(Quanlynhanuoc.vn) – Thực hiện Quyết định 570/QĐ-TTg ngày 17/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí ổn định dân cư các xã biên giới Việt – Trung giai đoạn 2012 – 2017, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tuy vậy, vẫn chưa đạt được một số mục tiêu đề ra, biên giới vẫn còn có những khu vực “trắng dân”. Do vậy, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sinh kế nhằm bố trí, ổn định dân cư trên toàn tuyến biên giới vẫn luôn là một yêu cầu cấp thiết đối với quản lý nhà nước theo ngành và lãnh thổ.
Di dân là một hoạt động mang tính phổ quát của xã hội, diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh các dòng di dân mang tính tự nhiên hướng tới các khu vực thành thị, khu công nghiệp, khu vực có điều kiện thiên nhiên ưu đãi, nơi có điều kiện sống thuận lợi và có nhiều cơ hội việc làm là dòng di dân bắt buộc có khuyến khích theo yêu cầu phân bố dân cư, như: di dân giải phóng mặt bằng các dự án xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế xã hội (giao thông, thủy lợi, thủy điện, …); di dân đến vùng biên giới, hải đảo… Những năm qua, ở Việt Nam, các mô hình quần chúng tự quản đường biên, mốc quốc gia luôn gắn liền với quá trình quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới và bố trí, ổn định dân cư khu vực biên giới, hải đảo đã trở thành một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.
Thực trạng công tác bố trí, ổn định dân cư các xã biên giới Việt – Trung
Tuyến biên giới Việt – Trung có chiều dài 1.449,566 km, tổng diện tích tự nhiên 852.412,92 km2, dân số khoảng 570 000 người, gồm 168 xã/phường thuộc địa bàn 7 tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên1.
Theo Quyết định số 570/QĐ-TTg, mục tiêu đề ra: đến năm 2017 cần bố trí, ổn định cho 32.189 hộ dân cư dọc theo đường biên giới. Trong đó, có: 85 cụm điểm dân cư tập trung với tổng số 2.332 hộ; 119 điểm dân cư xen ghép với tổng số 1.398 hộ; hỗ trợ để ổn định tại chỗ cho 28.459 hộ.
Tuy nhiên, đến hết năm 2017, ước chỉ thực hiện bố trí ổn định được 2.317 hộ, đạt 7,2% so với mục tiêu đề ra. Trong đó, có: 23 điểm/tổng số 85 điểm dân cư tập trung (đạt 27,1%) với 662 hộ/tổng số 2.332 hộ (đạt 28,4%); 126 điểm/tổng số 119 điểm xen ghép (đạt 105,9%) với 768 hộ/tổng số 1.398 hộ (đạt 54,9%); hỗ trợ ổn định tại chỗ với 887 hộ/tổng số 28.459 hộ (đạt 3,1%)2.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc không hoàn thành mục tiêu đề ra. Cụ thể là:
Nguyên nhân khách quan
Điều kiện tự nhiên không thuận lợi (độ dốc cao, địa hình chia cắt mạnh, khí hậu khắc nghiệt…) cho phát triển kinh tế – xã hội; nông lâm nghiệp vẫn là ngành sản xuất mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân nhưng quỹ đất sản xuất eo hẹp, thiếu nguồn nước tưới; cơ sở hạ tầng thiếu thốn, xuất phát điểm kinh tế – xã hội ở mức thấp, dân trí còn nhiều hạn chế, cần có nhiều thời gian và nguồn nguồn vốn mới có thể rút ngắn được khoảng cách so với khu vực khác.
Nguyên nhân chủ quan
Một là, công tác chỉ đạo, tuyên truyền vận động và cách làm của một số địa phương còn chưa quyết liệt, thiếu sự phối hợp đồng bộ và kịp thời giữa các cấp, các ngành, nên hiệu quả đạt chưa cao. Tầm quan trọng và cấp bách của chương trình bố trí, ổn định dân cư các xã biên giới chưa được quán triệt đúng mức. Năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt là ở cấp thôn/bản, xã còn yếu, chưa tương xứng với yêu cầu công việc.
Hai là, triển khai công tác quy hoạch, lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư bố trí dân cư chưa đáp ứng yêu cầu chung, tiến độ thực hiện còn chậm, chất lượng quy hoạch thấp, có địa phương còn chưa xác định được chính xác quỹ đất hoang hóa và khả năng bố trí dân cư ở từng địa bàn cụ thể.
Ba là, sự phối hợp giữa trung ương với địa phương ở một số khâu công việc như: Bố trí kế hoạch vốn đầu tư hằng năm, phân bổ vốn cho các dự án, thông tin – tuyên truyền, báo cáo,… còn hạn chế dẫn đến việc tổ chức thực hiện chưa đồng bộ.
Bốn là, kênh vốn riêng cho chương trình không có, nguồn vốn đầu tư lồng ghép từ các chương trình dự án khác quá ít so với nhu cầu thực tế; đầu tư cho xây dựng hạ tầng ở nhiều điểm tái định cư còn thấp, chưa bảo đảm điều kiện để bố trí dân sinh sống ổn định.
Năm là, cơ cấu đầu tư còn bất cập, chủ yếu là đầu tư xây dựng hạ tầng chiếm hơn 90% tổng vốn thực hiện, đầu tư cho sản xuất chỉ chiếm từ 3 – 5%.
Sáu là, chính sách hỗ trợ bố trí ổn định dân cư biên giới đã được điều chỉnh, theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ (50 triệu đồng/hộ đối với các thôn bản giáp biên giới và 32 triệu đồng/hộ với các thôn, bản không giáp biên giới) song chưa đáp ứng yêu cầu thực tế do trượt giá; mức hỗ trợ di chuyển các hộ gia đình còn thấp. Vì vậy, các hộ nghèo chưa có điều kiện để di chuyển hoặc đã di chuyển nhưng nhà cửa còn tạm.
Mục tiêu công tác bố trí, ổn định dân cư biên giới Việt – Trung
Để bảo đảm ổn định đời sống dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ vững chắc an ninh – quốc phòng tuyến biên giới Việt – Trung, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Mục tiêu của Việt Nam đặt ra là đến năm 2030 bố trí ổn định cho 15.835 hộ, với các hình thức:
– Bố trí tập trung 3.703 hộ, chiếm tỷ lệ 23,38%;
– Bố trí xen ghép 2.328 hộ, chiếm tỷ lệ 14,7%;
– Hỗ trợ để ổn định tại chỗ 9.804 hộ, chiếm tỷ lệ 61,91%.
Và được phân bổ theo các giai đoạn:
Giai đoạn 2018 – 2025:
Bố trí 7.941 hộ tại 475 điểm dân cư, trong đó: bố trí tập trung 57 điểm với 1.865 hộ (chiếm 23,49% số hộ); bố trí xen ghép vào 204 điểm dân cư hiện có với 1.446 hộ (chiếm 18,21% về số hộ); bố trí ổn định tại chỗ ở 214 điểm dân cư với 4.630 hộ (chiếm 58,3% về số hộ).
Giai đoạn 2026 – 2030:
Bố trí 7.894 hộ tại 157 điểm dân cư, trong đó: bố trí tập trung 57 điểm với 1.838 hộ (chiếm 23,28% số hộ); bố trí xen ghép vào 69 điểm dân cư hiện có với 882 hộ (chiếm 11,17% về số hộ); bố trí ổn định tại chỗ ở 31 điểm dân cư với 5.174 hộ (chiếm 65,54% về số hộ).
Kiến nghị một số giải pháp nhằm ổn định, bố trí dân cư các xã biên giới Việt – Trung
Dịch chuyển, phân bổ lại dân cư ở khu vực biên giới khó khăn đã khó nhưng để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống ở đây còn khó khăn hơn rất nhiều với yêu cầu áp dụng một cách đồng bộ nhiều hệ thống giải pháp. Vấn đề mấu chốt là làm thế nào để khai thác hiệu quả lợi thế so sánh địa phương, phát triển sinh kế bền vững và mở mang dân trí. Để thực hiện thành công mục tiêu ổn định, bố trí dân cư các xã biên giới Việt – Trung đến năm 2030, căn cứ vào điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của các địa phương có tuyến biên giới, căn cứ vào chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, năng lực thực thi và khả năng đáp ứng các nguồn lực, một số giải pháp được đề xuất bao gồm:
(1) Giải pháp về hoàn thiện hệ thống chính sách , pháp luật.
Nhóm chính sách chung
Để thực hiện mục tiêu bố trí, ổn định dân cư các xã biên giới Việt – Trung cần phải thực hiện đồng bộ các chính sách hiện hành. Trong đó, cần tập trung vào một số chính sách sau:
– Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ).
– Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/09/2010 của Chính phủ).
– Chính sách phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi (Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn).
– Chính sách đặc thù, hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2017 – 2020 tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình
Thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho các hộ thuộc chương trình được áp dụng bao gồm: Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 phê duyệt Chương trình bố trí dân cư giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/05/2013 phê duyệt Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 ban hành chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Nhóm chính sách hỗ trợ cho cộng đồng
Hỗ trợ cộng đồng nhận bố trí dân cư theo hình thức xen ghép theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư Liên tịch số 06/2013/TTLT-UBDT-BTC của Bộ Tài chính và Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số.
(2) Giải pháp về ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm
Ứng dụng khoa học – công nghệ.
– Tổ chức tốt việc cung ứng giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sinh thái của từng địa phương, từng tiểu vùng.
– Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm; xây dựng mô hình mẫu, tổ chức tham quan, trình diễn, tập huấn kỹ thuật cho nông dân.
– Ứng dụng khoa học – công nghệ trong bảo quản nông, lâm sản sau thu hoạch để hạn chế thất thoát và nâng cao chất lượng nông – lâm sản.
Phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
– Hỗ trợ người sản xuất trong tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm hàng hóa; cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm cho hộ dân.
– Tiếp tục trợ cước, trợ giá các hàng hóa phục vụ sản xuất như giống, vật tư, phân bón; tổ chức thu mua sản phẩm và bảo trợ cho một số nông sản hàng hoá.
– Khai thác hiệu quả các chợ đường biên, khu kinh tế cửa khẩu; tổ chức hợp tác về mậu dịch đường biên với Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân hai bên trao đổi nông lâm sản và hàng hóa tiêu dùng khác.
(3) Giải pháp về phát triển kỹ thuật hạ tầng.
Các công trình hạ tầng cho các xã biên giới Việt – Trung cần được đầu tư một cách đồng bộ, kiên cố, tập trung, không dàn trải để phát huy hiệu quả các công trình. Cụ thể:
– Với những thôn/bản có cửa khẩu cần đầu tư hạ tầng hiện đại, tạo ra vùng đô thị hóa nông thôn.
– Với những thôn/bản thực hiện ổn định dân cư tại chỗ cần dựa vào thực trạng kết cấu hạ tầng hiện có để bố trí thêm các công trình mới kiên cố, từng bước nâng cấp những công trình tạm hiện có, hướng tới mục tiêu tất cả các thôn/bản này đều có đường giao thông thuận lợi đến trung tâm xã, có đủ lớp học, nhà văn hóa và công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
– Với những thôn/bản mới thành lập cần đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, kiên cố; ưu tiên xây dựng hệ thống thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và hệ thống cấp nước sinh hoạt.
(4) Giải pháp về nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực
Tăng cường đào tạo, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực theo hướng lâu dài có tính đến tận dụng nguồn nhân lực hiện có. Chú trọng đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý và nâng cao dân trí vùng biên giới. Cụ thể là:
– Đào tạo tập huấn cho cán bộ xã, thôn/bản về quản lý, về khuyến nông, khuyến lâm theo các chương trình riêng.
– Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp theo diện được bố trí ổn định theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 và Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
– Qua các mô hình khuyến nông, khuyến lâm tổ chức các buổi tham quan, tập huấn, hội nghị đầu bờ, báo cáo rút kinh nghiệm để triển khai ra diện rộng và nâng cao kỹ thuật sản xuất cho người dân.
– Học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông của các thôn/bản, xã biên giới được miễn học phí và các khoản đóng góp khác, được trợ cấp tiền mua đồ dùng học tập, sách giáo khoa…
– Ưu tiên tuyển chọn con em đồng bào dân tộc ít người vùng biên giới vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; ưu tiên tuyển dụng và đãi ngộ theo chính sách hiện hành.
– Có chính sách ưu đãi thỏa đáng để khuyến khích cán bộ miền xuôi lên công tác ở vùng biên giới.
(5) Giải pháp về củng cố an ninh, quốc phòng.
Xây dựng thế trận quốc phòng an ninh.
– Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm thế trận phòng thủ chặt chẽ, hình thành phòng tuyến an ninh nhân dân trên toàn tuyến biên giới.
– Thường xuyên tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm toàn dân tham gia bảo vệ tuyến biên giới; tạo điều kiện để người dân tham gia quản lý đường biên, cột mốc biên giới và tự quản an ninh trật tự thôn/bản.
– Xây dựng quỹ quốc phòng để hộ trợ trực tiếp cho nhân dân vùng giáp biên tham gia phong trào tự chủ, tự quản đường biên giới, mốc giới và tuần tra bảo vệ an ninh biên giới.
– Tăng cường hệ thống đồn, trạm biên phòng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
– Xây dựng và củng cố cơ sở chính trị tại các xã, thôn/bản biên giới vững mạnh, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao.
– Tăng cường quan hệ hữu nghị, giúp đỡ lẫn nhau của các địa phương hai bên vùng biên giới Việt – Trung.
Xây dựng cụm kinh tế – quốc phòng.
– Xây dựng cụm kinh tế – quốc phòng, tăng cường vai trò bộ đội biên phòng và các lực lượng vũ trang tham gia phát triển kinh tế – xã hội vùng biên giới, đảm bảo kết hợp phát triển kinh tế với củng cố an ninh – quốc phòng.
– Hỗ trợ đầu tư xây dựng các dự án kinh tế – quốc phòng ở địa phương và xây dựng khu kinh tế – quốc phòng ở các xã có điều kiện.
– Giao cho các đồn biên phòng, các khu kinh tế quốc phòng tham gia các dự án phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
(6) Giải pháp về phân định trách nhiệm giữa các cấp, các ngành.
Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.
– Lập, thẩm định, phê duyệt các dự án bố trí ổn định dân cư theo danh mục trong phương án điều chỉnh quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
– Xây dựng dự toán vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương hàng năm và theo giai đoạn trình các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính thẩm định, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện các dự án bố trí ổn định dân cư các xã biên giới Việt – Trung.
– Thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án khác trên địa bàn với dự án bố trí ổn định dân cư các xã biên giới Việt – Trung để đầu tư đồng bộ phát triển kinh tế xã hội theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
– Chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể quần chúng tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia thực hiện kế hoạch bố trí ổn định dân cư các xã biên giới theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt.
UBND cấp huyện.
– Giao các ngành chức năng tổ chức thực hiện các dự án dân cư theo quy hoạch dân cư được UBND tỉnh phê duyệt.
– Quản lý tốt nguồn vốn và đầu tư đúng mục đích vào các dự án dân cư, tránh thất thoát, lãng phí.
– Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Phát triển Nông thôn xây dựng kế hoạch hằng năm theo giai đoạn về bố trí dân cư trên địa bàn. Định kỳ báo cáo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả thực hiện công tác bố trí dân cư khu vực biên giới.
– Kiện toàn bộ máy cán bộ làm công tác phát triển nông thôn ở cấp huyện, cấp xã.
– Tuyên truyền vận động doanh nghiệp, tổ chức, Nhân dân hỗ trợ thực hiện công tác bố trí ổn định dân cư biên giới.
Trách nhiệm của UBND cấp xã.
– Phối hợp tốt với các ngành chức năng để thực hiện tốt các dự án bố trí dân cư trên địa bàn.
– Phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ bố trí, ổn định dân cư đến mọi người dân trên địa bàn, đặc biệt là các hộ dân thuộc phạm vi đối tượng phải hỗ trợ di dời.
– Lập danh sách hộ dân thuộc các đối tượng cần phải hỗ trợ để ổn định cuộc sống, để thực hiện cơ chế hỗ trợ của Chính phủ.
– Tuyên truyền vận động tổ chức Nhân dân hỗ trợ thực hiện di dời, bố trí dân cư. Đặc biệt là vận động Nhân dân hiến đất để xây dựng cụm, điểm dân cư biên giới.
– Giao trách nhiệm cho từng cá nhân, tổ chức đoàn thể phụ trách giúp đỡ các hộ dân vùng biên giới thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo để giúp đỡ họ thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống sau khi di dời vào cụm, điểm dân cư tuyến biên giới.
– Bảo đảm xác nhận, bình xét các hộ dân vào cụm, điểm dân cư mới, xen ghép vào khu dân cư hiện có, ổn định tại chỗ khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, dân chủ rộng rãi để các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến đúng thành phần, đối tượng, đúng thời điểm; củng cố niềm tin của người dân vào chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội nói chung và chính sách ổn định, bố trí dân cư trên dọc tuyến biên giới nói riêng.
Ổn định dân cư các xã biên giới Việt – Trung không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế – xã hội mà còn có ý nghĩa to lớn về an ninh – quốc phòng. Để đạt được mục tiêu đề ra trong thời gian tới cần phải áp dụng đồng thời nhiều hệ thống giải pháp cũng như sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương.
Chú thích:
1. Sơ lược về các tuyến biên giới đất liền: Biên giới Việt Nam – Trung Quốc, https://quangnam.gov.vn, ngày 04/8/2018.
2. Báo cáo rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch bố trí dân cư các xã biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
2. Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, rừng đặc dụng giai đoạn 2013 – 2015 và định hướng đến năm 2020.
3. Quyết định số 570/QĐ-TTg ngày 17/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch bố trí ổn định dân cư các xã biên giới Việt – Trung giai đoạn 2012 – 2017.
TS. Vũ Xuân Thanh
Học viện Hành chính Quốc gia