Những vấn đề cần nghiên cứu và giảng dạy khi chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Bài viết trình bày tình trạng và xu hướng dân số của nước ta nhằm làm sáng rõ cơ sở thực tiễn của Nghị quyết, từ đó có những phương hướng cần nghiên cứu, giảng dạy trong các cơ sở đào tạo về dân số và phát triển và đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

 

Ảnh: https://hanoimoi.com.vn
Quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao, phân bố dân số không đều

Năm 2019, Việt Nam có 96.208.984 người, là nước đông dân thứ 3 trong khối ASEAN và thứ 15 trên thế giới. Mật độ dân số nước ta lên tới 290 người trên 1km2, gấp 5 lần mật độ dân số thế giới, xếp thứ 49 trong tổng số 244 quốc gia và các vùng lãnh thổ. Các nhà khoa học của Liên hiệp quốc đã tính toán rằng, để cuộc sống thuận lợi, bình quân trên 1 km2, chỉ nên có từ 35 – 40 người1. Như vậy, mật độ dân số của nước ta đang gấp khoảng 6 – 7 lần “mật độ chuẩn”. Căn cứ vào các chỉ số nói trên, có thể khẳng định Việt Nam là quốc gia có quy mô dân số rất lớn, mật độ dân số rất cao.

Theo Tổng cục Thống kê, đến năm 2026, Việt Nam sẽ có 100 triệu dân, mật độ dân số sẽ lên tới 302 người /km2và đến giữa thế kỷ XXI các con số tương ứng là 108 triệu người và 327 người /km2. Để bảo đảm an ninh lương thực, năng lượng, nâng cao chất lượng dân số… phát triển bền vững ở quốc gia hàng trăm triệu người2, bên cạnh những thuận lợi về nguồn nhân lực, rõ ràng cũng là sự thách thức rất lớn.

Mật độ dân số ở nước ta cao nhưng phân bố dân số lại không đều giữa các khu vực, vùng, các tỉnh, giữa các quận/huyện. Trước hết, tỷ lệ dân sống ở đô thị của nước ta còn thấp. Năm 2019, có 34,5% dân sống ở thành thị; 65,5% dân sống ở nông thôn. Về phân bố dân số giữa các vùng, trong đó có hai vùng phát triển nhất cả nước là đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có dân số chiếm 41,4% dân số cả nước, cũng là những vùng mật độ dân số cao nhất. Mật độ dân số đồng bằng sông Hồng thậm chí cao gấp 10 lần Tây Nguyên. Nhiều tỉnh ở nước ta có mật độ dân số rất cao, trên 1.000 người/km2 nhưng cũng không ít tỉnh mật độ dân số thấp, chưa đến 100 người/km2. Sự chênh lệch mật độ giữa hai khu vực này ngày càng lớn. Ở cấp huyện, phân bố dân số càng có sự tương phản sâu sắc: nhiều quận ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội có mật độ dân số “siêu cao”, trên 40.000 người/kmtrở lên nhưng huyện Mường Nhé (Lai Châu): 18 người/km2, Tương Dương (Nghệ An): 30 người/km2, huyện Sa Thày (Kon Tum): 34người/km2.

Tình trạng phân bố dân số không đều là thách thức đối với sự phát triển bền vững là do có sự di cư mạnh mẽ của người dân từ sau năm 1975.

Những tác động tích cực của di cư, như: (1) Giải quyết tình trạng mất cân đối lao động – việc làm; (2) Góp phần dịch chuyển cơ cấu lao động theo hướng hiện đại và nâng cao năng suất lao động xã hội; (3) Nâng cao chất lượng cuộc sống của người di cư; (4) Là phương thức chia sẻ đầu tư và thành tựu phát triển. Tuy nhiên, di dân không quản lý tốt cũng tác động tiêu cực đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, như: tắc nghẽn giao thông và tai nạn giao thông; làm mất cân đối dân cư và cơ sở hạ tầng; ô nhiễm môi trường; diện tích rừng suy giảm; người già và trẻ em vùng xuất cư có thể bị thiếu sự quan tâm, chăm sóc…

Do vậy, các nghiên cứu xây dựng chính sách cần tạo điều kiện cho các dòng di cư diễn ra suôn sẻ ở cả đầu đi và đầu đến; điều hòa chứ không ngăn cản các dòng di cư nhằm tiến tới phân bố dân số hợp lý.

Mức sinh giảm và đã ở mức thấp nhưng có sự khác biệt giữa các tỉnh, thành phố

Có nhiều chỉ tiêu đo mức sinh nhưng thông thường nhất là “Tổng tỷ suất sinh” (Total Fertility Rate, viết tắt TFR). Đó là “Trung bình số trẻ được sinh ra của một phụ nữ, tính đến hết độ tuổi sinh đẻ”. Hơn nửa thế kỷ qua, nhờ kiên trì đẩy mạnh kế hoạch hóa gia đình và những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, Việt Nam đã đạt được mục tiêu “mỗi cặp vợ chồng có 2 con” từ năm 2005.

Ngày nay, phụ nữ Việt Nam chỉ sinh số con chưa bằng 1/3 cách đây nửa thế kỷ. Cùng với việc phát triển kinh tế – xã hội, “Gia đình 2 con” đã và đang tác động mạnh mẽ, tích cực đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em; tạo điều kiện thuận lợi để các gia đình “nuôi con khỏe, dạy con tốt”, nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển bền vững đất nước. Việc liên tục đạt được mục tiêu “Mức sinh thay thế” hơn 10 năm qua chính là cơ sở để chuyển trọng tâm của chính sách dân số ở nước ta, từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển.

Tuy nhiên, mức sinh các vùng địa lý có khác biệt. Những vùng khá phát triển, như: Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long lại có mức sinh thấp nhất. Thậm chí, nhiều tỉnh có mức sinh đã giảm rất sâu:TP. Hồ Chí Minh: 1,39 con/phụ nữ; Tây Ninh: 1,53con/phụ nữ; Bình Dương: 1,54 con/phụ nữ3

Rõ ràng ở những vùng này kinh tế – xã hội phát triển lại rất ít con nên có điều kiện nuôi, dạy tốt hơn nhưng tỷ lệ trẻ béo phì cũng cao hơn các vùng khác, ngược lại, các vùng có trình độ phát triển thấp, mức sinh lại cao. Năm 2019, vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên đều có tỷ suất sinh cao nhất nước: 2,43 con/phụ nữ; tỉnh Kon – Tum: 2,74 con/phụ nữ; Yên Bái: 2,72 con/phụ nữ4… Đối với đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người (dưới 10.000 người) thì mức sinh còn cao hơn nữa. Điều này dẫn tới khó khăn trong phát triển kinh tế – xã hội nói chung và nâng cao chất lượng dân số nói riêng ở những vùng, những dân tộc có mức sinh cao.

Tình trạng trên đã đặt ra một loạt câu hỏi nghiên cứu: Vì sao Nam Bộ duy trì được xu hướng giảm sinh và mức sinh đã giảm sâu? Vì sao Trung du và miền núi phía Bắc mức sinh vẫn còn cao? Ở Vùng này việc chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển cần phải có những khác biệt gì với các vùng đã có mức sinh thấp? Liệu đến năm 2030 Việt Nam sẽ có 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế? (từ năm 2009, đã có 39 tỉnh đạt mức sinh thay thế và năm 2016 chỉ còn 26 tỉnh đạt mức sinh này). Mức sinh thấp tác động thế nào đến khu vực Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung? Làm thế nào để tiếp tục duy trì vững chắc mức sinh thay thế…?

Biến đổi cơ cấu dân số theo tuổi và sự hình thành cơ cấu dân số vàng

Sau 40 năm (1979 – 2019), cơ cấu dân số theo tuổi, tức là sự phân chia tổng số dân theo từng nhóm tuổi thay đổi rất mạnhTỷ lệ trẻ em (0 – 14) tuổi giảm nhanh, hiện chỉ còn khoảng một nửa so với năm 1979; ngược lại, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động và nhóm dân số cao tuổi tăng mạnh. Mức sinh giảm, tuổi thọ được nâng cao là những nguyên nhân làm “cơ cấu dân số theo tuổi” của Việt Nam thay đổi căn bản.

Khi có ít nhất 66% dân số trong độ tuổi (15 – 64) – độ tuổi có khả năng hoạt động kinh tế thì được coi là có “cơ cấu dân số vàng”. Như vậy, Việt Nam đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”. Cơ cấu này rất hiếm gặp, nó chỉ xuất hiện một lần và kéo dài trong khoảng 30 – 45 năm mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển đất nước, đặc biệt là “dư lợi” về lao động. Đây là dư lợi do cơ cấu “dân số vàng” mang lại để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, “cơ cấu dân số vàng” cũng giảm áp lực dân số lên chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi trong tổng dân số từ 42,55% năm 1979 đã giảm xuống 24,3% vào năm 2019. Về số lượng cũng giảm, từ hơn 26,5 triệu người năm 1999 xuống còn hơn 23,6 triệu vào năm 2019. Vì vậy, xét trên phạm vi toàn quốc, áp lực dân số lên việc chăm sóc, phòng chống suy dinh dưỡng, hệ thống giáo dục từ mầm non đến trung học cơ sở của quốc gia đã giảm mạnh. Trong phạm vi hộ gia đình, số con của mỗi cặp vợ chồng đã giảm mạnh, từ 6 – 7 con xuống 2 con là điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc sức khỏe và phát triển giáo dục từ số lượng sang chất lượng. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, “cơ cấu dân số vàng” mới chỉ là “tỷ lệ dân số trong độ tuổi hoạt động kinh tế” cao, và “số người trong độ tuổi hoạt động kinh tế” lớn mang lại “khả năng”, “cơ hội” chứ chưa phải là đã có ngay lập tức “dư lợi” trực tiếp, có ngay kết quả cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Để tận dụng cơ hội “cơ cấu dân số vàng” còn phải trả lời những câu hỏi sau: (1) Bao nhiêu phần trăm những người trong “độ tuổi hoạt động kinh tế” có khả năng làm việc? Rõ ràng, nếu trong độ tuổi này nhưng ốm đau, bệnh tật, không có khả năng lao động thì cũng không tác động tích cực cho phát triển, thậm chí ngược lại. (2) Bao nhiêu phần trăm những người “có khả năng làm việc” có việc làm? Cũng hiển nhiên rằng, những người “có khả năng làm việc” song thất nghiệp hoặc có việc làm nhưng việc làm không đầy đủ sẽ tác động tiêu cực đến phát triển. (3) Bao nhiêu phần trăm “những người có việc làm” làm việc với năng suất cao? Nếu có việc làm nhưng năng suất, thu nhập thấp, đất nước cũng không tránh được “bẫy thu nhập trung bình”, mức sống nhân dân khó cải thiện.

Như vậy, để tận dụng hiệu quả cơ hội “cơ cấu dân số vàng” cần nghiên cứu phát hiện nhiều giải pháp nâng cao “3 tỷ lệ” nói trên.

Già hóa dân số

Cùng với xu hướng chung của thế giới, số lượng và tỷ lệ người cao tuổi Việt Nam không ngừng tăng lên, hiện đã đạt hơn 11,4 triệu người, chiếm gần 12% trong tổng dân số. Nếu trong 40 năm, từ 1979 – 2019, dân số tăng lên 1,8 lần thì người cao tuổi tăng lên 3,1 lần. Đặc biệt, nhóm người 80 tuổi trở lên – nhóm dân số đang được hưởng trợ cấp xã hội tăng tới hơn 4,6 lần; hiện đã có tới 1.918.719 người và đến giữa thế kỷ đạt tới 6.294 ngàn người5.

Già hóa đặt ra một loạt câu hỏi, như: (1) Những đặc điểm nào là nổi bật của người cao tuổi Việt Nam (Về cơ cấu giới tính? Tình trạng hôn nhân ra sao? Sống ở đâu? Sống với ai? Sức khỏe thế nào? Việc làm, thu nhập? Sự khác biệt, mâu thuẫn và xung đột với thế hệ trẻ?…); (2) Làm thế nào để già hóa khỏe mạnh? Già hóa tích cực? Các giải pháp thích ứng với già hóa dân số, bảo đảm phát triển bền vững là gì? (bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; khuyến khích, hỗ trợ tạo việc làm phù hợp; phát triển dịch vụ chăm sóc); (3) Thế nào là môi trường xã hội thân thiện với người cao tuổi và làm thế nào để xây dựng được môi trường như vậy?…

Vì vậy, cần đẩy mạnh nghiên cứu để trả lời thấu đáo những câu hỏi nói trên, tạo nền móng vững chắc cho các chính sách kinh tế – xã hội liên quan đến người cao tuổi và công tác giáo dục, truyền thông về lĩnh vực này.

Cơ cấu dân số theo giới tính dần cân bằng nhưng lại mất cân bằng nghiêm trọng ở nhóm tuổi trẻ và nhóm tuổi cao

Để đánh giá mức độ cân bằng giữa số nam và số nữ, người ta dùng chỉ tiêu: tỷ lệ nam và tỷ lệ nữ trong tổng dân số hoặc chỉ tiêu “Tỷ số giới tính”, tức là “bình quân số nam t­ương ứng với 100 nữ”. Chẳng hạn, theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, nư­ớc ta có 96.208.984 người, trong đó: nam là 47.881.061, chiếm 49,8%; nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%6. “Tỷ số giới tính” của dân số Việt Nam, năm 2019, được tính như sau:

         47.881.061 (nam)

Tỷ số giới tính =   ————————- x 100 = 99,1

       48.327.923  (nữ)

Xét trong toàn bộ dân số thì trong 40 năm qua (từ năm 1979 – 2019), số nam ở nước ta luôn luôn ít hơn số nữ. Tuy nhiên, sự mất cân đối này, nhìn chung đã dần dần thu hẹp và năm 2019 đạt tới gần cân bằng. Tuy nhiên, ở lứa tuổi trẻ (0 – 14) có sự mất cân đối giới tính khá nghiêm trọng: cứ 109 nam mới có 100 nữ. Đặc biệt, đối với trẻ sơ sinh, tỷ số giới tính lên đến 111,5, được gọi là “mất cân bằng giới tính khi sinh” – một hiện tượng xuất hiên khoảng hơn 10 năm nay ở nước ta.

Ngược lại, đối với người cao tuổi thì 100 nữ chỉ có 72 nam. Đặc biệt, đối với dân số có độ tuổi từ 85 tuổi trở lên thì cứ 100 cụ bà chỉ còn tương ứng có 49 cụ ông.Điều này phản ảnh sự không bình thường về cơ cấu dân số theo giới tính, ẩn chứa nhiều nguyên nhân và hậu quả ở góc độ kinh tế – xã hội.

Mất cân bằng giới tính thuộc loại mất cân bằng vật chất – nền tảng của sự tồn tại và phát triển bền vững của xã hội, tất yếu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Vì vậy, cần điều tra nghiên cứu kết luận thật chính xác về tình trạng, giải thích đúng và đầy đủ nguyên nhân, hậu quả của mất cân bằng giới tính trên phạm vi cả nước cũng như ở từng vùng, từng địa phương để có được những giải pháp phù hợp và hiệu quả vấn đề này.

Chất lượng dân số tăng lên nhưng chưa cao

Theo Pháp lệnh Dân số năm 2003 quy định: “Chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số”. Có thể sử dụng “một bộ chỉ tiêu” để phản ảnh chất lượng dân số. Tuy nhiên, nếu chỉ dùng một chỉ tiêu mang tính tổng hợp thì hiện nay ở Việt Nam, trong các văn bản chính sách của Đảng và Nhà nước hiện dùng “Chỉ số phát triển con người” (Human Development Index – HDI).

HDI là trung bình nhân của các chỉ số về kinh tế (GNI bình quân đầu người), giáo dục (số năm đi học trung bình và số năm đi học kỳ vọng), sức khỏe (tuổi thọ). Chỉ số này cao nhất là 1, thấp nhất là 0. HDI của nước ta không ngừng tăng lên, từ 0,496 năm 1992 đã đạt 0,694 vào năm 2019 thuộc nhóm có HDI trung bình. Tuy nhiên, HDI của Việt Nam chưa bao giờ lọt vào tốp 100 nước có HDI cao nhất và năm 2019 vẫn xếp hạng 118, trong tổng số 189 nước so sánh7.

Ngoài ra, có thể thấy chất lượng dân số biểu hiện qua các chỉ báo cụ thể về thể chất, trí tuệ, tinh thần của con người còn thấp. Chẳng hạn: còn nhiều trường hợp dị tật bẩm sinh của thai nhi; tỷ lệ suy dinh dưỡng và béo phì ở trẻ em còn cao; không hiếm trẻ bị rối nhiễm tâm trí; báo động về sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên trẻ; tảo hôn, hôn nhân cận huyết; sinh sớm và sinh muộn nhưng tư vấn tiền hôn nhân, hôn nhân và gia đình chưa phát triển; hàng triệu người nghiện ma túy, rượu, thuốc lá… Vì vậy, phải phát triển hệ thống tư vấn hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản như thế nào để đến năm 2030, tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%, giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.

Rõ ràng, những hành vi làm suy yếu giống nòi, như: tảo hôn, hôn nhân cận huyết, đẻ sớm, đẻ muộn, nghiện ngập,… chưa tự động biến mất cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội. Thậm chí, ngược lại, có những thách thức nảy sinh cùng sự phát triển, như: béo phì, rối nhiễu tâm trí, tai nạn giao thông, ma túy, HIV… cần được nghiên cứu và phát hiện đầy đủ, có chính sách, hệ thống luật pháp hiệu quả và hiệu lực là đòi hỏi vừa cấp bách, vừa lâu dài nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giống nòi, chất lượng dân số Việt Nam.

Lồng ghép biến dân số vào kế hoạch hóa phát triển

Để có thể lồng ghép biến dân số vào kế hoạch hóa phát triển, điều kiện tiên quyết là đội ngũ cán bộ kế hoạch các cấp phải có kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, các lớp bồi dưỡng cho cán bộ kế hoạch về lĩnh vực này thường hạn chế trong khuôn khổ dự án. Vì vậy, kiến thức, kỹ năng lồng ghép của cán bộ kế hoạch còn hạn chế. Do đó, cần tăng cường nghiên cứu, giảng dạy, tập huấn bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng về “Dân số và phát triển”, về “Lồng ghép biến dân số vào kế hoạch hóa phát triển” cho sinh viên các trường khoa học xã hội, cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ kế hoạch các cấp.

Nội dung nghiên cứu, giảng dạy xoay quanh các chủ đề: (1) Quy mô, mật độ, phân bố dân số; (2) Mức sinh giảm dần đã ở mức thấp nhưng không đồng đều giữa các vùng; (3) Cơ cấu dân số vàng; (4) Già hóa dân số; (5) Mất cân bằng giới tính thuộc các nhóm tuổi già và trẻ, đặc biệt là mất cân bằng giới tính khi sinh; (6) Chất lượng dân số; (7) “Lồng ghép biến dân số vào kế hoạch hóa phát triển” là những nội dung chính nhằm thực hiện hiệu quả Quyết định số 314/QĐ-TTg ngày 28/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch “Nâng cao năng lực nghiên cứu về dân số và phát triển đến năm 2030” và Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp đến năm 2030” trong khuôn khổ Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW.

Chú thích:
1. Nguyễn Đình Cử. 50 năm chính sách giảm sinh ở Việt Nam (1961 – 2011) – Thành tựu, tác động và bài học kinh nghiệm. H. NXB Đại học Kinh tế quốc dân, 2011.
2. UNFPA và Tổng cục Thống kê. Dự báo Dân số Việt Nam, 2014 – 2049. H. NXB Thông tấn, 2016.
3. 4. 5. 6. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 01/4/2019. Các kết quả chủ yếu. H. NXB Thống kê, 12/2019.
7. UN. Xếp hạng chỉ số phát triển con người năm 2019. http://hdr.undp.org.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 01/4/2019. Các kết quả chủ yếu. H. NXB Thống kê, 12/2019.
2. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009. Hà Nội, 2010.
3. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương. Dân số Việt Nam 01/10/1979. Hà Nội, 1983.
4. Central census steering committee. 1999 population and housingcensus: Sample results. The gioi publishers. Hanoi, 2000.
5. Tổng cục Thống kê. Tổng điều tra dân số Việt Nam -1989. Phân tích kết quả điều tra mẫu. Hà Nội, 1991.
6. Tổng cục Thống kê. Niên giám Thống kê 2016. Hà Nội, 2017.
7. UNFPA và Tổng cục Thống kê. Dự báo Dân số Việt Nam, 2014 – 2049. H. NXB Thông tấn, 2016.
8. UN. Human Development Data (1990 – 2018). http://hdr.undp.org
9. UN. Xếp hạng chỉ số phát triển con người năm 2019. http://hdr.undp.org.
GS.TS. Nguyễn Đình Cử
Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội
Đại học Kinh tế quốc dân