Đổi mới chính sách, pháp luật về quyền học tập của người dân tộc thiểu số

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đến quyền học tập của mọi người dân, đặc biệt quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số bằng hệ thống chính sách, quy định pháp luật đặc thù; vì vậy, thời gian qua, quyền học tập của người dân các dân tộc thiểu số ở nước ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, việc bảo đảm quyền học tập của người dân tộc thiểu số vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần phải tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện.

 

Ảnh minh họa.
Chính sách, pháp luật về quyền học tập của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay

Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số với tỷ lệ 85,3% (82.085.729 người), còn lại 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với tỷ lệ 14,7% (14.123.255 người)1. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật quan trọng, đặc thù về giáo dục nhằm bảo đảm quyền học tập của người DTTS. Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập” (Điều 39) và “… Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn” (Điều 61). Các nội dung này đã được thể chế trong các văn bản pháp luật khác, như: Luật Giáo dục năm 2019 , Luật Phổ cập giáo dục tiểu học năm 1991, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Giáo dục Đại học năm 2018…

Chính phủ, các bộ, ngành đã triển khai tương đối đầy đủ, kịp thời các quy định của pháp luật về hỗ trợ giáo dục vùng DTTS. Giai đoạn từ năm 2010 – 2017, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành 42 văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục DTTS và có liên quan đến giáo dục DTTS theo thẩm quyền2. Chính sách, pháp luật về quyền học tập của người DTTS được thể hiện ở các nhóm: chính sách về nội dung, chương trình giáo dục; chính sách đầu tư hạ tầng giáo dục vùng DTTS; chính sách ưu tiên đối với người học là người DTTS; chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Hệ thống chính sách, pháp luật được ban hành tương đối đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý bảo đảm quyền học tập của người DTTS.

Thực trạng thực hiện chính sách, pháp luật về quyền học tập của người dân tộc thiểu số

Những kết quả đạt được

Cùng với việc thực hiện chính sách chung về nội dung, chương trình giáo dục quốc gia, các tỉnh vùng DTTS còn thực hiện chính sách riêng, đặc thù về giáo dục, như chính sách dạy tiếng nói, chữ viết DTTS; công tác xóa mù chữ; việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh…

Hiện nay, cả nước chính thức triển khai dạy và học 6 thứ tiếng DTTS trong các trường phổ thông (có chương trình và sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành) là: H’Mông, Chăm, Khơ Me, Gia Rai, Ba Na, Ê Đê ở 23 tỉnh, thành phố trong cả nước. Công tác xóa mù chữ cho đồng bào DTTS đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trung bình mỗi năm huy động được khoảng 30.000 người mù chữ từ 15 – 60 tuổi tham gia học các lớp xóa mù chữ (từ lớp 1 – 3); huy động được 25.000 người đã được công nhận biết chữ (học hết lớp 3) và những người đang học dở lớp 4, lớp 5 tham gia các lớp học giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ (từ lớp 4 – 5). Tính đến ngày 30/5/2018, tỷ lệ người DTTS biết chữ độ tuổi 15 – 60 là 92,55%3.

Việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ người DTTS trước khi vào lớp 1 được hầu hết các địa phương chú trọng. Một số địa phương đã tự biên soạn tài liệu chuẩn bị và tăng cường tiếng Việt phù hợp với thực tế của địa phương, qua đó có tác dụng tốt trong việc chuẩn bị vốn tiếng Việt cho trẻ.

Thực hiện chính sách về đầu tư cơ sở vật chất giáo dục vùng DTTS: với sự quan tâm của Nhà nước và sự cố gắng của các địa phương trong đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục vùng DTTS, hiện nay, 100% số xã có trường tiểu học, trung học cơ sở, trong đó 84,6% trường lớp học được xây dựng kiên cố; các lớp mẫu giáo cũng bước đầu được hình thành và phát triển ở các xã vùng cao. 100% xã đã đạt chuẩn phổ cập tiểu học, nhiều nơi đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở; các trung tâm giáo dục thường xuyên được thành lập ở các tỉnh và huyện; trung tâm học tập cộng đồng được thành lập ở hầu hết các xã ; hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được đầu tư xây dựng. Chất lượng giáo dục vùng DTTS từng bước được nâng cao: tỷ lệ học sinh tiểu học DTTS hoàn thành chương trình tiểu học đạt 95%; tốt nghiệp trung học phổ thông qua các năm đạt từ 95,64% – 99,8%4.

Cả nước có 4 trung tâm đại học khu vực: Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Hệ thống trường đào tạo nghề, trường cao đẳng được củng cố và phát triển. Toàn quốc có 4 trường dự bị đại học, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có đào tạo hệ dự bị đại học dân tộc và 3 khoa dự bị đại học dân tộc5. Các trường, khoa dự bị đại học đã và đang thực hiện tốt việc tạo nguồn đào tạo sinh viên DTTS, đáp ứng yêu cầu bức thiết về đào tạo cán bộ người DTTS.

Thực hiện chính sách ưu tiên đối với người học là người DTTS: nhờ có nhiều chính sách hỗ trợ của Trung ương, địa phương, nhất là chính sách cho học sinh nội trú, bán trú, cấp gạo, học bổng, miễn học phí, hỗ trợ học tập, cử tuyển, ưu tiên trong tổ chức đào tạo, trợ cấp xã hội… nên các em học sinh trong DTTS đã có điều kiện học tập tốt hơn; quy mô học sinh tăng, tỷ lệ huy động trẻ đến trường cao; bảo đảm duy trì sĩ số học sinh đến lớp, giảm tình trạng học sinh lưu ban, bỏ học giữa chừng…, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Thực hiện chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn: đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn ngoài việc được hưởng các chế độ, chính sách đối với nhà giáo nói chung thì còn được hưởng các chế độ, chính sách riêng theo quy định của Chính phủ như: chính sách trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; phụ cấp ưu đãi; phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp thu hút; phụ cấp dạy bằng tiếng và chữ viết của người DTTS; phụ cấp công tác lâu năm…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, trong đó, nguyên nhân chủ yếu do vùng DTTS có địa hình miền núi chia cắt, dân cư phân tán, nhiều hủ tục lạc hậu, trình độ dân trí không đồng đều tạo nên những khó khăn, bất cập trong thực hiện chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển giáo dục. Việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm quyền học tập của người DTTS chưa hiệu quả; việc sửa đổi, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục dân tộc còn chậm. Công tác điều tra, khảo sát để ban hành chính sách chưa thật cụ thể, sát hợp với các vùng miền; nguồn lực đầu tư cho giáo dục vùng DTTS chưa đáp ứng yêu cầu. Một số địa phương trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách chưa chặt chẽ, thiếu sự kiểm tra, giám sát; nhận thức của người DTTS về thực hiện quyền học tập vẫn còn hạn chế…

Những hạn chế, khó khăn

Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc dạy và học tiếng DTTS trong nhà trường, chất lượng việc dạy và học tiếng dân tộc chưa cao. Đa số các trường thiếu giáo viên dạy tiếng dân tộc, thiếu phương tiện, đồ dùng dạy học. Hiện nay, còn 20,8% tỷ lệ người DTTS chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt. Các nhóm DTTS gồm: Hà Nhì, Cơ Lao, Brâu, Mông, Mảng, Lự, La Hủ có trên 50% dân số không biết chữ6. Nhìn chung, chất lượng học tập của học sinh DTTS còn thấp, còn có sự chênh lệch lớn về chất lượng giáo dục giữa học sinh người DTTS và học sinh người Kinh.

Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vùng DTTS vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm quyền học tập của người DTTS. Các chương trình, dự án hỗ trợ, đầu tư hạ tầng giáo dục vùng DTTS thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực thực hiện…

Nhiều chính sách còn hạn chế, bất cập về đối tượng được hưởng, định mức, thời gian hưởng, phương thức hỗ trợ. Ví dụ các chế độ trong Thông tư số 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của liên bộ Tài chính và Giáo dục và Đào tạo  hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc đến nay không còn phù hợp nhưng chậm được điều chỉnh, ban hành mới. Một số chính sách đặc thù về giáo dục ở vùng DTTS thực hiện chưa tốt, đặc biệt là các chính sách như: cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ mặc dù rất thiết thực nhưng triển khai chậm, chất lượng đào tạo và sử dụng chưa cao…

Chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn chưa đồng bộ, còn tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau. Một số chính sách chưa được các địa phương thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ. Một số chính sách sau khi ban hành không có tính khả thi. Đơn cử như Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 có quy định tại Điều 9: “Hết thời hạn trên (thời hạn luân chuyển), nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tình nguyện ở lại để tiếp tục công tác và ổn định cuộc sống lâu dài thì được xét để cấp đất làm nhà, làm kinh tế trang trại, kinh tế gia đình và được vay vốn làm nhà, làm kinh tế với lãi suất ưu đãi trả dần trong 10 năm”. Nhưng trên thực tế, giáo viên ở lại vẫn không được hưởng các chính sách theo quy định…

Có được những kết quả trên là do nhận thức của các tầng lớp nhân dân nói chung và người DTTS nói riêng về tầm quan trọng, ý nghĩa của vấn đề quyền con người, trong đó có quyền học tập của người DTTS được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, thể chế pháp lý  hình thành và ngày càng hoàn thiện tạo khuôn khổ để bảo đảm trên thực tế quyền học tập của người DTTS; Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ sở giáo dục đào tạo đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền, chỉ đạo, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về quyền học tập của người DTTS…

Giải pháp đổi mới chính sách, pháp luật về quyền học tập của người dân tộc thiểu số

Thứ nhất, thể chế hóa kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo đảm quyền học tập của người DTTS. Trong đó chú trọng đến quyền học tập của người DTTS để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo đảm quyền học tập của người DTTS.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quyền học tập của người DTTS. Tiếp tục thực hiện đầy đủ và kịp thời chính sách, pháp luật hiện hành bảo đảm quyền học tập của người DTTS. Mặt khác, rà soát, đánh giá lại hệ thống chính sách, pháp luật trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách, pháp luật cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Thứ ba, kiến nghị Quốc hội nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật Giáo dục dân tộc. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có văn bản nào quy định rõ và có hệ thống về quyền học tập của người DTTS, mà quyền này chỉ mới được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Vì vậy, để tăng cường bảo đảm quyền học tập của người DTTS, cần có một văn bản pháp luật riêng điều chỉnh một cách toàn diện, đầy đủ nội dung này.

Thứ tư, bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch và dân chủ trong xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật. Nâng cao tính chuyên nghiệp trong tất cả các khâu của hoạt động xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật. Cần tạo điều kiện để người dân, đặc biệt là người DTTS – đối tượng thụ hưởng chính sách tham gia vào hoạt động này. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; kịp thời khen thưởng, động viên, tôn vinh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong viêc bảo đảm quyền học tập của người DTTS.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của giáo dục, về quyền học tập, nâng cao ý thức tự học của người DTTS. Phát triển bền vững vùng DTTS phải trên cơ sở nền giáo dục – đào tạo toàn diện, tiên tiến, luôn luôn được đổi mới, quyền học tập của người dân luôn được tôn trọng và bảo đảm thực hiện. Chú trọng thiết lập các điều kiện bảo đảm đáp ứng các nhu cầu học tập cơ bản và học tập suốt đời của người DTTS, nâng cao ý thức tự học tập, tự đào tạo của đồng bào DTTS.

Chú thích:
1. Kết quả tổng điều tra dân số Việt Nam, ngày 01/4/2019.
2, 4. Ủy ban Dân tộc. Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật về lĩnh vực dân tộc năm 2017.
3, 5. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Báo cáo hội thảo “Đánh giá việc thực hiện chính sách giáo dục và đào tạo đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, năm 2019.
6. Chính phủ. Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 – 2030. Hà Nội, 2019, tr. 18.
ThS. Đào Thị Tùng
Học viện Chính trị khu vực III