(Quanlynhanuoc.vn) – Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 ngay từ đầu năm 2020, song với sự đồng hành của tỉnh, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp than, điện, xi măng, chế biến, chế tạo,… tăng năng suất, sản lượng, do vậy, khu vực công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đã khắc phục khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất – kinh doanh, tăng trưởng khu vực công nghiệp đạt mức cao nhất trong GRDP (tăng 9,2%) đã bù đắp cho khu vực dịch vụ1.
Thực trạng đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại ngành Công thương tỉnh Quảng Ninh
Kết quả thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng
Đối với khu vực dịch vụ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 từ những tháng đầu năm 2020, nhất là các hoạt động du lịch, thương mại, vận tải, vui chơi giải trí,… Tuy nhiên, nhờ các giải pháp kích cầu kịp thời, đến nay, các hoạt động dịch vụ đã cơ bản sôi động trở lại. Trên địa bàn tỉnh hiện có: 133 chợ; 32 siêu thị và 7 trung tâm thương mại; 80 cửa hàng tiện ích… với các loại hàng hóa đa dạng, phong phú, bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ; được niêm yết giá và bán theo giá niêm yết… cũng đã góp phần xây dựng hình ảnh tỉnh Quảng Ninh văn minh, hiện đại2.
Hoạt động xuất – nhập khẩu bị hạn chế làm gián đoạn nguồn cung, ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp (DN) sản xuất – kinh doanh trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo (xơ, sợi dệt, quần áo…). Hoạt động của một số DN tại huyện Hải Hà, thành phố Hạ Long… giữ ở mức cầm chừng, dành nguồn lực, nhân lực cho phòng, chống dịch bệnh. Theo báo cáo thống kê, trong 4 năm (2016 – 2019), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của DN trong tỉnh đạt 7.498 triệu USD, tăng bình quân 8,46%/năm; ước 6 tháng đầu năm 2020 đạt 928 triệu USD; tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của DN trong tỉnh đạt 9.333 triệu USD, giảm bình quân 7,9%/năm; ước 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1.480 triệu USD…3.
Về thực hiện các đột phá chiến lược cơ cấu lại ngành Công thương tỉnh Quảng Ninh
Thứ nhất, phát triển cụm công nghiệp, hệ thống điện và xây dựng hạ tầng thương mại nông thôn.
Tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đầu tư xây dựng dự án cấp điện cho: (1) Dự án cấp điện cho xã đảo Cái Chiên huyện Hải Hà và Đảo Trần huyện Cô Tô; (2) Dự án cấp điện cho các cụm điểm dân cư dưới 20 hộ chưa được sử dụng điện. Đến nay, hệ thống lưới điện đã phủ kín đến toàn bộ các thôn, khe bản của tỉnh, kể cả xã đảo và đất liền; 100% số hộ dân được sử dụng điện, 98/98 xã đạt tiêu chí về điện nông thôn, góp phần không nhỏ vào kết quả triển khai thực hiện Chương trình xây dựng mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010 – 2020.
Trong phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn: đối với hệ thống chợ nông thôn, những chợ đầu tư theo hình thức xã hội hóa được các cấp, ngành, địa phương quan tâm với nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích nhà đầu tư, xây dựng chợ, như hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng, tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh hiểu và đồng thuận với chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước về công tác đầu tư xây dựng và quản lý chợ.
Thứ hai, về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần.
Việc chủ động hỗ trợ các nhà đầu tư, định hướng phát triển các ngành nghề đã góp phần tích cực vào thu hút các thành phần kinh tế phát triển, cụ thể: (1) Thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài góp phần quan trọng vào tỷ trọng tăng trưởng kinh tế của tỉnh và giúp giải quyết việc làm, nâng cao trình độ tay nghề, công nghệ cho lao động trong tỉnh; (2) Khối các công ty, tập đoàn lớn trong nước đầu tư vào lĩnh vực thương mại dịch vụ: tập đoàn Vingroup, Sungroup… góp phần thay đổi diện mạo, nâng tầm cơ sở hạ tầng, mở ra nhiều cơ hội mới trong thu hút đầu tư của Quảng Ninh; (3) Cơ cấu thành phần DN có sự chuyển biến tích cực, khu vực DN ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng nhanh. Cơ cấu lao động giảm dần trong khu vực nhà nước và tăng dần ở khu vực ngoài nhà nước và FDI.
Thứ ba, về tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.
Tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào… Đồng thời, chủ động tuyên truyền, thông tin cho các DN về kiến thức hội nhập quốc tế, tăng cường giúp DN trong tỉnh nắm vững các quy định đối với từng lĩnh vực hàng hóa cụ thể và các thông tin, hướng dẫn liên quan đến xuất – nhập khẩu hàng hóa sang các đối tác đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Qua đó, giúp các DN xuất khẩu trong tỉnh được hưởng các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu. Song song với đó, tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn tham gia các hội chợ, triển lãm nước ngoài nhằm mở rộng hoạt động giao lưu quốc tế các nước trong khối ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đồng thời, tổ chức các hoạt động giao lưu kinh tế kết hợp xúc tiến thương mại và du lịch để nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của cộng đồng DN trong tỉnh; quảng bá mở rộng hình ảnh, con người và văn hóa Quảng Ninh đến cộng đồng trong và ngoài nước.
Thứ tư, về cải cách hành chính, hỗ trợ DN.
Sau quá trình đẩy mạnh cải cách hành chính, đến nay, tại lĩnh vực công thương đã thực hiện:
(1) Tổng số thủ tục hành chính (TTHC) thuộc ngành Công Thương thực hiện ở 3 cấp là 152 TTHC (132 TTHC cấp tỉnh, 18 TTHC cấp huyện, 2 TTHC cấp xã); 100% TTHC cấp tỉnh được thực hiện dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4; ủy quyền phê duyệt 100% TTHC thuộc thẩm quyền phê duyệt của Sở Công Thương cho cán bộ của Sở làm việc tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh.
(2) Niêm yết công khai: 132/132 TTHC trên cổng dịch vụ công tỉnh và tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; Phân cấp ủy quyền 116/116 TTHC (đạt 100%) thuộc thẩm quyền phê duyệt của Sở.
(3) Về thời gian thực hiện: chủ động cắt giảm thời gian thực hiện của 132 TTHC cấp tỉnh từ 1.932 ngày theo quy định xuống còn 870 ngày, cắt giảm 1.062 ngày, (giảm 54,97% thời gian giải quyết so với quy định).
(4) Về rà soát danh mục TTHC: Sở Công Thương đã rà soát TTHC thuộc thẩm quyền và lựa chọn 11 danh mục TTHC để tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia trong thời gian tới, tại Văn bản số 1214/SCT-VP3 ngày 20/4/2020.
(5) Kết quả giải quyết hồ sơ luôn đạt tỷ lệ cao, không để phát sinh ý kiến phản ánh, kiến nghị của tổ chức, DN, cá nhân có liên quan đến cán bộ, công chức của Sở tham gia công tác CCHC và tiếp nhận, giải quyết TTHC 4.
Giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng ngành Công thương
Một là, tập trung làm tốt công tác dự báo, tham mưu để chỉ đạo, điều hành linh hoạt, tạo sự chuyển biến tích cực và toàn diện trên các lĩnh vực của ngành. Trước tình hình thị trường biến động, đòi hỏi cần nắm chắc tình hình thực tế, nâng cao công tác dự báo, điều hành linh hoạt để kịp thời có những giải pháp ứng phó với những diễn biến bất lợi xảy ra, song cũng cần kịp thời tranh thủ thời cơ để phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất khi điều kiện cho phép; phát huy sức mạnh tập thể lãnh đạo, giải quyết công việc đúng thẩm quyền, chủ động, sáng tạo trong khuôn khổ quy định của pháp luật, đồng thời đề cao tinh thần phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực thi nhiệm vụ, bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả.
Hai là, đẩy mạnh phát triển công nghiệp.
(1) Đối với lĩnh vực khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo: chú trọng phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh của tỉnh (công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, đóng tàu, công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp chế biến lâm sản, thủy sản, công nghiệp khai thác khoáng sản…), trong đó ưu tiên lựa chọn phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho ngành than, giúp các DN ổn định sản xuất, bảo đảm công ăn việc làm, an sinh xã hội cho người lao động.
(2) Đối với lĩnh vực năng lượng: tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Công Thương, ngành bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 (tổng sơ đồ VIII) đối với một số nhà máy điện khí tại Quảng Ninh; tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Ba là, thúc đẩy phát triển thương mại.
(1) Đối với thương mại nội địa: tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại theo hướng hiện đại, thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại – du lịch và đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định… Phát huy hiệu quả của các trung tâm thương mại – hội chợ – triển lãm quốc tế, các trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp hiện đại của tỉnh tại các đô thị lớn… để Quảng Ninh thực sự trở thành địa điểm uy tín được lựa chọn tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao cấp quốc gia, quốc tế cũng như phát triển dịch vụ du lịch mua sắm cao cấp. Tổ chức các chương trình hội chợ đưa hàng Việt Nam về nông thôn; hội chợ OCOP; tiếp tục làm tốt các cuộc vận động “Đưa hàng về nông thôn phục vụ Nhân dân”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện nâng cấp sàn giao dịch thương mại điện tử để phát huy đúng chức năng nhiệm vụ…
(2) Đối với xuất khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế: đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á, châu Âu…; khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của các khu kinh tế Cửa khẩu và các khu vực phụ cận; tăng cường và tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt công tác hội nhập quốc tế về kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa có thế mạnh của tỉnh nhằm phát huy hiệu quả cao nhất các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết; tư vấn hỗ trợ DN về chuyên môn, cung cấp thông tin, kiến thức kịp thời trong quá trình hội nhập quốc tế; kết nối vùng, liên vùng để phát huy lợi thế của tỉnh biên giới; thu hút các DN đầu tư sản xuất – kinh doanh tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp (Vân Đồn, Quảng Yên, Móng Cái,…) để tạo các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao.
Bốn là, tăng cường quản lý nhà nước về công thương. Tiếp tục rà soát thực hiện quy hoạch của ngành Công thương. Nâng cao trình độ quản lý, năng lực công tác quản lý nhà nước về công thương trên địa bàn tỉnh. Nâng cao trình độ quản lý, điều hành của các DN hoạt động trong lĩnh vực công thương; tích cực giúp đỡ, hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức kinh tế, DN về kiến thức, chính sách pháp luật, nguồn vốn sản xuất – kinh doanh. Tăng cường công tác hậu kiểm lĩnh vực quản lý của ngành.
Năm là, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các DN nhằm thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất – kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng của ngành. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, bảo đảm tốc độ gia tăng dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, chú trọng phát triển mạnh các ngành thương mại, dịch vụ… nâng cao chất lượng dịch vụ. Quan tâm cải thiện kết cấu hạ tầng và quy hoạch, tập trung triển khai các dự án trọng điểm.
Sáu là, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt công tác hội nhập quốc tế về kinh tế. Trong đó, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch trong từng giai đoạn về năng cao năng lực cạnh tranh của DN trong hội nhập; đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa có thế mạnh của tỉnh nhằm phát huy hiệu quả cao nhất các Hiệp định thương mại tự do (FTA), các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết; tư vấn hỗ trợ DN về chuyên môn, cung cấp thông tin, kiến thức kịp thời trong quá trình hội nhập quốc tế.
Bảy là, thu hút đầu tư FDI, phát triển sản xuất – kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng của ngành. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trong đó, triển khai thực hiện các chính sách ưu tiên, ưu đãi thu hút vào các ngành, lĩnh vực mũi nhọn: phát triển cơ sở hạ tầng; công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; hệ thống bán buôn, bán lẻ… Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, tập trung chú trọng thu hút các dự án FDI có chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao. Tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo động lực thu hút các dự án FDI vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại, logistics,…
Tám là, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Theo đó, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án của Chính phủ về đơn giản hóa và công khai, minh bạch TTHC, chế độ giao dịch hành chính điện tử, nâng cao chất lượng của cổng thông tin điện tử của tỉnh và website của các sở, ngành; tăng cường phân cấp, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cho từng cá nhân. Cụ thể hóa quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công vụ, đào tạo đội ngũ công chức chuyên nghiệp, gắn việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Tham gia xây dựng chính quyền điện tử và đào tạo công dân điện tử. Đặc biệt, nâng cao trình độ, năng lực công tác, ý thức phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức, văn minh công sở.
Chú thích:
1, 2, 3, 4. Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh. Báo cáo tình hình thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, ngày 26/6/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Quảng Ninh chính là hình mẫu về chuyển đổi mô hình tăng trưởng. https://baodautu.vn, ngày 25/5/2020.
2. Quảng Ninh cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. https://nhandan.com.vn, ngày 24/8/2020.
TS. Hà Văn Hòa
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội