Xây dựng và nâng cao văn hóa công vụ – trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức

(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng và nâng cao văn hóa công vụ hiện nay đang là vấn đề cần thiết và cấp bách trong tiến trình cải cách nền hành chính quốc gia và chuyển đổi từ nhà nước quản lý sang nhà nước phục vụ. Để xây dựng nền công vụ thực sự hiện đại, trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới đòi hỏi mỗi cơ quan nhà nước phải thực sự là một thiết chế văn hóa công vụ; mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải thay đổi tích cực đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, xứng đáng là những “công bộc” của Nhân dân, tạo nên nét đẹp văn hóa của một nền hành chính văn minh, hiện đại.

 

Tại Hội thảo “Thể chế văn hoá công vụ ở Việt Nam – Lý luận và thực tiễn” do Học viện Hành chính quốc gia tổ chức, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn học nghệ thuật Quốc gia đã khẳng định văn hoá luôn được xem là nền tảng tinh thần và là động lực phát triển kinh tế – xã hội đối với mọi quốc gia. 

1. Ngày 27/12/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ (VHCV). Mục tiêu của Đề án được xác định là nâng cao VHCV, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, xã hội.

Với nghĩa vụ và trách nhiệm của CBCCVC trong hoạt động thực thi công vụ (TTCV), có thể hiểu, VHCV “là hệ thống biểu tượng, chuẩn mực, giá trị, niềm tin hình thành trong nhận thức, tạo nên tầm nhìn, tác động đến hành vi và lề lối làm việc, cách sống của người thực thi công vụ, của môi trường tổ chức, có khả năng lưu truyền và ảnh hưởng tới chất lượng công vụ”1.

Đối tượng áp dụng của Đề án VHCV là CBCCVC của các cơ quan hành chính nhà nước bao gồm: các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Theo đó, nội dung của Đề án VHCV tập trung chủ yếu: tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; chuẩn mực về đạo đức, lối sống; trang phục của CBCCVC. Đi kèm với đó là các giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hằng năm; các giải pháp thực hiện VHCV cũng như lộ trình hoàn thành.

Tại Điều 2 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định hoạt động công vụ “là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức” theo quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan. CBCCVC khi tham gia hoạt động công vụ phải tuân thủ các nghĩa vụ và có trách nhiệm thực hiện đúng quyền hạn được giao. Để đạt được điều đó, bên cạnh năng lực, trình độ CBCCVC còn phải hội đủ và thường xuyên rèn luyện phẩm chất, đạo đức để bảo đảm các quy định về đạo đức công vụ, đặc biệt là trách nhiệm trong công vụ.

Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án VHCV đã nêu rõ chuẩn mực ứng xử của CBCCVC đối với người dân khi giải quyết công việc, như: về tinh thần, thái độ làm việc của CBCCVC; về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của CBCCVC; chuẩn mực về đạo đức, lối sống của CBCCVC; về trang phục của CBCCVC…

2. Để xây dựng nền công vụ thực sự hiện đại, trong sạch, vững mạnh, mang các giá trị văn hóa cốt lõi, đáp ứng những yêu cầu của thời kỳ đổi mới, đòi hỏi mỗi cơ quan nhà nước phải thực sự là một thiết chế VHCV; mỗi CBCCVC nhà nước phải thực sự thay đổi tích cực, đặc biệt là đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính nhà nước theo hướng phục vụ. Theo đó, tại Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18/10/2012 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” với mục tiêu xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả.

Đây là những giá trị của lĩnh vực công vụ, VHCV phải hướng tới cùng với những giá trị khác như tuân thủ pháp luật… Để thực thi điều này trong thực tế nền công vụ, cần quan tâm đến 3 yếu tố cơ bản: (1) quy trình (những quy trình, quy định CBCCVC phải thực thi, tuân thủ theo công vụ); (2) để thực thi tốt quy định, quy trình này cho có hiệu lực, hiệu quả, rõ ràng đội ngũ CBCCVC phải là những người có năng lực làm ra sản phẩm, theo quy trình làm sao để đạt kết quả tốt; (3) lưu ý đến điều kiện để TTCV (CBCCVC phải có kiến thức, có kỹ năng, thái độ đúng đắn, đạo đức tốt trong việc thực thi VHCV).

Thời gian qua, nhiều vấn đề đã được giải quyết tốt trong TTCV, đặc biệt là những đóng góp của đội ngũ CBCCVC. Các địa phương trong cả nước đang tích cực cải cách hành chính và hướng tới cung cấp dịch vụ công cấp độ 3, 4 rộng khắp. Công nghệ giúp ích cho việc giải quyết công việc, tránh sự tiếp xúc trực tiếp có thể gây phiền hà cho người dân. Tuy nhiên, có những nội dung vẫn rất cần phải trực tiếp tiếp xúc với người dân, do đó vai trò của cán bộ tiếp xúc và giải quyết công việc trực tiếp vẫn quan trọng, đôi khi không thể thay thế được.

Thực tế ở địa phương hiện nay, thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, bao gồm 6 vấn đề: công tác chỉ đạo điều hành; thể chế; cải cách thủ tục hành chính và cơ chế một cửa liên thông; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC; cải cách hành chính công. Việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách có tác động rất tích cực đến việc thực hiện quy chế văn hóa công sở. Ví dụ: công tác chỉ đạo điều hành sẽ đề cao được trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ quan quản lý nhà nước; công tác cải cách hành chính và cơ chế một cửa và cụ thể là sự ra đời của Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả lời ở cấp huyện, cấp xã thực hiện nhiệm vụ chính là phục vụ tổ chức và cá nhân trong việc giải quyết thủ tục hành chính, người dân là đối tượng được phục vụ chính của các cơ quan, đơn vị này. Nhiệm vụ xây dựng và nâng cao đội ngũ CBCC sẽ góp phần giúp cho họ nâng cao năng lực, đồng thời có nhận thức, hiểu biết cụ thể về các quy chế văn hóa công sở, qua đó có cách thức để triển khai thực hiện đạt được hiệu quả.

Có thể thấy, cải cách hành chính là một quá trình đồng bộ để hướng tới nâng cao hiệu lực, hiệu quả của TTCV. Một quy trình thực hiện đã được xác định nhưng kết quả của nó tác động đến công dân, tổ chức như thế nào là do đội ngũ CBCCVC thực thi. Trong thời gian gần đây, quá trình TTCV đội ngũ CBCC đã có nhiều chuyển biến tích cực về mọi mặt. Một vấn đề khác cần lưu ý đó là, sự thay đổi về công nghệ đã giúp cho năng lực thực thi của cán bộ tốt hơn.

Về phía địa phương, khó khăn lớn nhất là thay đổi nhận thức. Đánh giá sự thay đổi văn hóa công sở liên quan đến việc đánh giá của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp biết được quyền hạn và cách thức tiếp cận những việc đưa thông tin đến những người có trách nhiệm xử lý công việc của họ còn hạn chế. Việc trang bị kỹ năng, tập huấn về văn hóa công sở, kỹ năng giao tiếp cũng còn nhiều hạn chế.

Mặc dù đã có nhiều văn bản, quy định, quy chế, yêu cầu về văn hóa và thực thi VHCV, yêu cầu về thực thi những giá trị của nền văn hóa, nhiều khi ở mức độ cao hơn là đạo đức trong công vụ. Tuy nhiên, việc thực hiện VHCV của CBCC ở một số nơi, một số thời điểm còn nhiều vấn đề khiến Nhân dân và dư luận bức xúc, như: một bộ phận không nhỏ CBCCVC tỏ ra thờ ơ, vô cảm trước nguyện vọng của công dân; không tôn trọng hoặc xem nhẹ kết quả làm việc của đồng sự; hút thuốc lá, sử dụng chất có cồn trong giờ làm việc; lãng phí (thời gian làm việc, nguồn lực công…).

Thời gian qua, khi cả hệ thống chính trị và Nhân dân cả nước đang gồng mình chống dịch Covid -19 thì lại có những CBCC nhà nước khai khống giá trị tiền mua thiết bị y tế, máy thở để ăn chênh lệch tiền của người dân đóng góp hoặc như ở một số địa phương bớt xén hoặc làm sai quy định chi sai gói hỗ trợ của Nhà nước dành cho người dân nghèo để trục lợi… Chỉ đến khi các cơ quan báo chí phanh phui thì các vụ việc trên mới được đem ra xử lý và với các hình phạt không thỏa đáng, nhiều địa phương, CBCC, cơ quan, đơn vị đổ lỗi cho nhau, trốn tránh trách nhiệm… Nhiều vụ việc bị phát hiện thì việc xử lý vi phạm còn xuề xòa, có hiện tượng bao che, muốn giấu đi, muốn xử lý nội bộ…

3. Để nâng cao VHCV, trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong xây dựng VHCV, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong nền công vụ, cần tập trung vào những nội dung:

Thứ nhất, cần có sự phân công, phân cấp trong quản lý rõ ràng, tách bạch giữa trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được tuyển chọn phải là những người thực sự có văn hóa, đạo đức, năng lực, trình độ, kiến thức quản lý nhà nước.

Thứ hai, cần thay đổi các định mức tiêu chuẩn trong TTCV để bảo đảm các định mức tiêu chuẩn được quy định là phù hợp với tình hình thực tế nhằm ngăn ngừa việc cố ý báo cáo sai hoặc “chế biến”, “vận dụng” các chế độ định mức trong việc TTCV. Việc cố ý báo cáo sai hoặc “chế biến”, “vận dụng” các định mức tiêu chuẩn nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ hình thành thói quen thiếu trung thực của CBCCVC.

Thứ ba, tăng cường hoạt động thanh tra công vụ để bảo đảm nền công vụ được vận hành theo đúng định hướng và mục tiêu đã đặt ra. Đây là một giải pháp đặc biệt quan trọng để nâng cao VHCV. Có thể nói rằng, các quy định về TTCV hiện nay là rất nhiều và tương đối đầy đủ nhưng để thực hiện có hiệu quả thì phải tăng cường thanh tra công vụ để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của CBCCVC. Thanh tra công vụ được xác định như một nội dung không thể thiếu trong bối cảnh thực hiện cải cách nền hành chính nhà nước.

Thứ tư, đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Thứ năm, tích cực thực hiện Đề án VHCV. Đẩy mạnh các phong trào thi đua CBCCVC; thi đua thực hiện VHCV; nhân rộng các mô hình tiêu biểu và cách làm hay trong TTCV và xây dựng VHCV; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để CBCCVC giao lưu, chia sẻ những giải pháp, cách làm hiệu quả trong triển khai nhiệm vụ.

Thứ sáu, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC với các nội dung, như: trách nhiệm công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính, trong đó làm rõ nội dung trách nhiệm công vụ của CBCCVC, các biện pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; trách nhiệm người đứng đầu trong bảo đảm VHCV tại cơ quan, đơn vị, tổ chức; về đạo đức công vụ, trọng tâm là đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với các giá trị: trung, hiếu, nhân, nghĩa, trí, dũng, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư,… Bảo đảm sau khi tham gia bồi dưỡng, học viên có những thay đổi tích cực trong nhận thức về VHCV, qua đó góp phần đạt được mục tiêu hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ CBCCVC; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội đã được xác định rõ trong Quyết định số 1847/QĐ-TTg.

Chú thích:
1. Huỳnh Văn Thới. Văn hóa công vụ ở Việt Nam – Lý luận và thực tiễn. H. NXB Lý luận chính trị, 2016, tr. 39 – 40.
2. Về tinh thần trách nhiệm. http///thanhuytphcm.vn, ngày 20/6/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
2. Quyết định số 1847/QĐ-TTg, ngày 27/12/2018của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ.
3. Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016, của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
4. Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
5. Lương Thanh Cường. Văn hóa công vụ và bồi dưỡng văn hóa công vụở nước ta hiện nay.vn, truy cập ngày 12/3/2020.
ThS. Nguyễn Thanh Giang
 Học viện Hành chính Quốc gia