Một số giải pháp quản lý nhà nước về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Mức sinh là thông tin đầu vào quan trọng phục vụ cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách về dân số và phát triển. Tỷ số giới tính khi sinh là chỉ số cơ bản làm thước đo phản ánh cơ cấu dân số về giới tính. Nếu không có sự can thiệp một cách có chủ đích của con người thì tỷ số giới tính tự nhiên sẽ thường trong khoảng từ 103 – 107 bé trai/100 bé gái1. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều gia đình có sự can thiệp để lựa chọn giới tính thai nhi theo mong muốn, vì vậy, đã gây ra hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: http://baochinhphu.vn).

1. Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) không còn là hiện tượng mới nhưng rất đáng lo ngại vì những hệ lụy có thể gây ra đối với lĩnh vực hôn nhân và gia đình, đối với sự phát triển chung của toàn xã hội, đặc biệt là trong tình hình hiện nay là các biện pháp nhằm xóa bỏ sự lựa chọn giới tính (LCGT) khi sinh chưa đem lại hiệu quả cao. Việt Nam là một trong các quốc gia xuất hiện sự MCBGTKS muộn hơn các quốc gia khác nhưng lại có xu hướng gia tăng rất nhanh và diễn biến ngày càng phức tạp.

Theo Tổng cục Thống kê về tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh là chỉ số xác định phân bố mức sinh theo giới tính (SRB) phản ánh cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra. Tỷ số này thông thường là 104-106 bé trai/100 bé gái sinh còn sống. Tuy nhiên, SRB của Việt Nam có xu hướng tăng hơn so với mức sinh học tự nhiên từ năm 2006 đến nay. Cụ thể: SRB năm 2019 giảm so với năm 2018 nhưng vẫn ở mức cao (năm 2018: 114,8 bé trai/100 bé gái; năm 2019: 111,5 bé trai/100 bé gái)2.

Số liệu trên cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh giữa bé trai và bé gái cao, đây chính là sự MCBGTKS. MCBGTKS thể hiện khác biệt về điều kiện kinh tế. Trong khi ở nhóm nghèo nhất (chiếm khoảng 20% dân số) thì SRB ở mức bình thường là 105,2, thì ở nhóm trung bình, nhóm giàu và nhóm giàu nhất tình trạng mất cân bằng SRB lại rất cao. Cụ thể, SRB ở nhóm giàu là 111,7 và ở nhóm giàu nhất là 112,9. SRB thấp nhất ở nhóm phụ nữ không biết chữ (107) và tăng dần theo trình độ học vấn, lên đến 114 ở nhóm các bà mẹ có trình độ cao đẳng trở lên.

Sự MCBGTKS có thể làm gia tăng các nguy cơ, tệ nạn xã hội như: phá thai để LCGT mong muốn; bạo lực gia đình khi không đạt được mong muốn có con trai; nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS; thiếu hụt nguồn lao động ở một số ngành nghề đặc thù cần nữ giới… Do nhu cầu phải đẻ cho được con trai dẫn tới sự chênh lệch lớn về phân bố dân cư giữa các vùng, khiến có nơi thiếu lao động, có nơi lại thừa lao động. Tình trạng thiếu nữ giới để kết hôn sẽ dẫn đến xu hướng nam giới kết hôn muộn hoặc không kết hôn, đặc biệt, đối với những trường hợp không có điều kiện về kinh tế, trình độ học vấn thấp. Tỷ lệ người già không nơi nương tựa cần sự quan tâm chăm sóc của cộng đồng trong tương lai cũng sẽ tăng lên.

2. Với thực trạng MCBGTKS như trên và hậu quả mà nó có thể gây ra, để bảo đảm sự phát triển bền vững theo quy luật sinh tự nhiên và hạn chế sự MCBGTKS thì cần thực hiện tốt hoạt động quản lý nhà nước về vấn đề này.

Thứ nhất, đẩy mạnh việc truyền thông giáo dục thay đổi hành vi, nhận thức của con người trên tất cả các phương tiện truyền thông và hướng tới đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ ở cả nam và nữ, sau là tác động đến tư tưởng của thế hệ ông bà.

Về nội dung tuyên truyền, cần làm rõ được hệ lụy từ MCBGTKS, vai trò bình đẳng của nam và nữ, lợi ích từ cân bằng giới tính tự nhiên… Có thể thấy, tâm lý muốn có con trai, muốn có người “nối dõi tông đường” đã ăn sâu vào tư tưởng của người dân Việt Nam ở tất cả các thế hệ. Tâm lý của các bậc cha mẹ là điều kiện cần và tiến bộ khoa học – công nghệ là điều kiện đủ để tạo ra tình trạng MCBGTKS. Tuyên truyền tới đội ngũ y sỹ, bác sỹ để họ hiểu rõ bản chất của vấn đề, để họ chính là cầu nối quan trọng thực hiện tuyên truyền trực tiếp tới người dân từ bỏ mong muốn LCGT thai nhi.

Về hình thức tuyên truyền, cần thực hiện đa dạng các loại hình: sử dụng băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền ngắn gọn ở những vị trí dễ quan sát, đông người qua lại; khuyến khích xây dựng các loại hình nghệ thuật phục vụ công tác tuyên truyền như phim tài liệu, phim truyện…; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về MCBGTKS; đưa nội dung tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của tổ chức, đoàn thể.

Thứ hai, xây dựng, ban hành Luật Dân số, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để xử lý các hành vi vi phạm về giới tính như: LCGT khi sinh, phá thai hoặc ép buộc người khác phá thai vì mục đích LCGT, bạo lực gia đình nhất là các đối tượng là phụ nữ và các bé gái… Các chế tài đưa ra phải đủ sức răn đe, có tính giáo dục cao, các đối tượng không thể tái phạm.

Thứ ba, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về dân số có đủ năng lực, phẩm chất. Đội ngũ làm công tác dân số cần được chuẩn hóa từ trung ương đến cơ sở. Bằng nhiều biện pháp khác nhau, đội ngũ này phải được tạo động lực làm việc, có chế độ thù lao xứng đáng, được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng làm công tác dân số, đặc biệt là khả năng vận động, xử lý các tình huống để giảm thiểu MCBGTKS.

Thứ tư,bảo đảm khả năng thực thi pháp luật về cấm LCGT thai nhi. Có thể thấy, hiện nay, không có cơ sở y tế nào công khai việc chẩn đoán giới tính thai nhi cho các cặp vợ chồng nên xác định thế nào là vi phạm pháp luật trong LCGT thai nhi là rất khó khăn. Thực tế, thông qua các phương pháp như siêu âm, chọc túi ối, lựa chọn tinh trùng mà nhiều cặp vợ chồng có được con trai theo mong muốn. Chính vì vậy, cần vận động Nhân dân, nhân viên cơ sở y tế cùng tham gia giám sát.

Ngoài ra, cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nguồn lực tài chính cho hoạt động can thiệp làm giảm tình trạng MCBGTKS; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về dân số; thực hiện tốt công tác bình đẳng giới; thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về LCGT thai nhi. Mỗi giải pháp cần được áp dụng một cách linh hoạt phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Sự phát triển của khoa học – công nghệ đã và đang biến những điều không thể thành có thể, làm thay đổi khá toàn diện cuộc sống của con người theo cả chiều hướng tốt lẫn chiều hướng không tốt và việc sử dụng sự phát triển của khoa học – công nghệ. Việc LCGT khi sinh đã và đang gây ra nhiều hệ lụy. Vì vậy, để bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đoàn thể, gia đình mà đặc biệt là cần thay đổi nhận thức và hành vi của người dân.

Chú thích:
1. TP. Hồ Chí Minh duy trì tỷ số giới tính khi sinh từ 103 – 107 bé trai/100 bé gái. www.thanhnien.vn, ngày 23/4/2019.
2. Tổng Cục Thống kê. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

ThS. Ngô Thị Bích Ngọc
Trường Cao đẳng Kinh tế – Tài chính Thái Nguyên