(Quanlynhanuoc.vn) – Trong giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về công tác cán bộ. Từ đó, xây dựng cho được đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức tương xứng và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tổ chức, đào tạo và huấn luyện cán bộ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc xây dựng, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ cách mạng. Từ năm 1924, khi còn đang hoạt động cách mạng ở Trung Quốc, Người đã quan tâm tới việc bồi dưỡng lý luận cách mạng cho một bộ phận thanh niên ưu tú của phong trào yêu nước Việt Nam, tổ chức được nhiều lớp huấn luyện cho các nhà cách mạng trẻ tuổi với sự tham gia của nhiều thanh niên tiến bộ, như: Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu… Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng đấu tranh giành chính quyền và sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh: “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”1.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, nhân tài chính là tài sản quốc gia. Người viết: “Cán bộ là tiền vốn của Đoàn thể”2. Cán bộ tốt chính là những hạt nhân của hoạt động cách mạng, không có cán bộ, nhân tài thì chắc chắn sẽ không thực hiện được công tác chung. Để có cán bộ tốt, theo Người, trước hết, cần phải chú trọng khâu đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cán bộ, cụ thể là bồi dưỡng đạo đức và năng lực của cán bộ. Người nhấn mạnh: “Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”3.
Trong hai tiêu chuẩn căn bản để định hướng công tác ĐTBD, Người đặc biệt quan trọng vấn đề đạo đức của người cán bộ, coi đạo đức là cái gốc của mọi phẩm chất nhân cách khác. Tài năng phải gắn liền với đạo đức cách mạng, là “hoa thơm” nở trong “vườn” đạo đức. Người ví đạo đức cách mạng cũng như “sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”4.
Hồ Chí Minh cũng đã nhắc nhở việc dùng người không đúng với năng lực sở trường sẽ không mang lại hiệu quả, thậm chí dẫn đến nhiều tác hại cho cách mạng. Vì thế, cần phải giúp đỡ để người ta sửa chữa khuyết điểm và phát huy ưu điểm, tránh việc người có tài năng về việc này lại phân công làm việc khác. Khi công việc không mang lại hiệu quả, người được phân công sẽ chán nản, không yêu thích công việc, làm ảnh hưởng đến công việc chung. Vì vậy, phải chú ý đến khả năng làm việc của từng người để phân công công việc cho phù hợp, đồng thời thường xuyên giúp đỡ để khắc phục hạn chế của cán bộ.
Trong bối cảnh những thách thức và yêu cầu đặt ra như vậy, việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ để vận dụng vào thực tiễn nâng cao chất lượng, hiệu quả ĐTBD là rất cần thiết. Tư tưởng của Người được thể hiện như sau:
Một là, xác định chức năng, nhiệm vụ ĐTBD. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói và viết về ĐTBD, Người dùng khái niệm “huấn luyện”, “huấn luyện cán bộ”. Theo Người, công tác “huấn luyện” cán bộ là để làm việc được tốt, cán bộ ở môn nào phải học cho thạo công việc ở trong môn ấy. Như vậy mục tiêu của “huấn luyện cán bộ” trong tư tưởng của Người là “thạo việc” tức là phải nắm vững lý luận và phải làm được việc.
Hai là, cách tổ chức “huấn luyện nghề nghiệp”. Về chương trình huấn luyện: Học cái gì? Tư tưởng của Người về việc biên soạn các tài liệu học tập rất hiện đại, xuất phát từ mục tiêu “huấn luyện cán bộ”. Chương trình huấn luyện, theo Người, phải thiết thực đối với công việc.
Về cách học: Học như nào? Người đề cao tính tự giác, tích cực của người học và cho rằng, phải lấy tự học làm nòng cốt. Đối với Hồ Chủ tịch, “huấn luyện” không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, trước hết người cán bộ phải tự huấn luyện. Đối với Người, thầy giáo là người hướng dẫn, định hướng nội dung học tập để cùng trao đổi, thảo luận; tuyệt đối không phải là người chỉ đứng trên bục giảng để thuyết trình.
Về đội ngũ giáo viên, giảng viên: Hồ Chủ tịch rất coi trọng hoạt động của người giáo viên. Bởi trên thực tế, việc “thảo luận” và “chỉ đạo” đối với cán bộ, những người đang làm việc, có kinh nghiệm thực tiễn là việc làm rất khó. Bởi vậy, Người yêu cầu phải lựa chọn rất cẩn thận những nhân viên phụ trách việc huấn luyện đó.
Ba là, ĐTBD cán bộ phải có nội dung, kế hoạch phù hợp với từng loại cán bộ, từng vị trí, lĩnh vực cụ thể. Tập huấn, ĐTBD cán bộ là công việc gốc của các cấp, các ngành, xác định là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong phát triển đội ngũ lãnh đạo hiện nay.
Bốn là, cần phải cấp bách đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức ĐTBD cán bộ trong quy hoạch theo chức danh cán bộ, gắn lý thuyết với thực hành, kỹ năng xử lý thực tiễn đối với từng chức danh; tăng lượng kiến thức về tư duy và tầm nhìn chiến lược, nhận thức và giải pháp ứng xử, đề phòng, giải quyết các vấn đề nảy sinh.
Năm là, cần tập trung bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ những kiến thức về lý luận chính trị, về lãnh đạo, quản lý, về khoa học xã hội, nhân văn và những kiến thức chuyên môn phù hợp với công việc được giao nhằm nâng cao khả năng phân tích, luận giải những vấn đề từ những chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng vào thực tiễn của đơn vị, lĩnh vực mà cá nhân đang được phân công phụ trách. Nâng cao khả năng phân tích, xử lý các tình huống, hình thành phương pháp nhận thức khoa học và giải quyết các vấn đề nhanh, nhạy và đạt hiệu quả cao nhất trong lãnh đạo, quản lý.
Sáu là, xây dựng mục tiêu, chương trình, phương pháp đào tạo sát hợp với từng loại đối tượng. Lấy tiêu chuẩn cán bộ làm căn cứ để xây dựng mục tiêu đào tạo. Nội dung chương trình đào tạo phải quán triết quan điểm: thiết thực, phù hợp với yêu cầu đối với từng loại cán bộ; chú trọng cả phẩm chất đạo đức và kiến thức, cả lý luận và thực tiễn; bồi dưỡng kiến thức cơ bản và kỹ năng thực hành nghề nghiệp cho cán bộ, đảng viên.
Bên cạnh đó, việc đổi mới công tác tổ chức cán bộ liên quan chặt chẽ tới người cán bộ, quản lý. Người cán bộ, quản lý phải biết trọng dụng người tài, phải chăm lo phát hiện, ĐTBD và sử dụng những người tài. Thực tế, có nhiều cán bộ có khả năng làm việc tốt nhưng chưa có cơ hội phát huy năng lực sở trường, sẽ lãng phí nhân tài. Việc phát hiện, bồi dưỡng, nuôi dưỡng người tài phải là việc làm thường xuyên, liên tục “như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”. Cần hết sức khách quan, đặt công việc lên vị trí trước hết, căn cứ vào năng lực thực sự của cán bộ để bố trí, sắp xếp công việc phù hợp, tránh lãng phí chất xám; đồng thời, cần phải độ lượng, chí công vô tư, không có thành kiến với cán bộ để cán bộ không bị bỏ rơi.
Đổi mới công tác tổ chức, đào tạo và huấn luyện cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhìn lại công tác tổ chức, ĐTBD cán bộ hiện nay, có thể nhận thấy một số vấn đề đáng quan tâm.
Thứ nhất, vấn đề bổ nhiệm cán bộ, quyền hạn chưa gắn đầy đủ với trách nhiệm cá nhân. Hiện nay, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu đơn vị được đề cập khá dè dặt, trong khi đó vai trò của tập thể lại được đề cao. Cơ chế bổ nhiệm cán bộ còn nhiều tầng nấc và thuộc thẩm quyền của một cơ quan khác, do đó những sai phạm của người dưới quyền sẽ khó gắn với trách nhiệm của người lãnh đạo, quản lý trực tiếp. Mặt khác, trên danh nghĩa, một quyết định do tập thể đưa ra nhưng không phải bao giờ tinh thần dân chủ cũng được phát huy bởi vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cán bộ được bổ nhiệm.
Thứ hai, cơ chế tuyển dụng, sa thải cán bộ, chính sách tiền lương còn nhiều bất cập. Với tuyển dụng suốt đời, khi người lao động thi đậu công chức gần như yên tâm công tác suốt đời. Mặc dù Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019; Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2011 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế có quy định về việc buộc thôi việc, nhưng trong thực tế số công chức, viên chức bị đưa ra khỏi bộ máy khá khiêm tốn.
Trên thực tế, việc định lượng để làm thước đo sàng lọc những cán bộ suy thoái, biến chất, vô cảm, quan liêu, sách nhiễu, làm việc không hiệu quả… còn chưa rõ ràng, dễ dẫn đến nhận định cảm tính. Người có năng suất lao động cao, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hay người có năng suất lao động thấp, được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ đều trả mức lương như nhau và cứ 24 tháng hoặc 36 tháng tăng một bậc lương. Điều đó có thể làm triệt tiêu động lực cạnh tranh, phấn đấu vươn lên của người lao động.
Thứ ba, tình trạng chạy chức, chạy quyền, tham nhũng. Vấn đề “chạy” đã được nêu trong Báo cáo Chính trị của Đại hội Đảng lần thứ XII, được nhắc đến trong nhiều diễn đàn Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan nào độc lập nghiên cứu thống kê, điều tra, khảo sát và có số liệu trả lời thỏa đáng về vấn đề này.
Để đổi mới công tác tổ chức, cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cần quan tâm một số giải pháp sau:
Một là, trao quyền gắn với trách nhiệm cá nhân và kiểm soát quyền lực. Mạnh dạn trao quyền tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ dưới quyền cho người lãnh đạo trực tiếp để buộc họ phải chịu trách nhiệm cao nhất về các quyết định của mình, nếu khi họ làm sai thì cơ quan cấp trên sẽ xử lý. Nhưng khi giao quyền thì phải có một cơ quan khác giám sát, kiểm soát quyền lực được giao (tránh lạm quyền). Xây dựng văn hóa từ chức khi không còn tín nhiệm trong tập thể, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có sai phạm.
Hai là, thay đổi phương thức tuyển chọn, thi tuyển, bầu cử, bổ nhiệm cán bộ. Tạo cơ chế tuyển dụng, thi tuyển theo nguyên tắc “mở” và cạnh tranh công khai để góp phần giảm tiêu cực trong công tác cán bộ. Phải bảo đảm minh bạch việc bầu cử, bổ nhiệm để nhân dân có thể tham gia giám sát, phản biện nếu cần thiết. Phải xây dựng đề án khoa học về đánh giá cán bộ nhằm lượng hóa các tiêu chí chính xác cho tất cả các ngành, các cấp, từ đó mới tiến hành quy hoạch, ĐTBD, đánh giá sau đào tạo, từ đó làm cơ sở bố trí, điều động, luân chuyển, đãi ngộ phù hợp. Tiến hành cải cách chính sách tiền lương, trước mắt cần thực hiện tốt Kết luận số 86-KL/TW ngày 24/01/2014 của Bộ Chính trị về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Ba là, phân công rõ ràng giữa chức năng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chức năng quản lý của Nhà nước đối với công tác cán bộ. Cần thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng một cách rõ ràng, cụ thể như: việc gì cần xin ý kiến cấp ủy, việc gì cấp ủy không can thiệp, cấp ủy chịu trách nhiệm công việc ở mức độ nào… Càng có các quy định cụ thể thì bộ máy vận hành càng tốt, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ.
Bốn là, thực hiện tinh giản biên chế, đồng thời xem xét từng bước sáp nhập một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Mạnh dạn sắp xếp lại tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, thực hiện việc giải quyết chế độ cho các trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc sức khỏe không bảo đảm…
Chú thích:
1.Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 313.
2, 4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 356, 292.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 10. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 346.
TS. Lê Đình Lung
Học viện Hành chính Quốc gia