(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết là một phần kết quả khảo sát xã hội học với nội dung “Những yếu tố xã hội ảnh hưởng đến chuyển đổi việc làm của người lao động nông thôn hiện nay”. Khảo sát được tiến hành vào tháng 8/2019 tại xã Đông Sơn và Đại Yên thuộc huyện Chương Mỹ – ngoại thành Hà Nội với phương pháp thu thập thông tin của 300 bảng hỏi, phỏng vấn sâu 40 trường hợp; sử dụng phương pháp phân tích các tài liệu liên quan, kết hợp phương pháp quan sát tham dự và không tham dự để thu thập thông tin thực nghiệm.
Khảo sát thực trạng việc làm của lao động nông thôn tại một số xã thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội hiện nay
Cơ cấu nghề nghiệp việc làm là cơ sở để đánh giá tính chất của nền sản xuất xã hội. Trước khi đổi mới, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp (SXNN) chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh tế hai xã Đông Sơn và Đại Yên, khoảng 70%. Từ sau đổi mới năm 1986, nhất là từ sau năm 2008, địa phương được sáp nhập về Hà Nội, cơ cấu ngành nghề đã thay đổi theo hướng đa dạng hóa. Hiện nay, có khoảng hơn 12 nhóm ngành chính, phân bố dàn trải, manh mún tỷ lệ mỗi nhóm ngành khá thấp. Có 8/12 ngành có tỷ lệ <10%. Không còn nhóm việc làm nào chiếm tỷ lệ cao hơn 30%1.
SXNN vốn là nhóm việc làm chủ yếu nay không còn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu việc làm ở địa phương. Đáng chú ý, tỷ trọng việc làm cao tập trung vào một số ngành phi nông nghiệp. Nhóm việc làm tại các nhóm nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống đang được khôi phục. Nhiều ngành nghề mới phi truyền thống xuất hiện và chiểm tỷ trọng cao, như: các nghề dịch vụ, kinh doanh, công nghiệp và làm thuê. Đã xuất hiện hiện tượng người lao động (NLĐ) tham gia xuất khẩu lao động sang làm việc ở thị trường một số nước trong khu vực. Khi các ngành nghề mới xuất hiện tạo ra thị trường lao động mở rộng, NLĐ có nhiều cơ hội lựa chọn tham gia vào thị trường lao động và việc làm hơn. Một cơ cấu nghề nghiệp việc làm đa dạng sẽ tận dụng được các lực lượng lao động, các nguồn lực về đất đai, vốn, kinh nghiệm sản xuất của NLĐ, hàng hóa sản xuất ra bởi vậy cũng phong phú hơn.
Tại địa phương, cơ cấu SXNN truyền thống hiện nay bao gồm hai lĩnh vực trồng trọt (lúa, hoa màu, cây hoa quả đặc sản) chiếm 15,6% và chăn nuôi (gia súc, gia cầm và thủy sản) chiếm 4,6%. Tổng tỷ trọng của hai lĩnh vực (gọi chung là SXNN) chỉ còn chiếm 20,2% trong tổng các ngành nghề hiện có. Mặc dù vậy, tỷ trọng SXNN chiếm 20,2% vẫn còn cao so với kỳ vọng của địa phương. Tỷ lệ lao động và việc làm tập trung cao nhất ở nhóm làm thuê chiếm 29,3% 2. Tỷ lệ số người làm thuê khá cao thể hiện rõ tại địa phương đã hình thành một thị trường việc làm khá phong phú, đa dạng, nhất là ở các ngành phi nông nghiệp.
Tính đến tháng 6/2020, ngoài SXNN, toàn huyện có 668 doanh nghiệp và trên 9.000 cơ sở sản xuất cá thể công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản, 895 doanh nghiệp kinh doanh thương nghiệp, dịch vụ và trên 8.000 cơ sở hộ cá thể đang hoạt động tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động. Ngoài ra, có một số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trên các địa phương khác như Samsung – Bắc Ninh, Bình Xuyên – Vĩnh Phúc…3.
Trong số 88/300 người (chiếm 29,3% số người điều tra) làm thuê, trong đó có 40 người (chiếm 45,5%) làm việc trong lĩnh vực công nghiệp theo phương châm “tiến xưởng bất tiến thành”, nghĩa là: tuy làm việc trong các công xưởng nhưng vẫn định cư ở nông thôn không vào thành phố sinh sống. Họ được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm ra sản phẩm có tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng cao (ví dụ lắp ráp điện thoại di động, làm bồn chứa khí biogas bằng vật liệu composite, may mặc tại các công ty…), việc làm của họ có tính chất chuyên nghiệp và công nghiệp hóa. Trong lĩnh vực dịch vụ có 18/88 người, chiếm 20,4% và tiểu thủ công nghiệp 11/88 người, chiếm 12,5%. Tỷ lệ làm thuê trong nông nghiệp theo thời vụ như cấy, cày, thu hoạch là 6/88 người chiếm 6,8%. Đáng chú ý, còn 9/88 người, chiếm khoảng 10,2% chủ yếu làm thuê theo công việc đơn lẻ, giản đơn, tạm thời4.
Ngoài nhóm làm thuê có tỷ lệ việc làm cao nhất còn những nhóm có tỷ lệ việc làm cao thứ hai và thứ ba tập trung vào: nhóm kinh doanh, buôn bán và nhóm dịch vụ, lần lượt là 60/300 người, chiếm 20% và 45/300 người, chiếm 15,3%). Những nhóm này mới xuất hiện khoảng hơn mười năm trở lại đây. Chủ yếu là cơ sở kinh doanh, buôn bán có quy mô vừa và nhỏ với số vốn đầu tư không lớn, được tích lũy dần trong một thời gian dài. Sự phục hồi của nhóm việc làm tiểu thủ công 15/300 người, (chiếm 5%) và nhóm công nghiệp mới hình thành 9/300 người, (chiếm 3%) là một tỷ lệ đáng chú ý vì đây là những phương thức sản xuất mới, kỳ vọng sẽ đưa nông thôn phát triển5. Tiểu thủ công nghiệp vốn là nhóm việc làm truyền thống có từ lâu đời tại địa phương. Trong nhiều năm, nhóm việc làm này luôn đóng vai trò là nhóm việc làm phụ so với SXNN.
Trong bối cảnh nền kinh tế sản xuất hàng hóa hiện nay, nhóm việc làm này không dừng ở mức chỉ để giải quyết vấn đề lao động dư thừa ở nông thôn mà đã bắt đầu phát triển ở mức doanh nghiệp có đầu tư kỹ thuật, công nghệ. Đã có tỷ lệ 5% NLĐ coi tiểu thủ công nghiệp là việc làm cho thu nhập chính, mặc dù họ vẫn đang SXNN. Thu nhập từ việc làm của ngành tiểu thủ công cũng không dừng ở mức lấy công làm lãi như trước bởi thị trường bán sản phẩm đã mở rộng ra khỏi phạm vi trong nước và đã xuất khẩu ra nước ngoài (Nhật Bản, Nga, châu Âu, các nước ASEAN…).
Một số doanh nghiệp kiểu công ty sản xuất, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ được đầu tư máy móc kỹ thuật và ứng dụng công nghệ tin học hiện đại. Các doanh nghiệp chủ yếu thuê lao động địa phương, tạo ra nhiều việc làm và tận dụng tốt nguồn lao động dư thừa. Các chủ doanh nghiệp thường có thu nhập ở mức khá giả, gấp khoảng 8 – 10 lần mức thu nhập trung bình (mức trung bình của địa phương là 48 triệu đồng/người/năm). Thu nhập của NLĐ hiện nay đã được cải thiện hơn. Nhóm việc làm trong lĩnh vực công nghiệp chiếm tỷ lệ chưa cao khoảng 3% và đang gặp một số khó khăn về vốn, sự cạnh tranh của thị trường6. Tuy nhiên, đây là nhóm được kỳ vọng và trên thực tế cũng đang thành công bước đầu, tạo ra nhiều việc làm có tính chuyên nghiệp và lành nghề cho NLĐ.
Nhóm cán bộ, viên chức được đánh giá là vẫn ổn định (16/300 người, chiếm 5,3%). Mặc dù vậy, trước chủ trương tinh giản biên chế của Nhà nước thì nhóm việc làm này cũng có một số biến động. Đặc biệt, lần đầu tiên xuất hiện nhóm xuất khẩu lao động sang làm việc tại một số khu vực như Đài Loan (Trung Quốc), Ma Cao (Trung Quốc). Nhóm này chiếm tỷ lệ chưa nhiều (0,3%), việc làm của họ thu nhập khá cao so với các việc làm khác trong nước7. Đây là một dấu hiệu tích cực phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu ngành nghề của Nhà nước và địa phương.
Sự phân hóa và phân công lao động đã và đang tạo ra một một thị trường lao động, việc làm mới tại nông thôn hiện nay. Thị trường lao động hình thành theo hướng đa dạng hóa nghề nghiệp. Nhóm việc làm ở nghề truyền thống SXNN không còn chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu nghề nghiệp (chiếm khoảng 20%). Không có nhóm việc làm nào chiếm tỷ lệ cao hơn 30% trong cơ cấu nghề nghiệp ở địa phương. Thị trường lao động đa dạng tạo ra tỷ trọng nhóm làm thuê cao nhất trong cơ cấu việc làm hiện nay (29,3%)8.
Ngoài nhóm làm thuê, xuất hiện những nhóm việc làm mới phi nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao hơn nhóm việc làm nghề nông nghiệp truyền thống. Các nhóm ngành kinh doanh, dịch vụ, tiểu thủ công cho thu nhập tốt hơn nhóm SXNN luôn được NLĐ hướng đến. Tỷ trọng SXNN truyền thống giảm, các ngành phi nông nghiệp tăng là hướng phát triển các nhóm ngành nghề việc làm đúng đắn theo tinh thần xây dựng nông thôn mới hiện đại của Đảng và Nhà nước ta.
Một số khuyến nghị định hướng xây dựng chính sách
Một là, đối với các cơ quan quản lý.
– Về nhận thức. Cơ cấu nghề nghiệp, việc làm nông thôn hiện nay đã chuyển đổi theo hướng đa dạng hóa. Tuy nhiên, đa số NLĐ vẫn liên quan đến SXNN. Chủ trương của huyện, xã giảm tỷ trọng nhóm nghề SXNN là cần thiết, nhưng không thể giảm một cách máy móc. SXNN cần chuyển đổi phương thức sản suất cũ, năng xuất chất lượng sản phẩm thấp sang hướng tăng cường đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, cánh đồng mẫu lớn, công nghệ cao, sản xuất cây và con đặc sản. Đây chính là hướng tạo công ăn việc làm lâu dài cho đa số NLĐ và phát triển kinh tế nông thôn một cách bền vững.
– Về biện pháp. Cần xây dựng một số mô hình phát triển kinh tế, như: quy hoạch làng nghề tiểu thủ công, chăn nuôi (tại xã Đại Yên huyện Chương Mỹ); mô hình du lịch sinh thái trồng hoa cây cảnh (tại xã Đông Sơn) và một số một dự án khác. Tuy nhiên, để biến dự định thành hiện thực, chính quyền các cấp nên tiến hành một số biện pháp cụ thể, như:
(1) Thành lập Ban chuyên trách các vấn đề chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nghề nghiệp, việc làm. Ban chuyên trách có nhiệm vụ nghiên cứu các mô hình chuyển đổi, tham vấn chuyên gia các lĩnh vực liên quan, kết nối các nguồn lực để tham mưu cho lãnh đạo vận dụng xây dựng chính sách phát triển kinh tế, nghề nghiệp, việc làm phù hợp.
(2) Trích một phần nguồn lực, thí điểm một số mô hình phát triển nghề nghiệp việc làm, kịp thời tổng kết hiệu quả các mô hình. Nếu mô hình có bất cập hay không phù hợp cần điều chỉnh hoặc xóa bỏ, nếu có hiệu quả sẽ nhân rộng.
(3) Chính quyền cần chỉ đạo việc thực hiện các thủ tục hành chính thông thoáng, nhanh gọn trong đăng ký kinh doanh, nộp thuế, sang nhượng quyền sử dụng ruộng đất và tài sản. Đồng thời, chính quyền cần hỗ trợ kịp thời về mặt pháp lý cho NLĐ trong các thủ tục vay vốn ngân hàng, thế chấp tài sản và cả khi có tranh chấp pháp lý xảy ra trong các quan hệ làm ăn.
Hai là, đối với các doanh nghiệp.
Tiếp tục nghiên cứu các quy định pháp lý và thị trường trước khi đầu tư mở ngành nghề mới, tránh đầu tư theo cảm tính, bất chấp quy luật thị trường dẫn đến phá sản.
Ba là, đối với người lao động.
Cần ý thức được rằng: khi tham gia vào các quan hệ lao động, NLĐ bị ràng buộc vào các quy định pháp lý chặt chẽ, khác các quan hệ thân hữu gia đình trước đây. Do đó, NLĐ cần yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ thủ tục hợp đồng lao động bằng văn bản để bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong quá trình làm việc.
Chú thích:
1, 2, 4, 5, 6, 7, 8. Cơ cấu nghề nghiệp, việc làm chính của người lao động nông thôn tại Chương Mỹ năm 2019. Số liệu điều tra xã hội học, tháng 8/2019.
3. Báo cáo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Chương Mỹ nhiệm kỳ 2016 – 2020, ngày 11/8/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. https://chuongmy.hanoi.gov.vn
ThS. Trần Xuân Hồng
Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội