Công bố danh sách 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV

(Quanlynhanuoc.vn) – Chiều ngày 27/4, Hội đồng bầu cử Quốc gia công bố danh sách 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước để bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XV.

 

Thay mặt Hội đồng Bầu cử quốc gia, ông Bùi Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban bầu cử Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Uỷ viên Hội đồng bầu cử Quốc gia, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia công bố danh sách 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước để bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XV.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Có 205 người ứng cử là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử

Về cơ cấu, 393 người ứng cử là phụ nữ (45,28%), 185 người dân tộc thiểu số (21,31%), 74 người ngoài Đảng (8,53%). Về trình độ chuyên môn, 564 người ứng cử trình độ trên đại học (64,98%), 294 người trình độ đại học (33,87%), 10 người trình độ dưới đại học (1,15%). Về trình độ lý luận chính trị: 55 người cử nhân (6,34%), 587 người cao cấp (67,63%), 111 người trung cấp (12,79%), 35 người sơ cấp (4,03%), 80 người không có chứng chỉ về trình độ lý luận chính trị (9,22%). Về trình độ ngoại ngữ, tin học: Hầu hết người ứng cử ĐBQH khóa XV đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học.

Có 205 người ứng cử là ĐBQH khóa XIV tái cử (23,62%), tăng 4,31% so với khóa trước. 224 người là người trẻ, dưới 40 tuổi (25,81%). Về độ tuổi bình quân (tính trong 868 người ứng cử) là 46 tuổi. Người cao tuổi nhất, 77 tuổi là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; hai người trẻ tuổi nhất, 24 tuổi là Lý Thị An và Quàng Thị Nguyệt, đều ở tỉnh Điện Biên.

Trong số 203 người ứng cử ĐBQH khóa XV ở Trung ương, có 11 người ở các cơ quan Đảng (5,42%); 5 người ở cơ quan Chủ tịch nước và các cơ quan tư pháp (2,46%); 129 người ở các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (63,55%); 15 người thuộc Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ (7,39%, bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an). Về người ứng cử thuộc lực lượng vũ trang, có 12 người thuộc Quân đội (5,91%, gồm cơ quan Bộ, các quân khu, quân chủng và lĩnh vực trọng yếu), 2 người thuộc Công an (0,99%). Có 1 người thuộc Kiểm toán Nhà nước (0,49%), 28 người thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên (13,79%).

Theo báo cáo về việc công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV, thành phố Hà Nội có 49 người ứng cử đại biểu Quốc hội. Tổng số đại biểu được bầu là 29 người, trong đó Trung ương có 12 và địa phương có 17. Hà Nội có 10 đơn vị bầu cử, trong đó có 9 đơn vị bầu cử có 5 ứng cử viên để bầu lấy 3 đại biểu, 1 đơn vị có 4 ứng cử viên để bầu lấy 2 đại biểu.

TP. Hồ Chí Minh có tổng số 50 người ứng cử đại biểu Quốc hội. Tổng số đại biểu được bầu là 30 người, trong đó Trung ương là 13 và địa phương là 17. TP. Hồ Chí Minh có 10 đơn vị bầu cử, mỗi đơn vị bầu cử có 5 ứng cử viên để bầu lấy 3 đại biểu.

Thành phố Hải Phòng có 15 người ứng cử đại biểu Quốc hội. Tổng số đại biểu được bầu là 9 người, trong đó Trung ương 4 và địa phương 5. Hải Phòng có 3 đơn vị bầu cử, mỗi đơn vị bầu cử có 5 ứng viên để bầu lấy 3 đại biểu.

Thành phố Đà Nẵng có 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội. Tổng số đại biểu được bầu là 6 người, trong đó Trung ương 2 và địa phương 4. Hải Phòng có 2 đơn vị bầu cử, mỗi đơn vị bầu cử có 5 ứng cử viên để bầu lấy 3 đại biểu.

Thành phố Cần Thơ có 13 người ứng cử đại biểu Quốc hội. Tổng số đại biểu được bầu là 7 người, trong đó Trung ương có 3 và địa phương có 4. Cần Thơ có 3 đơn vị bầu cử, trong đó có 1 đơn vị có 5 ứng viên để bầu lấy 3 đại biểu; 2 đơn vị có 4 ứng viên để bầu lấy 2 đại biểu…

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí.

Công tác nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm quy định

Tại họp báo, các phóng viên báo chí đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến công tác nhân sự, về số lượng người ứng cử tại Trung ương đã giảm đi sau Hội nghị hiệp thương lần thứ 3, về nguyên tắc phân bổ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ cấp cao về ứng cử tại các địa phương, về công tác rà soát, bảo đảm tiêu chuẩn của ĐBQH để không lọt người có 2 Quốc tịch…

Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, Phó trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban Nhân sự cho biết, trong quá trình thực hiện công tác nhân sự, Tiểu ban Nhân sự đã bám sát và tham mưu cho Hội đồng bầu cử quốc gia, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương và các quy định của pháp luật hiện hành. Bảo đảm các quy trình, các bước tuân thủ Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.

Về nguyên tắc phân bổ, các đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng do Bộ Chính trị phân công, trên cơ sở vùng miền, phù hợp các vị trí quan trọng. Tổng Bí thư ứng cử tại TP. Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội ứng cử tại Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ ứng cử tại Cần Thơ, Chủ tịch nước ứng cử tại TP. Hồ Chí Minh, đồng chí Thường trực Ban Bí thư ứng cử tại TP. Đà Nẵng. Có một quy định rõ ràng là các đồng chí phải ứng cử ở các thành phố trực thuộc Trung ương và các vùng miền cho hợp lý.

Các đồng chí thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư khác cũng được bố trí ứng cử ở các địa bàn có tính chất lan tỏa của vùng, có yêu cầu về chính trị, an ninh quốc phòng phù hợp chuyên môn, chức năng nhiệm vụ, vị trí mà các đồng chí đang phụ trách, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc tham gia Quốc hội nhưng cũng đại diện cho vùng miền để phản ánh nguyện vọng của cử tri cả nước trước Quốc hội. Đối với các đại biểu khác đã có Nghị quyết số 158 để phân bổ nguyên tắc cụ thể. Ví dụ nguyên tắc đối với đại biểu tái cử, nguyên tắc ứng cử viên đăng ký, nguyên tắc điều hòa cho phù hợp…

Tin, ảnh: Xuân Phú