Giải pháp nâng cao chất lượng dân số ở nông thôn Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Nâng cao chất lượng dân số ở nông thôn là cấp thiết giúp tránh được nguy cơ suy giảm chất lượng dân số do tỷ lệ sinh ở các vùng khó khăn tăng nhanh hơn ở thành thị, trong khi mọi điều kiện sống, làm việc và khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội ở vùng nông thôn kém hơn rất nhiều so với thành thị và các nước phát triển. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng dân số nông thôn Việt Nam trong tình hình mới.

 

Ảnh minh họa (nguồn: https://hanoimoi.com.vn).
Lý luận chung về dân số và chất lượng dân số

Dân số theo nghĩa rộng chính là dân cư được xem xét, nghiên cứu không chỉ số lượng mà cả cơ cấu và chất lượng. Vì thế, khái niệm dân số được hiểu là tập hợp của những con người đang sống ở một vùng địa lý hoặc một không gian nhất định. Cụ thể hơn, dân số là dân cư được xem xét, nghiên cứu ở góc độ: quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số.

Mỗi quốc gia đều đưa ra khái niệm dân số ở góc độ khác nhau. Ở Việt Nam, khái niệm dân số được đưa ra “là tập hợp người sinh sống trong một quốc gia, khu vực, vùng địa lý kinh tế hoặc một đơn vị hành chính”1.

Dân số đã và đang là đối tượng quản lý của mỗi Nhà nước bởi dân số là cơ sở, là nguồn gốc của lực lượng lao động trong nền kinh tế của mỗi quốc gia và toàn cầu. Vì thế, cùng với sự phát triển của kinh tế học, dân số không chỉ được nghiên cứu ở tiêu chí về không gian lãnh thổ, mà dân số còn được nghiên cứu về cơ cấu theo độ tuổi, cơ cấu theo giới tính, theo trình độ học vấn và cả theo tôn giáo, sắc tộc,…. gắn với một hoặc nhiều tiêu chí khác nhau là quy mô, tốc độ tăng trưởng, mật độ, phân bố,… Chất lượng dân số có quan hệ khăng khít với trình độ phát triển kinh tế, xã hội của vùng, lãnh thổ. Nâng cao chất lượng dân số là mục tiêu hướng tới “nâng cao vị thế của con người để phát triển bền vững”.

Với tầm quan trọng của chất lượng dân số, tại Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Theo tinh thần Nghị quyết, Việt Nam sẽ phải tập trung giải quyết các vấn đề là “Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế – xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững”, trong đó nhấn mạnh đến các mục tiêu nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Trên thế giới, khái niệm chất lượng dân số được đề cập tới từ thế kỷ thứ 18, tiếp đó là thuyết chủng tộc xuất hiện ở cuối thế kỷ 19 có giải thích đến chất lượng dân số có liên quan đến “đẻ nhiều”. Hay nghiên cứu của nhà bác học nổi tiếng là Ăng-ghen cũng đề cập đến khái niệm chất lượng dân số “là khả năng của con người thực hiện các hoạt động một cách hiệu quả nhất”.

Ở Việt Nam, chất lượng dân số được khái niệm “là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số”2.

Chỉ tiêu phản ánh chất lượng dân số sẽ là sự tổng hoà của tất cả các yếu tố liên quan đến chất lượng dân số, chẳng hạn: Liên hợp quốc đã đưa ra chỉ số HDI (Human Development Index) để đo sự phát triển nguồn nhân lực. Đây có thể coi là chỉ tiêu ban đầu phản ánh chất lượng của dân số. Các chỉ tiêu này gồm có tuổi thọ bình quân lúc sinh của dân số, thu nhập bình quân đầu người và trình độ học vấn của dân số. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học và những đòi hỏi thiết yếu của đời sống xã hội thì chỉ số HDI chưa đủ để nói về chất lượng dân số mà chỉ tiêu phản ánh chất lượng dân số cần bảo đảm đầy đủ hơn ở các khía cạnh là:

Thứ nhất, nhóm chỉ số về thể chất và sức khỏe.

Sức khỏe về thể chất, sức khỏe về tâm trí là các chỉ báo quan trọng để đánh giá chất lượng dân số. Sự phát triển về chiều cao theo tuổi, cân nặng theo chiều cao, cân nặng theo tuổi, chăm sóc sức khoẻ, thực trạng đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của người dân và mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên, xã hội là những chỉ báo liên quan đến thể chất và sức khỏe của dân số,của nguồn lực lao động trong xã hội.

Thứ hai, nhóm chỉ số về trí tuệ, học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề.

Trình độ dân trí, học vấn thể hiện ở tỷ lệ biết chữ, tỷ lệ đi học, số năm theo học; trí tuệ của cá nhân phụ thuộc và các điều kiện văn hóa xã hội; trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề thể hiện ở tỷ lệ người có bằng cấp, được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật để sử dụng vào hoạt động nghề nghiệp,…

Thứ ba, nhóm chỉ số về tinh thần, đời sống văn hóa và gắn kết cộng đồng.

Nhóm chỉ số này có thể đo lường dựa vào tỷ lệ hộ dân đạt chuẩn văn hóa, số người được tiếp cận với thư viện, tỷ lệ người dân có sử dụng ti vi, điện thoại, internet,…

Thứ tư, nhóm chỉ số về đặc trưng nhân khẩu học.

Nhân khẩu học được tính ở chỉ số tỷ suất sinh, tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh, tỷ lệ dân số thành thị,…

Thứ năm, nhóm đời sống vật chất và các dịch vụ xã hội cơ bản.

Đời sống vật chất và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân được thể hiện ở các chỉ tiêu về thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ nghèo trong dân cư, tỷ lệ sử dụng nước sạch, tỷ lệ hộ dân được dùng hố xí hợp vệ sinh,…

Thực trạng chất lượng dân số ở nông thôn Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, về quy mô dân số và nhân khẩu học

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Dân số Việt Nam năm 2019 sơ bộ khoảng 96,484 triệu người, tăng 1.098,8 nghìn người (tương đương tăng 1,15%) so với năm 2018, trong đó dân số nông thôn là 62,667 triệu người (chiếm 65%). Một số vùng xu hướng dân số nông thôn giảm nhẹ so với năm 2018 là: Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long)3.

Tổng tỷ suất sinh ở nông thôn là 2,26 con/phụ nữ, tỷ lệ này cao hơn của cả nước và cao hơn thành thị4. Với tỷ suất sinh nông thôn cao hơn thành thị, sẽ là một thực trạng có thể ảnh hưởng tới chất lượng dân số sau này do các điều kiện sống và làm việc ở nông thôn còn chênh lệch quá xa so với các điều kiện sống và làm việc ở khu vực đô thị. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe thai nhi và chăm sóc nuôi dưỡng chưa thể được quan tâm và tiếp cận với các dịch vụ tiên tiến bảođảm đạt chuẩn như ở thành thị, điều này ảnh hưởng rất lớn đến phát triển về thể lực, trí lực của trẻ em và người dân nông thôn.

Thứ hai, về thể chất và sức khỏe

Thể chất và sức khỏe của con người, bên cạnh yếu tố di truyền thì còn phụ thuộc vào môi trường tự nhiên, xã hội và yếu tố chăm sóc, nuôi dưỡng ngay từ còn ở bào thai cho đến cả cuộc sống sau này. Ở Việt Nam, tuổi thọ trung bình của dân số cả nước là 73,6 tuổi (2019). Tuy nhiên, chiều cao trung bình ở vào nhóm thấp, điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người dân nông thôn còn nhiều hạn chế do các trạm y tế chưa có đủ trang thiết bị và chưa thu hút được đội ngũ y bác sĩ có tay nghề cao. Thực trạng đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và các chi tiêu khác cho đời sống của người dân nông thôn còn chênh lệch khá xa so với thành thị5.

Thứ ba, về trí tuệ, học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề

Tương tự như thể lực, trí tuệ cũng chịu ảnh hưởng từ việc chăm sóc, nuôi dưỡng ngay từ thời kỳ bào thai đến tuổi trưởng thành. Chất lượng chăm sóc, giáo dục của gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội có tác động lớn đến nhận thức và phát huy trí tuệ trong học tập, làm việc và cách cư xử ở đời sống xã hội. Tuy nhiên, tỷ lệ dân số 15 tuổi trở lên chưa bao giờ đi học là 4,1% cao hơn thành thị chỉ có 1% hoặc tỷ lệ dân số trong độ tuổi học phổ thông nhưng không theo học ở nông thôn cũng còn 10%. Tỷ lệ này ảnh hưởng tới khả năng nhận thức để phát triển chuyên môn nghề nghiệp trước những thách thức mới của xã hội6.

Theo kết quả điều tra của Ban Chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương năm 2019, cấp học càng cao thì tỷ lệ đi học ở nông thôn càng thấp, trung học phổ thông tỷ lệ đi học ở nông thôn chỉ đạt 68,1%. Vì thế, trình độ học vấn cũng luôn thấp hơn trình độ học vấn ở thành thị7.

Thực tế hiện nay, lao động ở nông thôn không có tay nghề hoặc tay nghề thấp khá phổ biến do họ chưa từng được đào tạo nghề, tỷ lệ được đào tạo nghề của lao động nông thôn chỉ là 16,3% còn cách xa so với thành thị. Tỷ lệ lao động nông thôn chưa được đào tạo nghề cao (83,7%) ảnh hưởng tới chuyên môn nghề nghiệp, kỹ thuật canh tác và khả năng tiếp cận với các công nghệ và kỹ thuật vận hành các loại máy móc để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm để hạ giá thành và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm8.

Thứ tư, về đời sống vật chất và các dịch vụ xã hội cơ bản

Thực trạng chất lượng dân số nông thôn còn được đánh giá ở các điều kiện sống của họ như nhà ở, thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của họ. Thực tế số hộ nhà ở chưa kiên cố còn 9,7% kéo theo các điều kiện bảo đảm cho hoạt động phát triển kinh tế khó khăn, chất lượng cuộc sống thấp9.

Thu nhập bình quân đầu người một tháng cũng chỉ vào khoảng 3.399.000 của người dân nông thôn, chỉ bằng 56% của người dân thành thị và thấp hơn nhiều so với các nước phát triển nên việc tiếp cận với các dịch vụ xã hội chất lượng để nâng cao chất lượng sống, trình độ dân trí, chăm sóc sức khỏe là khó khăn. Thu nhập thấp làm hạn chế nhiều hoạt động tiêu dùng để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân nông thôn, đây chính là nguyên nhân gốc rễ của chất lượng dân số nông thôn thấp và đang có chiều hướng không theo kịp với sự phát triển của cuộc sống hiện đại luôn có những biến đổi phức tạp, khó lường. Chất lượng các trang thiết bị trong gia đình và các công trình công cộng cũng phụ thuộc vào thu nhập của người dân địa phương cao hay thấp.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng dân số ở nông thôn Việt Nam

Một là, thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục về dân số kế hoạch hóa gia đình để giữ tỷ lệ sinh hợp lý bảo đảm chất lượng và giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng.

Tích cực tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện sức khỏe sinh sản cho thanh niên và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản giúp họ quyết định đúng đắn thời điểm kết hôn hoặc số con theo khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ ngay từ giai đoạn mang thai cho đến khi trưởng thành cần phải bảo đảm đủ và chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, phát triển văn hóa, tinh thần, chuyên môn nghiệp vụ,…

 Hai là, giải pháp phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn.

Phát triển kinh tế có tác động tích cực tới chất lượng dân số nông thôn bởi lẽ: Phát triển kinh tế giúp người dân nông thôn có cơ hội tiếp cận với việc làm và thu nhập ổn định để nâng cao chất lượng sống, điều kiện làm việc an toàn cho sức khỏe của họ. Với việc hiện đại hóa trong sản xuất, kinh doanh sẽ giải phóng được sức lao động cho người dân nông thôn, giúp họ phòng chống tốt dịch bệnh trong sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm để có thu nhập cao hơn. Giải pháp phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn còn có tác dụng giúp người dân nông thôn khai thác các tiềm năng, lợi thế đầy đủ nhất để phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm việc làm và an ninh lương thực ở nông thôn nói riêng và quốc gia nói chung.

Ba là, nâng cao các chỉ số trí tuệ, học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề.

Giải pháp này cần tập trung nâng cao mức sống dân cư, tạo cơ hội cho người dân nông thôn tiếp cận thuận tiện và hiệu quả hơn các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm, an sinh xã hội,… Đổi mới giáo dục ở các bậc học theo hướng chất lượng và luôn gắn với các hoạt động nghề nghiệp, môi trường thiên nhiên và đời sống xã hội. Đồng thời, xây dựng cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu của tiến trình phát triển kinh tế xã hội, đổi mới phương thức đào tạo nghề theo hướng “cầm tay, chỉ việc” và thực hành kịp thời để người dân nông thôn dễ tiếp thu và vận dụng vào quá trình sản xuất – kinh doanh.

Bốn là, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân nông thôn để đáp ứng yêu cầu phát triển thể chất và sức khỏe.

Để nâng cao thể chất và sức khỏe cần các giải pháp về chăm sóc dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, hoạt động thể dục, thể thao, vui chơi giải trí và lao động khoa học. Do đó, giải pháp này cần tập trung vào phát triển và tổ chức hợp lý hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân nông thôn. Hỗ trợ, tạo động lực để người dân tham gia vào các hoạt động phát triển thể chất và sức khỏe.

Chú thích:
1, 2. Pháp lệnh Dân số năm 2003.
3. Niên giám thống kê. Quy mô dân số của nông thôn năm 2018, 2019.
4.Niên giám thống kê. Tỷ suất sinh ở nông thôn năm 2018, 2019 so với thành thị.
5. Niên giám thống kê. Chỉ tiêu cho đời sống bình quân đầu người của người dân nông thôn so với thành thị năm 2018.
6. Tổng điều tra dân số và nhà ở, 2019. Tỷ lệ dân số 15 tuổi trở lên chưa bao giờ đi học và trong độ tuổi học phổ thông nhưng không theo học.
7. Tổng điều tra dân số và nhà ở, 2019. Tỷ lệ đi học chung và tỷ lệ đi học đúng tuổi theo cấp học của THCS và THPT.
8. Tổng điều tra dân số và nhà ở, 2019. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở nông thôn so với thành thị.
9. Tổng điều tra dân số và nhà ở, 2019. Tỷ lệ nhà ở nông thôn chưa kiên cố.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương của Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.
2. Niên giám thống kê. H. NXB Thống kê, 2019.
3. Nguyễn Thị Thiềng – Lưu Bích Ngọc. Dân số học, Tổng cục dân số – Kế hoạch hóa gia đình, 2011.
4. Trần Chí Liêm. Dân số học. H. NXB Y học, 2009.
5. Tổng điều tra dân số và nhà ở. H. NXB Thống kê, 2019.
6. Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
7. Pháp lệnh dân số năm 2003.
8. Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH ngày 23/7/2013 của Văn phòng Quốc hội về việc hợp nhất Pháp lệnh dân số.

TS. Trần Thị Thoa
Học viện Hành chính Quốc gia