Tác động của di cư tự do đến sự phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực Tây Nguyên hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Tây Nguyên là địa bàn chiến lược về chính trị, quốc phòng – an ninh của quốc gia. Với đặc trưng là vùng đất đa dân tộc, đa văn hóa, Tây Nguyên mang những đặc trưng riêng biệt về dân cư. Những năm qua, tình trạng di cư tự do diễn ra phức tạp trên địa bàn, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Tình trạng này đòi hỏi cần có giải pháp căn cơ, trong đó nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào về vấn đề này.
Cuộc sống của nhiều người dân di cư tự do đến Tây Nguyên gặp khó khăn (nguồn: http://cand.com.vn).
 Đặt vấn đề

Di dân là một quy luật tự nhiên của quá trình phát triển dân số và là một hiện tượng kinh tế – xã hội (KTXH) khách quan, có tác động đến trình độ phát triển của một quốc gia. Di dân là biểu hiện rõ nét nhất của sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, lãnh thổ. Phù hợp với xu thế chung của sự phát triển, ở Việt Nam, lịch sử di dân luôn gắn liền với sự phát triển KTXH của đất nước.

Trong giai đoạn sau năm 1975 và trước thời kỳ đổi mới, di dân trong nước chủ yếu theo các chương trình kinh tế mới của Chính phủ (di dân có tổ chức). Từ năm 1986, dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa đất nước, di dân tự do có xu hướng gia tăng mạnh mẽ nhất là ở các thành phố lớn, như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, khu vực Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, từ sau ngày nước nhà thống nhất, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện chiến lược phân bố lại các vùng dân cư để phát triển hài hòa, cân đối, bền vững và góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trong đó có sự dịch chuyển một số lượng lớn cư dân từ nhiều tỉnh, thành phố lên miền đất bazan Tây Nguyên.

Tây Nguyên là khu vực đa dân tộc, đa văn hóa, có vai trò trọng yếu về chính trị, an ninh quốc phòng và KTXH. Với điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, dân cư, trong những thập kỷ gần đây, một lượng lao động rất lớn từ các tỉnh, thành đã di cư vào các buôn làng ở Tây Nguyên để mưu sinh. Quá trình này, dẫn đến những tác động sâu sắc trong phát triển KTXH của cả khu vực. Một mặt, việc di cư này vừa tạo ra sự cân bằng về lực lượng lao động giữa các vùng cũng như giữa các khu vực trên địa bàn, nguồn lực lao động của các tỉnh cũng được bổ sung, đời sống văn hóa của các địa phương càng trở nên phong phú. Mặt khác, việc di cư này tạo ra sức ép đối với các địa phương trong việc cung ứng dịch vụ công, dịch vụ xã hội cơ bản như vấn đề học tập, khám chữa bệnh, vui chơi, giải trí và nhiều vấn đề xã hội đã nảy sinh gây sức ép đối với công tác quản lý của chính quyền địa phương.

Như vậy, bên cạnh những tác động tích cực, có lợi, người nhập cư đã có những tác động nghịch chiều đối với sự phát triển KTXH của địa phương. Ở phương diện pháp lý, không thể cấm người dân nhập cư vì sẽ vi phạm quyền con người, vi phạm pháp luật về cư trú và quan trọng hơn cả, việc di chuyển lao động đến những nơi có điều kiện sống tốt hơn, có nhiều cơ hội việc làm hơn là một xu thế khách quan của quá trình phát triển. Do đó, cần có những nghiên cứu, điều tra thực trạng tác động của người nhập cư đến các mặt đời sống xã hội trên địa bàn khu vực, đánh giá sự tác động này trên cả hai mặt tích cực và tiêu cực, phân tích nguyên nhân của tình trạng di cư tự do (DCTD) đến khu vực Tây Nguyên nhằm đưa ra các giải pháp điều tiết sự tác động này theo hướng có lợi cho sự phát triển KTXH của địa phương.

Sự tác động của di cư tự do đến sự phát triển kinh tế xã hội khu vực Tây Nguyên –Thực trạng di cư tự do tại các tỉnh Tây Nguyên

Với diện tích tự nhiên khoảng 54 nghìn km2, Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Lâm Đồng, dân số Tây Nguyên gần 6 triệu người năm 2019; toàn khu vực hiện nay có 62 đơn vị hành chính cấp huyện, 726 đơn vị hành chính cấp xã. Dân cư Tây Nguyên có đặc điểm là đa thành phần dân tộc với 54 thành phần dân tộc, người dân tộc thiểu số chiếm 36,52% trong đó có 12 dân tộc thiểu số tại chỗ (chiếm 25%), các dân tộc thiểu số khác chiếm trên 10% với các dân tộc các tỉnh phía Bắc, như: Tày, Nùng, Mông, Thái, Mường, Dao1.

Từ sau năm 1975 đến nay, khu vực Tây Nguyên luôn có các biến động dân cư với quy mô lớn, số lượng tăng nhanh nhất cả nước. Năm 1976, dân số Tây Nguyên chỉ có 1,23 triệu người, với 18 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 69,7% dân số; đến năm 1993, dân số toàn vùng là 2,37 triệu người với 35 dân tộc; năm 2003 là 4,67 triệu với 46 dân tộc; năm 2018 dân số khoảng 6 triệu người với 54 thành phần dân tộc anh em2.

Như vậy, dân số Tây Nguyên tăng khá nhanh từ sau năm 1975 đến nay. Số lượng tăng do di cư cơ học là chủ yếu, dân di cư đến vùng Tây Nguyên từ hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Quá trình di cư diễn ra sau năm 1975 nhưng nhiều nhất vào giai đoạn 1980 – 1990 do việc bố trí sắp xếp lại dân cư, phục vụ phát triển KTXH, bảo đảm an ninh, quốc phòng. So với giai đoạn 2005 – 2018, dân DCTD đã giảm cả về số lượng và quy mô.

Theo thống kê, giai đoạn 2005 – 2017, các tỉnh Tây Nguyên có tới 58.846 hộ di dân tự do với khoảng 220.000 nhân khẩu, cao gấp nhiều lần so với các khu vực còn lại trong cả nước3. Cụ thể, theo thống kê của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, chỉ tính từ năm 2005 – 2017, tổng số dân DCTD đến địa bàn khoảng 25.732 hộ với 91.703 khẩu, chủ yếu là đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Trong đó, tỉnh Kon Tum có 7.243 hộ, với 21.708 khẩu; tỉnh Gia Lai 6.250 hộ với 23.624 khẩu; tỉnh Đắc Nông 5.391 hộ với 8.038 khẩu; tỉnh Lâm Đồng 3.862 hộ với 14.639 khẩu và tỉnh Đắc Lắc 2.986 hộ với 8.038 khẩu4. Mặc dù so với giai đoạn trước, những năm gần đây tình trạng DCTD có giảm song hằng năm tình trạng di cư vẫn diễn ra, tuy số lượng có giảm nhưng tính phức tạp có chiều hướng gia tăng. Dân di cư đến tất cả các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên, từ Gia Lai, Đắk Lắk cho đến Lâm Đồng, Kon Tum.

Việc di cư diễn ra suốt năm, nhưng mạnh nhất thường vào thời điểm trước và sau dịp Tết Nguyên đán. Người DCTD thường đi thành từng nhóm nhỏ, vào thăm người thân, ở tá túc với người DCTD đã tới trước, sau đó dựng nhà tạm và tiếp tục đưa cả gia đình vào sinh sống, lập làng. Các hộ DCTD thường sống theo các nhóm hộ, có cùng dân tộc, huyết thống, đến định cư tại các vùng riêng lẻ trong rừng, dưới các thung lũng, dọc khe suối và ít có mối tương tác với bên ngoài. Việc DCTD tạo thành một số “điểm nóng” trên các địa bàn của các tỉnh như: làng Mông Tây Sơn ở huyện Đam Rông (Lâm Đồng); các điểm di dân tự do tại huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông); huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông); huyện Ea Sup, Cư Mga, Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng DCTD đến Tây Nguyên.

Trước hết và chủ yếu nhất là do một bộ phận đông đảo người dân nghèo đói, đời sống khó khăn, thiếu đất sản xuất, khí hậu tại nơi cũ khắc nghiệt nên muốn tìm đến Tây Nguyên để sinh sống. Hàng nghìn người dân các tỉnh phía Bắc bỏ lại bản làng cố hương, gửi lại những ký ức đói nghèo để mang theo khát vọng đổi đời đến với Tây Nguyên bằng con đường DCTD. Nhưng họ vốn là những hộ gia đình kinh tế khó khăn, trình độ học vấn thấp, thiếu một sự chuẩn bị cho tương lai ở đất mới xa lạ.

Hai là, so với các khu vực khác, mật độ dân số ở các tỉnh Tây Nguyên còn thấp, đất đai phì nhiêu, thuận lợi cho cư trú và sản xuất nông nghiệp nên nhiều hộ dân từ những nơi khác đã kéo đến Tây Nguyên sinh sống, mong có cơ hội làm ăn, sản xuất, cải thiện đời sống.

Ba là, chính các hộ đã DCTD vào Tây Nguyên trước đây đều có cuộc sống ổn định, phát triển đã gián tiếp tạo sự liên kết, thúc đẩy quá trình di cư nhất là trong quan hệ gia đình, dòng tộc.

Sự tác động của di cư tự do đến sự phát triển kinh tế – xã hội khu vực Tây Nguyên

DCTD tác động hai chiều đến quá trình phát triển KTXH của các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên. DCTD tạo ra một số tác động tích cực cho khu vực Tây Nguyên như làm gia tăng dân số, góp phần hình thành, phát triển các khu dân cư, vùng sản xuất mới; góp phần điều tiết mật độ dân số, sức ép việc làm tại các tỉnh có dân đi, dân đến; góp phần bổ sung nguồn nhân lực; khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, mở rộng diện tích, sản lượng sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy quá trình hòa nhập, phát triển cho các dân tộc tại chỗ; bổ sung thêm bản sắc văn hóa từ sự có mặt của một số thành phần dân tộc từ các địa phương khác đến khu vực Tây Nguyên; góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng trong khu vực, nhất là vùng biên giới.

Tuy nhiên, DCTD đã và đang gây ra nhiều hệ lụy trên nhiều phương diện ở Tây Nguyên. Có thể thấy ở các phương diện chủ yếu sau:

Thứ nhất, DCTD dẫn đến vỡ quy hoạch, kế hoạch sắp xếp dân cư, sử dụng đất, phát triển KTXH. Xuất hiện thêm nhiều điểm dân cư ngoài quy hoạch của dân DCTD (đa số trong vùng lõi rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, xa trung tâm). Các điểm dân cư tự phát chưa được quy hoạch, chưa được đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu; điều kiện sinh hoạt, nhất là việc học tập của trẻ em, khám, chữa bệnh và giao thông, sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn. Áp lực về ổn định chỗ ở cho người dân DCTD đã gây ra tình trạng quá tải, vỡ quy hoạch các dự án. Trong khi đó, Tây Nguyên vẫn còn rất nhiều cụm dân cư tự do tự phát không nằm trong quy hoạch, tuy đã được rà soát, nhưng chưa có điều kiện bố trí, sắp xếp, bổ sung. Hàng ngàn hộ chưa được bố trí chỗ ở ổn định trong vùng quy hoạch, gây hệ lụy xấu như phá rừng, an ninh trật tự, đói nghèo, gây bức xúc với người dân sở tại.

Thứ hai, DCTD dẫn đến hàng loạt các vấn đề an sinh xã hội. Đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và DCTD là những người yếu thế, số đông là nghèo đói, khó khăn, dân trí thấp, do vậy, người ta phải rời quê hương bản quán để tìm cơ hội mưu sinh. Tình trạng nhiều hộ thiếu đói, bệnh sốt rét, tiêu chảy, vệ sinh môi trường, nạn tảo hôn và sinh nhiều con; rất khó khăn trong giải quyết các tranh chấp về đất đai, chặt phá, lấn chiếm rừng làm nương rẫy; khai thác lâm sản, mua bán, sang nhượng trái phép đất nông, lâm nghiệp.

Một số điểm dân DCTD xuất hiện các tệ nạn xã hội (hút thuốc phiện, cờ bạc) và hoạt động tôn giáo trái phép, kích động, gây chia rẽ, mâu thuẫn giữa dân DCTD với các dân tộc tại chỗ; tiềm ẩn các yếu tố gây mất đoàn kết, mất ổn định về an ninh, chính trị, quốc phòng trên địa bàn khu vực biên giới. Đời sống của các hộ dân gặp nhiều khó khăn, phần lớn chưa có hộ khẩu cho nên chưa được hưởng các chính sách an sinh xã hội; thiếu đất ở, đất sản xuất, thiếu nước và điện sinh hoạt, nơi ở tạm bợ, không ổn định, chưa có việc làm; tỷ lệ đói nghèo cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về trật tự, trị an.

Thứ ba, gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý. DCTD đến các tỉnh Tây Nguyên tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, xuất hiện những điểm nóng, kéo dài, khó quản lý: việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng, mua bán, tranh chấp đất đai, khai thác lâm sản trái phép… Chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong quản lý hộ khẩu, nhân khẩu vì thiếu giấy tờ chứng minh. Trong hành trình di dân vượt hàng nghìn cây số, nhiều giấy tờ tùy thân của người di cư bị mất, còn lại vỏn vẹn cái tên từ thuở khai sinh. Họ trở thành những con người bơ vơ giữa đại ngàn. Nhiều nơi, người dân lập làng tự phát, nhưng chưa được đăng ký hộ khẩu, chưa có hình thức tổ chức thôn, buôn được chính quyền công nhận.

Thứ tư, DCTD tác động lớn đến công tác bảo vệ rừng tại Tây Nguyên. Tình trạng đốt nương làm rẫy, chặt phá rừng lấy đất sản xuất thường xuyên xảy ra. Rừng bị tàn phá nghiêm trọng (chủ yếu là rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng vùng lõi các vườn quốc gia); đa dạng sinh học bị phá vỡ, nhiều loại thực vật, động vật quý hiếm bị xâm hại; môi trường sinh thái bị tác động, biến đổi, gây ra các hiện tượng thiên tai mới ở Tây Nguyên. Nhiều năm qua, tình trạng xâm hại phá rừng, áp lực dân DCTD khiến rừng Tây Nguyên đang ngày một thu hẹp.

Một số giải pháp giải quyết vấn đề di cư tự do, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực Tây Nguyên hiện nay

DCTD là vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cá nhân, tổ chức, trong đó Nhà nước có trách nhiệm chính trong việc giúp người dân các địa phương các tỉnh khắc phục những hệ lụy do DCTD gây ra. Trong thời gian tới, để góp phần ổn định tình hình KTXH các tỉnh Tây Nguyên nói chung cũng như đối với bộ phận dân DCTD nói riêng trên địa bàn, Nhà nước cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tìm ra và ưu tiên một số giải pháp căn cơ để khắc phục khó khăn và giảm DCTD.

Trước hết, Nhà nước cần tìm ra nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng DCTD ở khu vực Tây Nguyên; trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp căn cơ, phù hợp và khả thi để triển khai trong thực tiễn; phải đề ra chiến lược lâu dài, quản lý địa bàn chặt chẽ, tránh tình trạng “đi không hay, đến không biết”. Do đó, để hạn chế DCTD đến khu vực Tây Nguyên, Nhà nước cần quan tâm đến việc chăm lo đời sống cho Nhân dân, nhất là người dân ở vùng dân tộc miền núi phía Bắc vì dân DCTD đến Tây Nguyên những năm gần đây, có đời sống khó khăn, phức tạp chủ yếu là người dân vùng dân tộc thiểu số phía Bắc.

Trong gần hai thập kỷ qua, Nhà nước đã thực hiện nhiều chương trình, dự án nổi bật như chương trình về đất sản xuất, đất ở, về hỗ trợ vốn, song đời sống của một bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số vẫn vô cùng khó khăn, dẫn đến việc họ phải tìm đến miền đất khác với hy vọng có thể cải thiện đời sống, và Tây Nguyên là một trong những địa bàn chủ yếu được lựa chọn. Thời gian tới, Nhà nước cần tiến hành đánh giá thực chất hiệu quả của các chương trình, dự án này, đồng thời tiếp tục có các chương trình, dự án thực sự thiết thực, giúp người dân ổn định sản xuất, cải thiện đời sống. Chỉ có như vậy, người dân mới không tìm cách DCTD.

Thứ hai, Chính phủ cần có định hướng rõ ràng, giải pháp cụ thể hướng dẫn, hỗ trợ chính quyền địa phương giải quyết những khó khăn đối với người dân đã DCTD đến các tỉnh Tây Nguyên. Thực tế, một bộ phận đông đảo người dân đã DCTD đến Tây Nguyên, tạo thành các “điểm nóng” dân cư phân bố rải rác ở tất cả các tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, cần tập trung vào một số biện pháp sau:

(1) Các địa phương thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên cần đánh giá kết quả thực hiện các chính sách sắp xếp, ổn định dân DCTD; đề xuất với Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho các tỉnh Tây Nguyên để giải quyết dứt điểm các điểm nóng, ổn định đời sống, sản xuất cho dân DCTD.

(2) Chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; nghiên cứu giải pháp điều chỉnh quy hoạch, chuyển một số diện tích đất lâm nghiệp sang rừng sản xuất để xây dựng một số dự án sắp xếp, ổn định cho đồng bào DCTD. Di chuyển, bố trí, sắp xếp ổn định đời sống, sản xuất cho các hộ DCTD đang cư trú, sản xuất ngoài quy hoạch, trong vùng rừng phòng hộ xung yếu, lõi rừng đặc dụng, khu vực biên giới.

(3) Chính quyền địa phương nhanh chóng tính toán và đề xuất cấp có thẩm quyền dành ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ những nhu cầu thiết yếu của người dân như trường học; cơ sở khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; cấp thẻ bảo hiểm y tế; thực hiện công tác kiểm soát dân số, bảo đảm các chính sách xã hội trên các địa bàn có dân DCTD.

(4) Chính quyền địa phương ở cả Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Kon Tum và Gia Lai cần tìm hướng xử lý kịp thời các điểm nóng về tranh chấp đất đai, các đối tượng kích động, lôi kéo đồng bào DCTD, phá rừng, giải quyết kịp thời các khiếu nại, khiếu kiện chính đáng của người dân; về lâu dài mới đảm bảo được an ninh chính trị, quốc phòng trên địa bàn.

(5) Nghiêm cấm thực hiện giao dịch đất đai do Nhà nước cấp cho hộ nghèo, hộ chính sách; hạn chế tối đa xây dựng các thủy điện nhỏ, làm ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào. Nông trường nào không có hiệu quả cần thu hồi đất để giao cho người dân địa phương canh tác, nghiêm cấm việc các nông trường “phát canh thu tô” với các hộ sống ở bìa rừng. Đối với hộ chưa có đất sản xuất cần bố trí đất cho bà con theo quy hoạch. Bố trí dân cư đến đâu thì cấp hộ khẩu, chứng minh thư cho người dân đến đó, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng ngay, phục vụ cuộc sống của người dân.

(6) Các địa phương cần khẩn trương hướng dẫn người dân xác minh, hoàn thiện hồ sơ, thực hiện việc nhập khẩu, cấp giấy chứng minh nhân dân, đăng ký tạm trú, thường trú; hình thành, công nhận các điểm, nhóm dân DCTD theo hướng đơn giản thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân; bảo đảm quản lý chặt chẽ dân cư và trật tự, an toàn xã hội.

Chú thích:
1. Báo cáo số 576/BC-HĐDT14 ngày 18/5/2018 của Hội đồng Dân tộc về việc báo cáo kết quả khảo sát “việc thực hiện chính sách ổn định đời sống sản xuất đối với đồng bào di cư tự phát tới các tỉnh Tây Nguyên”.
2. Mức tăng bình quân giai đoạn 1979 – 1989 là 5,2%; 1989 – 1999 là 5,1%; 1999 -2009 là 2,3%/ năm (dẫn nguồn theo PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
3.Tây Nguyên gồng mình gánh dân di cư tự do. https://cvdvn.net, ngày 28/10/1019.
4. Thực trạng dân di cư tự do tại Tây Nguyên. https://nhandan.com.vn, ngày 20/8/2020.
TS. Hoàng Sỹ Kim – Học viện Hành chính Quốc gia
TS. Trần Thị Huyền Trang – Trường Đại học Nội vụ Hà Nội