Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plâycu của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Một thông điệp về đoàn kết, yêu nước, tranh đấu cho tự do, độc lập

(Quanlynhanuoc.vn) – Cách đây 74 năm, ngày 19/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số (DTTS) miền Nam tại Plâycu. Bức thư chỉ có 280 chữ, ngắn gọn, giản dị và rất đỗi chân thành, thể hiện tình cảm và niềm tin sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho miền Nam, cho đồng bào các DTTS miền Nam cũng đồng thời cho đồng bào cả nước trong cuộc đấu tranh vì nền độc lập của Tổ quốc.
Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh tư liệu)

1. Ngày 03/12/1945, tại Thủ đô Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Đại biểu các DTTS từ Tây Bắc, Việt Bắc đến Tây Nguyên nhằm biểu dương tinh thần đoàn kết, giữ gìn nền độc lập của Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự và phát biểu với Hội nghị. Người nhấn mạnh, các dân tộc phải đoàn kết, thống nhất để giữ vững nền độc lập, bình đẳng, tương trợ giữa các dân tộc là nguyên tắc cơ bản của công tác vận động dân tộc.

Cũng tại Thủ đô Hà Nội, Người đã tiếp và nói chuyện với đoàn đại biểu các DTTS tỉnh Tuyên Quang ngày 23/11/1945.

Các bài nói của Người rất cảm động.

Người nói với đồng bào Mán, Thổ (nay gọi là dân tộc Dao và dân tộc Tày) rằng, “… anh em Thổ, Mán ai nấy đều một lòng mong Tổ quốc độc lập, ghét oán bọn giặc xâm lăng. Trước kia còn thời Pháp, Nhật, tất cả già, trẻ, đàn ông, đàn bà… ai cũng tham gia cách mạng hoặc ra mặt trận giết giặc, hoặc ở đằng sau giồng giọt ngô, khoai, giúp quân lính mình. Bây giờ, nước ta được độc lập, tôi thay mặt đồng bào Kinh cảm ơn anh chị em”1. Bằng những lời lẽ mộc mạc, chân thành ấy, Người đã khẳng định nhiệt tâm yêu nước, yêu nòi của đồng bào các DTTS, đã biểu dương công lao của đồng bào giúp anh em Việt Minh trong cuộc vận động giải phóng.

Như vậy, trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc vì độc lập, tự do, đồng bào các DTTS đã có đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cách mạng tháng Tám, năm 1945.

Người cũng nói với đồng bào về nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang đang đặt ra đòi hỏi tất cả mọi người phải đồng tâm nhất trí thực hiện “Tuy ta được độc lập, nhưng dân ta sẽ còn phải gặp rất nhiều nỗi khó khăn, còn phải hy sinh phấn đấu nhiều hơn nữa”2.

Người xác định, “từ người giàu cho chí kẻ nghèo cần phải một lòng giữ vững nền độc lập, chống bọn Pháp muốn trở lại nước ta lần nữa”3.

Người cổ vũ, động viên, gieo niềm tin và hy vọng cho đồng bào về một triển vọng cuộc sống tốt đẹp hơn “Bao giờ bọn giặc Pháp không trở lại được nữa, đồng bào Kinh sẽ dược rảnh rang giúp đồng bào Thổ, Mán nhiều hơn. Chính phủ cũng sẽ giúp cho đồng bào Thổ, Mán như sẽ giúp cho các dân tộc nhỏ khác được có đủ ruộng làm, đủ trâu bò cày…”4.

Nói với đồng bào những điều cụ thể, thiết thực đó, Người đã tỏ ra vô cùng khéo léo và tinh tế khi tuyên truyền chủ trương, chính sách đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, thương yêu tin cậy lẫn nhau giữa đồng bào Kinh với đồng bào các DTTS trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Người đặc biệt quan tâm tới lợi ích và nhu cầu của mọi người dân và nói rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc giúp đỡ đồng bào có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người nói, “đồng bào Kinh và Chính phủ rất thương mến đồng bào Mán, Thổ, coi như anh chị em trong một nhà và khuyên anh chị em gắng sức để đi tới thái bình để cùng hưởng chung5. Đó chính là những điều cốt yếu và mục đích nhất quán trong đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ.

Tư tưởng về Đoàn kết Bình đẳng dân tộc, về lợi quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của các dân tộc, của Chính phủ còn được Người nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội nghị Đại biểu các DTTS tại Hà Nội ngày 03/12/1945.

Những điều nói trên lại một lần nữa được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong bức thư Người gửi tới Đại hội các DTTS miền Nam tại Plâycu ngày 19/4/1946. Bức thư đã kết tinh bao điều đặc sắc trong Tư tưởng – Đạo đức – Phong cách Hồ Chí Minh về đường lối, chủ trương, chính sách dân tộc mà Người đã nêu ra, đã ra sức thực hiện từ công cuộc vận động giải phóng dân tộc trước Cách mạng tháng Tám đến ngày đầu gây dựng chính thể Cộng hòa dân chủ và trong sự nghiệp “vừa kháng chiến vừa kiến quốc” sau này. Người nêu rõ, “Kháng chiến tất thắng để kiến quốc tất thành”. Đẩy mạnh kiến quốc thành công để thúc đẩy kháng chiến mau đi tới thắng lợi. Muốn vậy phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết giữa đồng bào Kinh chiếm đa số với đồng bào các DTTS ở nước ta, đoàn kết giữa các DTTS với nhau, trong mọi vùng, mọi miền đất nước, vì Độc lập – Tự do – Hạnh phúc của toàn dân, vì sự phát triển của dân tộc ta tới sự phồn vinh, cường thịnh.

2. Đại hội các DTTS miền Nam họp ở Plâycu trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt.

Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời với bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo và đọc trước quốc dân đồng bào ngày 02/9/1945 đi vào lịch sử như một sự kiện trọng đại. Người trịnh trọng tuyên bố trước đồng bào mình và trước toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”6.

Nước Dân chủ cộng hòa non trẻ chỉ vừa mới ra đời, bao nhiêu khó khăn chồng chất từ di sản mục nát của đế quốc thực dân trong ngót một thế kỷ đô hộ để lại với 2 triệu người chết đói, ngân khố quốc gia trống rỗng, 95% dân số nước ta còn mù chữ, thù trong giặc ngoài câu kết với nhau hòng lật đổ chính quyền cách mạng. Hồ Chí Minh – Chủ tịch Chính phủ lâm thời đã lãnh đạo toàn dân bắt tay vào xây dựng chế độ mới, cuộc sống mới.

Thực dân Pháp không từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta. Ngày 23/9/1945, Nam Bộ bắt đầu cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp và các thế lực phản động khác. Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc là một tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh, là phương châm hành động của Chính phủ, của toàn dân ta. Tất cả đều đồng tâm, đồng sức, đồng lòng, đoàn kết nhất trí theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, ra sức thi đua diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm, phát huy cao độ lòng yêu nước và tinh thần dân tộc để giữ vững nền độc lập tự do. Chỉ trong một thời gian ngắn, hết sức khẩn trương và sáng tạo, chúng ta đã tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội trong cả nước vào ngày 06 tháng Giêng năm 1946. Quốc hội đã họp kỳ họp đầu tiên ngày 02/3/1946 với gần 300 đại biểu, trong đó có các đại biểu người DTTS. Quốc hội đã trao cho Người nhiệm vụ thành lập Chính phủ mới – một chính phủ liên hiệp kháng chiến, tiêu biểu cho ý chí hành động của toàn thể quốc dân do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Quốc hội đã bầu ra Ban Thường trực, Tiểu ban dự thảo Hiến pháp, Kháng chiến ủy viên Hội và Đoàn Cố vấn tối cao.

Bản Hiến pháp năm 1946 đã được thông qua tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội (từ ngày 28/10 – 09/11/1946) trong bối cảnh cuộc kháng chiến toàn quốc đang tới gần.

Những thành quả to lớn đó trong xây dựng chính thể dân chủ cộng hòa ở nước ta thực sự làmột kỳ tích lịch sử mà nhờ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cùng với thiên tài tư tưởng và tổ chức của Hồ Chí Minh chúng ta đã đạt được.

Khi gửi thư cho Đại hội các toàn quốc miền Nam, Hồ Chí Minh đã chính thức là nguyên thủ quốc gia, là lãnh tụ tối cao của toàn dân và linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì thế, những lời của Người trong bức thư này không chỉ thể hiện tấm lòng, tình cảm của người đứng đầu Chính phủ và Nhà nước nói với đồng bào mà còn mang ý nghĩa của một thông điệp lịch sử thông điệp Đoàn kết – Yêu nước, là lời kêu gọi thiêng liêng gửi tới các đại biểu dự Đại hội, quyết tâm phấn đấu hy sinh để giữ vững nền độc lậptự do của Tổ quốc.

Bức thư tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng nội dung phong phú, thể hiện những tư tưởng sâu sắc về đường lối, quan điểm và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.

Mở đầu bức thư, Người nói rõ vì hoàn cảnh đường sá xa xôi nên Người rất tiếc không đến dự Đại hội được.

Tình cảm và tấm lòng của Người có sức động viên, cổ vũ to lớn đối với đồng bào “Tôi tuy xa nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào7. Đây là lời nói xuất phát từ trái tim nặng lòng yêu nước thương dân, là sự biểu thị tính nhân dân, tinh thần dân chủ của một Chính phủ vì dân nên giữa Chính phủ, lãnh tụ với nhân dân không hề có một khoảng cách nào. Thân thiết, gần gũi với dân và một lòng tin yêu nhân dân là nét đặc trưng nổi bật, nhất quán của phong cách Hồ Chí Minh. Sự cảm động này, nguồn sức mạnh nhân nghĩa này, chính người dân đã nhận biết rõ nhất. Thực tế lịch sử của công cuộc kháng chiến kiến quốc ở nước ta đã cho thấy, lòng Già Hồ luôn hướng tới dân, luôn nghĩ về dân nên dân cũng một lòng thương mến Già Hồ và hết lòng tin tưởng ủng hộ Chính phủ do Người đứng đầu.

Câu mở đầu trong bức thư ấy đủ sức truyền cảm và chứng thực cho những điều Người nói là sự thật, là chân lý, là đạo đức thấm sâu vào đường lối chính trị của Người. Theo Người, chính trị cốt ở ĐOÀN KẾT và THANH KHIẾT. Người là một điển hình mẫu mực về sự nhất quán giữa lời nói và việc làm nên rất đỗi tự nhiên, bằng kinh nghiệm và những trải nghiệm thực tế, Nhân dân tin tưởng sâu sắc những điều Người nói, những lời Người căn dặn. Hồ Chí Minh bằng trí tuệ, tâm hồn và tình cảm của mình, bằng đạo đức và nhân cách của mình, Người đã khai sáng, rọi sáng nhận thức cho dân, đã gieo niềm tin, đức tin cho dân đầy sức thuyết phục, cảm hóa lòng dân. Thư của Người là một minh chứng sinh động về văn hóa chính trị, là “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” như Người nói.

Trong thư, Người đưa ra một khẳng định, một lời cam kết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các DTTS khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”8. Đây là tư tưởng đoàn kết và thống nhất dân tộc trong một nước đa dân tộc. Đây là đạo lý, tình nghĩa dân tộc, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, thủy chung son sắt, tạo nên sức mạnh chống lại mọi âm mưu chia rẽ dân tộc, kích động tâm lý hẹp hòi, nghi kỵ, thành kiến dân tộc mà kẻ thù ra sức xuyên tạc hòng làm suy yếu sức cố kết của đồng bào ta.

Người nói rõ trong thư, “Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu dây liên lạc, hai là vì có kẻ xấu xúi giục để chia rẽ chúng ta”9. Nêu lên những nguyên nhân ấy để thức tỉnh, giác ngộ đồng bào, Người cũng gián tiếp nhắn nhủ đồng bào các DTTS một chân lý vĩnh hằng “Đoàn kết thì mạnh và sống”, “chia rẽ thì yếu và chết”.

Từ đó, Người nêu cao một sự thật, một chân lý “Ngày nay, nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có “NHA DÂN TỘC THIỂU SỐ” để săn sóc cho tất cả đồng bào”10.

Một trong những luận đề tư tưởng quan trọng, nổi bật, cốt yếu về thống nhất dân tộc được Người nhấn mạnh trong thư là: “Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta”11.

Tính chất và ý nghĩa chủ đạo của Thông điệp trong bức thư chính là ở luận đề tư tưởng này. Người không chỉ nhấn mạnh “đoàn kết chặt chẽ, giữ gìn non nước ta” mà còn xác định trách nhiệm, hành động “ủng hộ Chính phủ ta” bởi Chính phủ là Chính phủ Nhân dân, Chính phủ của dân, do dân bầu ra vì mục đích phục vụ Nhân dân để Nhân dân là chủ và làm chủ.

Từ thông điệp đoàn kết, yêu nước, tranh đấu cho nền độc lập của Tổ quốc, bức thư của Người kết thúc bằng một lời kêu gọi cũng đồng thời là thực hiện nhiệm vụ “Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta12.

Điều đòi hỏi và mong muốn đó của Người chính là thực hiện đường lối, quan điểm, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, còn mãi tính thời sự. Đoàn kết và bình đẳng, thương yêu và kính trọng, giúp đỡ lẫn nhau với tất cả sự chân thành, tin cậy, cùng nhau phấn đấu cho hạnh phúc chung của dân tộc, của muôn đời con cháu – Đó là sự chung đúc cả chân lý lẫn đạo lý, đạo nghĩa của dân tộc Việt Nam mà Người biểu đạt sâu sắc, tinh tế nhất là Hồ Chí Minh.

Nói rõ giá trị bền vững và thiêng liêng đó, trong lời kết của bức thư, Người nêu lên niềm tin mãnh liệt “Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”13. Cách biểu đạt tư tưởng và tình cảm, ý chí và hành động theo hình thức so sánh, trực cảm mà Người sử dụng rất phù hợp với tâm lý, tình cảm của đồng bào các DTTS.

Người tỏ rõ sự thấu hiểu lòng dân, sự thấu cảm cuộc sống của dân, thấm thía tình nghĩa đồng bào, nên những lời nói từ gan ruột, tự đáy lòng của Người hòa vào ý nghĩ, tình cảm, ước nguyện của mỗi người dân, của toàn dân tộc, nhanh chóng lan tỏa một hiệu ứng sâu xa mang ý nghĩa thức tỉnh, giáo dục, mang sức mạnh tập hợp lực lượng để thực hành Đoàn kết – Yêu nước – vì Độc lập – Tự do.

3. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tình cảm thân thiết cho toàn thể đồng bào, chăm lo thường xuyên tới cuộc sống của đồng bào các DTTS, đặc biệt đối với miền Nam bởi miền Nam “đi trước về sau”, đứng nơi “đầu sóng ngọn gió”, miền Nam là “thành đồng của Tổ quốc”. Người từng nói “miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”.

Người tin tưởng mãnh liệt vào sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc. Một tổng kết lớn, đặc sắc của Người, đúc kết thành chân lý:

“Đoàn kết – Đoàn kết – Đại đoàn kết

Thành công – Thành công – Đại thành công”.

Quan tâm tới lực lượng và phong trào cách mạng ở các địa bàn chiến lược của đồng bào các DTTS từ Việt Bắc, Tây Bắc tới Tây Nguyên, Người luôn chỉ dẫn cho chúng ta về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc.

Phải có cán bộ tốt thì phong trào mới lớn mạnh, cách mạng mới mau chóng đi tới thắng lợi. Phải chú trọng nguồn cán bộ tại chỗ, trưởng thành từ cơ sở, luôn gần dân, bám sát dân, hiểu dân, tin dân, khiêm tốn học hỏi dân để tận tụy phục vụ dân, suốt đời hy sinh phấn đấu cho hạnh phúc của nhân dân.

Khi gửi thư cho Đại hội các DTTS miền Nam tại Plâycu, Hồ Chí Minh – vị Chủ tịch của toàn dân đã 56 tuổi.

Trong dịp sinh nhật năm ấy, ngày 19/5/1946, đồng bào cả nước đã chúc thọ Người với tất cả lòng thành kính, tin tưởng và biết ơn. Trong thư cảm ơn chung tấm lòng của đồng bào, Người viết thật cảm động rằng:“Từ trước tới giờ tôi đã là người của đồng bào thì từ giờ về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào, mãi mãi là người của đồng bào”. Quả thật là tình thương yêu của Người dành cho đồng bào mãi mãi không bao giờ thay đổi. Người cũng từng nói, ở Việt Nam, nhất là ở miền Nam, mỗi người có một nỗi khổ riêng, mỗi gia đình có một nỗi đau riêng. Cộng tất cả nỗi khổ đau đó lại là nỗi khổ đau của bản thân tôi. Người có trái tim và tình thương bao la đó, cho đến khi nằm trên giường bệnh, phút linh thiêng, giã từ cuộc sống để về cõi vĩnh hằng, 9 giờ 47 phút ngày 02/9/1969 vẫn chỉ nghĩ đến Dân, vẫn chỉ hỏi tin chiến thắng ở niềm Nam. Người thực sự quên mình, hóa thân vào Dân vào Nước.

Dù đã 74 năm kể từ ngày Người viết thư gửi Đại hội các DTTS miền Nam, dù đã 55 năm kể từ ngày Người viết những dòng đầu tiên trong “bức thư để lại cho đồng bào, đồng chí” mà ta gọi là Di chúc, những chỉ dẫn ân cần, sâu sắc của Người về Đoàn kết – Yêu nước, về Độc lập tự do vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự, mới mẻ đến tận hôm nay và mai sau. Đồng bào các DTTS trên đất nước ta cũng như đồng bào cả nước mãi mãi ghi nhớ và thực hiện lời dạy của Người: Đoàn kết – Đại đoàn kết để Thành công – Đại thành công, “Xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”14 đúng như tâm nguyện của Người./.

Chú thích:
1,2,3,4,5. Hồ Chí Minh, Toàn tập. Tập 4, H.NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr.119-120.
6. Hồ Chí Minh, Toàn tập. Tập 4, H.NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr.3.
7,8,9,10,11,12,13. Hồ Chí Minh, Toàn tập. Tập 4, H.NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr.249-250.
14. Hồ Chí Minh, Toàn tập. Tập 15, H.NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr.624.
GS.TS Hoàng Chí Bảo
Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương