Sự cảm hóa và giáo dục con người trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Hồ Chí Minh là con người nhân ái, vị tha, con người mà trái tim yêu thương dành tất cả cho đồng bào mình và cho toàn nhân loại cần lao. Tư tưởng, đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh là hiện thân cao đẹp của chủ nghĩa nhân văn cộng sản.

 

Ngày 12/12/1961 Bác về thăm Thanh Hóa lần thứ 4. Trong ảnh Bác Hồ chia kẹo cho trẻ em ở nhà trẻ cơ quan Tỉnh ủy Thanh Hóa (Nguồn: Ảnh tư liệu).

Có lẽ rất ít, rất hiếm những lãnh tụ, những chính trị gia được ngợi ca bằng tình cảm chân thành, ngưỡng mộ, kính phục của lòng mình như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để đạt tới đỉnh tôn vinh đó, bởi Hồ Chí Minh là bậc hoàn nhân trong khái niệm về con người.

Hồ Chí Minh vĩ đại trước hết là ở nhân cách Hồ Chí Minh, từ nhân cách lớn ấy, cho thấy một Hồ Chí Minh nhân đạo, nhân tâm, nhân đức, nhân ái, nhân hòa, nhân hậu, nhân nghĩa… Những yếu tố đạo đức, tình cảm gắn liền với chữ nhân trong cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh đã tỏa sáng ở Người tư tưởng nhân văn – đạo đức nhân văn cao đẹp.

Tư tưởng, đạo đức nhân văn của Hồ Chí Minh biểu thị trước hết là ở ý chí giải phóng dân tộc, loại trừ chủ nghĩa thực dân ra khỏi các nước thuộc địa, giành lại độc lập dân tộc, đem đến cho con người cuộc sống tự do, bình đẳng, hạnh phúc.

Chủ nghĩa thực dân (mà chúng ta đã biết đến) đã đem xiềng xích, áp bức, đói nghèo, ngu dốt, bệnh tật… đè nặng lên số phận các dân tộc. Chính bởi thế, vấn đề giải phóng dân tộc, giành lại tự do – độc lập luôn là khát vọng cháy bỏng của các dân tộc bị áp bức trong thế kỷ XX và Hồ Chí Minh là một trong những người tượng trưng cho ý chí và khát vọng đó của dân tộc và nhân loại.

Bác của chúng ta sinh ra khi đất nước đã rơi vào sự xâm lược của thực dân Pháp. Uất hận trước những bất công, bạo tàn mà chủ nghĩa thực dân gây ra trên đất nước của mình, với đồng bào mình. Tháng 6/1911, Người quyết ra đi tìm đường cứu nước, với một mục đích tối cao được xác lập ngay từ đầu là muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác làm như thế nào, rồi sẽ trở về giúp đồng bào cởi bỏ xiềng xích, áp bức, bóc lột.

Mười năm sau ngày ra đi tìm đường cứu nước (năm 1920), Hồ Chí Minh từ hành trang ban đầu là chủ nghĩa yêu nước, Người đã bắt gặp và tiếp thu ánh sáng dẫn dắt của chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa quốc tế vô sản, ý chí xóa bỏ chủ nghĩa thực dân từng nung nấu, được Người tiếp tục khẳng định một cách vững vàng. Năm 1921, Người là tác giả của cuốn sách “Bản án chế độ thực dân”. Nội dung cuốn sách như một đòn giáng mạnh vào chủ nghĩa thực dân, đế quốc.

Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân”, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã kịch liệt tố cáo và luận tội chế độ thực dân trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế cho đến văn hóa – xã hội, vạch rõ cho toàn thể loài người tiến bộ thấy: chủ nghĩa thực dân là một chế độ thối nát mà từ đầu đến cuối đều viết nên bằng máu của người dân bản xứ và trong khi tố cáo, kết án chế độ thực dân, Hồ Chí Minh cũng bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc, tình thương yêu vô bờ bến, đối với nhân dân lao động các nước. Đồng thời, Người thống thiết kêu gọi giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới đoàn kết nhau lại để tranh đấu, thủ tiêu chế độ thực dân đế quốc.

Đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, đến với chủ nghĩa nhân văn cộng sản, Hồ Chí Minh đã bày tỏ những quan điểm, quan niệm về con người, sự đối xử và hành động để giành lấy tất cả những gì tốt đẹp nhất, cao quý nhất, cho con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng xác định và tâm niệm rằng: giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, cuối cùng là để đi tới giải phóng con người, làm cho con người được sống sung sướng, vẻ vang, tự do, bình đẳng và tạo điều kiện để con người có thể phát huy đến trình độ cao, những nghị lực sáng tạo phi thường của mình. Đó là lý tưởng nhân văn Hồ Chí Minh, mà cội nguồn chính là sự trân trọng phẩm giá con người, thương yêu con người, tin vào sức sáng tạo của con người, coi quyền được tự do, hạnh phúc và lợi ích của con người là thước đo giá trị tinh thần chung của nhân loại.

Quan niệm về con người của Hồ Chí Minh không phải là con người chung chung, trừu tượng mà luôn là con người cụ thể. Từ đó, tư tưởng, đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh hướng trước hết vào những đồng bào đang bị đọa đầy, đau khổ của mình và sau là cả nhân loại cần lao còn bị áp bức, tủi nhục. Tình thương yêu con người của Hồ Chí Minh không có biên cương, giới hạn, không có sự phân biệt về chủng tộc màu da, xứ sở.

Thiếu tướng Hoàng Hữu Kháng – nguyên là chiến sỹ cận vệ của Bác, kể lại: Cách mạng tháng Tám thành công, khi về thủ đô, có một đêm ngủ trên góc một căn nhà giữa thành phố, Người thức giấc khoảng 4h sáng. Ngoài trời lạnh, gió vun vút đập cửa kính, ngồi trong phòng còn thấy lạnh, thế mà có một tiếng trẻ non nớt rao hàng từ dưới đường vọng lên. Bác hé mở cửa sổ xúc động, lặng lẽ, ngó nhìn bóng dáng mảnh mai của em bé, cho đến khi em đi khuất sang phố khác, Bác mới từ từ khép cửa lại, ngồi trầm ngâm, suy nghĩ… Phải chăng trong tâm tưởng của Bác, giờ này em bé đó, đáng ra đang còn được say sưa giấc nồng trong chăn ấm, đệm êm, để lát nữa thôi, bố mẹ gọi em dậy cho ăn quà sáng, rồi tung tăng cắp sách cùng bạn bè đến trường đi học? Bác thương một số phận nhỏ bé đã sớm phải bươn trải với đời, kiếm kế sinh nhai.

Trong kháng chiến chống Pháp, bác sỹ Vũ Đình Tụng – một nhân sỹ công giáo có con hy sinh trong chiến đấu. Bác kịp thời gửi thư thăm hỏi. Sự chia sẻ chân tình ấy của Người, luôn nâng đỡ con người lớn dậy trước mọi bất hạnh, mất mát, đau thương của cuộc đời.

Trong kháng chiến chống Mỹ, khi đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo với Bác về trận thắng đẹp ở miền Nam, ta tiêu diệt được một số lượng rất lớn quân địch. Bác nghe, nhưng vừa vui đấy vừa một thoáng trầm tư, Bác nói: sao một trận đánh, nhiều người chết như vậy lại là một trận đánh đẹp? theo Bác, chỉ nên gọi đó là trận thắng lớn thôi!

Tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh, nhiều học giả đã thống nhất một nhận định chung: Người là một mẫu mực, một tấm gương trong sáng, nêu cao phong cách sống “chính tâm”. Cái chính tâm của nhân cách Hồ Chí Minh là Người đã từng sống chân thật, sống mộc mạc, sống ngay thẳng với chính lòng mình. Một tấm lòng bác ái, bao dung, thương người, yêu nước, yêu dân, yêu đồng chí, yêu bè bạn, anh em, yêu đồng loại tha thiết. Có thể nói, sức mạnh chinh phục, cảm hóa lòng người của Hồ Chí Minh, chính là từ cái tâm của Bác. Câu chuyện về cụ Huỳnh Thúc Kháng khi cụ ra Hà Nội nhận chức trong Chính phủ đã làm sáng tỏ điều đó. Cái chính tâm đầy tính đạo đức nhân văn ở Hồ Chí Minh khiến Người luôn gần gũi, thân thiết với cả dân tộc và với từng con người trong niềm kính trọng sâu lắng.

Nhớ lại, giữa không khí trang nghiêm, long trọng của lễ Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945, khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – mà tự nhiên nửa chừng, Người dừng lại để hỏi một câu bình dị: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Quả là chỉ có một mình Bác của chúng ta làm như thế! Có lẽ các chính trị gia, các lãnh tụ của các nước khác, chưa ai có thể làm như vậy! Một vị lãnh tụ tối cao của cả dân tộc, sao mà giản dị, chan hoà, thân tình, thân thiết đến thế, với quảng đại quần chúng nhân dân của mình.

Cũng vẫn tình thương yêu con người, một khía cạnh khác đã cho chúng ta thấy ở Hồ Chí Minh lòng bao dung, độ lượng, đức chí công vô tư trong việc đối xử với con người. Tư tưởng, đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh vì thế luôn chứa đựng tràn đầy tinh thần lạc quan đối với con người, tin vào bản chất tốt đẹp và khả năng vươn lên của mỗi con người, dù lúc nào đấy, nhất thời họ có lầm lỗi hoặc còn những nhỏ nhen, thấp kém.

Với tình cảm tin yêu con người, tạo điều kiện để con người có khả năng phát triển toàn diện những ý muốn hiểu biết và sáng tạo, trân trọng quyền biểu thị khát vọng chân lý: tự do, công bằng, bình đẳng và bác ái để tận hưởng mọi niềm vui, hạnh phúc trên thế gian… Tất cả vì con người, đó là lẽ sống, là hành động, là đạo lý, là hoài bão và ước vọng cao cả của Hồ Chí Minh.

Nội dung tư tưởng đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh có thể khái quát ở những điểm chính sau: đó là lòng yêu thương, quý trọng con người; là niềm tin tưởng mãnh liệt vào sức mạnh và phẩm giá của con người; là đem lòng bao dung, độ lượng, chí công vô tư để đối xử với con người; là ý chí đấu tranh để giải phóng con người.

Khẳng định giá trị chân chính và ý nghĩa giáo dục thiết thực của tư tưởng, đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Văn Đồng đã viết: “Hồ Chí Minh là hiện thân của chủ nghĩa nhân văn theo ý nghĩa đầy đủ. Đó là một con người thương yêu, kính trọng, tin tưởng, biết đòi hỏi và nâng đỡ con người, đối với từng người cũng như đối với đông đảo nhân dân lao động, Người quan tâm đến số phận của hết thảy mọi người…”1

Đúng vậy, đối với con người, Hồ Chí Minh chăm lo, quan tâm đến những điều cụ thể, đích thực mà đời thường nhất. Đi thăm các cơ sở, các hợp tác xã, các công trường, xí nghiệp, Người quan tâm tới vấn đề lớn là cơ sở vật chất – kỹ thuật, cách thức làm ăn, hiệu quả kinh tế – nhưng, trước hết, đầu tiên, là Người để ý một cách chu đáo tới việc ăn, ở của người lao động, thường thì Người không tới ngay chỗ bố trí đón tiếp mình mà người xuống thẳng bếp ăn, vào phòng ở và hơn thế, còn xem xét cả nơi tắm giặt, vệ sinh. Nơi nào xấu người chê, nơi nào tốt người khen và yêu cầu cần phải tốt hơn nữa. Đi đến đâu, Người cũng căn dặn cán bộ lãnh đạo phải quan tâm tới điều kiện sinh hoạt tinh thần, vật chất của công nhân, phải chăm lo tới nơi ăn, chỗ ở, chỗ làm việc của người lao động.

Người thường dạy người cán bộ lãnh đạo, quản lý là phải nhất quán giữa lời nói và việc làm; giữa suy nghĩ và hành động; phải biết sống mẫu mực nêu gương, làm gương; phải có tâm có đức, có tình có nghĩa; phải quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phải hiểu biết cấp dưới và quần chúng để động viên tính tích cực, hăng hái ở họ, lôi cuốn họ tham gia công việc chung. Với người cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải biết được những nhu cầu đó, bởi nhu cầu là nguồn gốc của tính tích cực cá nhân, là điều kiện và động lực của mọi hành động.

Hồ Chí Minh nói: “Nhân dân ta rất cần trông thấy lợi ích thiết thực. Đối với nhân dân không thể lý luận suông, chính trị suông” 2. Quả thật, nếu cứ lý luận suông, chính trị suông, sẽ chỉ làm người ta “no cái tai, đói cái bụng”, và hậu quả không lường sẽ là ở sự đổ vỡ lòng tin.

Cái đức, cái tâm trong tư tưởng, đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh cũng là một bài học vô giá, đối với người cán bộ làm công tác quản lý, lãnh đạo. Quần chúng nhân dân, cán bộ cấp dưới rất cần, rất trông chờ cái tâm của người lãnh đạo. Có cái tâm trong sáng thì mọi ham muốn, vun vén cá nhân được gạt bỏ. Có cái tâm, người cán bộ lãnh đạo sẽ có nhiệt tình, có ý chí và dũng khí để lo toan những việc lớn nhỏ cho tập thể, cho Nhân dân, giúp họ thoát khỏi sự bất công, nghèo nàn, từng bước đưa họ qua gian nan, thử thách, tiến tới cuộc sống tươi vui, hạnh phúc.

Bằng những quan điểm nhân văn, chuẩn mực nhân văn sâu sắc, Hồ Chí Minh đã để lại cho các cấp, các ngành, các giới, các đoàn thể chúng ta từng lời dạy bảo ân tình, thiết thực. Bản thân Hồ Chí Minh là một tấm gương hoàn mỹ, thánh thiện trong sự rèn luyện, học tập, sống và chiến đấu để trở thành người và làm người. Thật thấm thía, chí lý, chí tình, khi Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở chúng ta phải phấn đấu, tu dưỡng, học tập.

Có thể khẳng định, cốt lõi tư tưởng đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh chính là ở vấn đề Người tin dân mãnh liệt, nhưng cũng lại thương dân hết mực. Tình thương con người của Hồ Chí Minh khởi nguồn từ nhiều cơ sở, nhưng cội nguồn sâu xa, chính là từ truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam, mà trực tiếp nhất, gần nhất là từ quan niệm: “Ái Quốc là Ái Dân” của cụ Nguyễn Sinh sắc – thân phụ của Người. Cụ Hoàng Thị Loan – thân mẫu của Bác với những đức tính cao đẹp: cần cù, chịu thương, chịu khó, đảm đang, hết mực yêu chồng chăm con, sống thủy chung, nghĩa tình, nhân hậu với xóm giềng, làng nước tạo ảnh hưởng lớn, góp phần hình thành nên nhân cách, tình người ở Hồ Chí Minh tự ấu thơ, cho tới suốt cả cuộc đời.

Có lẽ chưa một ai, không một ai có tình yêu thương con người cao cả, bao la như tình thương của Bác, một tình thương tự nhiên, thắm đượm hồn người đối với tất cả những ai cực khổ, bần hàn. Và quan trọng hơn, rất cần nhấn mạnh, tình cảm ấy ở Hồ Chí Minh là tình cảm tự nhiên, luôn thường trực ở Người, vì cái tình ấy không phải là lòng thương hại của bề trên ban phát cho kẻ dưới, cho đám dân cùng cực, càng không phải là thứ tình cảm động lòng trắc ẩn.

Nét nổi bật trong tư tưởng, đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh còn biểu hiện ở thái độ sống, ở hành động cứu đời, cứu người, ở lối sống, cách ứng xử trong đời sống hằng ngày. Chính vì thế, tình thương yêu con người của Hồ Chí Minh không dừng lại ở cái đau, ở sự cảm thông, xót xa cho số phận của đồng bào mình và của những người cùng khổ trên trái đất; mà cao hơn, tình thương yêu con người ở Hồ Chí Minh đã trở thành hoài bão, ý chí và quyết tâm hành động, dành tất cả tâm trí, sức lực của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại, giải phóng con người, đem lại tự do và nhân phẩm, trả lại cho con người chân giá trị được làm người.

Hồ Chí Minh không những có niềm tin bất tận vào nghị lực và lương tri của mỗi con người, mà còn hằng khơi dậy, thúc giục ở con người khả năng vươn lên, tự hoàn thiện, đoàn kết, phấn đấu, để giành lại phẩm giá cho dân tộc mình và nhân phẩm, tự do cho các dân tộc khác. Hồ Chí Minh luôn hòa mình với Nhân dân, nêu cao phong cách dân chủ và tập thể, giản dị và khiêm tốn, thắm đượm tình đồng chí, tình đồng bào và tình nghĩa năm châu, bốn biển.

Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh được thế giới ca ngợi một cách trân trọng và công nhận: tư tưởng nhân văn ấy, phẩm chất đạo đức cao quý ấy đã tập trung vào một con người bình dị mà vĩ đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là tinh hoa của dân tộc mà là tinh hoa của nhiều thế hệ nhân loại – Người thuộc về giá trị vĩnh hằng của cả loài người.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn lúc nào hết, khối di sản tư tưởng quý báu của Hồ Chí Minh cần được nghiên cứu thấu đáo để vận dụng đầy đủ, tích cực trong công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Khai thác riêng khía cạnh tư tưởng, đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta phải xác định sự quan tâm hơn nữa đến vấn đề con người, đến chiến lược con người. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân, phù hợp với lòng dân, chỉ trên cơ sở tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, mới khơi dậy được khả năng tiềm tàng của sức mạnh dân tộc, vươn lên chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, để xây dựng đất nước phồn thịnh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Con đường đó, phương hướng đó, chính là công cuộc cách mạng vĩ đại giải phóng con người về mọi mặt, phấn đấu thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh theo hoài bão, tư tưởng, ý nguyện mà Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc mong muốn.

Chú thích:
1. Phạm Văn Đồng. Hồ Chí Minh – quá khứ, hiện tại và tương lai. Tập 2. H. NXB Sự thật, 1991, tr. 49.
2. Hồ Chí Minh. Sửa đổi lề lối làm việc. H. NXB Tiền Phong, 1985, tr. 62.

TS. Lê Đình Lung
Học viện Hành chính Quốc gia