Thực hiện chính sách cho người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dành cho người cao tuổi ở Việt Nam là cần thiết. Bài viết khái quát hệ thống chính sách, phân tích và đánh giá kết quả thực hiện chính sách cho người cao tuổi hiện nay; đồng thời đề xuất, kiến nghị xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dành cho người cao tuổi ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới.

 

Ảnh: TTXVN

Việt Nam là nước có dân số đang già hóa, với tỷ lệ người cao tuổi (NCT)tăng nhanh chóng cả về số lượng và tỷ trọng trong dân số với đa phần NCT có đời sống vật chất khó khăn, điều kiện chăm sóc sức khỏe chưa thật đầy đủ, cuộc sống tinh thần chưa thực sự thỏa mãn… Mặc dù tỷ lệ dân số trên 60 tuổi hiện nay mới chỉ hơn 10%, nhưng đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ tăng lên 18% và đến 2050 là hơn 30%2. Thêm vào đó, tỷ lệ những NCT – trên 80 tuổi – cũng sẽ tăng và đến năm 2050 sẽ chiếm trên 6% dân số, từ đó đã đặt ra những thách thức không nhỏ cho đời sống của nhóm NCT cũng như cho hệ thống an sinh xã hội.

Hệ thống chính sách dành cho người cao tuổi ở Việt Nam

Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều chủ trương và ban hành, triển khai nhiều chính sách cụ thể trên thực tế nhằm tạo ra các khuôn khổ pháp lý để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT.

Trước khi có Luật NCT, những chủ trương, chính sách: Chỉ thị số 59-CT/TW ngày 27/9/1995 về chăm sóc NCT; Chỉ thị số 117/TTg ngày 27/2/1996 về chăm sóc NCT và hỗ trợ hoạt động cho Hội NCT Việt Nam; Pháp lệnh NCT số 23/2000/PL-UBTVQH10; Quyết định số 141/2004/QĐ-TTG ngày 05/8/2004 về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam. Các chính sách này với những nội dung căn bản: dành ngân sách để chăm sóc vật chất và tinh thần cho NCT; quan tâm việc tạo điều kiện về mọi mặt để Hội NCT phát huy tốt vai trò nòng cốt trong phong trào toàn dân chăm sóc NCT; vận động toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đối với các lão thành cách mạng; chăm sóc vật chất và tinh thần của người già, nhất là những người già cô đơn, không nơi nương tựa; quy định về chăm sóc, phụng dưỡng NCT; phát huy vai trò của NCT… Nhờ vậy, NCT được xã hội quan tâm chăm sóc hơn.

Tại Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên thuật ngữ “NCT” được nhắc đến tại khoản 2 Điều 59 và khoản 3 Điều 3 khi đề cập một cách đầy đủ và khẳng định mục tiêu phát triển hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm bình đẳng, công bằng cho mọi thành viên trong xã hội. Từ cơ sở pháp lý cao nhất này, chính sách đối với NCT đã được đề cập và cụ thể hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tạo ra một khuôn khổ chính sách khá toàn diện đối với NCT ở Việt Nam. Cụ thể: Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/02/2010 có sửa đổi, bổ sung một số điều về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NCT; Thông tư 21/2011/TT-BTC ngày 18/02/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT tại nơi cư trú, chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng NCT; Thông tư 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe NCT…; Thông tư 14/2013/TT-BYT; xây dựng và hướng dẫn địa phương triển khai mô hình “Tư vấn và chăm sóc sức khỏe NCT”…

Để triển khai cụ thể các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho NCT, các đơn vị chức năng liên quan đã ban hành hướng dẫn chi tiết, cụ thể trong từng nội dung như: Bộ Giao thông vận tải có Công văn số 7849/BGTVT-VT ngày 22/11/2011 về việc giảm giá vé cho NCT khi tham gia giao thông công cộng; Bộ Y tế có Công văn số 1727/BYT-KCB và 1728/BYT-KCB ngày 30/3/2016 về việc thực hiện chăm sóc sức khỏe và khám sức khỏe định kỳ NCT.

Một số nội dung các chính sách dành cho người cao tuổi ở Việt Nam

Dự thảo Chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2021-2030, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm quyền an sinh xã hội của NCT về chăm sóc xã hội, chăm sóc y tế phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước trong từng giai đoạn, xây dựng xã hội gắn kết nhiều thế hệ, tôn trọng và trợ giúp NCT. Theo đó, mục tiêu, chương trình đề ra cụ thể là phấn đấu đến năm 2025, giảm tỷ lệ NCT nghèo xuống ngang bằng với tỷ lệ nghèo chung của cả nước. Mở rộng độ bao phủ NCT được hưởng chính sách trợ cấp xã hội (lương hưu xã hội) lên 1,5-2% một năm so với tổng số người đang hưởng trợ cấp xã hội; 100% NCT có hoàn cảnh khó khăn không có người phụng dưỡng được trợ giúp chăm sóc tại cộng đồng hoặc nuôi dưỡng trong các cơ sở chăm sóc NCT, trong đó ít nhất 80% NCT được chăm sóc tại cộng đồng; 95% NCT có thẻ BHYT với các hình thức khác nhau; ít nhất 90% tổng số xã, phường, thị trấn có Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò NCT.

– Chính sách y tế cho việc chăm sóc sức khỏe NCT. Việc thực hiện chăm sóc sức khỏe cho NCT được quan tâm đặc biệt với những quy định riêng biệt, cụ thể:

(1) Ưu tiên trong khám, chữa bệnh cho NCT, nhất là những người từ 80 trở lên tại các cơ sở khám, chữa bệnh;

(2) Các bệnh viện (trừ Bệnh viện Nhi khoa) có khoa lão khoa hoặc dành giường bệnh cho người bệnh là NCT; phục hồi sức khoẻ cho người bệnh là NCT sau các đợt điều trị cấp tính tại bệnh viện và hướng dẫn tiếp tục điều trị, chăm sóc tại gia đình; kết hợp các phương pháp điều trị y học cổ truyền với y học hiện đại, hướng dẫn các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc ở tuyến y tế cơ sở đối với người bệnh là NCT;

(3) Có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân khám bệnh, chữa bệnh miễn phí cho NCT tại nơi cư trú;

(4) Giao Trạm y tế cấp xã có trách nhiệm lập hồ sơ quản lý sức khỏe NCT được lập tại nơi cư trú, tổ chức kiểm tra sức khoẻ định kỳ, khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với chuyên môn cho NCT, tuyên truyền phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe cho NCT;

(5) Cử cán bộ y tế đến khám bệnh, chữa bệnh tại nơi cư trú đối với NCT cô đơn bị bệnh nặng không thể đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được;

(6) Hỗ trợ ngân sách địa phương cho tất cả các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT tại nơi cư trú3.

– Chính sách bảo đảm thu nhập và cuộc sống cho NCT. Phần lớn NCT ở Việt Nam không có nguồn thu nhập, thu nhập không ổn định và sống phụ thuộc vào con cháu4, nên chính sách trợ cấp hằng tháng và bảo trợ xã hội hướng đến một số đối tượng NCT nhất định với một tỷ lệ bao phủ rất lớn NCT (> 80%) là rất quan trọng trong việc bảo đảm mức sống và thu nhập cho NCT. Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội cụ thể như sau:

– Chính sách hỗ trợ sử dụng phương tiện giao thông công cộng. NCT (từ đủ 60 tuổi trở lên) khi tham gia giao thông công cộng sẽ được hưởng chế độ ưu tiên như: mua vé, giảm giá vé, ưu tiên sắp xếp chỗ ngồi,… Cụ thể như: hành khách là NCT sẽ được ưu tiên giảm ít nhất 15% giá vé khi tham gia giao thông công cộng bằng đường sắt, đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không; NCT được ưu tiên khi mua vé tại cửa dành riêng cho các đối tượng ưu tiên, được trợ giúp trong khi chờ đợi ở nhà ga, được hỗ trợ khi lên xuống, được bố trí chỗ ngồi thuận tiện trên phương tiện vận tải công cộng; các nhà ga, bến tàu, bến xe, cảng hàng không sân bay phải thiết lập hệ thống bảng hiệu, chỉ dẫn rõ ràng để NCT dễ đọc, dễ nhận biết; các phương tiện vận tải phải bố trí bậc thềm lên xuống thuận tiện cho NCT; Nhân viên làm việc tại nhà ga, bến tàu, bến xe, cảng hàng không, sân bay phải có thái độ lễ phép, ân cần;…

Riêng đối với vận tải công cộng đô thị, điều dễ nhận thấy số lượng NCT tham gia sử dụng phương tiện này ngày càng gia tăng. Ngoài việc thực hiện Thông tư số 71/2011/TT-BGTVT ngày 30/12/2011 của Bộ Giao thông vận tải quy định về hỗ trợ NCT khi tham gia giao thông công cộng thì việc thực hiện Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 05/5/2015 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều trong bảo đảm giao thông đi lại tại đô thị cho NCT khi quy định này hướng đến khuyến khích các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách công cộng đầu tư phương tiện, thiết bị phục vụ NCT tham gia giao thông an toàn, thuận tiện: xe buýt sàn thấp; các công cụ hỗ trợ NCT lên, xuống xe và sắp xếp hành lý cho các đối tượng cần sự chăm sóc đặc biệt; tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra lái xe, nhân viên phục vụ và nhân viên bán vé triển khai thực hiện chính sách miễn giảm giá vé và thái độ phục vụ, giúp đỡ, hỗ trợ đối với NCT khi tham gia giao thông công cộng bằng xe buýt; yêu cầu trên xe buýt phải bố trí một số ghế ngồi riêng cho các đối tượng ưu tiên, trong đó có NCT và các ghế này phải được đặt ở vị trí thuận tiện và có ký hiệu riêng để dễ nhận biết. Bên cạnh đó, các địa phương còn ban hành chính sách hỗ trợ NCT được tiếp cận và sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt4.

– Chính sách hỗ trợ NCT trong về lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Nhằm tăng cường sức khoẻ về thể chất và tinh thần của NCT thông qua xây dựng môi trường thuận lợi để NCT tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi, giải trí. Các bộ, ngành, chính quyền các cấp đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần và rèn luyện sức khỏe của NCT và hướng dẫn việc tổ chức thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi để NCT tham gia học tập, sinh hoạt văn hóa, giải trí, du lịch, luyện tập dưỡng sinh và các hoạt động thể dục, thể thao phù hợp với sức khỏe, tâm lý.

Một số kiến nghị đối với xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dành cho người cao tuổi ở Việt Nam

Thứ nhất, cần bố trí ngân sách hằng năm phù hợp để thực hiện chính sách chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Kết quả cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở cả nước năm 2019 cho thấy, tỷ trọng dân số Việt Nam từ 15 đến 64 tuổi chiếm 68,0% và theo số liệu báo cáo năm 2019, ngân sách nhà nước đã bố trí nguồn lực phù hợp, bảo đảm thực hiện chính sách an sinh xã hội hằng tháng cho hơn 3,1 triệu người; đạt 95% NCT có thẻ BHYT; trợ cấp xã hội hàng tháng cho hơn 1,7 triệu NCT; chúc thọ, mừng thọ cho hơn 1,068 triệu NCT; hơn 112.276 lượt NCT được giảm giá vé đường bộ; 59.498 lượt NCT được giảm giá vé đường thủy; 653.864 lượt NCT được giảm giá vé đường sắt; 6.867 lượt NCT được giảm giá vé đường hàng không; cả nước có trên 106 bệnh viện cấp trung ương và cấp tỉnh có khoa Lão khoa; gần 1.000 khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho NCT; hơn 10.183 giường điều trị nội trú ưu tiên cho NCT, hơn 1,57 triệu NCT được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe5. Với tốc độ gia tăng NCT, việc sẵn sàng cho một ngân sách bảo đảm là hết sức cần thiết để thực hiện được các chính sách và mục tiêu đề ra trong các chương trình, dự án có đối tượng được thụ hưởng là NCT.

Thứ hai, cần có các chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện cho NCT phát huy trí tuệ, kinh nghiệm quý và phẩm chất tốt đẹp trong các hoạt động của đời sống xã hội. Đó là, NCT tham gia giáo dục truyền thống đoàn kết, yêu nước, yêu con người và thiên nhiên; xây dựng đời sống văn hoá; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc ở cơ sở và cộng đồng; khuyến khích, tạo điều kiện cho NCT rèn luyện sức khoẻ; tham gia học tập, hoạt động văn hoá, tinh thần; sống trong môi trường an toàn và được tôn trọng về nhân phẩm.

Thứ ba, cần tạo môi trường và điều kiện để phát huy vai trò NCT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tham gia các phong trào khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng người có đức, có tài và các cuộc vận động khác tại cộng đồng. Thông qua NCT để truyền thụ kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và nghề truyền thống cho thế hệ trẻ; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng; thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng, quan liêu; phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội; đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật và tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; các hoạt động xã hội khác vì lợi ích của tổ chức và nhân dân.

Thứ tư, cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tuyên truyền, giáo dục ý thức kính trọng, biết ơn NCT, chăm sóc, phát huy vai trò NCT. Đồng thời, thực hiện khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc chăm sóc, phát huy vai trò NCT cũng như có biện pháp xử lý nghiêm minh cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến NCT.

Chú thích:
1. Theo Luật NCT số 39/2009/QH12, NCT được quy định là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.
2. Nguồn: http://esa.un.org/unpd/wpp/unpp/panel_indicators.htm.
3. Mục tiêu của Chương trình hành động Quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012 – 2020 ban hành theo Quyết định số 1781/ QĐ-TTg ngày 22/11/2012. 70% tổng số bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa tổ chức buồng khám bệnh riêng cho NCT tại khoa khám bệnh, bố trí giường bệnh điều trị nội trú cho NCT và 30% các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp tỉnh có khoa lão khoa. 60% cấp xã, 30% thôn, bản có các thiết chế văn hóa phù hợp với NCT. Ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn có câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau hoặc các mô hình khác nhằm chăm sóc và phát huy vai trò NCT, trong đó trên 70% NCT trên địa bàn tham gia và hưởng lợi.
4. Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND ngày 06/7/2017 của HĐND TP. HCM về việc miễn phí cho NCT từ 70 trở lên khi tham gia giao thông công cộng bằng hình thức xe buýt đối với các tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn TP. HCM.
Nghị quyết số 07//2019 của HĐND TP Hà Nội về việc miễn phí dịch vụ giao thông công cộng trên địa bàn TP Hà Nội đối với các nhóm yếu thế, bao gồm cả NCT.
Quyết định số 4428/QĐ-UBND ngày 17/6/2015 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt phương án vé và trợ giá các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2015-2020.
5. Chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi. http://chinhphu.vn.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật NCT Việt Nam năm 2009.
2. UNFPA (2014). Báo cáo “Bảo đảm thu nhập cho NCT ở Việt Nam: Lương hưu xã hội”.
3. Ủy ban Quốc gia NCT: Báo cáo 21/BC-UBQGNCT ngày 29/12/2017 về Tình hình và kết quả thực hiện công tác NCT năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018.
4. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và UNDP. “Báo cáo hỗ trợ kỹ thuật cho Đề án đổi mới hệ thống trợ giúp xã hội”. Dự án Đổi mới hệ thống trợ giúp xã hội. (SAP), 2015.
TS. Nguyễn T­hị Linh Giang
Học viện Chính trị Khu vực III