Khoa Quản lý nhà nước về xã hội – 25 năm xây dựng và phát triển

(Quanlynhanuoc.vn)- Theo Quyết định số 213/HCQG-TCCB ngày 01/10/1995 của Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, Khoa QLNN về Xã hội được thành lập. Khoa QLNN về Xã hội là khoa chuyên môn thuộc Học viện Hành chính Quốc gia, có chức năng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và tư vấn về QLNN trên các lĩnh vực xã hội, QLNN về đô thị, nông thôn, về tài nguyên, môi trường và biển, đảo.

PGS.TS. Đặng Khắc Ánh – Trưởng Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội (Nguồn: napa.vn).
Quá trình hình thành và phát triển

Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Vô luận việc gì đều do người làm ra cả, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”1.  Vì vậy, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”2 và “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”3. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong Nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”4. Chính vì vậy, Người coi “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”5.

Sự ra đời của Trường Hành chính Trung ương ngày 29/5/1959 thể hiện mối quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) về quản lý nhà nước (QLNN) cho đội ngũ cán bộ, công chức của cả hệ thống chính trị. Nghị định số 253/HĐBT ngày 06/7/1992 của Hội đồng bộ trưởng đổi tên Trường Hành chính Quốc gia thành Học viện Hành chính Quốc gia đã mở ra một thời kỳ phát triển mới cho hoạt động ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) cho bộ máy nhà nước nói riêng và toàn hệ thống chính trị nói chung.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển mới, Học viện tập trung vào ĐTBD về QLNN. Theo Quyết định số 213/HCQG-TCCB ngày 01/10/1995 của Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, Khoa QLNN về Xã hội được thành lập trên cơ sở tách Khoa Quản lý nhà nước thành 2 khoa: Khoa QLNN về Xã hội và Khoa QLNN về Kinh tế. Năm 2008, Bộ môn QLNN về Đô thị và Nông thôn được thành lập và sau đó được nâng lên thành Khoa QLNN về Đô thị và Nông thôn năm 2012.

Đến năm 2018, thực hiện Quyết định số 05/2018/QĐ-CP ngày 23/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia, Khoa QLNN về Xã hội được thành lập trên cơ sở hợp nhất Khoa QLNN về Xã hội (cũ) và Khoa QLNN về Đô thị và Nông thôn. Theo Quyết định số 1198/QĐ-HCQG ngày 11/4/2018 của Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Khoa QLNN về Xã hội, theo đó, Khoa QLNN về Xã hội là khoa chuyên môn thuộc Học viện Hành chính Quốc gia, có chức năng ĐTBD, nghiên cứu khoa học và tư vấn về QLNN trên các lĩnh vực xã hội, QLNN về đô thị, nông thôn, về tài nguyên, môi trường và biển, đảo.

Kể từ ngày đầu thành lập chỉ với 9 giảng viên, cho đến nay, Khoa QLNN về Xã hội đã có 6 bộ môn chuyên môn với 33 người, trong đó có 2 phó giáo sư, 15 tiến sỹ, 16 thạc sỹ với các chuyên ngành khác nhau, được đào tạo bài bản tại các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước, cùng nhiều giảng viên thỉnh giảng, kiêm chức là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan QLNN đảm nhiệm các học phần khác nhau trong lĩnh vực quản lý xã hội từ cử nhân tới tiến sỹ và tham gia vào giảng dạy các chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và bồi dưỡng theo ngạch từ cấp chuyên viên tới cấp thứ trưởng của Học viện.

Những năm qua, đồng hành cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Học viện, Khoa QLNN về Xã hội đã từng bước phát triển, đóng góp sức mình vào sự phát triển của đất nước nói chung và Học viện nói riêng. Bên cạnh những thành tích quan trọng trong việc giảng dạy và bồi dưỡng cho các hệ ĐTBD của Học viện, Khoa luôn chủ động trong việc phát triển đội ngũ giảng viên, hoàn thành tốt các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Các giảng viên của Khoa đã được giao chủ nhiệm và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh và hàng chục đề tài cấp cơ sở.

TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện tặng hoa chúc mừng Khoa QLNN về Xã hội nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Khoa (Nguồn: napa.vn).

Chỉ tính riêng năm 2019 – 2020, các thành viên trong Khoa đã chủ nhiệm thành công 2 đề tài nghiên cứu cấp bộ và cấp tỉnh, chủ nhiệm và tham gia nghiên cứu nhiều đề tài cấp cơ sở; triển khai biên soạn, chỉnh lý nhiều chương trình, tài liệu của Bộ Nội vụ và của Học viện; chủ trì tổ chức và thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học khác như: hội thảo, tọa đàm khoa học quốc tế và trong nước cũng như tham gia viết bài trên các tạp chí trong nước và quốc tế.

Với sự nỗ lực, cố gắng của toàn Khoa, tập thể Khoa nhiều năm liền đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến; Tập thể lao động xuất sắc. Nhiều giảng viên của Khoa đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; được tặng Huân chương Lao động hạng Ba của Nhà nước; Bằng khen của Bộ Nội vụ.

Cơ hội và thách thức đặt ra với Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội trong tình hình mới

Ngày 23/01/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia, trong đó xác định Học viện là trung tâm quốc gia thực hiện các chức năng ĐTBD năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho CBCCVC; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học hành chính và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và QLNN. Yêu cầu của sự phát triển đất nước theo hướng tích cực và chủ động hội nhập quốc tế; yêu cầu đổi mới toàn diện lĩnh vực giáo dục – đào tạo và phải nâng cao chất lượng đào tạo cũng như những thay đổi trong chức năng và nhiệm vụ của Học viện Hành chính Quốc gia. Điều này, đã tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với sự phát triển của Học viện nói chung và Khoa QLNN về Xã hội nói riêng trong tương lai.

Thứ nhất, sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của xã hội với những thách thức mới trong quá trình phát triển, như thách thức của an ninh phi truyền thống, yêu cầu phát triển bền vững, vấn đề dân số và phát triển,… đặt ra yêu cầu thay đổi nhiệm vụ của Nhà nước trong quản lý các vấn đề xã hội cả về nội dung và hình thức. Đây là cơ hội lớn để tăng cường nghiên cứu và giảng dạy về QLNN đối với các lĩnh vực xã hội.

Thứ hai, việc chuyển hướng hoạt động của Học viện sang tập trung vào bồi dưỡng cấp cao, vào nghiên cứu khoa học hành chính để có thể tham mưu, tư vấn cho Đảng và Nhà nước, trước hết là Bộ Nội vụ các nội dung khoa học về hành chính và QLNN cũng như tăng cường đào tạo bậc cao (thạc sỹ và tiến sỹ) đòi hỏi phải thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về quản lý các lĩnh vực xã hội vốn rất đa dạng và phức tạp.

Thứ ba, Khoa QLNN về Xã hội trong những năm qua đã có sự phát triển mạnh mẽ, có đủ thế và lực mới để phát triển trong bối cảnh phát triển chung của đất nước. Lực lượng nhân sự của Khoa vốn được đào tạo bài bản và có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy các chương trình bồi dưỡng đã và đang đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mới trong ĐTBD CBCCVC và nghiên cứu khoa học QLNN.

Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ mới, hoạt động của Khoa cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức của quá trình phát triển trong tương lai:

Một là, chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Khoa mặc dù đã có nhiều  chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình phát triển mới. Đội ngũ giảng viên của Khoa đã tăng lên cả về số lượng và chất lượng nhưng vẫn chưa đáp ứng tốt trong giảng dạy trước các thay đổi về đối tượng ĐTBD cũng như sự thay đổi của chương trình ĐTBD của Học viện nói riêng và nhu cầu của xã hội nói chung.

Hai là, sự thay đổi trong chức năng, nhiệm vụ của Học viện, trước hết là việc dừng tuyển sinh đào tạo bậc đại học từ năm 2018 đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của Học viện nói chung và Khoa QLNN về Xã hội nói riêng. Việc chuyển đổi giảng viên, đặc biệt là các giảng viên trẻ, từ chuyên về giảng dạy bậc cử nhân sang giảng dạy sau đại học và nhất là chuyển sang giảng dạy bồi dưỡng cho các đối tượng đặc biệt của Học viện đòi hỏi phải có thời gian và những nỗ lực to lớn.

Ba là, sự phát triển của khoa học – công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy đã làm xuất hiện những hình thức ĐTBD CBCCVC mới như ĐTBD từ xa, trực tuyến,… đòi hỏi các giảng viên phải thay đổi để thích ứng.

Bốn là, tính chủ động của Khoa trong việc triển khai các hoạt động phát triển giảng viên cũng như chủ động trong việc tham mưu, đề xuất các giải pháp tăng cường chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học chưa cao.

Do đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển, Khoa QLNN về Xã hội cần có sự đổi mới toàn diện.

Phương hướng phát triển của Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội trong tương lai

Để Khoa QLNN về Xã hội phát triển trong tương lai, xứng đáng với vị trí của mình trong cơ cấu phát triển chung của Học viện Hành chính Quốc gia, cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo của Chi ủy đối với mọi hoạt động của Khoa, trước hết là hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học, bảo đảm các nội dung giảng dạy vừa cập nhật, khoa học, vừa phản ánh đúng chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của Khoa đáp ứng với những thay đổi trong chức năng, nhiệm vụ của Học viện.

Đội ngũ giảng viên giữ vị trí quan trọng để bảo đảm cho chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Vì vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của Khoa, tăng cường ĐTBD để có một đội ngũ giảng viên đạt chuẩn, có đủ năng lực thực hiện các nội dung chuyên ngành, phù hợp với đối tượng giảng dạy và bồi dưỡng của Học viện là yêu cầu khách quan để nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng các giảng viên cơ hữu là chưa đủ. Để bảo đảm tính đa dạng trong đào tạo và bồi dưỡng, gắn lý luận với thực tiễn, bên cạnh việc duy trì và phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu hiện có, Khoa QLNN về Xã hội cần tiếp tục chủ động thu hút đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm có trình độ cao, nhất là các đồng chí lãnh đạo cấp cao, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm và từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy đối với các nội dung Khoa được giao đảm nhiệm.

Thứ ba, nâng cao chất lượng và mở rộng phạm vi nghiên cứu khoa học của Khoa.

Nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở đào tạo, gắn liền với chất lượng giảng dạy. Chỉ có nghiên cứu khoa học tốt mới hỗ trợ tốt cho công tác giảng dạy của giảng viên.

Trong thời gian tới, các giảng viên trong Khoa cần đề xuất các đề tài nghiên cứu tập trung vào nội dung mới, thiết thực, trực tiếp liên quan tới các lĩnh vực giảng dạy của Khoa như: an ninh phi truyền thống; an sinh xã hội và bảo trợ xã hội, dân số và phát triển; quản lý đô thị và nông thôn;… cũng như những vấn đề liên quan tới chiến lược biển, đảo Việt Nam.

Thứ tư, các giảng viên cần tích cực đổi mới, cập nhật nội dung bài giảng phù hợp với chương trình, tài liệu và triển khai các phương pháp giảng dạy tích cực phù hợp với nhu cầu đổi mới hoạt động ĐTBD của Học viện, nâng cao tính tích cực học tập của học viên.

Chất  lượng giảng dạy của Khoa không chỉ phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ giảng viên, mà còn phụ thuộc vào chất lượng chương trình, tài liệu, chất lượng quản lý ĐTBD cũng như điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho ĐTBD. Từ các nhiệm vụ của khoa chuyên môn, Khoa cần tích cực rà soát để kiến nghị điều chỉnh, đổi mới nội dung chương trình, giáo trình phù hợp với yêu cầu mới trong quản lý xã hội. Chủ động đưa phương pháp giảng dạy mới vào ĐTBD, đặc biệt là để đáp ứng các yêu cầu của đổi mới hình thức ĐTBD sang các hình thức ĐTBD từ xa và trực tuyến.

Kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Khoa QLNN về Xã hội, kế thừa những thành công và khắc phục những nhược điểm để ứng phó với thách thức mới đặt ra, Khoa QLNN về Xã hội luôn đoàn kết, phấn đấu hoàn thành những nhiệm vụ được giao, từng bước phát triển vững chắc, đồng hành cùng Học viện Hành chính Quốc gia thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Bộ Nội vụ giao phó.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia,  2011, tr. 281,  309, 280, 68,  309.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg ngày 23/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia.
2. Quyết định số 1198/QĐ-HCQG ngày 11/4/2018 của Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội.

PGS.TS. Đặng Khắc Ánh
Học viện Hành chính Quốc gia