Mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân là một trong những nội dung quan trọng trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh có giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng sâu sắc. Người xem mối quan hệ này là “máu thịt”, là mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời, được hình thành và phát triển trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Nội dung bài viết, tác giả tập trung làm rõ những quan điểm của Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân. Từ đó đề xuất một số giải pháp góp phần củng cố mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân trong giai đoạn hiện nay.

 

Hồ Chủ tịch nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần II, tháng 2/1951 (Ảnh tư liệu).

Mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân là mối quan hệ đặc biệt, Lênin khi bàn về mối quan hệ này đã khẳng định “cách mạng là sự nghiệp của quần  chúng nhân dân, chính quần chúng nhân dân mới là người sáng tạo nên lịch sử chứ không phải dựa vào một vài cá nhân kiệt xuất”. Đảng là tổ chức đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng Nhân dân thoát khỏi ách áp bức. Nhân dân cần có Đảng lãnh đạo để soi đường, chỉ lối, giúp Nhân dân có thể đi đúng hướng. Còn Đảng cần Nhân dân để hiện thực hóa tư tưởng, đường lối của mình trong thực tế. Mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân chính là cội nguồn tạo nên sức mạnh của Đảng, của dân tộc và là một trong những điều kiện tiên quyết để Đảng có thể giữ vững được vai trò lãnh đạo của mình.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân được biểu hiện tập trung ở một số nội dung chính như sau:

Thứ nhất, mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân là mối quan hệ biện chứng, được hình thành và phát triển gắn với tiến trình cách mạng của dân tộc, trong đó Hồ Chí Minh khẳng định dân là gốc của nước, của cách mạng.

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đã chứng minh rằng: “chở thuyền cũng là dân và lật thuyền cũng là dân”. Hồ Chí Minh kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Người luôn nhận thức một cách sâu sắc về vị trí và vai trò của Nhân dân trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng: “Trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”1. Người luôn đặt niềm tin vào sức mạnh của quần chúng nhân dân, luôn tin tưởng rằng chỉ có đoàn kết, tập hợp lực lượng đông đảo của quần chúng nhân dân mới tạo nên một sức mạnh tổng hợp to lớn để có thể chiến thắng được kẻ thù. Nhận thức sâu sắc vị trí vai trò của Nhân dân cho nên trong cơ cấu quyền lực nhà nước, Hồ Chí Minh khẳng định quyền lực lớn nhất thuộc về Nhân dân: “Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”2.

Còn đối với Đảng, Hồ Chí Minh cho rằng: Đảng không phải từ trên trời sa xuống, nó ở trong xã hội mà ra: “Đảng ta là con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động”3, “Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên”4. Do đó, cán bộ, đảng viên (CBĐV) và quần chúng nhân dân có mối quan hệ gắn bó tự nhiên. Đảng phải dựa vào Nhân dân để lãnh đạo Nhân dân, làm cho Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Hồ Chí Minh đã ví mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân giống như quan hệ giữa người chèo (Nhân dân) với người cầm lái (Đảng) con thuyền cách mạng. Nếu người chèo ủng hộ người cầm lái là thành công. Ngược lại, người chèo không ủng hộ, không tuân thủ người lái hoặc mỗi người mỗi ngả thì quá trình lãnh đạo của Đảng sẽ thất bại.

Thứ hai, Đảng phải dựa vào dân, Nhân dân phải luôn tin vào Đảng là nhân tố bảo đảm cho sự đúng đắn của đường lối cách mạng. Đảng lãnh đạo Nhân dân bằng chủ trương, chính sách và đường lối. Do đó, khi nói đến đường lối của Đảng, sự lãnh đạo của Đảng cũng chính là nói đến Nhân dân, thái độ của Nhân dân đối với Đảng. Hồ Chí Minh khẳng định, cách mạng thành công là do quần chúng tin theo Đảng, mà quần chúng tin theo sự lãnh đạo của Đảng là vì: Đảng dựa vào quần chúng, quan tâm đến quyền lợi của quần chúng, đi theo đường lối quần chúng, nếu xa rời quần chúng Nhân dân thì sẽ thất bại. Dựa vào dân, trước hết là liên minh công – nông là gốc của cách mạng. Muốn dựa vững chắc vào dân, Đảng phải làm cho dân tin ở chính đường lối, chủ trươ, chính sách đúng đắn, ở phẩm chất đạo đức của chính đội ngũ CBĐV. Đảng phải thường xuyên tự phê bình và phê bình và thật thà, quyết tâm sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm của mình.

Để làm được điều đó, trong quá trình lãnh đạo phải tuân thủ nguyên tắc: “phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng và công việc càng gay go thì sự lãnh đạo càng phải liên hợp chặt chẽ chính sách chung với chỉ đạo riêng, để phá tan cách lãnh đạo mù mờ, quan liêu, chủ quan, bàn giấy”5. Với quan điểm này, Hồ Chí Minh cũng đặt ra yêu cầu đối với toàn bộ hoạt động của Đảng phải hướng tới Nhân dân, sâu sát thực tiễn, mỗi một công tác, một chính sách phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải lắng nghe nguyện vọng của dân chúng.

Thứ ba, Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ trung thành của Nhân dân. Luận điểm này của Hồ Chí Minh đã đi thẳng vào bản chất trong mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân được thể hiện ở chỗ Đảng ra đời và tồn tại và phát triển là vì độc lập dân tộc, ấm no, tự do và hạnh phúc của Nhân dân. Đảng lãnh đạo nhưng là để phụng sự Nhân dân, làm “công bộc”, làm “đầy tớ” trung thành của Nhân dân.Theo Hồ Chí Minh, CBĐV các cơ quan và cán bộ của Đảng và Chính phủ từ trên xuống dưới đều phải có trách nhiệm hết sức chǎm nom đến đời sống của Nhân dân: Nếu dân đói, dân rét, dân ốm, dân dốt, Đảng và Chính phủ đều có lỗi. Dân không đủ muối, không có gạo đủ no, không có vải mặc đủ ấm, không có trường học cho các cháu, Đảng phải lo. Nghĩa là tất cả mọi việc Đảng phải lo, từ việc lớn đến việc nhỏ, từ đấu tranh thống nhất nước nhà, việc xây dựng chủ nghĩa xã hội đến cả việc “tương cà mắm muối” của dân, Đảng đều phải lo.

Bên cạnh đó, Nhân dân muốn thực thi quyền là chủ của mình thì cũng cần một lòng theo Đảng, đặt niềm tin ở Đảng, nguyện chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng, che chở và bảo vệ Đảng. Nhân dân phải giúp đỡ Đảng, tuân thủ kỷ luật và chấp hành nghiêm chính sách của Đảng để Đảng làm tròn bổn phận mà Nhân dân giao phó. Muốn làm đầy tớ của Nhân dân, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức, có phương pháp cách mạng đúng đắn. Lãnh đạo và đầy tớ là sự thống nhất trong phẩm chất, năng lực và trách nhiệm của người CBĐV trước Nhân dân.

Thứ tư, Đảng phải luôn lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân và đưa đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống. Đường lối là cơ sở chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng, là ngọn cờ đoàn kết Nhân dân đứng bên Đảng. Đường lối liên quan mật thiết tới sự sống còn của Đảng và Nhân dân. Do vậy đường lối phải đúng đắn, khoa học đáp ứng được  nhu cầu và lợi ích chính đáng của Nhân dân, mặt khác phải được tổ chức thực hiện tốt. Đảng viên chính là những người đưa đường lối, chủ trương, chính sách vào cuộc sống, lắng nghe, tiếp thu, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Chính vì vậy, CBĐV phải đi sâu vào trong quần chúng, hòa mình vào quần chúng, phải luôn cầu thị nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình triển khai đường lối, bảo đảm thông tin hai chiều trên xuống và dưới lên, có vậy dân mới tin, mới theo. Hồ Chí Minh cho rằng mọi vấn đề trong triển khai đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng là phải luôn được quần chúng kiểm tra, kiểm soát. Phải chú trọng công tác tổ chức, lựa chọn bố trí cán bộ và công tác kiểm tra. Nếu ba việc ấy sơ sài, không đồng bộ thì đường lối hay mấy cũng khó thực hiện.

Người yêu cầu phải giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng nghe ý kiến của dân chúng. Đảng viên phải lắng nghe ý kiến của quần chúng, biến những ý kiến tích cực thành chủ trương, quan điểm, chỉ đạo quần chúng, nhưng không phải dân chúng nói gì cũng cứ nhắm mắt làm theo. Vì, mỗi việc làm của người đảng viên không phải để “mỵ dân”, mà phải hướng đến và đạt được mục tiêu đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân lên trên hết. Mặt khác, để đường lối của Đảng thực sự được chuyển hóa vào trong thực tiễn cuộc sống thì đòi hỏi Nhân dân cũng cần phải phát huy quyền làm chủ và trách nhiệm công dân trong việc đóng góp, phê bình, kiểm tra, giám sát công việc, hành vi của CBĐV. Làm được như vậy, CBĐV mới tránh được khuyết điểm, sai lầm và mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân ngày càng thêm bền chặt.

Như vậy, để tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân thì điều kiện đầu tiên là Đảng phải trong sạch, vững mạnh, luôn là một Đảng cách mạng chân chính, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm trọng. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh cũng  luôn coi trọng việc tăng cường sức mạnh của Nhân dân, Nhân  dân phải được  tập hợp, tổ chức, giác ngộ thì mới có sức mạnh, mới trở thành lực lượng cách mạng to lớn. Đó là hai mặt của sự thống nhất biện chứng tạo nên sức mạnh chung của Đảng và Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng.

Đề xuất giải pháp góp phần củng cố mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và tặng quà gia đình thương binh tỉnh Gia Lai năm 2017 (Nguồn: bualiemvang.org.vn).

Thực tiễn cách mạng Việt Nam thời gian qua cho thấy mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân đạt được rất nhiều những thành tựu quan trọng. Bên cạnh đó, mối quan hệ này cũng bộc lộ những điểm hạn chế, như: phương thức lãnh đạo của Đảng còn chậm đổi mới, nhiều quan điểm chủ trương, chính sách chưa phù hợp với thực tế; sự sa sút về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; sự yếu kém, xa dân, hành động chưa vì lợi ích của Nhân dân trong một bộ phận không nhỏ CBĐV và tổ chức Đảng đã làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng… Chính vì vậy, cần có những giải pháp hiệu quả góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân. Cụ thể:

Một là, mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền là chủ và làm chủ của Nhân dân.

Để phát huy quyền là và làm chủ thực sự của Nhân dân, cần phải tạo ra những điều kiện dân chủ và phải xây dựng cho được những cơ chế, quy chế để thực hiện quyền dân chủ đó. Phát huy dân chủ trước tiên phải gắn liền với pháp luật và phải bảo đảm cho người dân được thực hiện quyền làm chủ của mình. Dân chủ cũng phải đi liền với kỷ cương nằm trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật tránh dẫn đến tình trạng dân chủ quá trớn làm ảnh hưởng đến tình hình chính trị của đất nước. Đảng cần phải mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch thông tin với Nhân dân, phổ biến các chủ trương, chính sách rộng rãi để Nhân dân biết, góp ý và hoàn thiện. Đảng giới thiệu cán bộ để dân bầu vào  các chính quyền, đoàn thể. Dân góp ý cho CBĐV về công tác và cuộc  sống. Các cơ quan hành  chính nhà nước, công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, quản lý các mặt đời sống xã hội, phải thực sự quan tâm hơn nữa đến việc tăng cường mối quan hệ với Nhân dân.

Hai  là, làm tốt công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng và chỉnh đốn Đảng chính là quy luật tồn tại và phát triển của một Đảng cách mạng chân chính. Đảng phải luôn đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xem đó là nhiệm vụ then chốt có ý nghĩa quyết định sự tồn vong của Đảng. Đảng phải nêu cao quyết tâm chính trị và tập trung cao độ sức mạnh của toàn Đảng và dựa vào Nhân dân, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt để khắc phục, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp trung ương ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ; đề cao vai trò, trách nhiệm của người  đứng đầu cấp ủy, chính quyền các các cấp.

Ba là, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Hồ Chí Minh khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là chiến lược của cách mạng Việt Nam. Để tổ chức, đoàn kết, động viên Nhân dân hành động cách mạng, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng. Ngày nay, mục tiêu lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận và các đoàn thể nhân dân là đoàn kết rộng rãi mọi người Việt Nam tán thành công cuộc đổi mới, giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; phấn đấu thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đại đoàn kết phải lấy lợi ích dân tộc làm điểm tương đồng, cùng nhau xóa bỏ mặc cảm, hận thù, hướng về tương lai vì độc lập, tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Củng cố mở rộng hoạt động củaMặt trận Tổ quốc Việt Nam, đổi mới tổ chức và hoạt động của các đoàn thể nhân dân để đoàn kết các giai cấp, các tôn giáo, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, từ đó, góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Trong việc chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội, quần chúng Nhân dân có vị trí và vai trò to lớn, có “con mắt thần” trong nhìn nhận, phát hiện các căn bệnh tiêu cực và tệ nạn xã hội một cách rất cụ thể, chính xác. Do vậy, cần phát huy và động viên, khuyến khích, cũng như có cơ chế hiệu quả bảo vệ người tố giác tham nhũng, lãng phí, quan liêu, lợi ích nhóm. Kiên trì phòng, chống tham nhũng, lãng phí song cần chú ý dựa vào lực lượng quần chúng và các tổ chức đoàn thể nhân dân cùng với việc phát huy các phương tiện thông tin đại chúng, phát hiện tố cáo những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Khi đã có ý kiến phát hiện của quần chúng về tham nhũng thì phải tổ chức kiểm tra, xác minh một cách khách quan, trung thực, không để bị oan sai, nhưng cũng không bỏ qua những vụ việc tham nhũng. Đẩy lùi và loại trừ tệ tham nhũng là một vấn đề rất bức xúc của xã hội, là nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân hiện nay. Giải quyết tốt việc đó sẽ góp phần giữ được uy tín của Đảng cầm quyền đối với Nhân dân, củng cố được Nhà nước trong sạch, vững mạnh, tăng cường được mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và Nhân dân, đưa sự nghiệp đổi mới của đất nước ta tiếp tục đạt được thành công trong tình hình mới.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 253.
2. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 232. 3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 400.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 232. 5. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 332 – 333.
Tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Chí Bảo. Đổi mới nhận thức về mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng. Tạp chí Lịch sử Đảng, số tháng 1/1991, tr. 28 – 31.
2. Nguyễn Năng Nam. Tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Tạp chí Tổ chức Nhà nước, số tháng 4/2000, tr. 22 – 24.
 ThS.  Kiều Thị Yến
                                                                                               Học viện Ngân hàng