Chính sách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người cao tuổi trong giai đoạn hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Dân số Việt Nam chính thức bước vào quá trình già hóa từ năm 2011 với 7% dân số trong độ tuổi từ 60 trở lên. Vì vậy, hoạch định chính sách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người cao tuổi là nhiệm vụ quan trọng nhằm giúp người cao tuổi bảo đảm tài chính, có đủ sức khỏe. Đồng thời, có chính sách quan tâm tới người cao tuổi cô đơn, bị lạm dụng và bạo lực cũng như trong các tình huống khẩn cấp.

 

Anh: soggy.org.vn
Chính sách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người cao tuổi ở Việt Nam

Vấn đề dân số được đề cập ở Việt Nam từ hơn 50 năm qua, bắt đầu từ Quyết định số 216/CP ngày 26/12/1961 của Chính phủ, Pháp lệnh Dân số năm 2003 đến các văn bản mang tính toàn diện hơn như Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Quá trình thực hiện, chính sách dân số Việt Nam đến nay đã đạt nhiều kết quả khích lệ trên cả phương diện quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân cư. Bên cạnh đó, chất lượng và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe (CSSK) của người dân được cải thiện, nhờ đó, tỷ lệ các nhóm dân số người cao tuổi (NCT) tăng dần, dẫn tới xu hướng “già hóa dân số” và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng nhanh.

 

Từ biểu đồ trên có thể thấy, tỷ lệ NCT ở Việt Nam ngày càng tăng trong giai đoạn 2009 – 2019, dự đoán đến năm 2049, tỷ lệ NCT có thể chiếm 17,98% tổng số dân. Việc thực hiện chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình, giảm nhanh mức sinh cùng với những thành tựu trong lĩnh vực CSSK, nâng cao tuổi thọ là những yếu tố chính dẫn đến quá trình già hóa dân số ở nước ta.

Già hóa dân số tạo ra cơ hội cho việc phát huy kinh nghiệm phong phú của NCT, nhưng lại đặt ra nhiều thách thức như, tuổi càng tăng đi kèm với giảm khả năng lao động và giảm thu nhập, sức khỏe suy giảm… Trong khi dịch vụ y tế cho NCT ở Việt Nam còn hạn chế, thiếu bác sỹ lão khoa, điều dưỡng lão khoa, thiếu nhân lực chăm sóc NCT… Bên cạnh đó, hệ thống nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Vì vậy, xây dựng hệ thống chính sách bảo vệ và CSSK NCT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được đặt ra.

Mục tiêu của chính sách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe NCT ở Việt Nam

Nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe NCT, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, trong đó đề ra mục tiêu thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe NCT, đó là:

– Ít nhất 50% số xã, phường đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi;

– Khoảng 70% NCT trực tiếp sản xuất – kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo có nhu cầu hỗ trợ được hướng dẫn về sản xuất – kinh doanh, hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn phát triển sản xuất.

– 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

Để đạt được các mục tiêu trên, cần triển khai thực hiện các giải pháp mang tính toàn diện, đặc biệt chú trọng tới nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành đoàn thể; mỗi người dân, gia đình và toàn xã hội trong công tác bảo vệ và CSSK NCT.

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về công tác CSSK NCT; đẩy mạnh tuyên truyền vận động thay đổi hành vi tạo môi trường xã hội ủng hộ và tham gia CSSK NCT.

Thứ hai, củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ CSSK ban đầu, phòng, chống bệnh không lây nhiễm, khám chữa bệnh cho NCT; từng bước xây dựng mô hình CSSK dài hạn cho NCT.

Thứ ba, đào tạo, tập huấn chuyên môn cho người làm công tác CSSK NCT.

Thứ tư, hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến CSSK NCT.

Thứ năm, đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác quốc tế.

Thứ sáu, bảo đảm nguồn lực thực hiệnvà từng bước tăng mức đầu tư.

Một số khuyến nghị

Khi xây dựng và thực hiện chính sách bảo vệ và CSSK NCT ở Việt Nam cần phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản, bao gồm: duy trì truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đó là kính trọng và đánh giá cao vai trò của NCT; đề cao vai trò của gia đình trong chăm sóc NCT cả về thể chất, tinh thần và tài chính; bảo đảm sự bình đẳng của NCT với các công dân khác; chú ý tới tính đa dạng của NCT về sở thích, thói quen, nhu cầu…; chú ý tới tỷ lệ nữ cao tuổi chiếm tỷ lệ ngày càng cao hơn nam giới.

Điều 59, Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp NCT, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác. Tuy nhiên, trên thực tế, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương có liên quan còn chưa chặt chẽ. Chẳng hạn, ở nhiều địa phương, việc giảm giá vé và lệ phí cho NCT ở một số dịch vụ không được áp dụng, chỉ khoảng 30% NCT cho rằng đã được ưu tiên sắp xếp chỗ ngồi khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế phối hợp để nâng cao hiệu quả thực thi của chính sách này trong thực tiễn.

Bộ Y tế cần nghiên cứu, tổng hợp thông tin để xác định chính xác những vấn đề về sức khỏe NCT Việt Nam đang gặp phải để tư vấn Chính phủ xây dựng chính sách phù hợp với tầm nhìn dài hạn.

Các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội, đặc biệt là Hội NCT Việt Nam giữ vai trò trợ giúp, hỗ trợ NCT vượt qua khó khăn để sống vui, sống khỏe, sống có ích. Ngoài ra, các tổ chức khác cũng có thể hỗ trợ về tài chính cho các chương trình hành động của Chính phủ với đối tượng hướng tới là NCT.

Đội ngũ cộng tác viên dân số được xem là kênh truyền thông hiệu quả, là mắt xích quan trọng, góp phần làm nên thành công của công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình. Đồng thời, họ là người luôn nắm vững địa bàn, thường xuyên tiếp cận, gần gũi người dân, hiểu rõ tình trạng sức khỏe và các vấn đề khác có liên quan của NCT. Đội ngũ cộng tác viên dân số có vai trò quan trọng trong CSSK cho NCT tại cộng đồng. Vì vậy, trong thời gian tới, cần nâng cao năng lực của cộng tác viên dân số trong CSSK NCT tại cộng đồng thông qua các hoạt động như: cung cấp thông tin, tổ chức hội thảo, tập huấn…

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định, đề cao vai trò quan trọng của NCT. Kinh tế phát triển cùng những thành tựu quan trọng về kinh tế – xã hội, đặc biệt là y học là nền tảng nâng cao tuổi thọ của người dân Việt Nam trong những năm gần đây. Với số lượng NCT ngày một tăng, công tác CSSK cho NCT phải được hoạch định một cách hợp lý, bảo đảm tính hiệu quả. Vì vậy, với mục tiêu và hệ thống giải pháp đã được xác định, cần triển khai đồng bộ trên các địa bàn từ trung ương cho tới các địa phương. Có như vậy, sức khỏe của NCT Việt Nam sẽ được cải thiện trong tương lai, đồng thời giảm sức ép của vấn đề “già hóa dân số” tới hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Tài liệu tham khảo:
1. Đặng Quốc Bảo, Trương Thị Thúy Hằng (đồng chủ biên). Chỉ số tuổi thọ trong HDI, Một số vấn đề thực tiễn Việt Nam. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2005.
2. Nguyễn Xuân Bình. Một số vấn đề về chính sách và tư vấn pháp luật trong hoạch định chính sách, Tạp chí Tổ chức nhà nước, 2006.
3. Bùi Thế Cường. Già hóa dân số ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra đối với chính sách người cao tuổi,Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Kỷ yếu hội thảo “Phát triển chính sách cho người cao tuổi”, 2000.
4. Triệu Văn Cường. Hoạch định chính sách công (Sách dùng cho chương trình đào tạo thạc sĩ chính sách công). H. NXB Lao động xã hội, 2016.
5. Toru Hashimoto, Stefan Hell, Sang-woo Nam (2005), Public policy research and training in Vietnam, Asian Development Bank Institue, Hanoi.
6. Tổng cục Thống kê. Số liệu tổng điều tra dân số và dự báo dân số 2014 – 2019. H. NXB Thống kê, 2015.
ThS. Lê Hồng Hạnh
Học viện Hành chính Quốc gia