Chủ tịch Hồ Chí Minh – Tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học

(Quanlynhanuoc.vn) – Tự học là điều cần thiết trong quá trình tiếp nhận tri thức, đó là hoạt động có mục đích của con người. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự học có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định tạo nên trí tuệ của Người.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu: hochiminh.vn).

Tự học tập và học tập suốt đời là một luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Trong buổi nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I, Trường Đại học Nhân dân Việt Nam ngày 21/7/1956, Bác Hồ đã căn dặn: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, Nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp Nhân dân”1.

Hơn hai mươi tuổi, ra đi với hai bàn tay trắng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành mang theo một khát vọng cháy bỏng là tìm đường giải phóng dân tộc. Chính khát vọng đó đã hun đúc cho người thanh niên mảnh khảnh một sức mạnh phi thường, bền bỉ tự học, tự đào tạo để có đủ khả năng tìm đường cứu nước, cứu dân. Trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Bác vừa lao động kiếm sống, vừa tìm mọi cách và tận dụng mọi lúc, mọi nơi để tự học, nhất là học tiếng nước ngoài. Hằng ngày, trước khi thức dậy, Bác viết những từ mới vào một mảnh giấy, dán vào chỗ hay nhìn thấy nhất, có khi viết lên cánh tay để khi vừa làm vừa nhẩm học, đến khi chữ mờ hết thì cũng đã thuộc. Lại cả khi đi đường, Bác cũng nhẩm bài học. Ban đêm, khi chưa ngủ, Người lấy tay viết mò những chữ khó xuống chăn cho kỳ nhớ mới thôi và thế là đã học thêm được vài từ mới. Bác có một nguyên tắc là, học đến đâu, luyện tập và thực hành đến đó, học được chữ nào là tìm cách ghép câu để dùng ngay, cho nên sau một thời gian ngắn, Bác viết được báo và sách bằng tiếng nước ngoài. Bằng cách đó, dần dần Bác đã học được rất nhiều ngoại ngữ.

Đến đâu, Người cũng học, tìm mọi cách để học. Người tìm hiểu phong tục, tập quán ở những nơi mình đi qua để nâng cao tri thức; học nghề để kiếm sống, sống để hoạt động cách mạng. Bác đã học và làm rất nhiều nghề khác nhau, bắt đầu từ việc làm thợ đốt lò trên tàu viễn dương, làm đầu bếp ở Mỹ, quét tuyết ở Anh, bốc thuốc ở Thái Lan, viết báo, viết truyện, viết kịch, làm thợ chụp ảnh, thợ sửa đồng hồ… Mặc dù làm rất nhiều việc nhưng nhờ tự học mà Bác làm việc gì cũng giỏi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về tinh thần tự học, lấy tự học làm cốt, làm phương thức chủ yếu để nâng cao trình độ mọi mặt của bản thân. Song tự học ở Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là một sự ngẫu hứng, tùy ý vô nguyên tắc mà tự học ở Người đã trở thành một khoa học, một nghệ thuật, một triết lý nhân văn sâu sắc với một kế hoạch cụ thể, chặt chẽ, khoa học; với một ý chí và quyết tâm bền bỉ, dẻo dai, tinh thần sáng tạo, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học. Đặc biệt, Người tự học với động cơ trong sáng và ý nguyện cao cả là tìm ra con đường cứu nước, cứu dân, làm cho đất nước độc lập, Nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc.

Cuộc đời của Bác là một quá trình vừa học tập vừa hoạt động cách mạng; học để hoạt động cách mạng, để đạt được mục đích, lý tưởng của mình; qua hoạt động cách mạng không ngừng học tập, hoàn thiện tri thức và nhân cách của bản thân. Ở Người hội tụ với tầm cao nhất tinh hoa văn hóa nhân loại, xứng đáng với sự tôn vinh của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc UNESCO: Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Quá trình học tập đã tạo nên Hồ Chí Minh, một thầy giáo mẫu mực, một nhà giáo dục vĩ đại. Người để lại tấm gương cao đẹp về tinh thần tự học và học tập suốt đời mà chúng ta cần phải noi theo.

Trong buổi nói chuyện với sinh viên tại Trường Đại học Pátgiagiaran (In-đô-nê-xi-a) năm 1959, Bác kể: “Khi còn trẻ, tôi không có dịp đến trường đại học. Tôi đi du lịch và làm việc, đó là trường đại học của tôi. Trường học ấy đã dạy cho tôi khoa học xã hội. Nó dạy cho tôi cách yêu, cách ghét, yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ, hòa bình và căm ghét áp bức, ích kỷ… Trường học ấy đã dạy tôi khoa học quân sự, lịch sử và chính trị…”2.

Năm 1961, nói chuyện với các cán bộ hoạt động lâu năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học…không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau. Chúng ta là đảng viên già, hiểu biết của chúng ta hồi 30 tuổi so với sự hiểu biết của lớp trẻ bây giờ, kể cả ở Liên Xô, Trung Quốc thì chúng mình dốt lắm. Tôi cũng dốt lắm… Nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt.  Các cháu không hơn là bệt. Bệt là không tốt. Người ta thường nói: “Con hơn cha là nhà có phúc”3.

Năm 1966, trong một buổi nói chuyện với đảng viên mới của Hà Nội, Người nhắc nhở: “Thời kỳ bí mật, điều kiện học tập của đảng viên rất khó khăn: thiếu thầy, thiếu sách, thiếu tự do, nhưng cán bộ và đảng viên vẫn quyết tâm vì cách mạng mà học. Bây giờ điều kiện thuận lợi nhiều, cho nên các cô, các chú càng phải ra sức học tập cho tốt…”. “Bác thường nghe nói có đồng chí 40 tuổi đã cho mình là già nên ít chịu khó học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”4.

Người nói với cán bộ, chiến sỹ muốn trở nên người quân nhân mới, xứng đáng với cái vinh hạnh đứng trong quân đội cách mạng thì từ trên đến dưới, các cấp đều phải nghiên cứu học tập, luôn luôn cầu tiến bộ. Về mục đích học tập, Bác cho rằng: học để tiến bộ mãi, càng tiến bộ càng thấy cần phải học. Người cũng chỉ ra phương pháp học tập: học ở nhà trường, học ở thầy, học ở bạn, học trong sách vở và học ở Nhân dân. Bác luôn khuyên cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập để có trình độ hiểu biết mọi mặt nhằm nâng cao chất lượng công tác. Cần tự học để nâng cao trình độ của bản thân, coi đây là tiêu chuẩn, giá trị đạo đức của mỗi người và là nhu cầu, thói quen hằng ngày của cán bộ, đảng viên. Những cán bộ, đảng viên lười học, lười suy nghĩ, không thường xuyên cập nhật thông tin mới, hiểu biết mới cũng là một biểu hiện suy thoái về đạo đức.

Quá trình lao động, làm việc là quá trình tự học tập, tích lũy, bổ sung kinh nghiệm và đúc rút kiến thức từ thực tiễn. Tinh thần ham học hỏi không chỉ đòi hỏi ở những người trẻ, mà theo Bác đối với những người già cũng không kém phần quan trọng. Với Bác, việc tự học diễn ra suốt cả cuộc đời cách mạng của mình. Sau này, trên cương vị cao nhất của Đảng và Nhà nước, dù bận trăm công nghìn việc, khi tuổi cao, sức khỏe giảm, Bác Hồ vẫn không ngừng tự học tập, đọc thêm nhiều tài liệu, sách báo trong nước và nước ngoài. Đại tướng Hoàng Văn Thái kể rằng, năm 1969, mỗi lần đến làm việc, ông thường thấy trên chiếc bàn nhỏ cạnh giường của Bác để nhiều sách báo. Ông lo lắng đến sức khỏe của Bác, nên đề nghị: “Thưa Bác, Bác mệt, Bác nên đọc ít, để nhiều thời gian nghỉ ngơi thư thả cho lại sức”. Bác trả lời, giọng như tâm sự mà dứt khoát từng lời: “Chú bảo Bác không đọc sách báo ư? Dù già yếu cũng phải học, phải đọc sách báo nâng cao hiểu biết và nhất là vấn đề nắm vững tình hình chứ!”.

Tấm gương tự học của Bác Hồ, soi xét trong thực tiễn đã qua, hiện nay và cả mai sau vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa giáo dục hết sức sâu sắc. Đó mãi là tấm gương sáng ngời, một di sản vô giá đối với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục của Đảng và Nhân dân ta. Mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng cần ghi sâu những lời dạy của Bác, noi theo Người về nghị lực học tập, rèn luyện tu dưỡng bản thân để có đủ đức, đủ tài phục vụ tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 8. H. NXB Chính trị quốc gia, 1996, tr. 215.
2. Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh. NXB Khoa học xã hội, 1990, tr. 80.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia, 1996, tr. 465.
4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia, 1996, tr. 92.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hoàng Thị Trang
Học viện Hành chính Quốc gia
(Tổng hợp)