuyên môn theo quy định, có đạo đức, trung thực, liêm chính, có ý thức phục vụ lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Đồng thời, cần có kế hoạch hợp lý về việc bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ kế toán một cách căn bản, đồng bộ trong quy hoạch đào tạo dài hạn và ngắn hạn.

Chú thích:
1, 2. Sở Tài chính tỉnh Luang Prabang năm 2016, 2017 và 2018.

Tài liệu tham khảo:
1.Luật Ngân sách nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào năm 2015.

2. Đảng bộ tỉnh Luang Prabang. Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Luang Prabang lần thứ XV, Luông Prabang, 2015.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh Luang Prabang. Báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Luang Prabang đến năm 2020, 2015.
4. Kho bạc Nhà nước tỉnh Luang Prabang. Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, vốn chương trình mục tiêu, vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng, 2019.

Dayaymone Viranon
NCS của Học viện Hành chính Quốc gia