Báo chí với vai trò tham gia củng cố chương trình, hướng dẫn giảng dạy dân số và phát triển

(Quanlynhanuoc.vn) – Báo chí là một trong những công cụ quan trọng trong công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng của Đảng; đồng thời, là cầu nối, kịp thời phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, những nhu cầu thiết yếu của Nhân dân với Đảng và Nhà nước. Nhận thức được vai trò, hiệu quả của báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến các nhiệm vụ, giải pháp của chính sách dân số và phát triển, nhiều năm qua, Tổng cục Dân số – KHHGĐ đã có sự phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí -truyền thông và đạt được nhiều kết quả khả quan.

 

Ảnh: Tapchimattran.vn
Thực trạng công tác dân số của Việt Nam

Công tác dân số của Việt Nam nhiều năm trở lại đây đã đạt được những thành tựu tích cực, như: đã và đang duy trì mức sinh thay thế (số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ khoảng 2,05 năm 2018), khống chế được tình trạng bùng nổ dân số (theo số liệu năm 1980, mức dân số của Việt Nam là 54,2 triệu người, hơn Philippines 6,1 triệu người, nhưng đến năm 2017, mức dân số Việt Nam là 96,21 triệu người, trong khi dân số Philippines là 108,44 triệu người)1.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì chính sách dân số vẫn gặp phải những khó khăn. Đặc biệt là vấn đề mất cân bằng giới tính ngày càng nghiêm trọng do tình trạng biết trước giới tính thai nhi ngày càng phổ biến (81,3% năm 2012) cùng tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại. Nếu không có can thiệp một cách quyết liệt thì dự báo đến năm 2050, vấn đề bất bình đẳng giới sẽ gia tăng.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ sớm trở thành nước dân số già với phân bố dân cư không đồng đều, tỷ lệ di cư, đô thị hóa, tích tụ dân số vào một số vùng đang diễn ra khá mạnh. Mặc dù khống chế nhưng mật độ dân số còn cao. Mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2, gấp 5 lần so với mật độ dân số trung bình trên thế giới. Mặt khác, mật độ dân số ở nước ta cao nhưng phân bố dân số lại không đều giữa các khu vực, vùng, các tỉnh, giữa các quận/huyện. Tỷ lệ dân sống ở đô thị của nước ta rất thấp, theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019 chỉ có 34,5 % dân số sống ở thành thị; còn lại 65,5% dân số sống ở nông thôn2.

Trước thực trạng này, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách liên quan đến dân số và phát triển. Điển hình nhất là Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017; những văn bản xử lý vi phạm chính sách dân số; một số lưu ý về xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức bộ máy đối với công tác dân số và phát triển…

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017, xác định dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài và là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ dân số – Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu: “Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế – xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững”.

Mục tiêu cụ thể đề ra cho công tác dân số đến năm 2030 là: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người. Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại. Trong đó có những mục tiêu cụ thể, như: Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%; tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%; tỷ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 49%. Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung3.

Ngày 28/02/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 314/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch “Nâng cao năng lực nghiên cứu về dân số và phát triển đến năm 2030”, trong đó đề cập đến nội dung về các công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế cũng được đặt ra: đến năm 2025, cả nước có từ 2 – 5 tổ chức đủ năng lực nghiên cứu chuyên sâu về dân số và phát triển; đến năm 2030 có từ 5 đến 8 tổ chức đủ năng lực nghiên cứu chuyên sâu về dân số và phát triển. Có ít nhất 5 công bố về dân số và phát triển trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc ISI hoặc Scopus; 30 công bố trên các tạp chí khoa học trong nước; 5 nghiên cứu sinh thực hiện luận án, 15 thạc sỹ được đào tạo trong khuôn khổ nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Kế hoạch4.

Phấn đấu đến năm 2030, các nghiên cứu khoa học công nghệ về dân số và phát triển được nghiên cứu, phát triển ngang tầm khu vực và thế giới; một số công nghệ Y – sinh học chuyên sâu phục vụ việc tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, dự phòng, điều trị và phục hồi chức năng trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được nghiên cứu, phát triển đạt trình độ ngang tầm thế giới được ứng dụng tại Việt Nam. Cùng với đó, phấn đấu có ít nhất 10 công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc ISI hoặc Scopus; 30 công bố trên các tạp chí khoa học trong nước; 10 nghiên cứu sinh thực hiện luận án, 30 thạc sỹ được đào tạo trong khuôn khổ nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Kế hoạch5.

Như vậy, việc đưa nội dung chương trình giảng dạy, bồi dưỡng về dân số và phát triển vào các khóa bồi dưỡng cán bộ, công chức và viên chức là rất quan trọng; đồng thời, mục tiêu nghiên cứu khoa học – công nghệ ngang tầm khu vực và thế giới, công bố các công trình nghiên cứu về dân số và phát triển trên các tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài được Chính phủ coi là một nhiệm vụ phải được quan tâm, đầu tư.

Ảnh: quanlynhanuoc.vn
Báo chí tham gia truyền thông về dân số và phát triển

Báo chí là một trong những công cụ quan trọng trong công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng của Đảng; đồng thời, là cầu nối, kịp thời phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, những nhu cầu thiết yếu của Nhân dân với Đảng và Nhà nước. Thông tin, tuyên truyền, qua đó định hướng dư luận xã hội là chức năng cơ bản mang tính tiên quyết của báo chí. Thông tin trên báo chí, kể cả tin trên các mạng xã hội tác động trực tiếp đến tới tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của Nhân dân, qua đó, làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của Nhân dân. Nếu thông tin trung thực, phản ánh đúng bản chất vấn đề sẽ có tính định hướng, tính giáo dục và tính xây dựng cao, hướng con người tới chân, thiện, mỹ và ngược lại.

Qua khảo sát trên google: “Có bao nhiêu bài viết về dân số và phát triển”, hoặc “dân số – KHHGĐ”, đã cho ra kết quả hơn 33 nghìn bài viết về chủ đề này. Hầu hết các cơ quan báo, tạp chí cả trung ương và địa phương, cổng thông tin điện tử, Website của các cơ quan, đơn vị đều có bài viết. Từ đó cho thấy, vấn đề về dân số và phát triển luôn được cả xã hội quan tâm và dành đáng kể các nguồn lực để phát triển sự nghiệp chung này.

Nhận thức được vai trò, hiệu quả của báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến các nhiệm vụ, giải pháp của chính sách dân số và phát triển, nhiều năm qua, Tổng cục Dân số – KHHGĐ đã có sự phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí – truyền thông và đạt được nhiều kết quả tốt. Trong đó, báo chí đã tập trung truyền thông rất đa dạng các đối tượng, từ các nhà lãnh đạo hoạch định chính sách, cơ quan quản lý đến những người cần chuyển đổi hành vi (phụ nữ, nam giới và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; bà mẹ mang thai; vị thành niên và thanh niên; người cao tuổi; người cung cấp dịch vụ y tế…). Trọng tâm là tuyên truyền về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế – xã hội; duy trì mức sinh thay thế, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.

Về cơ cấu dân số, báo chí đã tập trung tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh (phê phán các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình, bình đẳng giới). Tuyên truyền về già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay và đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cần được duy trì trong nhiều năm tiếp theo, nâng cao nhận thức của người dân để thấy rõ già hóa dân số vừa là kết quả của phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian qua, đồng thời cũng là thách thức trong thời gian tới.

Mặc khác, báo chí cũng đã tập trung tuyên truyền về việc thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số như: tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; hiệu quả của tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; tác hại, hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số… truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ ở những địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Hướng mạnh vào việc nâng cao hiểu biết, thay đổi hành vi về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; thúc đẩy sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ trong mỗi gia đình và cả cộng đồng.

Cập nhật thông tin về công tác dân số cho phóng viên, cộng tác viên các cơ quan báo chí. Ảnh: dangcongsan.vn
Những nội dung về dân số và phát triển mà báo chí cần tập trung tuyên truyền

Với chức năng và vai trò của mình, báo chí cần tập trung tuyên truyền trên cơ sở các nội dung mà ngành Dân số – KHHGĐ đã đặt ra.

Tuyên truyền về quy mô dân số. Xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với thực trạng mức sinh của từng địa phương theo hướng: (1) Đối với tỉnh chưa đạt mức sinh thay thế: tiếp tục tuyên truyền các nội dung, thông điệp để giảm sinh nhằm đạt mức sinh thay thế bình quân trong toàn tỉnh; truyền thông về lợi ích của KHHGĐ, quy mô gia đình nhỏ, không đẻ sớm, không đẻ dày. (2) Đối với những tỉnh đã đạt mức sinh thay thế hoặc dưới mức sinh thay thế: tuyên truyền các nội dung, thông điệp để mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con, duy trì khoảng cách giữa các lần sinh, ổn định mức sinh… Tuyên truyền về sự cần thiết cung ứng đầy đủ các phương tiện tránh thai, bảo đảm an ninh hàng hóa các phương tiện tránh thai; không để tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, ảnh hưởng đến công tác KHHGĐ.

– Tuyên truyền về cơ cấu dân số. Truyền thông về thực trạng tỷ số giới tính khi sinh tại địa phương, nguyên nhân, hệ lụy và giải pháp thông qua việc tuyên truyền về Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025; Chỉ thị số 04/CT-BYT ngày 15/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục về các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến Luật Bình đẳng giới, Luật Phòngchống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình,nêu cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện nay.

– Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, lồng ghép biến dân số vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Tập trung tuyên truyền về các giải pháp phát huy lợi thế của cơ cấu dân số vàng: tiếp tục duy trì vững chắc mức sinh thay thế nhằm phát huy lợi thế giai đoạn cơ cấu dân số vàng, qua đó tăng cơ hội việc làm, nhất là những việc làm tạo giá trị gia tăng, đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động… Xây dựng và hoàn thiện hệ thống các chính sách sử dụng lao động, lấy hiệu quả làm việc là tiêu chí ưu tiên hàng đầu trong sử dụng và đãi ngộ lao động.

–  Tuyên truyền về phân bố dân số hợp lý. Tuyên truyền rộng rãi để mọi người hiểu được quyền và nghĩa vụ của người di cư, phát huy các yếu tố tích cực của quá trình di cư, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nơi đi và nơi đến, góp phần chăm sóc và nâng cao chất lượng dân số, nhất là vùng nhập cư.

– Tuyên truyền về nâng cao chất lượng dân số. Tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, hiệu quả của việc thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số. Nâng cao nhận thức về tác hại, hệ lụy, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.

Đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả và tầm quan trọng của việc thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, qua đó vận động người dân tự nguyện tham gia.

Nâng cao nhận thức về tác hại, hệ lụy của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

  – Tuyên truyền về đổi mới công tác truyền thông, vận động về dân số. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông cho vị thành niên, thanh niên, người chưa kết hôn, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, người cao tuổi và các nhóm dân số đặc thù. Ưu tiên truyền thông tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng mức sinh thấp, vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao. Lựa chọn nội dung và hình thức truyền thông về dân số và phát triển phù hợp với người dân sống ở đô thị, nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số…

Mở rộng toàn diện nội dung truyền thông, giáo dục cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế – xã hội; duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng lợi thế dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.

Để báo chí làm tốt hơn công tác tuyên truyền, phổ biến về dân số và phát triển

Báo chí – truyền thông với vai trò, trách nhiệm của mình, luôn phải xác định nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về y tế; tuyên truyền, vận động toàn xã hội cùng chung tay, tạo sự thống nhất, đồng thuận vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dân số trong tình hình mới là nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng, do đó, báo chí luôn phải đi trước một bước và tuyên truyền, phổ biến có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, cần tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW và Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương để tham mưu, quản lý, định hướng công tác tuyên truyền có hiệu quả cao nhất. Tích cực tuyên truyền về công tác y tế, dân số kịp thời, chính xác, đặc biệt khi có những vấn đề ảnh hưởng rộng đến sức khỏe cộng đồng. Cần đưa nội dung dân số và phát triển là một trong những nội dung thường xuyên, liên tục được truyền tải trên các ấn phẩm báo chí, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.

Hai là, nội dung tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trong xã hội và người dân. Do đó, cần tập trung tuyên truyền về nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khoẻ sinh sản; tuyên truyền đến đối tượng trẻ kiến thức và kỹ năng về dân số, sức khoẻ sinh sản đúng đắn, có hệ thống.

Ba là, mở rộng toàn diện nội dung truyền thông, giáo dục cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế – xã hội; duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng lợi thế dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.

Bốn là, tuyên truyền phổ biến việc xây dựng, ban hành và thực hiện kế hoạch rà soát, sửa đổi, củng cố chương trình, nội dung, phương pháp, đa dạng các loại hình giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới tính, bình đẳng giới cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, bảo đảm hình thành kiến thức và kỹ năng đúng đắn có hệ thống cho thế hệ trẻ.

Năm là, tổ chức tuyên truyền trên các ấn phẩm báo chí về vận động và phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tham gia giáo dục, vận động các đối tượng trẻ thực hiện dân số – KHHGĐ; lồng ghép nội dung tuyên truyền về dân số và phát triển trong các chuyên trang, chuyên mục các ấn phẩm báo chí của cơ quan báo chí.

Sáu là, nâng cao kiến thức về dân số và phát triển cho đội ngũ phóng viên, nhà báo.

Đội ngũ nhà báo, phóng viên thực hiện truyền thông trong công tác dân số không chỉ cần có kiến thức về công tác dân số mà còn cần có hiểu biết sâu rộng, có kiến thức của nhiều ngành, nghề khác. Báo chí cần quan tâm đến việc sử dụng ngôn từ, tính toán đến những vấn đề nhạy cảm như bối cảnh, đối tượng tiếp nhận thông tin để tuyên truyền phù hợp, chính xác và hiệu quả.

Bảy là, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, ngành dân số – KHHGĐ cần quan tâm dành nguồn kinh phí nhất định, đầu tư trang bị phương tiện làm việc cho cơ quan báo chí, nhà báo tác nghiệp ở lĩnh vực dân số và phát triển để có điều kiện phản ánh nhanh nhất, chính xác và chất lượng nhất tác phẩm báo chí đến với bạn đọc, công chúng, người dân, tạo hiệu ứng tốt, lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội về công tác dân số và phát triển, góp phần quan trọng trong sự phát triển mọi mặt đời sống xã hội của đất nước.

Chú thích:
1,2. Tổng cục Thống kê. Thông cáo báo chí kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
3. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới.
4,5. Quyết định số 314/QĐ-TTg ngày 28/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch “Nâng cao năng lực nghiên cứu về dân số và phát triển đến năm 2030”.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII.H. NXB Chính trị sự thật quốc gia, 2016.
2. Luật Báo chí năm 2016.
3. Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025.
TS. Nguyễn Quang Vinh
Học viện Hành chính Quốc gia