Tìm hiểu về chế độ bầu cử ở Hàn Quốc          

(Quanlynhanuoc.vn) – Hàn Quốc là quốc gia đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế xã hội, trở thành một trong những quốc gia giàu có, văn minh bậc nhất ở châu Á. Có được điều này, bởi chế độ bầu cử ở Hàn Quốc cho phép người dân chọn được những người xuất chúng nhất vào ban lãnh đạo đất nước và địa phương.

 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và phu nhân Kim Jung-sook bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Seoul, ngày 10/4/2020. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Các nguyên tắc bầu cử.

Hiến pháp Hàn Quốc ghi nhận 4 nguyên tắc bầu cử cơ bản, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín. Cụ thể: (1) Nguyên tắc phổ thông: tất cả các công dân trưởng thành có quyền tham gia bầu cử. Hiến pháp Hàn Quốc không quy định việc bỏ phiếu là bắt buộc. (2) Nguyên tắc bình đẳng: các công dân bình đẳng trong quá trình bầu cử, bình đẳng trong bỏ phiếu và trong ứng cử. Các cử tri có số phiếu như nhau và các lá phiếu có giá trị như nhau. Nghiêm cấm phân chia các đơn vị bầu cử với mục đích lợi ích nhóm. (3) Bầu cử trực tiếp: công dân Hàn Quốc tự mình thể hiện ý chí bằng cách bỏ phiếu cho một đảng chính trị hoặc một ứng cử viên (ƯCV) cụ thể. (4) Bỏ phiếu kín: cử tri không chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình.

Việc hướng dẫn cụ thể về quá trình bầu cử và áp dụng các nguyên tắc bầu cử được pháp luật giao cho Tòa án Hiến pháp. Tòa án Hiến pháp có thẩm quyền xem xét và đưa ra quyết định về các vụ kiện liên quan đến bầu cử và quá trình bầu cử nhằm bảo đảm các nguyên tắc hiến pháp về bầu cử. Trên thực tế, Tòa án Hiến pháp đã nhiều lần thực hiện thẩm quyền này.

Quyền bầu cử và quyền ứng cử.

Quyền bầu cử: Pháp luật bầu cử Hàn Quốc quy định tất cả công dân trên 19 tuổi có quyền tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống và đại biểu quốc hội (ĐBQH) (trước năm 2005, quyền bầu cử được quy định cho công dân từ 20 tuổi).

Để tham gia bầu cử ở cấp địa phương, công dân cần phải đáp ứng nhiều yêu cầu hơn. Trong trường hợp này, cử tri phải cư trú trong đơn vị hành chính địa phương và được đưa vào danh sách cử tri tại nơi cư trú. Người nước ngoài thường trú ít nhất 3 năm tại Hàn Quốc cũng có quyền bỏ phiếu – quy định có tính chất cởi mở và minh chứng về hội nhập quốc tế diễn ra ở đất nước này.Nhà nước khuyến khích cử tri tham gia bỏ phiếu và thực hiện các biện pháp cần thiết để cử tri thực hiện quyền bầu cử của mình.Ủy ban bầu cử các cấp có thể chuẩn bị và thực hiện các biện pháp để bảo đảm cử tri đi bầu. Chẳng hạn, như: cung cấp phương tiện vận chuyển cho những người sống ở vùng sâu, vùng xa; giúp những người già hoặc bệnh tật di chuyển đến địa điểm bỏ phiếu…

– Quyền ứng cử: Theo Hiến pháp, công dân Hàn Quốc từ 40 tuổi trở lên có thể tranh cử tổng thống. Một trong các điều kiện để tranh cử tổng thống là phải sống ở Hàn Quốc ít nhất 5 năm. Đối với ứng cử ĐBQH, Luật Bầu cử quy định người ứng cử phải là công dân Hàn Quốc từ 25 tuổi trở lên. Trước năm 1987, điều kiện cư trú 5 năm là bắt buộc đối với các ƯCV của Quốc hội, nhưng điều kiện này đã bị hủy do thực tế là trong thời kỳ chế độ quân sự, nhiều thành viên phe đối lập phải sống lưu vong.

Vận động bầu cử.

 

Chủ tịch Ủy ban chính sách bầu cử thường trực của đảng Dân chủ (DP) cầm quyền tại Hàn Quốc Lee Nak-yon (giữa, phía trước) khởi động chiến dịch vận động tranh cử ở Seoul ngày 2/4/2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN.

Thời hạn của chiến dịch bầu cử chính thức được quy định bởi Luật Bầu cử của Hàn Quốc khá ngắn (14 ngày). Luật Bầu cử chủ ý dành ít thời gian cho chiến dịch bầu cử (23 ngày trước uộc bầu cử tổng thống và 14 ngày trước Quốc hội và bầu cử khu vực) với mục đích ngăn chặn chi tiêu quá mức cho các chiến dịch bầu cử dài và hậu quả bất lợi của các cuộc bầu cử quá nóng. Mặt khác, quyết định này cũng có mặt tiêu cực – nó bất lợi cho các ƯCV mới, ít được biết đến.

Bầu cử Quốc hội

Quốc hội Hàn Quốc là cơ quan lập pháp đơn viện với nhiệm kỳ 4 năm. Quốc hội gồm không dưới 200 thành viên. ĐBQH không bị hạn chế số nhiệm kỳ. Quốc hội Hàn Quốc hiện có 16 Ủy ban chuyên môn tương ứng với các bộ, ngành của Chính phủ.

Để trở thành ĐBQH, không buộc phải cư trú ở Hàn Quốc, nhưng thực tế đến nay chưa có người nào không sinh sống ở Hàn Quốc mà trở thành ĐBQH.

ƯCV ĐBQH được quyền đăng ký ứng cử ở địa phương khác với nơi cư trú, nhưng chỉ được đăng ký ở 1 đơn vị bầu cử (ĐBQH là của cả nước). Mỗi đơn vị bầu cử ở Hàn Quốc thường có từ 5 đến 15 ƯCV trong danh sách. Trong thực tế, có trường hợp chỉ có 2 ƯCV ở danh sách của 1 đơn vị bầu cử vì có quy định việc đăng ký danh sách chỉ trong 2 ngày. ĐBQH không đồng thời là đại biểu Hội đồng nhân dân; chủ tịch tỉnh không được ứng cử ĐBQH. Tại Hàn Quốc, cuộc bầu cử diễn ra ngày 30/5/2017 đã bầu 246 đại biểu theo phổ thông đầu phiếu và 54 đại biểu đại diện tỉ lệ 1.

Bầu cử tổng thống

Cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức từ 70 đến 40 ngày trước khi hết nhiệm kỳ của tổng thống đương chức. Nếu có nhu cầu bầu cử sớm, tổng thống mới sẽ được bầu trong vòng 60 ngày trước khi nhiệm kỳ kết thúc.

Hiến pháp cấm kết hợp các chức vụ cao cấp trong bộ máy nhà nước. Vì vậy, tổng thống không thể đồng thời giữ chức vụ thủ tướng, thành viên của Hội đồng Nhà nước, bộ trưởng hoặc các chức vụ cao cấp khác.

ƯCV tổng thống được đề cử bởi các đảng chính trị hoặc có thể độc lập. Một người tham gia cuộc bầu cử với tư cách là ƯCV tổng thống độc lập phải thu thập từ 2.500 đến 5.000 chữ ký ủng hộ của cử tri từ 5 hoặc nhiều quận khác nhau2. ƯCV phải nộp đơn đăng ký làm ƯCV bằng văn bản cho ủy ban bầu cử liên quan 24 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống.

Nếu một ƯCV được đề cử bởi một đảng chính trị, đơn đăng ký phải được gửi kèm theo thư giới thiệu có chữ ký và con dấu của người đại diện chính thức của đảng chính trị. ƯCV độc lập phải nộp đơn đăng ký cùng với chữ ký của cử tri. Luật pháp cấm các thành viên của một đảng chính trị đăng ký như một ƯCV độc lập.

Mỗi ƯCV phải nộp 500 triệu won tiền đặt cọc bầu cử. Ủy ban bầu cử có liên quan phải trả lại tiền đặt cọc trong một số trường hợp theo quy định không quá 30 ngày sau cuộc bầu cử. Tiền đặt cọc bầu cử được trả lại đầy đủ nếu ƯCV tổng thống trúng cử hoặc qua đời, đã nhận được hơn 15% số phiếu bầu thực tế; một nửa số tiền cọc được trả lại nếu ứng viên nhận được trong cuộc bầu cử từ 10% đến 15% số phiếu. Số tiền đặt cọc cũng sẽ được hoàn trả đầy đủ nếu ƯCV chết trước cuộc bầu cử hoặc đăng ký của ứng viên đã bị hủy.

Luật Bầu cử quy định về quyền miễn trừ đối với các ƯCV. ƯCV trong cuộc bầu cử tổng thống không thể bị bắt hoặc bị giam giữ, trừ trường hợp phạm tội quả tang hoặc trong trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mà theo quy định phải chịu hình phạt nghiêm khắc nhất hoặc phạt tù 7 năm trở lên.

Cử tri phải đích thân đến địa điểm bỏ phiếu, xuất trình giấy tờ tùy thân (có thể là hộ chiếu, bằng lái xe hoặc giấy tờ khác), ký tên hoặc đóng dấu chữ ký hoặc dấu vân tay ngón cái trên sổ đăng ký cử tri và sau đó nhận phiếu bầu. Sau khi nhận được lá phiếu, cử tri đi vào phòng viết phiếu và đánh dấu một ƯCV, sau đó bỏ lá phiếu vào thùng phiếu trước sự chứng kiến ​​của quan sát viên. Trường hợp làm hỏng lá phiếu, cử tri sẽ không được nhận lá phiếu khác thay thế.

Người trúng cử tổng thống là ƯCV đã nhận được đa số phiếu bầu hợp lệ. Trong trường hợp cuộc bầu cử được tổ chức với sự tham gia của một ƯCV duy nhất, thì để giành chiến thắng, ứng viên này phải nhận được hơn một phần ba số phiếu bầu hợp lệ.

Nếu người chiến thắng không thể được xác định dựa trên kết quả bầu cử vì có hai ƯCV nhận được số phiếu lớn nhất bằng nhau, thì cuộc bầu cử tổng thống sẽ được chuyển đến Quốc hội. Trong trường hợp này, ƯCV trúng cử là người nhận được số phiếu lớn hơn tại phiên họp mở của Quốc hội, trong đó đa số thành viên của Quốc hội tham gia.

Bầu cử cấp địa phương

Các cuộc bầu cử địa phương tại Hàn Quốc được tổ chức 4 năm một lần. Tại các cuộc bầu cử cấp địa phương, cử tri bầu ra người đứng đầu và đại biểu các cơ quan đại diện ở địa phương. Chẳng hạn, cuộc bầu cử địa phương tại Hàn Quốc vào tháng 6/2018 có 14.134 điểm bỏ phiếu được tổ chức trong toàn quốc với số cử tri hợp lệ là 42,9 triệu người, đã bầu: 17 chủ tịch tỉnh và thành phố; 226 chủ tịch các đơn vị hành chính nhỏ hơn; 824 vị trí trong các hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố; 2.927 ủy viên hội đồng nhân dân cấp thấp hơn; 17 nhà quản lý giáo dục địa phương3.

Chú thích:
1. Lương của Nghị sĩ Quốc hội Hàn Quốc là bao nhiêu? https://thongtinhanquoc.com, ngày 27/05/2019.
2. Bản tin của Cơ quan Bầu cử Trung ương Cộng hoà Liên bang Nga. Về kinh nghiệm thực tiễn thu thập và kiểm tra độ đáng tin cậy của chữ ký cử tri trong các chiến dịch vận động bầu cử. http://cikrf.ru , ngày 07/9/2015.
3. Thế giới ngày qua, https://www.nhandan.com.vn , ngày 10/12/2020.

TS. Trần Thúy Vân
Học viện Hành chính Quốc gia