Nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa

(Quanlynhanuoc.vn) – Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của cán bộ, công chức cấp xã, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ trên địa bàn tỉnh có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Theo đó, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kỹ năng, nghiệp vụ; kiến thức pháp luật, kinh tế, quản lý; tin học, ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã từng bước được nâng lên.

 

Cán bộ xã Phúc Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) xuống đồng tìm hiểu thực tế sản xuất. (Ảnh: ANH SƠN).

1. Đạo đức công vụ (ĐĐCV) là hệ thống các nguyên tắc, quy tắc, hành vi ứng xử trong công vụ nhằm điều chỉnh ý thức, thái độ, trách nhiệm, lương tâm của cán bộ, công chức (CBCC) trong thực thi công vụ. ĐĐCV được xây dựng trên nền tảng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; dân là chủ, dân làm chủ; CBCC là công bộc của dân. Giá trị cao nhất của ĐĐCV là phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc; vì lợi ích của Nhân dân, lợi ích của Tổ quốc mà phục vụ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ CBCC có đức, có tài, trong đó đức là gốc, là “nền tảng” quyết định sự thành công của người CBCC. Riêng đối với CBCC cấp xã, Người căn dặn: “Cấp xã là gần gũi dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi công việc đều xong xuôi”1. Theo đó, CBCC cấp xã phải có ý thức, thái độ, trách nhiệm tận tụy trong quan hệ với Nhân dân, dựa vào Nhân dân, làm lợi cho Nhân dân.

Yêu cầu về ĐĐCV của người CBCC cấp xã là phải tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đặt lợi ích của Nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết và trước hết; có tinh thần thái độ làm việc đúng mực; trung thực, không vụ lợi trong thực thi công vụ. Có ý chí vươn lên, giữ vững nguyên tắc tuyệt đối chấp hành kỷ luật, giữ được bản lĩnh, cốt cách của người CBCC; dám đương đầu với những khó khăn, thử thách; có tinh thần hợp tác, yêu thương, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp trong thực thi công vụ.

2. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 559 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 496 xã, 34 phường, 29 thị trấn. Số lượng CBCC cấp xã là 13.054 người, trong đó, cán bộ: 6.330 người, công chức: 6.724 người; CBCC nữ: 4.015 người, CBCC là người dân tộc thiểu số: 2.964 người2.

CBCC cấp xã là những người gần dân nhất, trực tiếp tiếp xúc, lắng nghe những ý kiến của nhân dân để phản ánh cho Đảng và Nhà nước hoàn thiện chính sách, pháp luật; trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống.

Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của CBCC cấp xã, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ CBCC cấp xã trên địa bàn tỉnh có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Theo đó, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kỹ năng, nghiệp vụ; kiến thức pháp luật, kinh tế, quản lý; tin học, ngoại ngữ của đội ngũ CBCC cấp xã từng bước được nâng lên.

Sự chuyển biến sâu sắc về ý thức thái độ, trách nhiệm, sự tận tâm, tận lực phục vụ Nhân dân của đội ngũ CBCC cấp xã đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, hướng tới sự hài lòng của người dân. Nhất là trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030. Về cơ bản, đội ngũ CBCC cấp xã đã có những chuyển biến tích cực, đáp ứng được yêu cầu trong thực thi chức trách, nhiệm vụ.

Theo số liệu điều tra, khảo sát của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa năm 2019 về sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của CBCC cấp xã trong thời gian qua, đánh giá về thái độ giao tiếp của CBCC cấp xã, đánh giá ở mức rất hài lòng: 15%; hài lòng: 18%; bình thường: 33,6%. Với tiêu chí CBCC cấp xã lắng nghe ý kiến của người dân, ở mức rất hài lòng chiếm 16,6%; hài lòng: 20,3%; bình thường: 24,7%. Về sự tận tình hướng dẫn của CBCC cấp xã, 10,3% người dân đánh giá rất hài lòng; hài lòng: 23,6%, trung bình: 32,6%. Nhất là khi được hỏi về CBCC có tuân thủ đúng quy trình trong giải quyết công việc hay không, 11,3% đánh giá ở mức rất hài lòng; hài lòng: 19%, bình thường: 34%3.

Theo số liệu trên cho thấy, người dân đánh giá khá tốt về thái độ, trách nhiệm phục vụ của đội ngũ CBCC cấp xã. Điều đó khẳng định trong những năm gần đây, đội ngũ CBCC cấp xã đã có nhiều chuyển biến tích cực, có trách nhiệm với Nhân dân, làm việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Trong thực thi công vụ, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu về đạo đức, lối sống; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; đi đầu trong cuộc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực như thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với công việc, thiếu tôn trọng Nhân dân; phiền hà, sách nhiễu Nhân dân; tham ô, tham nhũng, lãng phí…

Tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ CBCC cấp xã ngày càng có chuyển biến tích cực, có bước đột phá quan trọng. Theo số liệu điều tra, khảo sát của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa về tinh thần, trách nhiệm với công việc của đội ngũ CBCC cấp xã cho thấy: đánh giá sự tận tụy phục vụ Nhân dân của CBCC ở mức rất tốt: 11,1%; tốt: 22,2%; khá: 55,5%; trung bình: 8,8%; về tinh thần, trách nhiệm với công việc ở mức rất tốt đạt: 11,1%; tốt: 31,1%; khá: 37,1%; trung bình: 20%4.

Về ý thức tổ chức kỷ luật, phần lớn CBCC cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trưởng thành và phát triển từ các vùng quê nông thôn với đức tính hiền lành, cần cù, có tinh thần tương thân, tương ái. Họ có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; có ý thức tự rèn luyện tu dưỡng và giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, giữ gìn đoàn kết nội bộ; chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo số liệu điều tra, khảo sát của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đánh giá về tính kỷ luật, kỷ cương của CBCC cấp xã trên địa bàn tỉnh:  kết quả ở mức độ rất tốt là: 8,8%; tốt: 24,4%; khá: 51,1%; trung bình: 11,1%; kém: 4,4%5.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số CBCC vi phạm ĐĐCV trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ do tổ chức giao. Thái độ phục vụ Nhân dân của một bộ phận CBCC còn yếu kém, bất cập.

Qua việc lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của đội ngũ CBCC cấp xã trên địa bàn tỉnh cho thấy, một bộ phận CBCC trong thực thi công vụ thiếu trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp. Một bộ phận CBCC tham nhũng, cửa quyền, thiếu tinh thần phục vụ, vô cảm trước yêu cầu của Nhân dân, của xã hội; chưa lấy việc phục vụ Nhân dân làm thước đo cho kết quả thực thi công vụ của bản thân. Chính điều này dẫn tới tình trạng quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà đối với Nhân dân, lợi dụng quyền hạn, chức trách mà Nhân dân uỷ thác để tham nhũng, làm biến dạng những chuẩn giá trị của người CBCC.

3. Để tiếp tục nâng cao ĐĐCV cho đội ngũ CBCC cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới hiện nay, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức cho đội ngũ CBCC cấp xã về sự cần thiết phải nâng cao ĐĐCV. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền và tổ chức chính trị – xã hội quản lý trực tiếp đội ngũ CBCC cấp xã cần nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của ĐĐCV trong bối cảnh đất nước phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, từ đó có những cách làm cụ thể như: xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá gắn với từng vị trí, chức danh của CBCC đảm nhiệm; lựa chọn CBCC đi đào tạo, bồi dưỡng; quyết liệt trong công tác quản lý CBCC; xây dựng môi trường làm việc, tạo động lực cho CBCC. Đối với đội ngũ CBCC, phải tự nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của ĐĐCV để không ngừng rèn luyện, phấn đấu và hoàn thiện bản thân với tinh thần hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân; đặt lợi ích của Nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết.

Hai là, đổi mới công tác đánh giá CBCC cấp xã dựa trên bộ tiêu chí cụ thể về ĐĐCV gắn với từng vị trí, chức danh của CBCC cấp xã. Theo đó, phải tập trung nghiên cứu ban hành và triển khai thực hiện bộ tiêu chí chuẩn về ĐĐCV làm công cụ đánh giá CBCC. Căn cứ vào bộ tiêu chí đánh giá ĐĐCV sẽ tránh được tình trạng đánh giá CBCC chung chung, hình thức, tùy tiện và cảm tính. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá ĐĐCV phải căn cứ vào các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình thực tiễn của xã, phường, thị trấn để xây dựng cho phù hợp với từng chức danh, vị trí việc làm cụ thể.

Ba là, xây dựng môi trường làm việc, tạo động lực cho CBCC cấp xã. Môi trường làm việc có ý nghĩa quan trọng ảnh hưởng đến ý thức, thái độ, trách nhiệm và lương tâm của CBCC trong thực thi nhiệm vụ. Môi trường làm việc của CBCC là mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới; giữa đồng nghiệp với nhau. Trong đó, mối quan hệ giữa các CBCC phải thể hiện là sự chân thành, thân thiện, đoàn kết, thương yêu, gắn bó; không có sự đố kỵ, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau trong thực thi công vụ.

Mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới là dân chủ, gần gũi, tin tưởng lẫn nhau; cấp dưới không nịnh bợ, không xuyên tạc quyết định của cấp trên; thẳng thắn góp ý với cấp trên khi thấy cần thiết. Cấp trên đối với cấp dưới không quan liêu, hách dịch; tôn trọng và tin tưởng cấp dưới; sâu sát, kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cấp dưới; khách quan, công tâm; tạo môi trường thuận lợi cho cấp dưới cống hiến, phấn đấu và phát triển. Môi trường làm việc cũng cần quan tâm đến cơ chế đánh giá đúng năng lực, phẩm chất cá nhân của CBCC. Điều này sẽ khuyến khích tính sáng tạo, phát huy hết năng lực của CBCC cấp xã trong thực thi công vụ.

Bốn là, phát huy tính tích cực, chủ động, tinh thần gương mẫu của CBCC cấp xã trong thực thi công vụ. Nâng cao ĐĐCV của CBCC là công việc thường xuyên, lâu dài, đòi hỏi sự tự thân rèn luyện, phấn đấu của đội ngũ CBCC; sự giám sát của các tầng lớp Nhân dân. Với sự quyết tâm rèn luyện của đội ngũ CBCC, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và xã hội, ĐĐCV của đội ngũ CBCC cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 460.
2, 3, 4, 5. Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa. Báo cáo tổng hợp số liệu điều tra, khảo sát về đạo đức công vụ của cán bộ, công chức cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa, 2019.

TS. Lê Văn Phong
 Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa