Những quy định mới về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức

(Quanlynhanuoc.vn) – Đánh giá cán bộ nói chung và đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức là một khâu rất quan trọng trong công tác cán bộ. Đây là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật… cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, đây cũng là công việc phức tạp, nhạy cảm và hiện vẫn là khâu yếu, do đó, cần thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức một cách nghiêm túc, chính xác, khách quan và công bằng để xây dựng được đội ngũ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

 

Tiêu chí đánh giá, xếp loại công chức mới nhất theo Nghị định 90 (Ảnh minh họa).

 Tình hình đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức 

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ đã nhận định: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến”. Những năm qua, việc thực hiện đánh giá, phân loại công chức, viên chức được thực hiện theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27/7/2017 của Chính phủ.

Tính đến ngày 22/4/2019, Bộ Nội vụ đã tổng hợp số liệu báo cáo kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) năm 2018 của 19/33 bộ, ngành trung ương và 45/63 địa phương (không tính Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), kết quả cho thấy trong tổng số công chức được đánh giá, phân loại thì có tới 97% hoàn thành xuất sắc và tốt nhiệm vụ; khoảng 2,29% hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và chỉ 0,64% công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Tương tự với viên chức, có 93,73% hoàn thành xuất sắc và tốt nhiệm vụ, chỉ 0,38% không hoàn thành nhiệm vụ1. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đây là con số chỉ mang tính chất báo cáo hành chính, không sát với thực tế; con số này còn cao hơn gấp nhiều lần2.

Như vậy, có thể thấy chưa có sự thống nhất giữa đánh giá của người dân, xã hội với đánh giá của cơ quan có thẩm quyền về chất lượng đội ngũ CBCCVC.

Các quy định của pháp luật về đánh giá, phân loại CBCCVC đã từng bước được hoàn thiện theo hướng căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ cụ thể và giao thẩm quyền đánh giá, phân loại CBCCVC cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhưng nhìn chung các quy định vẫn còn chưa đủ rõ ràng, đồng bộ. Mặt khác, bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật về quản lý đội ngũ CBCCVC thì việc tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị cũng chưa được như mong muốn, vẫn còn tình trạng “dĩ hòa vi quý”, tâm lý nể nang, ngại va chạm, “hòa cả làng” trong đánh giá, xếp loại CBCCVC.

 Những quy định mới về đánh giá, xếp loại chất lượng 

Cùng với các quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng (ĐGXLCL) CBCCVC là một bước tiến trong thể chế quản lý nói chung và ĐGXLCL CBCCVC nói riêng, góp phần thể chế hóa quan điểm đổi mới công tác cán bộ của Đảng trong các nghị quyết của Hội nghị Trung ương gần đây.

Với Nghị định số 90/NĐ-CP, Chính phủ đã thể hiện nỗ lực rất lớn trong việc quán triệt quan điểm đánh giá khách quan, công bằng, chính xác. Việc ĐGXLCL phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể; đối với CBCCVC lãnh đạo, quản lý phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, phụ trách.

Thứ nhất, Nghị định số 90/NĐ-CP đã bám sát và thể chế hóa được quan điểm của Đảng là đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng: xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Theo đó, các tiêu chí ĐGXLCL gồm: chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật, nhất là các tiêu chí về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ cụ thể được giao đối với từng nhóm đối tượng: CBCCVC lãnh đạo, quản lý và công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đã được cụ thể hóa theo hướng định lượng.

Thứ hai, quy định rõ về trình tự, thủ tục ĐGXLCL CBCCVC theo các bước cụ thể đối với từng nhóm đối tượng được đánh giá là CBCCVC, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đồng thời, các quy định cũng đã thể hiện “tính đa chiều” khi có sự kết hợp giữa tự đánh giá của CBCCVC với ý kiến góp ý của tập thể công chức, viên chức và các tổ chức đoàn thể tại cuộc họp của cơ quan, đơn vị; đánh giá, nhận xét của lãnh đạo cơ quan, đơn vị; ý kiến, nhận xét của cấp ủy đảng; đề xuất của cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của cơ quan, đơn vị.

Thứ ba, đã cố gắng lượng hóa các tiêu chí ĐGXLCL CBCCVC để hạn chế tình trạng định tính và sự nể nang trong đánh giá, xếp loại. Đối với CBCCVC lãnh đạo, quản lý phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, phụ trách. Theo đó, đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, một trong những tiêu chí để được ĐGXLCL ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ngành, lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, trong đó ít nhất 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ hoàn thành vượt mức; 100% cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên, trong đó ít nhất 70% hoàn thành tốt hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (Điều 4 và 8); tiêu chí ĐGXLCL ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ là 100% cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên (Điều 5).

Thứ tư, về mức xếp loại chất lượng CBCCVC, Nghị định đã thay thế mức “hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực” bằng “hoàn thành nhiệm vụ”. Đồng thời ở mức xếp loại chất lượng “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, Nghị định bỏ tiêu chí phải có “sáng kiến, công trình khoa học, đề án, đề tài được áp dụng có hiệu quả”. Quy định mới này khắc phục được tình trạng phải cố có sáng kiến kiểu hình thức để đối phó hoặc phải “nhờ” được đứng tên đề tài, đề án hay cóp nhặt sáng kiến trên mạng. Tuy nhiên, cần lưu ý việc bỏ tiêu chí này không có nghĩa là không đòi hỏi công chức, viên chức phải tìm tòi, sáng tạo để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc; nhất là đối với viên chức, do đặc thù tính chất nghề nghiệp như: giảng viên, nhà khoa học, nghệ sỹ thì cần phải nghiên cứu, sáng tạo trong công việc.

Thứ năm, quy định sự liên thông, đồng bộ giữa ĐGXLCL CBCCVC với ĐGXLCL đảng viên, dựa trên thực tế phần lớn đội ngũ CBCCVC là đảng viên.

Thứ sáu, quy định về công khai kết quả ĐGXLCL CBCCVC. Theo Nghị định số 90/NĐ-CP sẽ thông báo công khai trong cơ quan, đơn vị nơi công tác, ưu tiên áp dụng hình thức công khai trên môi trường điện tử. Như vậy, người dân cũng có thể tiếp cận kết quả ĐGXLCL CBCCVC để giám sát, kiểm tra.

Ngoài ra, Nghị định còn quy định cụ thể về các các đối tượng CBCCVC không thực hiện việc ĐGXLCL nhưng vẫn phải kiểm điểm thời gian công tác trong năm và đối tượng thực hiện đánh giá nhưng không xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; về thời điểm ĐGXLCL CBCCVC hằng năm; về các văn bản lưu giữ tài liệu ĐGXLCL CBCCVC.

Những vấn đề đặt ra để tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các quy định đánh giá xếp loại chất lượng

Một là, việc thực hiện các quy định về ĐGXLCL CBCCVC một cách hiệu quả vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc do liên quan đến các vấn đề khác. Ví dụ như việc xác định vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ và khung năng lực phù hợp của từng công chức, viên chức chưa thật sự khoa học và hợp lý; mức độ phức tạp của các nhiệm vụ đối với từng vị trí việc làm khó lượng hóa chính xác. Chẳng hạn, với một công chức, viên chức được giao 10 nhiệm vụ khó, có tính chất phức tạp thì việc hoàn thành 100% là không đơn giản, nhưng với công chức, viên chức được giao 10 nhiệm vụ dễ, có tính chất đơn giản thì khả năng hoàn thành 100% để được ĐGXLCL ở mức cao hơn là hoàn toàn khả thi. Do vậy, nếu không lưu ý điều này, có thể xảy ra tình trạng người năng lực kém hơn nên được giao ít việc hơn và công việc đơn giản hơn nhưng lại dễ được ĐGXLCL ở mức cao hơn.

Hai là, đối với việc đánh giá, xếp loại công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý, quy định phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, phụ trách, về nguyên tắc là đúng và hợp lý, tuy nhiên, nên chăng cần phân biệt nguyên nhân khách quan và chủ quan của việc không bảo đảm 100% cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên. Trường hợp do nguyên nhân chủ quan, tức là do năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành hạn chế có thể dẫn đến tình trạng người lãnh đạo, quản lý nương nhẹ hoặc thậm chí che dấu các hành vi sai phạm của viên chức thuộc quyền quản lý để không ảnh hưởng đến mức đánh giá, xếp loại của mình.

Ba là, Nghị định chưa hướng dẫn cụ thể việc đánh giá, xếp loại viên chức theo quy định tại khoản 3 Điều 41 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, đó là: “đánh giá trước khi kết thúc thời gian tập sự, ký kết tiếp hợp đồng làm việc, thay đổi vị trí việc làm”. Điều này rất quan trọng đối với viên chức được tuyển dụng sau ngày 01/7/2021, tức là các đối tượng ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn trong khoảng thời gian từ đủ 12 – 60 tháng. Chẳng hạn, nếu các đối tượng này chỉ được đánh giá, xếp loại ở mức hoàn thành nhiệm vụ trong 5 năm thì có được ký tiếp hợp đồng hay không? Hoặc trường hợp có 4 năm được đánh giá, xếp loại ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng có một năm không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ giải quyết thế nào?

Bên cạnh đó, việc thực hiện quy định: “Căn cứ vào đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức ban hành hoặc giao người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp sử dụng viên chức ban hành quy định đánh giá viên chức theo quý, tháng hoặc tuần phù hợp với đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, định lượng bằng kết quả, sản phẩm cụ thể; kết quả đánh giá là căn cứ để thực hiện đánh giá viên chức quy định tại điểm a khoản này” (điểm b khoản 3 Điều 56 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức) cũng đặt ra vấn đề là nếu một viên chức được đánh giá, xếp loại ở mức hoàn thành xuất sắc hoặc tốt nhiệm vụ trong bao nhiêu tháng thì cuối năm mới được đánh giá, xếp loại ở mức này? Nên chăng cần có quy định mang tính nguyên tắc là “đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện đánh giá viên chức theo quý, tháng thì viên chức được ĐGXLCL ở mức hoàn thành xuất sắc hoặc hoàn thành tốt trong năm phải được đánh giá, xếp loại ở mức đó ít nhất từ 3/4 quý hoặc 2/3 số tháng trong năm trở lên”.

Bốn là, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức cũng như Nghị định số 90/NĐ-CP vẫn chưa đề cập về mặt nguyên tắc việc căn cứ kết quả ĐGXLCL CBCCVC để xem xét tăng thu nhập. Vấn đề có tính nguyên tắc trong quản lý nhân sự là người làm tốt thì phải được trả lương cao; khuyến khích tăng thu nhập rõ ràng, cụ thể để tạo động lực làm việc cho mỗi CBCCVC, đồng thời góp phần giúp công tác đánh giá, xếp loại càng khách quan, công bằng hơn, tránh hình thức. Về lâu dài, có thể tham khảo cách đánh giá nhân sự và trả lương của khu vực doanh nghiệp, hoặc như thí điểm hiện nay của TP. Hồ Chí Minh theo nguyên tắc “Đánh giá, phân loại theo hiệu quả công việc trên số ngày làm việc thực tế hằng tháng của CBCCVC để chi trả thu nhập tăng thêm”3.

Bên cạnh đó, để gắn liền với công tác tinh giản biên chế, cần triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn hình thức buộc thôi việc đối với công chức,viên chức không hoàn thành nhiệm vụ. Khi đã thực hiện việc ĐGXLCL cán bộ, công chức chính xác, khách quan, công bằng thì phải kiên quyết đưa những người không hoàn thành nhiệm vụ ra khỏi biên chế hoặc có hình thức bố trí, sắp xếp vị trí việc làm phù hợp.

Chú thích:
1. Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ gửi đại biểu Quốc hội về việc triển khai Nghị quyết số 113/2015/QH13 và Nghị quyết số 33/2016/QH14 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện các nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn phục vụ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.
2. Đánh giá công chức, viên chức chưa thực chất! https://nld.com.vn, ngày 24/5/2019.
3. Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018 của Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh về ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức,viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý.

PGS. TS. Nguyễn Minh Phương- ThS. Nguyễn Ánh Nguyệt
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội