(Quanlynhanuoc.vn) – Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng để qua đó sàng lọc, giúp cử tri lựa chọn được những đại biểu xứng đáng sẽ góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Năm 2021 là năm đầu tiên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Với quyết tâm “chống dịch như chống giặc” của Đảng, Nhà nước, sự điều hành quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, chúng ta đã thu được những kết quả bước đầu nhưng khó khăn vẫn còn bộn bề, nguy cơ bệnh dịch vẫn còn lan rộng ra cộng đồng. Đất nước tưởng như được bình yên vì thế giới đã có vaccine còn Việt Nam đã trải qua một khoảng thời gian bình yên nhờ công thức “5 K + vaccine” thì đại dịch Covid-19 lại bùng phát dữ dội ở Ấn Độ và các nước láng giềng trong khối ASEAN. Đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa của cả nước thì đang bước vào giai đoạn khốc liệt của xâm nhập mặn và xói lở; biển Đông vẫn còn những nguy cơ tiềm ẩn, luôn chực chờ dậy sóng; kẻ thù vẫn không từ bỏ một âm mưu, thủ đoạn nào để chống phá chế độ. Tuy nhiên, qua ba đợt chống dịch với những quyết sách đúng đắn và quyết liệt của Đảng, Chính phủ, chúng ta đã thu được thành quả rất lớn là lòng dân. Với tinh thần như lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”; có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ chúng ta thấy rõ nét mối quan hệ “Ý Đảng hợp với lòng Dân”được thể hiện rõ ràng và sâu sắc như những ngày hôm nay: “Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội. Thời gian qua, toàn dân ta đã đồng lòng, cùng chung sức với Đảng, Nhà nước ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh bước đầu có hiệu quả. Thời gian tới đây, chúng ta có thể sẽ còn phải đối mặt với khó khăn lớn hơn gấp nhiều lần, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa, kiên quyết hơn nữa”1.
Hòa cùng với thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là không khí náo nức tiến tới cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là hình thức dân chủ trực tiếp, được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng và bỏ phiếu kín; thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện – cơ quan quyền lực Nhà nước từ trung ương đến địa phương ở nước ta nói riêng. Như vậy, việc cử tri lựa chọn ra những đại biểu xứng đáng để bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp là vấn đề hết sức quan trọng; và điều quan trọng nhất là không để cho những phần tử thoái hóa, biến chất chui vào cơ quan đại diện cho quyền lực của Nhân dân.
Để làm tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực và phát huy sức mạnh tổng hợp từ Trung ương đến cơ sở, từ đội ngũ cán bộ, đảng viên đến ý thức tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị của toàn xã hội. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức và tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong năm 2021. Thông qua cuộc bầu cử này sẽ góp phần tạo sự đồng bộ trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ trong hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng trong các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Để thực hiện được mục tiêu đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật (KTGSKL) đảng là nội dung, giải pháp cơ bản, quan trọng và cấp thiết nhằm tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vì nhân sự tham gia ứng cử vào Quốc hội khóa XV và HĐND đa số là đảng viên. Chính vì vậy, để thực hiện tốt công tác nhân sự phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026, các cấp ủy và ủy ban kiểm tra (UBKT) cùng cấp cần thường xuyên tăng cường công tác KTGSKL đảng với các nội dung cơ bản sau đây:
Một là, tăng cường kiểm tra, giám sát, chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm để giúp công tác nhân sự trong bầu cử không có sai sót từ trước khi bầu cử.
Công tác nhân sự là hoạt động liên quan đến lợi ích, trách nhiệm, uy tín của từng địa phươngvà cá nhân cán bộ, đảng viên tham gia bầu cử khóa mới. Vì vậy, cấp ủy và UBKT ở mỗi cấp cần tích cực kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên nhằm loại bỏ ngay từ đầu những người không xứng đáng, những “con lươn, con trạch” tìm cách lọt vào bộ máy nhà nước thông qua hoạt động bầu cử.
Mọi tổ chức đảng ở các cấp phải coi trọng và làm tốt công tác giám sát thường xuyên, nhất là các tổ chức cơ sở đảng. Tổ chức đảng, trước hết là cấp ủy các cấp phải thường xuyên giám sát, nắm bắt tình hình của tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên. Nắm chắc tình hình đảng viên, tập trung vào đối tượng là cấp ủy viên, cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý, trước hết là cán bộ chủ chốt, đảng viên được quy hoạch nguồn nhân sự tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp nhận, phân loại và xử lý kịp thời, đầy đủ, thận trọng các nguồn tin, báo cáo, phản ánh về tổ chức đảng, đảng viên; nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì kịp thời xem xét, quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Kịp thời tiến hành công tác kiểm tra và tự kiểm tra để phát huy ưu điểm, phát hiện, ngăn ngừa thiếu sót, khuyết điểm ngay từ khi mới manh nha. Các tổ chức đảng thông qua hoạt động thực tiễn hàng ngày của tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên trong việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trong sinh hoạt đảng, giữ gìn phẩm chất, đạo đức cách mạng của đảng viên; qua tự phê bình và phê bình; qua kiểm tra, phân tích chất lượng đảng viên, nhận xét, đánh giá chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh; qua phê bình, góp ý của quần chúng … để đánh giá ưu điểm, khuyết điểm của đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới, rút kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, quản lý của đảng ủy, chi ủy, chi bộ, kịp thời xem xét, giải quyết hoặc đề nghị tiến hành kiểm tra những trường hợp có dấu hiệu vi phạm.
Thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần vào việc sàng lọc được nhân sự ngay từ trước bầu cử theo phương châm: “Kiên quyết không để lọt những người có khuyết điểm, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào cấp ủy các cấp và không để sót người có đức, có tài”2.

Hai là, kịp thời kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm
Tại Điều 32, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam và được xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của UBKT các cấp, theo đó, việc kiểm tra, giám sát công tác nhân sự phục vụ bầu cử phải đượcUBKT các cấp tiến hành thường xuyên, có hiệu quả. Tập trung kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiêu chuẩn cấp ủy viên theo tiêu chuẩn chung của cán bộ theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kết luận số 55-KL/TW của Ban Bí thư ngày 15/8/2019 về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng; Khi tiến hành kiểm tra công tác nhân sự bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026 cần thực hiện có “trọng tâm, trọng điểm”, tập trung vào những tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu mất đoàn kết nội bộ, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, vi phạm các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí…
Đối với cá nhân đảng viên cần tập trung kiểm tra những cán bộ, đảng viên có dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên, về thực hiện kê khai và minh bạch tài sản, thu nhập; tham nhũng, lãng phí; chủ nghĩa cá nhân, bè phái, cơ hội, thực dụng; vi phạm các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương và những điều cán bộ, đảng viên không được làm.
Làm tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần ngăn chặn và loại bỏ ngay từ đầu những phần tử thoái hóa, biến chất nhưng cố tình che đậy và đang tìm mọi cách chui vào cơ quan quyền lực nhà nước thông qua cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026 để mưu cầu lợi ích cá nhân.
Ba là, chủ động giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về nhân sự tham gia bầu cử
Thông thường, sắp bước vào bầu cử là xuất hiện tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp ngày càng nhiều, tố đi tố lại, có nhiều người cùng ký tên vào đơn. Có nơi nội bộ cấp ủy tố cáo lẫn nhau. Tính chất tố cáo phức tạp, nhiều nội dung, sự việc, cùng nội dung có liên quan nhiều người, nhiều cấp, tập trung vào cán bộ lãnh đạo, chủ chốt, nhất là cán bộ quản lý nhà nước, quản lý tiền, hàng, phụ trách công trình, dự án…. Đáng lưu ý, tình trạng tố cáo với dụng ý xấu, mang tính vu cáo chưa giảm. Nhiều thư tố cáo với lời lẽ gay gắt, suy diễn, thóa mạ, gửi đi nhiều nơi không có thẩm quyền giải quyết, tán phát rộng rãi để gây sức ép, giảm uy tín của người bị tố cáo. Các tổ chức đảng chưa có biện pháp giáo dục và phát hiện để xử lý ngăn chặn, từ đó gây bức xúc, làm ảnh hưởng đến người có ý thức xây dựng Đảng trong việc phát hiện, tố cáo những hành vi tiêu cực và ảnh hưởng đến cán bộ, đảng viên có khi làm đúng, tích cực lại bị bôi nhọ.
Cần tập trung lực lượng, phối hợp chặt chẽ giữa UBKT với các cơ quan, tổ chức có liên quan để giải quyết tố cáo; trước hết là những tố cáo tổ chức đảng, đảng viên liên quan trực tiếp đến công tác nhân sự phục vụ bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Qua giải quyết tố cáo, phải kết luận rõ đúng, sai; xử lý kịp thời, nghiêm minh tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm. Không giải quyết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ và đơn tố cáo có tên đã được cấp có thẩm quyền xem xét, kết luận, nay tố cáo lại nhưng không có thêm tài liệu, chứng cứ mới làm thay đổi bản chất vụ việc…
Kết quả giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên đã giúp cho các tổ chức đảng quản lý đảng viên hiểu rõ hơn ưu điểm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên; lãnh đạo, chỉ đạo, giúp họ sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm, sai lầm để tiến bộ; xử lý đúng mức số tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên; cải chính, minh oan cho những trường hợp bị tố cáo sai, vu cáo; thu hồi được một số vật chất bị chiếm dụng; góp phần tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; củng cố và tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.
Qua giải quyết tố cáo cũng như qua công tác KTGSKL đảng nói chung, tổ chức đảng có thẩm quyền cũng phát hiện được nhiều vấn đề trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý còn sơ hở, thiếu sót phải điều chỉnh, bổ sung. Những kết quả đạt được trong giải quyết tố cáo của UBKT các cấp đã thực sự có tác dụng tích cực đối công tác bầu cử và thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Bốn là, tăng cường thẩm tra tư cách đại biểu của các ứng viên được đề cử
UBKTcó thẩm quyền và trách nhiệm về chuyên môn khi thực hiện nhiệm vụ thẩm tra tư cách đại biểu của các ứng viên tham gia bầu cử; chủ động phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trước bầu cử. Đối với những đảng viên liên quan đến nhân sự bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có vi phạm pháp luật thì UBKT các cấp chủ động tham mưu cấp ủy chỉ đạo các tổ chức đảng có liên quan thực hiện nghiêm quy định về đình chỉ sinh hoạt đảng của đảng viên, đình chỉ sinh hoạt cấp ủy của cấp ủy viên theo quy định của Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng. Làm tốt việc này sẽ tránh được những hệ lụy về sau khi mà sau bầu cử mới phát sinh những vi phạm và những khiếu kiện về quy trình bầu cử cũng như tư cách của đại biểu khóa mới.
Khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ UBKT cần kịp thời cập nhập những văn bản, quy định mới về bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 để tham mưu giúp cấp ủy và nhân sự tham gia bầu cử nắm vững về quyền và nghĩa vụ của mình. Điều này làm tăng trách nhiệm của người được đề cử và yêu cầu họ có trách nhiệm với việc được đề cử của mình kể cả sau khi cuộc bầu cử đã kết thúc.
Năm là, kịp thời nắm tình hình đơn thư khiếu nại (nếu có) về công tác bầu cử, xác minh, kiểm tra và báo cáo cấp ủy cùng cấp xem xét giải quyết.
Việc xét và giải quyết các khiếu nại tố cáo của đảng viên, công dân cũng là một biện pháp quan trọng giúp UBKT các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ của mình phục vụ cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Để có cơ sở cho việc nhận xét, đánh giá đảng viên tham gia bầu cử một cách công tâm, khách quan, UBKT cần tăng cường tiếp đảng viên, công dân, kịp thời nắm chắc và tổng hợp đầy đủ số lượng đơn tố cáo tổ chức đảng, đảng viên; chủ động phân loại, rà soát để xác định rõ tố cáo không phải giải quyết; tố cáo không thuộc thẩm quyền phải chuyền đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp nhận, phân loại và xử lý kịp thời, đầy đủ, thận trọng các nguồn tin, báo cáo, phản ánh về tổ chức đảng, đảng viên để báo cáo cấp ủy; nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì kịp thời xem xét, quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.
Việc giải quyết đơn thư khiếu nại về công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 phải được UBKT các cấp quan tâm, bảo đảm đúng thẩm quyền, quy trình, nguyên tắc, thủ tục.
Kịp thời nắm bắt sớm tình hình thông qua việc giải quyết đơn thư khiếu nại về công tác bầu cử, gắn với làm tốt công tác tư tưởng sẽ giúp tổ chức đảng và đảng viên thấy được khuyết điểm, vi phạm để có biện pháp sửa chữa, khắc phục; xem xét, quyết định giảm, xoá hình thức kỷ luật cho những trường hợp bị tổ chức đảng có thẩm quyền xử lý kỷ luật, giải quyết khiếu nại còn oan sai, góp phần tích cực trong việc xây dựng nội bộ đảng, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật.
Đánh giá chung về khiếu nại nói chung có thể thấy rằng tình hình đảng viên khiếu nại do không đồng tình với việc giải khiếu nại của tổ chức đảng ở địa phương gửi lên Trung ương có chiều hướng gia tăng; ở một số địa phương tính chất vụ việc phức tạp, chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả. Công tác phối hợp trong giải quyết đơn thư khiếu nại có việc còn chưa đồng bộ, thống nhất của cơ quan Trung ương với địa phương nên có trường hợp còn để kéo dài. Có trường hợp người khiếu nại có tư tưởng không tin kết quả giải quyết của tổ chức đảng ở địa phương, có tâm lý khiếu nại cầu may hoặc bức xúc nên có thái độ bất hợp tác, gây khó khăn trong quá trình giải quyết. Tuy nhiên, còn nhiều trường hợp phải thay đổi hình thức kỷ luật là do trong thi hành kỷ luật, một số nơi chưa làm tốt công tác thẩm tra, xác minh, kết luận vi phạm chưa chính xác, chưa khách quan, chưa thấu tình, đạt lý, từ đó áp dụng hình thức kỷ luật chưa phù hợp, nên số vụ khiếu nại còn nhiều. Một số địa phương, đơn vị chưa bám sát vào nội dung khiếu nại của đảng viên để thẩm tra, xác minh, có biểu hiện ngại va chạm với tổ chức đảng đã kỷ luật hoặc giải quyết khiếu nại trước đó.
Sáu là, “công khai kết quả xử lý” sau KTGSKL đảng
Công tác KTGSKL đảng thời gian qua đã mang lại những hiệu quả to lớn và khi công khai kết quả đã tăng thêm tính răn đe đối với những đối tượng đã và đang có những hành vi vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước. Công khai kết quả kiểm tra, kết luận các phiên họp của ủy ban kiểm tra, nhất là các phiên họp của UBKT Trung ương sẽ góp phần tích cực vào cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Công khai kết quả xử lý góp phần tuyên truyền về công tác kiểm tra của Đảng, ngăn chặn, phòng ngừa sai phạm; khẳng định bản lĩnh của Ngành Kiểm tra, giúp cho cán bộ kiểm tra, cơ quan kiểm tra phải luôn tự đổi mới và hoàn thiện, bảo đảm cẩn trọng khi kết luận kiểm tra, giám sát. Đồng thời, để đảng viên, Nhân dân giám sát hoạt động kiểm tra Đảng; KTGSKL đảng là công khai, không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”. Chính vì vậy: “Việc công khai kết luận kiểm tra và xử lý vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có tác động tích cực, góp phần giáo dục cán bộ, đảng viên, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ”3.
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, sự đồng lòng của Nhân dân, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thành công mục tiêu kép, chiến thắng đại dịch Covid-19 để thực hiện thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đưa đất nước ta vững bước tiến lên trên con đường đã chọn.
Chú thích:
1. Chung sức, đồng lòng để chiến thắng đại dịch COVID-19. https://tuoitre.vn, ngày 30/3/2020.
2. Rà soát, bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành trung ương khóa 13. https://vietnamnet.vn, ngày 30/3/2020.
3. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 2, H. NXB Chính trị Quốc gia, 2021, tr. 199.