Sự mất cân bằng sinh ở Việt Nam và giải pháp điều chỉnh

(Quanlynhanuoc.vn) Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt phụ nữ ở tất cả các nhóm tuổi trong tương lai. Điều này sẽ tác động tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân. Thực tế cho thấy, bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của tỷ số giới tính khi sinh (SRB)chệch khỏi mức sinh học bình thường đều phản ánh những can thiệp có chủ đích và sẽ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa đến sự ổn định dân số của quốc gia. Chính vì vậy, bài viết đã tập trung nhấn mạnh vào các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để điều chỉnh sự mất cân bằng sinh.

 

Ảnh: Internet
Thực trạng mất cân bằng sinh ở Việt Nam

Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tổng số dân của Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019 là 96.208.984 người, trong đó dân số nam là 47.881.061 người, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%. Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 – 2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với 10 năm trước (giai đoạn 1999 – 2009 là 1,18%/năm). Đây là kết quả tích cực của chính sách kế hoạch hóa gia đình hay chính sách sinh “có kế hoạch” được ban hành và thực hiện từ năm 1961. Tuy nhiên, sau gần 50 năm thực hiện chính sách này đã phát sinh những vấn đề đòi hỏi cần có sự thay đổi chính sách này, đó là tình trạng mất cân bằng sinh, gồm mất cân bằng giới tính khi sinh và mất cân bằng mức sinh giữa các vùng, đối tượng.

(1) Về mất cân bằng mức sinh giữa các vùng và đối tượng:

Mức sinh là một nhân tố tác động đến tăng trưởng dân số, là thông tin đầu vào cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách về dân số và phát triển. Mức sinh chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: yếu tố sinh học, kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế và môi trường.

– Chỉ số tổng tỷ suất sinh (TFR)là số con đã sinh ra sống bình quân của một người phụ nữ trong suốt thời kỳ sinh đẻ từ 15 – 49 tuổi.

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy: số liệu về chỉ số tổng tỷ suất sinh (TFR) giai đoạn 2001 – 2019 ở nước ta có xu hướng giảm đều qua các năm, từ 2,25 con/phụ nữ năm 2001 xuống 1,99 con/phụ nữ năm 2011; giai đoạn 2012 – 2019, đạt bằng hoặc thấp hơn mức sinh thay thế dao động từ 2,04 – 2,10 con/phụ nữ. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa mức sinh ở thành thị và nông thôn trong gần hai thập kỷ qua, khu vực thành thị là 1,83 con/phụ nữ và khu vực nông thôn là 2,2,6 con/phụ nữ. Kết quả thống kê cũng cho thấy TFR ở khu vực nông thôn giảm khá nhanh từ 2,38 con/phụ nữ năm 2001 xuống còn 2,26 con/phụ nữ năm 2019 (giảm 0,12 con/phụ nữ), trong khi TFR ở khu vực thành thị gần như thay đổi không đáng kể, xoay quanh mức 1,80 con/phụ nữ trong cùng giai đoạn1.

Sự khác biệt về TFR giữa khu vực thành thị và nông thôn có thể là do các nguyên nhân như: các cặp vợ chồng ở thành thị được tiếp cận với các nguồn thông tin dễ dàng hơn; nhận thức về lợi ích của gia đình ít con tốt hơn so với các cặp vợ chồng ở nông thôn; dễ dàng tiếp cận các cơ sở y tế cung cấp các dịch vụ tránh mang thai và sinh con ngoài ý muốn hơn; điều kiện sống ở khu vực đô thị tốt hơn khu vực nông thôn nên tỉ lệ chết sơ sinh và chết trẻ em ở thành thị thấp hơn nông thôn, từ đó làm giảm nhu cầu sinh thay thế ở khu vực này.

Đặc biệt, có sự khác biệt về TFR ở các vùng và các tỉnh: Trung du và miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và Tây nguyên là các vùng có mức sinh cao hơn mức sinh thay thế (2,10 con/phụ nữ); trong khi đó vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu long có mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế. TP. Hồ Chí Minh là địa phương có TFR thấp nhất cả nước với 1,39 con/phụ nữ, tỉnh Hà Tĩnh có TFR cao nhất cả nước với 2,83 con/phụ nữ. Trong cả nước, có 22 địa phương cấp tỉnh có TFR dưới 2,10 con/phụ nữ; có 29 địa phương cấp tỉnh có TFR bằng 2,10 con/phụ nữ đến dưới 2,50 con/phụ nữ; có 12 địa phương cấp tỉnh có TFR cao từ 2,5 con/phụ nữ trở lên.

Dân tộc Hoa có mức sinh thấp nhất (1,53 con/phụ nữ), 21 dân tộc có mức sinh cao (TFR từ 2,5 con/phụ nữ trở lên). Đặc biệt, có 3 dân tộc có mức sinh cao nhất (TFR trên 3,5 con/phụ nữ) là: Xơ Đăng (3,57 con/phụ nữ), Bru Vân Kiều (3,64 con/phụ nữ) và Mông (3,68 con/phụ nữ).

Phụ nữ có trình độ đại học có TFR thấp nhất với 1,85 con/phụ nữ, tiếp đến phụ nữ có trình độ cao đẳng với 1,91 con/phụ nữ, phụ mữ chưa bao giờ đi học có TFR khá cao với 2,59 con/phụ nữ, và phụ nữ có trình độ sơ cấp có TFR cao nhất với 3,71 con/phụ nữ. Phụ nữ thuộc nhóm “giàu nhất” có mức sinh thấp nhất với 2,0 con/phụ nữ, phụ nữ thuộc nhóm “nghèo nhất” có mức sinh cao nhất với TFR là 2,40 con/phụ nữ.

Phụ nữ thuộc nhóm tuổi 25 – 29 có mức sinh cao nhất, bình quân 130 trẻ sinh sống/1.000 phụ nữ; phụ nữ thuộc nhóm tuổi 20 – 24 là 120 trẻ sinh sống/1.000 phụ nữ; và nhóm phụ nữ từ 30-34 tuổi là 84 trẻ sinh sống/1.000 phụ nữ2.

– Tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi (ASFR)cho biết bình quân 1.000 phụ nữ trong một độ tuổi hoặc một nhóm tuổi nhất định có bao nhiêu trẻ em sinh sống trong thời kỳ nghiên cứu, thường là 12 tháng trước thời điểm điều tra.

Kết quả điều tra cho thấy tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi (ASFR) của khu vực thành thị không những thấp hơn mà có độ trễ so với khu vực nông thôn – tức là phụ nữ thành thị sinh muộn và sinh ít con hơn phụ nữ nông thôn. Ở khu vực thành thị, mức sinh cao nhất thuộc về nhóm phụ nữ 25 – 29 tuổi với 127 trẻ sinh sống/1.000 phụ nữ, trong khi ở khu vực nông thôn thì mức sinh cao nhất thuộc về nhóm tuổi 20 – 24 với 147 trẻ sinh sống/1.000 phụ nữ. Mức sinh của phụ nữ nhóm tuổi 20 – 24 ở khu vực nông thôn cao gần gấp đôi mức sinh của phụ nữ sống ở khu vực thành thị (147 trẻ em sinh sống/1.000 phụ nữ so với 78 trẻ em sinh sống/1.000 phụ nữ). Một điểm khác biệt nữa là nhóm phụ nữ tuổi vị thành niên (15 – 19 tuổi) ở khu vực nông thôn có ASFR cao gần gấp ba lần so với ASFR của nhóm này ở khu vực thành thị (45 trẻ em sinh sống/1.000 phụ nữ và 16 trẻ em sinh sống/1.000 phụ nữ).

Nguyên nhân của thực trạng này có thể là do phụ nữ ở khu vực nông thôn có ít cơ hội theo học trình độ cao hơn so với phụ nữ ở khu vực thành thị nên họ thường kết hôn và sinh con sớm hơn phụ nữ ở khu vực thành thị hoặc có thể ở các vùng nông thôn, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn hiện tượng tảo hôn nên dẫn đến phụ nữ ở khu vực nông thôn sinh con sớm.

Trên phạm vi toàn quốc, phụ nữ chưa thành niên (từ 10 – 17 tuổi) sinh con chiếm tỉ trọng 3,3 ‰, cao nhất ở Trung du và miền núi phía Bắc (9,7‰), cao hơn 7,5 lần so với vùng đồng bằng sông Hồng (1,1‰), Tây nguyên (6,8‰)3.

(2) Về mất cân bằng giới tính khi sinh:

Tỷ số giới tính khi sinh (SRB) phản ánh cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra. Tỷ số này thông thường là 104 – 106 bé trai/100 bé gái. Bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của SRB chệch khỏi mức sinh học bình thường đều phản ánh những can thiệp có chủ đích và sẽ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa đến sự ổn định dân số của quốc gia.

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy: SRB của Việt Nam có xu hướng tăng hơn so với mức sinh học tự nhiên từ năm 2006 đến nay là bằng chứng về mất cân bằng giới tính khi sinh tại nước ta. Cụ thể, SRB năm 2019 giảm so với 2018 nhưng vẫn ở mức cao (năm 2018: 114,8 bé trai/100 bé gái; năm 2019: 111,5 bé trai/100 bé gái). SRB của khu vực thành thị là 110,8 bé trai/100 bé gái thấp hơn so với nông thôn là 111,8 bé trai/100 bé gái. SRB của các vùng cũng có sự chênh lệch đáng kể: SRB cao nhất là ở đồng bằng sông Hồng với 115,5 bé trai/100 bé gái và thấp nhất ở Đồng bằng sông Cửu long với 106,9 bé trai/100 bé gái. Sự chênh lệch của SRB giữa khu vực thành thị và nông thôn thuộc Đồng bằng sông Hồng cũng cao nhất cả nước. SRB của Trung du và miền núi phía Bắc năm 2019 là 114,2 bé trai/100 bé gái cao hơn so với năm 2009 (108,5 bé trai/100 bé gái). SRB của đồng bằng sông Hồng năm 2009 là 115,3 bé trai/100 bé gái, tăng nhẹ lên 115,5 bé trai/100 bé gái năm 20194.

Sự mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta nêu trên là do một số nguyên nhân như: (1) Nhận thức không đúng về bình đẳng giới dẫn đến yêu thích sinh con trai trong bối cảnh giảm sinh, tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn còn khá phổ biến trong một bộ phận nhân dân, kể cả cán bộ, đảng viên; (2) Văn hóa Nho giáo với phong tục về mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên; (3) Tiếp cận dịch vụ y tế dễ dàng hơn trong lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh. Việc lựa chọn giới tính trước khi sinh là nguyên nhân trực tiếp của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt phụ nữ ở tất cả các nhóm tuổi trong tương lai. Điều này sẽ tác động tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân: nam giới trẻ tuổi sẽ bị dư thừa so với nữ giới do tỷ lệ nữ giới đang giảm dần trong cùng một thế hệ và kết quả là họ có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời. Trì hoãn hôn nhân trong nam giới hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân là những khả năng có thể xảy ra trong tương lai do tình trạng thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn.

Mục tiêu điều chỉnh sự mất cân bằng sinh

Ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết đã nêu rõ: “Mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng” và đặt mục tiêu “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên”. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: (1) Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn. (2) Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống.

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22/11/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Chiến lược khẳng định quan điểm chỉ đạo của Đảng được đưa ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW, đó là: “Tập trung mọi nỗ lực chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang thực hiện và đạt được các mục tiêu toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh”.

Chiến lược đặt ra mục tiêu tổng quát là: duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Chiến lược cũng khẳng định lại các mục tiêu về cân bằng sinh đến năm 2030: (1) Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tuợng: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; Mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại, phòng tránh vô sinh và hỗ trợ sinh sản; Giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn. (2) Đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý: tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%, tỷ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%, tỷ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 49%.

Ngày 27/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Chương trình đã xác định mục tiêu chung: duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp, giảm mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh cao góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước. Chương trình xác định mục tiêu cụ thể cho các vùng như sau:

(1) Tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2,0 con). Vùng có mức sinh thấp gồm 21 tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.

(2) Giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trên 2,2 con). Vùng có mức sinh cao gồm 33 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Lai Châu, Quảng Trị, Yên Bái, Điện Biên, Nghệ An, Tuyên Quang, Ninh Bình, Sơn La, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Giang, Bắc Giang, Thanh Hóa, Phú Thọ, Kon Tum, Hòa Bình, Đắk Nông, Cao Bằng, Quảng Bình, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Thái Nguyên, Hưng Yên, Đắk Lắk, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Nam và Hải Dương.

(3) Duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2,0 con đến 2,2 con). Vùng có mức sinh thay thế gồm 9 tỉnh, thành phố: Ninh Thuận, Quảng Ninh, Bình Định, Lâm Đồng, Phú Yên, Trà Vinh, Hải Phòng, Hà Nội và Bình Phước.

Nhiệm vụ và giải pháp điều chỉnh sự mất cân bằng sinh

Để đạt được các mục tiêu điều chỉnh mất cân bằng sinh, gồm sự mất cân bằng mức sinh và sự mất cân bằng giới tính khi sinh nêu trên, các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp dưới đây:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền.

– Các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa việc chuyển hướng công tác dân số từ tập trung vào việc giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế. Thống nhất nhận thức trong lãnh đạo và chỉ đạo cuộc vận động thực hiện mỗi gia đình, cặp vợ chồng sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sinh ít con hơn ở những địa phương có mức sinh còn cao, duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế, sinh đủ hai con ở những nơi có mức sinh thấp.

– Trên cơ sở xác định hiện trạng và xu hướng mức sinh của địa phương, đơn vị để xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch với chỉ tiêu cụ thể về việc điều chỉnh mức sinh của địa phương, đơn vị cho từng giai đoạn cụ thể hướng đến mục tiêu đạt mức sinh thay thế – mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng nên sinh hai con.

– Cấp ủy đảng, chính quyền chủ trì, huy động các ngành, đoàn thể, tổ chức tham gia thực hiện kế hoạch; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương, đơn vị trong tổ chức thực hiện. Thường xuyên giám sát, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện của các địa phương, đơn vị để có biện pháp điều chỉnh kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương trong từng thời kỳ.

– Ban hành quy định đảm bảo sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc; gắn kết quả thực hiện các mục tiêu điều chỉnh mức sinh được giao cho các địa phương, đơn vị với đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị, nhất là đối với người đứng đầu.

Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi.

– Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu, rộng trong xã hội các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về dân số trong tình hình mới nhằm tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội về nội dung chuyển hướng chính sách về quy mô dân số từ tập trung vào nỗ lực giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế. Tổ chức chiến dịch truyền thông thay đổi các chuẩn mực xã hội và thay đổi quan niệm xã hội về việc ưa thích con trai và hạ thấp giá trị của con gái nhằm giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới trên phạm vi cả.

– Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động với các hình thức đa dạng, phong phú, sinh động, hấp dẫn và thuyết phục. Nâng cao hiệu quả của truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng việc sử dụng các phương tiện truyền thông đa phương tiện, internet và mạng xã hội. Sử dụng hợp lý các loại hình văn hóa, văn nghệ, giải trí. Phát huy vai trò của những người có ảnh hưởng với công chúng, gia đình và dòng họ như: những người nổi tiếng trong các lĩnh vực chính trị, khoa học, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, già làng, trưởng bản… Đặc biệt quan tâm đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trực tiếp, nhất là các hoạt động truyền thông tại nhà, tại cộng đồng thông qua đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên, nhân viên y tế thôn bản.

– Đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục về dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường phù hợp với từng cấp học, lứa tuổi trong hệ thống giáo dục. Mục tiêu của giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản phải bảo đảm trang bị cho người học các kiến thức, kỹ năng cơ bản, có hệ thống về cấu tạo, cơ chế hoạt động của các cơ quan sinh sản ở người, chăm sóc sức khỏe sinh sản; phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, vô sinh và các bệnh lây truyền qua đường tình dục; định hình giá trị mỗi gia đình nên có hai con vì lợi ích gia đình và tương lai bền vững của đất nước.

– Thí điểm triển khai mở rộng thực hiện chương trình giáo dục bắt buộc trước khi kết hôn đối với thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn. Chương trình phải bảo đảm cung cấp cho nam, nữ thanh niên các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản liên quan trực tiếp đến cuộc sống vợ chồng; chăm sóc, nuôi dạy con, quản lý kinh tế gia đình; củng cố giá trị mỗi gia đình nên có hai con, nuôi dạy con tốt và xây dựng gia đình bình đẳng, ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.

Thứ ba, điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích

– Rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định không còn phù hợp với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đặc biệt là các quy định xử lý vi phạm chính sách dân số hiện hành.

– Đề xuất ban hành quy định về việc đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc.

– Ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với đặc điểm mức sinh của các địa phương có mức sinh khác nhau.

Thứ tư, mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình và các dịch vụ có liên quan

– Phổ cập dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản tới mọi người dân bảo đảm công bằng, bình đẳng trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ, không phân biệt giới, người đã kết hôn, người chưa kết hôn.

– Xây dựng và triển khai các loại hình phòng, tránh vô sinh từ tuổi vị thành niên tại cộng đồng; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, phát triển mạng lưới hỗ trợ sinh sản.

– Đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo: tổ chức các loại hình cung cấp dịch vụ phù hợp; tư vấn, kiểm tra sức khỏe, phát hiện sớm, phòng, tránh các yếu tố nguy cơ dẫn đến sinh con dị tật, mắc các bệnh, tật ảnh hưởng đến việc suy giảm chất lượng nòi giống.

Thứ năm, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ làm công tác dân số các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, đặc biệt là kiến thức, kỹ năng lồng ghép các nội dung điều chỉnh mức sinh vào nhiệm vụ, hoạt động của các ngành, đơn vị. Đưa nội dung về điều chỉnh mức sinh vào chương trình đào tạo, tập huấn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; chú trọng đào tạo đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực dân số, nhân khẩu học thông qua hệ thống đào tạo trong và ngoài nước.

Chú thích:
1, 2. Bức tranh tổng thể về thực trạng mức sinh ở Việt Nam. http://baochinhphu.vn, ngày 11/6/2020.
3,4. Mất cân bằng giới tính khi sinh đã ở mức nghiêm trọng. http://baochinhphu.vn, ngày 11/6/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII)về công tác dân số trong tình hình mới.
2. Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược dân số đến năm 2030.
3. Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”.
4. https://danso.org
TS. Lê Văn Hoà
Học viện Hành chính Quốc gia