Trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ trẻ em trước những nội dung độc hại trên môi trường mạng

(Quanlynhanuoc.vn) – Vừa qua, đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp Cục A03 (Bộ Công an) làm việc với chủ nhân kênh youtube Thơ Nguyễn về một số video có dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan mà Thơ Nguyễn đã phát tán trên mạng. Câu chuyện này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh và toàn xã hội, phải hành động nhiều hơn để bảo vệ trẻ em khỏi những nội dung độc hại có nguy cơ ngày càng tràn lan, khó kiểm soát trên mạng xã hội và các nền tảng số.
(Hình minh họa)

Khi xem những chương trình có nội dung độc hại, ngoài việc bắt chước làm theo rất nguy hiểm, trẻ nhỏ có thể sẽ bị ám ảnh về tâm lý dẫn đến trạng thái bất an, căng thẳng, rối loạn hành vi, thậm chí trầm cảm và có thể tự hủy hoại bản thân.

Theo thông tin ban đầu, kênh youtube Thơ Nguyễn đứng thứ 7 tại Việt Nam với khoảng 8,74 triệu lượt theo dõi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chủ nhân của kênh này thường xuyên đăng tải những nội dung phản cảm, độc hại và có thể làm nguy hiểm đến trẻ em nếu bắt chước như: tắm trong bồn thạch, thử nghiệm đun lon nước ngọt, cho đá khô vào chai kín để phát nổ…

Ngày 27/2 vừa qua, người này đăng tải một clip có nội dung cho búp bê ma Kumathong uống nước ngọt để “xin vía học giỏi” khiến cộng đồng mạng phản ứng gay gắt và cơ quan chức năng phải vào cuộc. Không chỉ với kênh Thơ Nguyễn, nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo lắng về sự an toàn cho con em mình trên môi trường mạng. Ngày càng xuất hiện nhiều kênh youtube có nội dung nhảm nhí, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. Không khó để tìm kiếm những nội dung có tiêu đề gây tò mò, nguy hại với nhận thức và hành động của trẻ em như ăn bột giặt, ăn xương rồng, uống sữa tắm, uống nước rửa bát, ăn iPad trong lớp học… Nguy hiểm hơn, có kênh youtube còn đăng tải clip “Thả 100 cái dao trên cao xuống” khiến người lớn khi xem cũng phải ớn lạnh. Chủ nhân kênh này đã bó 87 con dao nhỏ, thả từ sân thượng xuống đất trúng mục tiêu là miếng thịt lợn và quả dưa hấu, chai nước ngọt.

Có thể thấy, những nội dung phản cảm như vậy là mối hiểm họa vô cùng lớn đối với trẻ em – lứa tuổi chưa đủ nhận thức để phân biệt các hành vi an toàn và không an toàn. Khi xem những chương trình có nội dung độc hại, ngoài việc bắt chước làm theo rất nguy hiểm, trẻ nhỏ có thể sẽ bị ám ảnh về tâm lý dẫn đến trạng thái bất an, căng thẳng, rối loạn hành vi, thậm chí trầm cảm và có thể tự hủy hoại bản thân.

Hiện nay, đang xuất hiện trào lưu làm nội dung trên youtube. Điều đáng nói là, trong khi nhiều người đăng tải những nội dung hay, ý nghĩa, thì rất nhiều người dùng đủ mọi chiêu trò, bất chấp cả vi phạm đạo đức, vi phạm luật pháp, miễn thu hút nhiều người theo dõi để kiếm tiền. Mặc dù chúng ta đã có những chế tài rõ ràng để ngăn chặn những nội dung nguy hại này, nhưng trong nhiều trường hợp, khi phát hiện ra và dùng các biện pháp mạnh từ cơ quan chức năng bóc gỡ, xóa được các clip này thì những nội dung xấu, độc này đã được hàng triệu lượt trẻ em xem rồi. Có nghĩa là cái độc hại đó đã đến với trẻ em trước cả khi chúng ta hành động.

Thiết nghĩ, trong bối cảnh đó, tiếng nói của cộng đồng là cực kỳ quan trọng. Việc phát hiện kịp thời các nội dung xấu, độc ngay khi nó vừa xuất hiện và sự lên tiếng mạnh mẽ của cộng đồng rất cần thiết giúp cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xóa các nội dung này sớm nhất có thể. Ngoài ra, mỗi phụ huynh có con nhỏ cần đặc biệt nâng cao tinh thần cảnh giác. Trong thời đại công nghệ số, cha mẹ không thể cấm con tiếp cận các thiết bị công nghệ, nhưng nhất thiết phải giám sát trẻ để định hướng cho con khỏi ảnh hưởng của các nội dung thiếu lành mạnh. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý và mỗi người phải ý thức việc cần thiết nâng cao nhận thức cho học sinh. Nhận diện những nội dung xấu, có kỹ năng phòng và tránh những nội dung độc hại trên mạng xã hội cần trở thành một nội dung quan trọng trong chương trình giáo dục của nhà trường, giúp cho trẻ biết tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ nhiễm độc từ các nội dung tiêu cực. Toàn xã hội phải hành động nhiều hơn nữa, vì một môi trường mạng lành mạnh cho trẻ em.

Nguồn: Tuyengiao.vn