Kinh nghiệm phát triển bền vững du lịch di sản văn hóa của Nhật Bản và một số khuyến nghị cho Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn)- Ngay từ những thập niên của đầu thế kỷ XX, Chính phủ Nhật Bản đã chú trọng đến hệ thống hành chính về bảo tồn di sản văn hóa truyền thống. Hiện nay, ở Nhật Bản, hơn 100 khu đã được công nhận là những khu vực cổ kính, lịch sử và trở thành những điểm du lịch văn hóa nổi tiếng. Kinh nghiệm phát triển bền vững du lịch di sản văn hóa của Nhật Bản xứng đáng để Việt Nam tham khảo.

 

Núi Phú Sĩ có thể gọi là biểu tượng của Nhật Bản, được công nhận là di sản thế giới với danh hiệu “Núi Phú Sĩ – đối tượng của tín ngưỡng và nguồn cảm hứng của nghệ thuật” (Nguồn: https://matcha-jp.com/vn).
 Kinh nghiệm phát triển du lịch di sản văn hóa theo hướng bền vững của Nhật Bản

Ngay từ những thập niên của đầu thế kỷ XX, Chính phủ Nhật Bản đã chú trọng đến hệ thống hành chính về bảo tồn di sản văn hóa (DSVH) truyền thống. Năm 1910, Nhật Bản đã ban hành Luật Bảo tồn Di tích danh lam thắng cảnh tự nhiên. Tiếp đó là Luật Bảo tồn kho báu Quốc gia được ban hành vào năm 1929 và Luật Bảo vệ DSVH được ban hành vào năm 1950. Luật Bảo vệ DSVH đã được sửa đổi vào năm 1975 và hệ thống các khu vực bảo tồn đã được giới thiệu trong Luật sửa đổi gồm các khu vực lịch sử như: lâu đài, bưu điện thị trấn, chùa, thành phố cảng, làng nông thôn truyền thống và các làng chài…

Hiện nay, ở Nhật Bản, hơn 100 khu đã được công nhận là những khu vực cổ kính, lịch sử và trở thành những điểm du lịch văn hóa nổi tiếng. Đây là cơ sở quan trọng để đất nước Nhật Bản ban hành một chiến lược phát triển du lịch mới nhằm thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản. Chiến lược đặt mục tiêu: “Ngành công nghiệp du lịch đẳng cấp thế giới” Nhật Bản sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế trên toàn quốc gia. Chính phủ mong muốn khuyến khích sự giao lưu văn hóa đa quốc gia để Nhật Bản có thể thực sự mở cửa với thế giới, nhanh chóng phát triển dịch vụ mới và các sáng kiến trong lĩnh vực du lịch, để từ đó hình thành động lực cho phát triển kinh tế và công nghiệp của các vùng.

Mục tiêu cụ thể: lượng khách du lịch quốc tế đến đạt 40 triệu người năm 2020, 60 triệu người năm 2030 (Mục tiêu cũ: 20 triệu người năm 2020 và 30 triệu năm 2030); mức chi tiêu của khách du lịch quốc tế đến Nhật Bản đạt 8.000 tỷ yên năm 2020, 15.000 tỷ yên năm 2030 (mục tiêu cũ: 4.000 tỷ yên trong năm đầu tiên có 20 triệu khách quốc tế); số đêm khách quốc tế nghỉ ngoài 3 khu đô thị chính đạt 70 triệu đêm năm 2020 và 130 triệu đêm năm 2030; lượng khách du lịch quốc tế quay lại Nhật đạt 24 triệu năm 2020 và 36 triệu năm 2030; mức chi tiêu của khách du lịch nội địa cho du lịch đạt 21.000 tỷ yên năm 2020 và 22.000 tỷ yên năm 2030 1.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chiến lược phát triển Du lịch đưa ra 3 tầm nhìn và 10 vấn đề cần cải cách:

– Tầm nhìn 1: Tối đa hóa sự hấp dẫn của các tài nguyên du lịch để đưa du lịch thành nền tảng cho sự khôi phục cấp vùng; thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế vào tham quan các điểm di sản công; điều chỉnh sự cân bằng trong chính sách di sản từ chỉ tập trung vào công tác bảo tồn sang khuyến khích khách du lịch tìm hiểu nhiều hơn về điểm di sản (sử dụng tài sản văn hóa là cốt lõi cho 200 trung tâm du lịch; hình thành khoảng 1.000 dự án xây dựng hướng dẫn thông tin dễ hiểu cho du khách đa ngôn ngữ; nâng cấp các vườn quốc gia hiện tại thành các vườn quốc gia đẳng cấp thế giới (mục tiêu 5 vườn quốc gia của Nhật Bản); xây dựng các kế hoạch cải tạo cảnh quan cho các khu vực du lịch chính.

– Tầm nhìn 2: Tạo điều kiện thuận lợi cho sự sáng tạo trong du lịch để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế và đưa du lịch thành một trong những ngành công nghiệp chính; rà soát các quy định và quy tắc để ngành Du lịch đạt hiệu quả cao hơn; tập trung phát triển các thị trường mới, thời gian lưu trú dài ngày hơn (thị trường châu Âu, châu Mỹ, châu Úc; thị trường khách du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo… được các công ty tổ chức dành riêng cho nhân viên, đối tác, khách hàng (MICE)); cải tạo và nâng cấp các khu resort nước suối khoáng nóng và các khu thị trấn địa phương thông qua cải cách phương án quản lý (xây dựng các mô hình (tổ chức quản lý điểm đến (DMOs) đẳng cấp thế giới).

– Tầm nhìn 3: Bảo đảm tất cả du khách có trải nghiệm thoải mái; nâng cấp toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng cứng và mềm để khách du lịch có thể hưởng thụ môi trường cơ sở lưu trú tốt nhất trên thế giới; hoàn thành việc xây dựng “hành lang khôi phục cấp vùng” để khách du lịch có thể di chuyển một cách thoải mái tới tất cả các điểm đến trên nước Nhật (khách du lịch quốc tế được mua Thẻ đi tàu toàn quốc khi tới Nhật, nâng cấp các tuyến tàu cao tốc Shinkansen, xây mới các sân bay nội địa); hoàn thiện hệ thống “ngày làm việc” và “ngày nghỉ” tạo điều kiện cho người dân Nhật có kỳ nghỉ dài để đi du lịch.

Để thực hiện các tầm nhìn và giải pháp trên, mỗi tầm nhìn sẽ có 8 – 10 dự án chính để có thể triển khai Chiến lược đạt mục tiêu đề ra. Các dự án chính được thực hiện bởi nhiều dự án nhỏ với thời gian, địa điểm và quy mô dự án cụ thể được đưa ra.

Ví dụ: với tầm nhìn 1 – Tối đa hóa sự hấp dẫn của các tài nguyên du lịch để đưa du lịch thành nền tảng cho sự khôi phục cấp vùng, hành động cần làm là thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế vào tham quan các điểm di sản công. Dự án cần thực hiện sẽ là: các điểm di sản nổi bật về giá trị lịch sử và truyền thống của quốc gia sẽ được mở cửa cho tất cả các đối tượng du khách, như Nhà khách Chính phủ ở Kyoto, Nhà khách Chính phủ ở Akasaka.

Các dự án nhỏ: (1) Mở cửa tự do cả năm vào thăm Nhà khách Chính phủ ở Akasaka, bắt đầu từ 19/4/2016, trừ khi nơi này được sử dụng cho các sự kiện của Chính phủ; (2) Mở cửa thử nghiệm từ ngày 28/4 – 09/5/2016 cho Nhà khách Chính phủ ở Kyoto, dựa vào đó, mở cửa quanh năm muộn nhất vào cuối tháng 7/2016; (3) Việc mở cửa tự do cho các điểm khác của Chính phủ khác sẽ được cân nhắc nếu có giá trị khai thác cho du lịch.

Một số chính sách cụ thể hỗ trợ phát triển du lịch của Chính phủ Nhật Bản thời gian qua

Chính phủ Nhật Bản coi du lịch là động lực để phát triển cho các khu vực phụ cận và nông thôn (không phải là các trung tâm đô thị chính). Năm 2013, thực hiện thỏa thuận “Bầu trời mở”, cho phép tăng chuyến bay tới các sân bay quốc tế; năm 2014, miễn thị thực cho công dân của Thái Lan và Ma-lai-xi-a là năm 2015, đơn giản hóa thủ tục xin visa cho công dân Trung Quốc, theo đó, người Trung Quốc với mức thu nhập trên mức quy định có thể có visa 5 năm vào Nhật Bản; hạ giá trị đồng yên xuống 30% so với đồng đô la Mỹ trong giai đoạn 2012 – 2015.

Qua việc xem xét các chính sách của chính phủ Nhật Bản trong phát triển du lịch Di sản văn hóa (DLDSVH) bền vững, chúng ta có thể thấy du lịch ở Nhật Bản từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX đã được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế nhanh chóng của các nước châu Á. Nhật Bản có nhiều tài nguyên du lịch văn hóa lịch sử, tự nhiên và nhân tạo.

Theo các nghiên cứu của Hiệp hội lữ hành Nhật Bản, các sản phẩm du lịch dành cho du khách chủ yếu là các chuyến đi gia đình và du lịch tham quan giải trí. Du lịch hội nghị, hội thảo tại các trung tâm thành phố lớn cũng đã đạt được tầm quan trọng đáng kể trong những năm gần đây. Dựa trên dữ liệu và số liệu thống kê từ chính quyền Nhật Bản cho thấy, sự đóng góp của du lịch nói chung và DLDSVH cho nền kinh tế nói riêng tương đương với các ngành công nghiệp hàng đầu như ô tô, có tác động lớn đến việc làm của người lao động.

Hiện tại, Chính phủ Nhật Bản không có số liệu riêng về tác động của phát triển DLDSVH bền vững tới nền kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, việc đánh giá tác động của phát triển DLDSVH bền vững tới nền kinh tế Nhật Bản được đánh giá trên tổng thể phát triển chung của du lịch tới nền kinh tế Nhật Bản do các chính sách phát triển du lịch của Nhật Bản luôn đặt phát triển DLDSVH bền vững là mục tiêu hàng đầu và là tiền đề thu hút nhu cầu của du khách.

Lấy khởi điểm từ năm 2000 thì tổng doanh thu của ngành Du lịch chỉ chiếm khoảng 2,2% GDP của Nhật Bản. Năm 2001, tổng doanh thu du lịch quốc tế đạt 5,6 tỷ USD. Nhật Bản được xếp thứ 4 trên thế giới về mức chi tiêu du lịch quốc tế với 34,4 tỷ USD2. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, Nhật Bản đã vươn lên giữ vị trí là nền kinh tế Lữ hành và Du lịch lớn thứ 3 trên thế giới theo đánh giá thường niên của Hội đồng Lữ hành và Du lịch Thế giới về tác động kinh tế và tầm quan trọng xã hội của ngành du lịch.

Năm 2018, hoạt động lữ hành và du lịch của Nhật Bản đã đóng góp tổng cộng 40,604,2 tỷ yên cho nền kinh tế đất nước. Con số này tương đương với 367,7 tỷ đô la Mỹ, khiến Nhật Bản trở thành nền kinh tế lữ hành và du lịch lớn thứ 3 trên thế giới3.

Theo kết quả báo cáo năm 2018 cho thấy, lữ hành và du lịch tại Nhật Bản đã đạt tỷ lệ tăng trưởng du lịch hàng năm là 3,6%, đóng góp 40,604,2 tỷ yên cho nền kinh tế đất nước, đóng góp 7,4% GDP cho nền kinh tế Nhật Bản; đã hỗ trợ được 4,6 triệu việc làm chiếm 6,9% tổng số việc làm. Hoạt động du lịch tham quan, giải trí chiếm chủ yếu, théo đó, 68% chi tiêu lữ hành và du lịch được tạo ra bởi khách du lịch tham quan, giải trí và 32% từ khách doanh nhân (cao hơn mức trung bình toàn cầu là 21,5%); được thúc đẩy mạnh mẽ bởi chi tiêu từ khách du lịch nội địa: 82% chi tiêu du lịch đến từ du lịch nội địa và 18% từ khách du lịch quốc tế4.

Kế hoạch tăng gấp đôi du khách quốc tế lên 40 triệu người vào năm 2020 và 60 triệu người vào năm 2030 cho thấy, vai trò của lữ hành và du lịch như một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm tại Nhật Bản. Với World Cup bóng bầu dục diễn ra vào cuối năm nay và Thế vận hội năm 2020 (theo dự kiến sẽ được lùi lại vào năm 2021 do tình hình dịch bệnh Covid-19), Nhật Bản đã và đang chuẩn bị tổ chức để hai sự kiện này sẽ có tác động mạnh mẽ đến ngành Lữ hành và Du lịch.

Một số khuyến nghị chính sách nhằm phát triển bền vững du lịch di sản văn hóa ở Việt Nam

Tính đến tháng 12/2019, Việt Nam có 28 di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới, trong đó có 18 DSVH (bao gồm 6 DSVH vật thể và 13 DSVH phi vật thể thế giới). Đây là những tài sản vô giá chung của toàn nhân loại. Ngoài ra, Việt Nam còn có hàng ngàn di sản cấp quốc gia, cấp thành phố… Để phát triển DLDSVH Việt Nam, Chính phủ nói chung và ngành Du lịch nói riêng cần xây dựng có hệ thống chính sách phát triển DLDSVH phù hợp, bao gồm chính sách dài hạn và chính sách ngắn hạn, đồng thời, được thực hiện trong chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch quốc gia. Chính sách phải bảo đảm khuyến khích, huy động tập trung nguồn lực, khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh của DLDSVH Việt Nam; trên cơ sở đó xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm DLDSVH Việt Nam tới thị trường mục tiêu nhằm phát huy tối đa giá trị truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam.

 Đối với chính sách dài hạn

– Nhóm chính sách khuyến khích DLDSVH: tạo điều kiện cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; tăng cường giới thiệu hình ảnh DSVH Việt Nam tới du khách quốc tế thông qua các cơ quan thường trú Đại sứ quán của Bộ Ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài, các kênh thông tin truyền thông; tăng cường ứng dụng công nghệ cao nhằm hiện đại hóa thủ tục xuất, nhập cảnh để tránh tình trạng du khách xếp hàng nhiều giờ chờ làm thủ tục xuất, nhập cảnh. Khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành mở các văn phòng giới thiệu sản phẩm du lịch Việt Nam tại nước ngoài, cũng như khuyến khích đầu tư khu vực tư nhân vào hạ tầng nơi có các DSVH.

Ưu đãi đầu tư khu vực có DSVH tiềm năng du lịch nhưng khả năng tiếp cận hạn chế, khuyến khích phát triển đa dạng các sản phẩm DLDSVH, phát triển các sản phẩm DLDSVH mang tính đặc thù, sản phẩm, dịch vụ mang tính chiến lược nhằm hỗ trợ cho điểm đến. Hình thành các sản phẩm DLDSVH phù hợp với từng đối tượng thị trường mục tiêu theo phân khúc thị trường khách du lịch; nghiên cứu và xây dựng những sản phẩm mới đáp ứng các nhu cầu khác nhau của du khách trong nước và quốc tế.

– Nhóm chính sách kiểm soát chất lượng loại hình DLDSVH: nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của các DSVH, kiến thức của cán bộ quản lý trong công tác tổ chức, quản lý hoạt động DLDSVH tại các điểm tham quan nhằm bảo vệ và phát huy giá trị DSVH. Xây dựng quy trình kiểm soát tổ chức tại các điểm DSVH nhằm bảo đảm công tác tổ chức đạt hiệu quả, phù hợp với sức chứa của di sản…

– Nhóm chính sách tăng cường hợp tác công – tư:

(1) Đối với khu vực công: xây dựng quy trình tổ chức phối hợp thực hiện triển khai công tác quảng bá sản phẩm DLDSVH cũng như công tác quản lý du lịch di sản giữa các cơ quan quản lý nhà nước nhằm bảo đảm sự minh bạch trong thực hiện công việc, tránh sự đùn đẩy trách nhiệm.

(2) Đối với khu vực công – tư: xây dựng cơ chế liên kết giữa đại diện Nhà nước với khu vực tư nhân theo mô hình tham gia, đại diện, góp vốn, tham gia trong tư vấn hoạch định chính sách phát triển hệ thống chuỗi cung ứng sản phẩm DLDSVH nói riêng và hoạch định chính sách phát triển các sản phẩm DLDSVH nói chung (Hội đồng tư vấn phát triển DLDSVH); quỹ phát triển, quỹ xúc tiến DLDSVH. Chia sẻ trách nhiệm trong thực hiện chương trình phát triển (xúc tiến, quảng bá, phát triển thương hiệu, phát triển nguồn nhân lực), huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho hoạt động chung của cả vùng. Xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; ưu đãi đối với những dự án đầu tư vào phát triển DLDSVH; huy động doanh nghiệp đóng góp quỹ xúc tiến DLDSVH theo tỷ lệ doanh thu hoặc tỷ lệ theo số lượng khách quốc tế đến.

– Nhóm chính sách phát triển DLDSVH bền vững: khuyến khích, ưu đãi đối với các dự án phát triển DLDSVH có sử dụng nhiều lao động địa phương và gắn cộng đồng địa phương vào vị trí trung tâm hưởng lợi từ hoạt động DLDSVH; khuyến khích, hỗ trợ thực hiện chương trình giám sát môi trường tại các khu, tuyến, điểm và cơ sở dịch vụ phục vụ cho hoạt động DLDSVH; có cơ chế tạo lập quỹ bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên và nhân văn phục vụ hoạt động DLDSVH.

– Nhóm chính sách xúc tiến, quảng bá hình ảnh DLDSVH Việt Nam tới các thị trường khách du lịch trong khu vực và trên thế giới: tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh DSVH Việt Nam thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế, các hội chợ du lịch quốc tế thường niên, các hoạt động giới thiệu hình ảnh DSVH Việt Nam được UNESCO công nhận qua các chương trình Ngày văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Giao cho Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao Việt Nam, Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài thành lập các văn phòng xúc tiến và quảng bá sản phẩm DLDSVH Việt Nam tại các nước trong khu vực và trên thế giới.

– Nhóm chính sách đào tạo: tăng cường đào tạo, phổ biến kiến thức về tầm quan trọng, giá trị của DSVH, trách nhiệm quản lý và triển khai thực thi cho đội ngũ cán bộ làm việc trong ngành Du lịch. Tổ chức đào tạo định kỳ, kiểm tra sát hạch đối với các thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch tại các điểm DLDSVH nhằm bảo đảm sự truyền đạt thông tin tới du khách phải mang tính nhất quán, chính xác, phát huy giá trị DSVH Việt Nam.

– Thực hiện nghiêm nhóm chính sách quy định các chế tài xử phạt đối với tổ chức, cá nhân sai phạm trong tổ chức, thực hiện, quản lý hoạt động DLDSVH gây tổn hại đến giá trị DSVH và lợi ích quốc gia.

Đối với chính sách ngắn hạn

– Đầu tư tập trung cho các khu DLDSVH được UNESCO công nhận là DSVH của nhân loại: có sức cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế, ưu đãi bằng các công cụ tài chính, hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước về cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm, phân cấp quản lý đối với khu DLDSVH quốc gia.

– Đầu tư phát triển sản phẩm DLDSVH đặc trưng Việt Nam có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế: tăng cường nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược sản phẩm; khuyến khích sản phẩm DLDSVH mới; hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu DLDSVH, sản phẩm đặc trưng; liên kết khai thác giá trị văn hóa nổi trội của Việt Nam.

– Quan tâm bảo vệ môi trường tại các khu, tuyến điểm DLDSVH, cơ sở dịch vụ du lịch: áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường; kiểm tra xử lý vi phạm về môi trường du lịch…

– Phát triển nguồn nhân lực du lịch trên cơ sở khuyến khích đào tạo và chuyển giao kỹ năng tại chỗ; thu hút chuyên gia, nhân tài, nghệ nhân trong và ngoài nước phục vụ cho đào tạo DLDSVH. Tăng cường chuẩn hóa kỹ năng, chương trình đào tạo; tăng cường công tác thẩm định, công nhận kỹ năng; tạo điều kiện di chuyển, chuyển đổi nghề nghiệp; hình thành mã ngành đào tạo DLDSVH ở các cấp đào tạo; sử dụng phí dịch vụ vào việc đào tạo và phát triển nhân lực.

– Thúc đẩy xúc tiến quảng bá tại các thị trường trọng điểm: nghiên cứu thị trường, phân đoạn các thị trường mục tiêu; hỗ trợ về tài chính đối với thị trường trọng điểm; liên kết, tập trung nguồn lực trong và ngoài nước cho xúc tiến quảng bá hình ảnh DSVH và các sản phẩm DLDSVH; hình thành các kênh quảng bá toàn cầu đối với những thị trường trọng điểm.

– Đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa cộng đồng: khuyến khích, hỗ trợ phát triển các loại hình du lịch làng nghề truyền thống; tăng cường năng lực tham gia của cộng đồng; tuyên truyền nâng cao nhận thức; phát triển mô hình nghỉ tại nhà dân (homestay) tại các điểm tham quan DSVH và các làng nghề truyền thống. Hỗ trợ xúc tiến quảng bá du lịch văn hóa cộng đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề sang làm du lịch ở các vùng nông thôn, ven đô nơi có các DSVH.

– Hợp nhất hóa quản lý DSVH: đối với các DSVH thế giới, giao trực tiếp cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm cao nhất trong việc quản lý. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ thành lập Ban Quản lý các DSVH thế giới và trực tiếp phân công nhiệm vụ cho đầu mối của Ban Quản lý chịu trách nhiệm quản lý từng di sản thế giới. Theo đó, các DSVH cấp Quốc gia trên địa bàn của từng khu vực thì giao trực tiếp cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quản lý trực tiếp.

Chú thích:
1, 2, 3, 4. http://www.tourism.Jp/en/tourism
Tài liệu tham khảo:
1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009.
2. Nguyễn Thế Hùng. Phát huy giá trị di tích phục vụ sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Tạp chí Di sản văn hóa, số 20/2007.
3. Arthur Pedersen. Quản lý du lịch tại các khu di sản thế giới. Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO, 2002.

Nguyễn Phúc Lưu
Trung tâm UNESCO Phát triển văn hóa và thể thao