Truyền thông dân số và phát triển đến năm 2030 ở Việt Nam  

(Quanlynhanuoc) – Trong mọi thời đại, dân số luôn là đối tượng quản lý của mỗi quốc gia. Mục tiêu quản lý dân số và phát triển ở Việt Nam được thực hiện thông qua sự tiến hành đồng bộ của nhiều giải pháp, trong đó truyền thông được coi là giải pháp hàng đầu cả về tầm quan trọng và tổ chức thực hiện. Phạm vi bài viết của tác giả tập trung vào chủ đề truyền thông trong quá trình thực hiện mục tiêu dân số và phát triển đến năm 2030 ở Việt Nam trong tình hình mới.

 

Cán bộ Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bắc Giang tuyên truyền, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh niên, học sinh Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Nguồn: nhandan.com).
Vai trò và đặc điểm của truyền thông dân số và phát triển

 Truyền thông dân số và phát triển (DSPT) là một quá trình liên tục trao đổi, chia sẻ thông tin, kiến thức, thái độ và kỹ năng, nhằm tạo sự thay đổi về nhận thức và hành vi giữa các bên liên quan về DSPT.

Thực chất, truyền thông DSPT là một cuộc cách mạng tư tưởng văn hoá sâu sắc và toàn diện, có vai trò quan trọng trong quá trình tổ chức thực hiện mục tiêu DSPT. Truyền thông DSPT góp phần làm thay đổi, nâng cao nhận thức cho quảng đại quần chúng và từ đó điều chỉnh hành động của con người theo mục tiêu chung của cộng đồng vì mục tiêu DSPT có hiệu quả.

Truyền thông DSPT có những đặc điểm sau:

Một là, truyền thông dân số là một quá trình liên tục.

Truyền thông DSPT không phải là việc làm nhất thời, không phải chỉ diễn ra trong khuôn khổ thời gian hạn hẹp, mà được thực hiện và diễn ra trong khoảng thời gian dài.

Truyền thông DSPT không kết thúc sau khi chuyển tải những nội dung thông tin cần thiết mà còn được tiếp diễn liên tục: thông tin được chuyển tải diễn ra liên tục từ thấp đến cao, từ mục tiêu này đến mục tiêu khác; kết thúc một nội dung thông tin này lại tiếp tục một thông tin khác làm sâu sắc hơn những tri thức và thông tin DSPT cần chuyển tải.

Mặt khác, hoạt động DSPT liên quan đến các vấn đề kinh tế – xã hội, môi trường và đặc biệt là liên quan đến đời sống tình cảm của mỗi con người, mỗi gia đình như: hôn nhân, đời sống gia đình, quyết định sinh con, số con. Do đó, không phải một sớm, một chiều chúng ta có thể tác động, làm thay đổi nếp nghĩ, quan niệm của con người, mà đòi hỏi hoạt động truyền thông DSPT phải được tiến hành liên tục, kiên trì và sáng tạo.

Hai là, truyền thông DSPT là một quá trình trao đổi hoặc chia sẻ. 

Đặc điểm này cho thấy, quá trình truyền thông DSPT không đơn điệu, một chiều, mà ít nhất phải có hai thực thể: người tuyên truyền và người tiếp nhận, thiếu một trong hai thực thể đó thì quá trình không diễn ra. Đây cũng là sự khác biệt giữa thông tin và truyền thông DSPT.

Ba là, truyền thông DSPT phải dẫn tới sự hiểu biết lẫn nhau.

Quá trình truyền thông DSPT phải đem lại sự hiểu biết, sự cảm thông chia sẻ lẫn nhau để cùng hướng tới việc thực hiện mục tiêu DSPT.

Bốn là, đối tượng truyền thông DSPT rất đa dạng.

Đối tượng truyền thông DSPT, bao gồm các nhà lãnh đạo hoạch định chiến lược và chính sách; các cơ quan trong bộ máy quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức của người dân trong cộng đồng; những người dân là đối tượng cần chuyển đổi nhận thức và hành vi về DSPT như phụ nữ, nam giới, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, các bà mẹ mang thai, vị thành niên và thanh niên, người cao tuổi, già làng, trưởng bản…

Năm là, truyền thông DSPT phải đem lại sự thay đổi trong nhận thức và hành vi.

 Hiệu quả của truyền thông DSPT không chỉ dừng lại ở việc thay đổi nhận thức, mà còn phải biến nhận thức thành hành động, nghĩa là phải có hành vi đúng và phù hợp trong vấn đề DSPT.

Mục tiêu và nội dung truyền thông dân số phát triển đến năm 2030 ở Việt Nam

Trên cơ sở nhận thức đầy đủ và sâu sắc những xu hướng mới của dân số cũng như tác động to lớn của những xu hướng mới của dân số đến sự phát triển bền vững của đất nước, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.

Nghị quyết số 21-NQ/TW nêu 5 quan điểm chỉ đạo làm nền tảng cho công tác dân số Việt Nam trong tình hình mới, trong đó: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang DSPT. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững” là quan điểm mới và chủ trương lớn của Đảng đối với công tác dân số và mối quan hệ giữa DSPT, đánh dấu bước ngoặt quan trọng và chỉ rõ phương hướng của chiến lược và chính sách dân số Việt Nam trong tình hình mới.

Tiếp đó, tại Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, với trọng tâm duy trì ổn định về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, Nghị quyết số 21-NQ/TW cũng đã xác định một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đó là truyền thông về DSPT.

Với mục tiêu chuyển đổi nhận thức, thái độ, hành vi của các nhóm đối tượng; tạo sự thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội; thúc đẩy và huy động các thành viên trong cộng đồng tự nguyện tham gia để thực hiện các mục tiêu DSPT đến năm 2030, hoạt động truyền thông DSPT trong tình hình mới cần tập trung vào các mục tiêu sau:

Mục tiêu tổng quát. Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế – xã hội, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Mục tiêu trọng tâm. Tập trung vào 6 nhóm mục tiêu chính, đó là:

– Duy trì mức sinh thay thế;

– Đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên;

– Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng;

– Thích ứng với già hóa dân số;

– Phân bố dân số hợp lý và quản lý dân cư;

– Nâng cao chất lượng dân số.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030.

– Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người.

Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn.

– Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc có rất ít người.

– Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%; tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%; tỷ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 49%.

– Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.

– Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

– Chiều cao người Việt Nam 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ đạt 157,5 cm. Chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

– Tỷ lệ dân số đô thị đạt trên 45%. Bố trí, sắp xếp dân cư hợp lý ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản.

– 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn quốc.

Để thực hiện định hướng và mục tiêu DSPT đến năm 2030, hoạt động truyền thông DSPT trong tình hình mới cần tập trung vào các nội dung cơ bản sau:

– Về quy mô dân số, nội dung truyền thông cần tập trung vào những vấn đề: mức sinh thay thế, lợi ích của kế hoạch hoá gia đình và sức khỏe sinh sản, quy mô gia đình, khoảng cách giữa các lần sinh, sử dụng các phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hoá gia đình và sức khỏe sinh sản.

– Về cơ cấu dân số, nội dung truyền thông cần tập trung vào những vấn đề: mất cân bằng giới tính khi sinh (hệ luỵ, nguyên nhân và biện pháp kiểm soát); cơ cấu dân số vàng (lợi thế và phát huy lợi thế); mối quan hệ của các biến dân số đối với phát triển; già hóa dân số (thách thức, thích ứng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi).

– Về phân bố dân số, nội dung truyền thông cần tập trung vào những vấn đề: hiện trạng phân bố dân cư khu vực đô thị và nông thôn; sự chưa hợp lý trong phân bố dân cư ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn; thách thức của các dòng di chuyển dân cư; các quy định của pháp luật về cư trú; các biện pháp lồng ghép các yếu tố dân số trong phát triển kinh tế – xã hội – môi trường – an ninh – quốc phòng; các biện pháp điều tiết dân cư hợp lý và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để ổn định cuộc sống của người dân ở các khu vực, vùng miền, đặc biệt là vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn.

– Về chất lượng dân số, nội dung truyền thông cần tập trung vào những vấn đề: tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân; hệ lụy của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống và các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, dị tật của trẻ trước sinh và sơ sinh; cung cấp các kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục để phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiểu biết và phòng tránh thai an toàn, tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục; phong trào luyện tập thể dục, thể thao quần chúng, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Yêu cầu thực hiện công tác truyền thông dân số và phát triển

Để công tác truyền thông DSPT đạt hiệu quả, cần thực hiện tốt một số yêu cầu sau:

Một là, xác định nguồn thông tin.

Trong hoạt động truyền thông, việc xác định nguồn thông tin có vai trò rất quan trọng. Yêu cầu này đòi hỏi chủ thể truyền thông phải trả lời được một số câu hỏi sau:

– Lấy thông tin ở đâu?

– Ai cung cấp thông tin?

– Nơi cung cấp thông tin?

– Trách nhiệm pháp lý và tính khoa học của thông tin?

Truyền thông DSPT có thể tác động tới các đối tượng thông qua các nguồn tin của cộng đồng, địa phương, quốc gia, thế giới và thông qua các nguồn tin như tạp chí, tài liệu, hội thảo, giáo trình. Tuy nhiên, các nguồn thông tin về DSPT được truyền thông phải chính xác, phù hợp với Hiến pháp hiện hành, với các chủ trương và đường lối của Đảng, với chiến lược và chính sách của Nhà nước về DSPT; được xây dựng trên cơ sở những kết quả nghiên cứu khoa học đã được thử nghiệm và công bố.

Hai là, xây dựng nội dung thông tin.

Sau khi xác định được nguồn thông tin, chủ thể truyền thông cần tiến hành xây dựng nội dung thông tin. Xây dựng nội dung thông tin nhằm mục đích chọn lọc và sàng lọc thông tin phục vụ cho truyền thông DSPT.

Yêu cầu này đòi hỏi chủ thể truyền thông cần phải trả lời được một số câu hỏi dưới đây: Thông tin được hệ thống và biên soạn thành những nội dung hay chủ đề trọng tâm là gì? Các nội dung này có thể hiện thành những lời kêu gọi, các thông tin một cách ngắn gọn, sâu sắc không? Thông tin có lột tả/phản ánh được các chủ trương quan trọng và cốt yếu về DSPT không? Thông tin truyền thông có phù hợp với đối tượng, không gian và thời điểm thực hiện không?

Việc xây dựng nội dung thông tin có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả truyền thông DSPT. Do đó, thông tin được xây dựng phải phục vụ nội dung hay chủ đề trọng tâm; thích hợp với từng nhóm đối tượng; đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo; chính xác, nhất quán, có chất lượng, hỗ trợ cho việc củng cố niềm tin của người lĩnh hội về chủ trương, chính sách và lợi ích của họ.

Ba là, tổ chức các hình thức/kênh chuyển tải thông tin.

Yêu cầu này đặt ra vấn đề là các tri thức, các thông điệp, các lời kêu gọi, các thông tin về DSPT cần được chuyển tải bằng các hình thức hay các kênh truyền thông nào?

Trong thực tế, truyền thông DSPT ở Việt Nam đã được thực hiện thông qua rất nhiều hình thức/kênh truyền thông trực tiếp, gián tiếp và qua mạng điện tử, như: đối thoại, tư vấn, trao đổi, nói chuyện theo chuyên đề; tập huấn, hội thảo theo chủ đề; thông tin đại chúng; báo, đài, vô tuyến truyền hình; lồng ghép kiến thức về DSPT vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các loại hình trường, cấp học và lớp học; sinh hoạt câu lạc bộ; kênh văn hóa, văn nghệ (sáng tác bài hát, thơ ca), sân khấu; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về DSPT, thể dục và thể thao quần chúng; nêu gương những cá nhân, gia đình điển hình trong thực hiện mục tiêu DSPT.

Bốn là, tìm hiểu đặc điểm người nhận thông tin.

Yêu cầu này đòi hỏi công tác truyền thông DSPT phải quan tâm đến đặc điểm đối tượng truyền thông:

– Đối tượng tiếp nhận thông tin ở giới tính và lứa tuổi nào: nam, nữ, trong hay ngoài độ tuổi sinh đẻ, thanh niên hay vị thành niên?

– Đối tượng tiếp nhận thông tin ở địa bàn nào: thành phố, thị xã, nông thôn, miền núi?

– Đối tượng tiếp nhận thông tin có đặc điểm tâm sinh lý và điều kiện kinh tế, xã hội như thế nào?

– Đối tượng tiếp nhận thông tin có trình độ nhận thức như thế nào?

Yêu cầu về việc xây dựng thông tin và chọn đối tượng truyền thông là hai yêu cầu có quan hệ chặt chẽ với nhau và có ý nghĩa quyết định hiệu quả truyền thông DSPT.

Việc nghiên cứu và phân tích đối tượng là cơ sở rất quan trọng để xác định nội dung thông tin và phương thức truyền thông DSPT phù hợp.

Năm là, đo lường hiệu quả.

Yêu cầu này đòi hỏi phải xác định được những hiệu quả mà truyền thông DSPT cần đạt được về nhận thức, thái độ, hành vi, đồng thời phải thiết kế được cách thức đo hiệu quả đó.

Truyền thông DSPT cần phải hướng tới một số hiệu quả sau:

– Về nhận thức: phải chuyển tải những tri thức cơ bản và hình thành cho đối tượng truyền thông những hiểu biết cơ bản về vấn đề DSPT cần truyền thông.

– Về thái độ: phải xây dựng cho đối tượng truyền thông có thái độ hợp lý, có trách nhiệm trong tiếp nhận, hưởng ứng và xác định giá trị đúng về DSPT.

– Về hành vi: phải làm cho đối tượng truyền thông có các kỹ năng lập kế hoạch, đưa ra quyết định hành động hợp lý, có trách nhiệm đối với vấn đề của cá nhân (hôn nhân, quy mô gia đình, số con, khoảng cách sinh con…), đồng thời, sẵn sàng đáp ứng bằng hành động có trách nhiệm với vấn đề cải thiện chất lượng cuộc sống và về các vấn đề DSPT của địa phương và quốc gia.

Thực hiện yêu cầu đánh giá, đo lường hiệu quả truyền thông DSPT không đơn giản mà rất khó khăn và phức tạp, bởi kết quả truyền thông là sự thay đổi về tư tưởng và hành vi của con người, rất cụ thể nhưng cũng rất trừu tượng. Do đó, để đo lường hiệu quả truyền thông DSPT đòi hỏi chủ thể truyền thông phải bảo đảm được việc thiết kế cách đo đặc trưng, đó là:

– Thiết kế những mẫu câu hỏi (Anket) đánh giá nhận thức, thái độ theo mục đích truyền thông DSPT.

– Thiết kế nội dung trả lời từng câu hỏi.

– Thiết kế thang điểm (Barem điểm) đánh giá.

– Tiến hành trắc nghiệm trên đối tượng truyền thông theo cách: đo trước khi truyền thông (Pretest), đo sau khi truyền thông (Posttest).

Bằng cách này chúng ta có thể đánh giá được hiệu quả của truyền thông DSPT. Ngoài ra, còn có thể sử dụng các phương pháp đánh giá khác, như quan sát, sổ sách ghi chép.

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 21/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, đòi hỏi phải tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, truyền thông được xác định có vai trò quan trọng, truyền thông luôn phải đi trước một bước và có trọng tâm trong từng thời điểm, hướng tới từng nhóm đối tượng cụ thể để tạo được sự thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và thay đổi hành vi, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu DSPT đã đề ra. Chủ thể truyền thông phải xác định rõ vai trò, đặc điểm, mục tiêu, nội dung và yêu cầu trong quá trình thực hiện truyền thông DSPT.

Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới.
2. Học viện Hành chính Quốc gia. Giáo trình Quản lý nhà nước về DSPT. H. NXB Bách khoa, 2020.

PGS.TS. Đinh Thị Minh Tuyết
Học viện Hành chính Quốc gia