(Quanlynhanuoc.vn) – Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới, khẳng định: Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ dân số các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu chuyển hướng sang chính sách dân số và phát triển. Đưa nội dung dân số và phát triển vào chương trình đào tạo, tập huấn, nghiên cứu khoa học.
Thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân số
Những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cán bộ làm công tác dân số (CTDS) ở nước ta đã có những thành tựu to lớn góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội. Nước ta đang ở thời kỳ dân số vàng, chất lượng dân số được cải thiện, tỷ lệ tuổi thọ trung bình ở Việt Nam là 75,4 tuổi, tình trạng trẻ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc 19,6%, năm trong mức <20% được xếp vào mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chiều cao ở nhóm thanh niên, nam 18 tuổi cao 168,1cm, (tăng 3,7cm so với năm 2010), nữ cao 156,2 cm (tăng 3,7cm so với năm 2010), tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh đã giảm mạnh,…1. Đây là kết quả của việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về CTDS trong tình hình mới. Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. CTDS cần được chú trọng toàn diện về mọi mặt, như: quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ với các yếu tố kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển nhanh, bền vững.
Bên cạnh đó, vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện phát triển dân số. Hiện nay, tình trạng cán bộ làm CTDS chưa được đào tạo, tập huấn ở một số nhóm kiến thức và kỹ năng thuộc chuyên môn, nghiệp vụ dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), do đó, ảnh hưởng đến CTDS, như: công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn về dân số; phổ biến kiến thức về sức khỏe sinh sản, phòng tránh thai,…
Kiến thức cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số. Trong nhóm kiến thức này, nội dung mất cân bằng giới tính khi sinh được đào tạo, chiếm 81,3%; các nội dung liên quan đến giảm tỷ lệ tan máu bẩm sinh tại cộng đồng, phân bố dân số được đào tạo dưới 40%2. Công tác truyền thông, tư vấn về DS-KHHGĐ, chiếm 84,1%; nội dung lồng ghép biến dân số vào kế hoạch hóa phát triển địa phương được ĐTBD chỉ đạt 41,3%3.
Kỹ năng truyền thông, tiếp thị xã hội; nghiên cứu khoa học và thống kê. Kỹ năng lồng ghép biến dân số vào kế hoạch hóa phát triển địa phương, chiếm 44,5%. Kỹ năng về nghiên cứu khoa học và thống kê DS-KHHGĐ, kỹ năng ghi chép, tổng hợp, báo cáo số liệu được ĐTBD đạt 70,3% và kỹ năng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực DS-KHHGĐ chỉ đạt 25,4%4.
Về kỹ năng quản lý và chuyên môn, nghiệp vụ DS-KHHGĐ. Ở nhóm này, kỹ năng truyền thông, tư vấn, vận động trong DS-KHHGĐ được ĐTBD, chiếm 79,4%; kỹ năng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực DS-KHHGĐ và kỹ năng quản lý và điều phối nguồn tài chính, kế toán có tỷ lệ ĐTBD thấp nhất, chỉ chiếm 25%5.
Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân số
Ngày 01/4/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 520/QĐ-TTg phê duyệt Đề án ĐTBD nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm CTDS các cấp giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả ĐTBD về CTDS, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm CTDS các cấp có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ CTDS đã được đề ra.
Công tác bồi dưỡng đội ngũ làm CTDS các cấp (tối thiểu 80% công chức được bồi dưỡng kiến thức dân số cơ bản); bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ (100% viên chức làm CTDS được bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp dân số). Tối thiểu 90% nhân viên y tế cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản ở các cơ sở y tế huyện và xã có kiến thức, kỹ năng cung cấp các dịch vụ dân số và phát triển. Tối thiểu 80% lãnh đạo y tế đơn vị, y tế huyện và xã được bồi dưỡng về quản lý dân số và phát triển để thực hiện quản lý CTDS được giao. Hằng năm, bồi dưỡng tập huấn kiến thức cho cộng tác viên dân số theo nhu cầu và khả năng của các địa phương6.
Để đáp ứng được mục tiêu trên, cần tập trung vào giải pháp cụ thể sau:
Một là, hoàn thiện chương trình, tài liệu phục vụ ĐTBD.
Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống các chương trình, tài liệu bồi dưỡng về dân số và phát triển phù hợp với CTDS và phát triển các cấp; nội dung ĐTBD chú trọng vào kế hoạch, nhiệm vụ CTDS hằng năm; từng bước chuẩn hóa trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phát triển cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm CTDS các cấp và cộng tác viên dân số.
Hai là, tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động về dân số gắn với nội dung ĐTBD.
Nâng cao chất lượng và phân bố dân số; kiến thức về dân số và phát triển; kiến thức về tư vấn và cung ứng các dịch vụ dân số; cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp quản lý chuyên ngành; nâng cao kỹ năng công nghệ – thông tin; các phần mềm chuyên ngành dân số; phương pháp thẩm định phúc tra số liệu; nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học; phổ biến, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CTDS, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và Chiến lược Gia đình Việt Nam đến năm 2030.
Ba là, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, giảng viên tuyến tỉnh, tuyến huyện.
Xây dựng đội ngũ báo cáo viên, giảng viên kiêm chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; có kinh nghiệm thực tiễn về ĐTBD và phương pháp sư phạm, đáp ứng nhiệm vụ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm CTDS và cộng tác viên dân số. Hằng năm, cử đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý về tuyến tỉnh, tham gia giảng dạy, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về dân số và phát triển cho cán bộ của địa phương; xây dựng đội ngũ báo cáo viên, giảng viên thỉnh giảng về dân số và phát triển đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tự học tập và đào tạo trình độ sau đại học, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cán bộ làm CTDS trong tình hình mới.