Những Chủ nhật đặc biệt – Ngày hội của toàn dân

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong lịch sử bầu cử nước ta, ngày Chủ nhật được chọn là ngày bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp. Và, đã trở thành ngày đặc biệt, ngày hội của toàn dân trong suốt từ năm 1946 đến nay.

Bắt đầu từ Sắc lệnh số 76/SL, ngày 18/12/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh ấn định ngày Tổng tuyển cử vào Chủ nhật, ngày 06/01/1946.

Chủ nhật, ngày 06/01/1946 là “ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”1. Giữa bộn bề khó khăn sau ngày đất nước vừa giành được Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng, Chính phủ đã xác định đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đã thể hiện tư tưởng về tính toàn dân, toàn diện của cuộc bầu cử. Người đã viết trên Báo Cứu quốc số 130, ra ngày 31/12/1945: “Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó2.

Kết quả, tại 71 tỉnh, thành phố trên cả nước có 89% cử tri đi bầu cử, bầu được 333 đại biểu của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, bao gồm đại diện của hầu hết các đảng chính trị, các tầng lớp, giai cấp trong xã hội lúc bấy giờ.

Quốc hội khóa I càng trở nên đặc biệt khi thời gian nhiệm kỳ kéo dài nhất trong lịch sử Quốc hội Việt Nam – 24 năm (1946-1960), trong điều kiện dân tộc ta thực hiện cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chống lại âm mưu cố tình phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 và âm mưu xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ. Nhưng cùng với trí, lực của đại biểu Quốc hội, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã từng bước vượt qua những sóng gió, khó khăn, đi đến những quyết định, thành công to lớn, tạo dấu ấn riêng của nhiệm kỳ Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bác Hồ bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa II năm 1960. Ảnh: TL

Chủ nhật, ngày 08/5/1960. Bầu Quốc hội khóa II và HĐND các cấp. Đây là cuộc bầu cử trong thời kỳ đất nước bị chia cắt: “Quốc hội khóa II này là Quốc hội xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”3Cuộc bầu cử diễn ra ngày 08/5/1960 với 22.530 khu vực bỏ phiếu thuộc 42 đơn vị bầu cử ở miền Bắc Việt Nam và đã bầu được 362 đại biểu. Ngoài 362 đại biểu qua bầu cử trên còn có 91 ghế dành cho các đại biểu miền Nam ở khóa I vì không thể tổ chức bầu cử nên được Quốc hội quyết định kéo dài nhiệm kỳ.

 Chủ nhật, ngày 26/4/1964. Bầu Quốc hội khóa III và HĐND các cấp, được diễn ra ngày 26/4/1964. Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu đạt 97,77% và bầu được 366 đại biểu. Ngoài 366 đại biểu được bầu còn có thêm 89 đại biểu khóa II miền Nam được lưu nhiệm, nâng tổng số đại biểu khóa III sau bầu cử lên 455.

Ngày 27/4/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tại khu phố V tại hòm phiếu số 6, đơn vị bầu cử 1, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Chủ nhật, ngày 11/4/1971. Bầu Quốc hội khóa IV và đại biểu HĐND các cấp. Với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 98,88%, bầu 420 đại biểu. Quốc hội khóa IV là Quốc hội chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, kiên trì và tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, là Quốc hội khôi phục kinh tế, hàn gắn những vết thương chiến tranh, chuẩn bị đưa đất nước bước vào thời kỳ mới.

Chủ nhật, ngày 06/4/1975. Bầu cử Quốc hội khóa V và đại biểu HĐND các cấp. Tổng số đại biểu được bầu là 424 đại biểu. Quốc hội khóa V có nhiệm kỳ ngắn nhất, từ tháng 4/1975 đến tháng 4/1976, Quốc hội chỉ họp 2 kỳ. Đây cũng là thời kì xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các cuộc bầu cử Quốc hội từ khóa II đến khóa V trong giai đoạn đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, đế quốc Mỹ liên tục có những âm mưu, hành vi mở rộng, leo thang chiến tranh, nhưng những Ngày hội ấy vẫn được triển khai trên toàn miền Bắc. Điều này đã thể hiện quyết tâm của khối đại đoàn kết dân tộc, phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của Đảng, Chính phủ, của toàn thể nhân dân Việt Nam. Từ hoạt động tích cực của các đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã kịp thời bàn thảo, thống nhất những chính sách, định hướng, kết hợp được các mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế – xã hội cũng như huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân phục vụ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đánh tan giấc mộng bá chủ của đế quốc Mỹ.

Chủ nhật, ngày 25/4/1976, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VI và HĐND các cấp. Trong niềm vui khôn tả của đồng bào hai miền Nam – Bắc sau Đại thắng mùa Xuân 1975, sau thành công tốt đẹp của cuộc Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc, Chủ nhật ngày 25/4/1976 trở thành ngày đặc biệt trong những mốc son lịch sử của dân tộc ta, khi nhân dân hai miền Nam – Bắc cùng nhau cầm những lá phiếu để đi bầu những người có đủ đức, đủ tài đại diện cho tiếng nói của nhân dân trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất – Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong không khí tưng bừng của nước nhà đã thống nhất, trên 23 triệu cử tri, với tư thế của người làm chủ đất nước đã lựa chọn và bầu được 492 đại biểu vào Quốc hội khóa VI – Quốc hội của nước Việt Nam độc lập, thống nhất.

Chủ nhật, ngày 26/4/1981, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VII và HĐND các cấp. Bước ra khỏi cuộc chiến tranh trường kỳ đầy gian khổ chống thực dân, đế quốc chưa được bao lâu, dân tộc ta lại phải tiếp tục cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc. Dù vậy, vượt lên đống tro tàn đổ nát, vượt lên những mất mát, đau thương, nhân dân Việt Nam vẫn một lòng, quyết tâm tranh đấu, hy sinh để giữ vững chủ quyền, nền độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ, cùng nhau xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh ấy, ngày Chủ nhật 26/4/1981 sát cánh cùng với những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta đã nô nức, chủ động tham gia cuộc Tổng tuyển cử lần thứ VII, ngày vui chung của quốc dân đồng bào. Với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 97,96% và 496 người trúng cử. Kết quả đó, khẳng định được vai trò làm chủ của Nhân dân, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân của dân tộc Việt Nam.

Chủ nhật, ngày 19/4/1987, diễn ra cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khóa VIII và HĐND các cấp. Thành công của Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986) cùng với quyết định về chủ trương đổi mới đất nước một cách toàn diện đã chính thức mang đến hơi thở, luồng không khí tươi mới cho đất nước ta. Từ đây, việc lựa chọn, bầu những người đại biểu có khuynh hướng, tư duy đổi mới tích cực cũng được cân nhắc, chú trọng lựa chọn. Trong cuộc Tổng tuyển cử này, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 98,75% và bầu được 496 đại biểu. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã góp phần quan trọng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Chủ nhật, ngày 19/7/1992cả nước nô nức bầu cử Quốc hội Khóa IX và đại biểu HĐND các cấp. Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu đạt 99,12%. Bầu ra 395 đại biểu Quốc hội. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX đã được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật. Nhân dân thể hiện lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, có ý thức về quyền và nghĩa vụ của mình trong cuộc bầu cử, tích cực lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Những ngày Chủ nhật 20/7/1997, 19/5/2002, 20/5/2007, 22/5/2011, 22/5/2016 các cuộc bầu cử Quốc hội từ khóa X – khóa XIV và HĐND các cấp lần lượt được tổ chức thành công tốt đẹp. Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu luôn bảo đảm trên 99%. Đây là con số vô cùng ấn tượng, thể hiện sự đồng lòng, chung sức để xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh của dân tộc ta.

Chủ nhật, ngày 23/5/2021, ngày hội của toàn dân, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trải qua hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta có những phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại Đại hội XIII của Đảng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay4.

Vào thời điểm hiện nay, Việt Nam cũng như toàn cầu đang đứng trước những khó khăn, thách thức to lớn do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Dịch bệnh gây ra rất nhiều hệ lụy, tác động, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của cả nước. Nhưng dưới sự lãnh đạo tập trung, dân chủ, thống nhất, sáng suốt của Đảng cùng với cả hệ thống chính trị và Nhân dân cả nước đồng lòng, chung sức chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 – Ngày hội của toàn dân thành công tốt đẹp.

Việc lựa chọn ngày bầu cử toàn dân – ngày Chủ nhật cho chúng ta thấy được tính ưu việt của chế độ, càng khẳng định rõ hơn Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị Quốc gia – sự thật, 2011, tr.166.
2. Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập 4; H. NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, 2011, tr.153.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tr.624.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1. H. NXB Chính trị Quốc gia sự thật, 2021, tr.25.

  Vĩnh Nguyên