Thi tuyển công chức – một số nội dung cần tiếp tục hoàn thiện, đổi mới  

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong quá trình thực hiện thi tuyển công chức thời gian vừa qua ở các bộ, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị cho thấy: tính khách quan, khoa học của các kỳ thi đã được nâng lên, tạo niềm tin cho thí sinh và xã hội về các kỳ thi tuyển công chức thực sự công bằng. Tuy vậy, quá trình thực hiện thi tuyển công chức vẫn còn những vấn đề cần lưu tâm.

 

Công tác thi tuyển công chức, viên chức luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người. (Ảnh minh họa)

Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong tuyển dụng công chức. Quá trình tuyển dụng công chức được tổ chức thành 02 vòng nhằm đánh giá năng lực của thí sinh dự thi. Vòng 1 có thể xem là vòng đánh giá năng lực nền tảng của thí sinh và vòng 2 là vòng đánh giá năng lực nghiệp vụ chuyên ngành gắn với vị trí việc làm (VTVL). Nếu vòng 1 được quy định có thể tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính hoặc trên giấy thì vòng 2 đối với thi tuyển công chức (TTCC) có các hình thức là thi viết, phỏng vấn hoặc kết hợp thi viết và phỏng vấn.

Thi tuyển công chức – đổi mới nhưng vẫn còn những điều cần tiếp tục được hoàn thiện

Trong quá trình thực hiện Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, Nghị định số 138/2020/NĐ-CP cho thấy những tín hiệu tích về đổi mới TTCC. Tính khách quan, khoa học của các kỳ thi đã được nâng lên đáng kể, tạo niềm tin cho thí sinh, cho xã hội về các kỳ TTCC thực sự công bằng, thực sự là quá trình sàng lọc những thí sinh phù hợp nhất, tốt nhất cho các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện TTCC vẫn còn những vấn đề cần lưu tâm.

Đối với vòng 1 kỳ thi.

Thi tuyển công chức vòng 1 bằng hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính tại một hội đồng thi (Ảnh minh họa).

Một là, phần câu hỏi về kiến thức chung chủ yếu tập trung vào đánh giá hiểu biết về pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức, chức trách, nhiệm vụ. Về ngoại ngữ mới chỉ đánh giá kỹ năng đọc, hiểu thông thường mà còn thiếu nội dung đánh giá về việc sử dụng ngoại ngữ trong môi trường công vụ.

Hai là, trong tổ chức thực hiện thi tuyển vòng 1, nội dung thi tuyển, cách thức ra đề thi có lúc có nơi chưa phù hợp. Mục đích chính của vòng 1 là nhằm lựa chọn được người có năng lực nền tảng cần thiết, phù hợp vào nền công vụ. Tuy nhiên, để tuyển chọn được những ứng viên đủ năng lực thì nội dung, chất lượng ngân hàng câu hỏi là yếu tố quan trọng. Song trong thực tế thời gian vừa qua, khi thực hiện thi vòng 1, nhiều cơ quan tuyển dụng còn có sự lúng túng nhất định trong việc ra đề thi để chọn được đúng người theo yêu cầu. Không ít trường hợp, nội dung đề thi chưa bao quát hết các lĩnh vực và chuyên ngành, chưa thực sự sát với VTVL cần tuyển, dẫn đến chưa đánh giá đúng năng lực của thí sinh. Nội dung thi tuyển vòng 1 có nơi tập trung vào các vấn đề lý luận chung, hoặc lặp lại các kiến thức mà người dự thi đã được học trong các trường đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân, khó đánh giá được khả năng hiểu biết xã hội, năng lực tư duy, khiến cho việc đánh giá vòng 1 chưa đạt được mục tiêu kiểm định.

Ở một số bộ, ngành, địa phương, nội dung thi, đề thi vòng 1 được các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng sử dụng từ nhiều nguồn khác nhau, nên nội dung, mức độ khó, dễ khác nhau, vì thế khó bảo đảm những người trúng tuyển và trở thành công chức có cùng mặt bằng năng lực và đáp ứng được yêu cầu công việc. Như vậy, có thể thấy, việc thực hiện vòng 1 kỳ thi như hiện nay không những chưa bảo đảm được mặt bằng chung của công chức được tuyển dụng mà còn chưa bảo đảm tuyển được người đáp ứng yêu cầu của VTVL.

Trên thực tế, việc thi tuyển vòng 1 thời gian qua có nơi có lúc chưa thực sự phản ánh chính xác khả năng làm việc trong tương lai của công chức. Điều này lý giải tại sao nhiều trường hợp người có kỹ năng làm việc tốt đã được kiểm nghiệm qua thời gian làm hợp đồng tại cơ quan, đơn vị hoặc được đào tạo tại các cơ sở đào tạo có uy tín ở trong và ngoài nước nhưng vẫn không trúng tuyển bởi nội dung thi đôi khi còn mang nặng lý thuyết, không có phần thi để đánh giá những năng lực chuyên biệt cho từng vị trí.

Thực trạng này là một trong những nguyên nhân, công chức được tuyển dụng tuy có cùng VTVL nhưng chênh lệch nhau về năng lực. Kết quả đánh giá vòng 1 chỉ có giá trị đối với cơ quan tuyển dụng công chức tổ chức thi vòng 1 mà không có giá trị với cơ quan tuyển dụng công chức khác, thiếu tính liên thông trong việc sử dụng kết quả vòng 1, mặc dù cùng VTVL.

Ba là, thiếu tính chủ động trong xây dựng ngân hàng câu hỏi cho vòng 1. Thực tế, các bộ, ngành và địa phương chưa chủ động trong việc xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ cho công tác TTCC. Việc TTCC mới chỉ dừng lại ở mức độ khi nào có chỉ tiêu tuyển dụng, các cơ quan, đơn vị mới thành lập hội đồng tuyển dụng và tiến hành xây dựng các bộ câu hỏi phục vụ cho từng kỳ thi cụ thể, chưa có ngân hàng câu hỏi phục vụ lâu dài cho công tác tuyển dụng công chức.

Bốn là, phần mềm TTCC trên máy tính được xây dựng áp dụng tại một số bộ, ngành và địa phương mà chưa được xem xét, đánh giá, đưa vào sử dụng bắt buộc trong công tác TTCC của tất cả các bộ, ngành và địa phương.

Năm là, với việc phân cấp tuyển dụng, các cơ quan tuyển dụng phải trực tiếp tổ chức thực hiện vòng 1 kỳ thi dẫn đến việc lãng phí thời gian, nhân lực, vật lực trong quá trình tuyển dụng công chức. Mỗi lần tuyển dụng tại bộ, ngành và địa phương, các nội dung vòng 1 kỳ thi đều phải thực hiện lại từ đầu (như: thuê các chuyên gia xây dựng, thẩm định bộ câu hỏi). Việc này gây tốn kém về ngân sách. Bên cạnh đó, trong không ít trường hợp khi tuyển dụng, cơ quan tuyển dụng nhận được số hồ sơ không lớn, nguồn tuyển bị hạn chế, chất lượng không đồng đều nhưng vẫn phải thực hiện đầy đủ quy trình vòng 1, chi phí cho việc thi vòng 1 trên 1 thí sinh rất cao mà lệ phí thi khó có thể bù đắp được.

Sáu là, việc tổ chức các hội đồng tuyển dụng được giao cho các bộ, ngành ở trung ương và ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong đó thành viên của các hội đồng không cố định, chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa hình thành được một đội ngũ chuyên trách trong TTCC. Nghiệp vụ công tác tổ chức thi tuyển chưa sâu trong khi khối lượng công việc rất lớn đòi hỏi tính chuyên môn hóa cao dẫn tới những lúng túng và thiếu ổn định trong các khâu của quy trình tuyển dụng công chức làm hạn chế hiệu quả của hoạt động này. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát còn có những hạn chế nhất định, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tiêu cực.

Bảy là, việc chấp hành các quy định về công tác tuyển dụng công chức tại một số bộ, ngành, địa phương chưa đầy đủ, chất lượng chưa cao, chưa đồng đều, có nơi còn xảy ra sai sót, vi phạm.

Đối với vòng 2 kỳ thi.

Vấn đề cần lưu tâm là hình thức phỏng vấn tuyển dụng. Các quy định của pháp luật hiện nay mới dừng lại ở việc quy định về nội dung, thời gian của hình thức phỏng vấn mà chưa quy định đến các vấn đề liên quan đến giám sát, kiểm tra đối với nội dung này. Hiện nay, việc phỏng vấn không được ghi âm, ghi hình hoặc có hình thức tương tự để lưu trữ dữ liệu về quá trình phỏng vấn. Thí sinh không thể phúc khảo được nội dung phỏng vấn. Nghĩa là gần như chúng ta chưa có cơ chế để bảo đảm quá trình này được thực hiện một cách khách quan nhất, khoa học nhất. Giả định cơ quan tuyển dụng chủ định lựa chọn thí sinh trúng tuyển thì việc phỏng vấn gần như không có giá trị vì thí sinh nào dự thi cũng sẽ không còn cơ hội trúng tuyển. Vì không có dữ liệu về quá trình phỏng vấn, sẽ không có cơ sở nào để nói rằng thí sinh trúng tuyển giỏi hơn thí sinh không trúng tuyển và ngược lại.

Nếu như thi viết hồ sơ lưu trữ sẽ là bài viết, bảng điểm thì quá trình phỏng vấn hiện nay với ba không: không ghi âm, không ghi hình, không ghi lại nội dung câu trả lời phỏng vấn thì quá trình phỏng vấn khó có thể giám sát đầy đủ. Chúng ta muốn minh bạch quá trình TTCC chọn những công chức tốt nhất cho khu vực công nhưng chúng lại chưa chú ý đến vấn đề giám sát đối với khâu cuối cùng – khâu có ý nghĩa quyết định ai là người trúng tuyển.

Có thể lý giải rằng, vòng phỏng vấn là vòng cơ quan tuyển dụng lựa chọn những thí sinh tốt nhất, phù hợp nhất với cơ quan mình. Vì vậy, tất yếu cơ quan tuyển dụng phải đánh giá đầy đủ năng lực thí sinh, không thể có chuyện thí sinh kém về năng lực được lựa chọn. Tuy nhiên, những sai sót, tiêu cực trong quá trình tuyển dụng công chức ở nơi này, nơi khác; về những mối quan hệ cá nhân khi tham gia tuyển dụng… thiết nghĩ cần phải đặt ra cơ chế giám sát, kiểm tra vòng phỏng vấn tuyển dụng, tránh mọi sự chủ quan trong quá trình phỏng vấn tuyển dụng.

Tiếp tục đổi mới thi tuyển công chức

Tiếp tục đổi mới thi tuyển vòng 1 theo quy định tại khoản 6, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019: “Thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 37 của Luật này1. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả.”. Thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng (KĐCL) đầu vào công chức sẽ có những ưu thế nhất định.

Việc thực hiện thống nhất KĐCL đầu vào công chức thay vì mỗi bộ ngành, địa phương tự tổ chức thi tuyển sẽ tiết kiệm được các chi phí cho công tác tuyển dụng từ ngân sách nhà nước2. Các chi phí giảm bao gồm: chi phí về tiếp nhận hồ sơ, xây dựng ngân hàng câu hỏi, tổ chức coi thi, chấm thi, chi phí của hội đồng thi tuyển. Hoạt động KĐCL đầu vào công chức sẽ khắc phục được tình trạng các cơ quan, đơn vị có số lượng tuyển dụng công chức ít, số lượng thí sinh dự thi nhỏ, lệ phí dự thi không thể bù đắp được nếu tự tổ chức kiểm định vòng 1.

Về hiệu quả tuyển dụng, cơ quan tuyển dụng công chức sẽ có thụ hưởng các lợi ích như: (1) Nguồn tuyển lớn từ nguồn thí sinh đạt điều kiện kiểm định thay vì giới hạn từ các thí sinh nộp hồ sơ trong mỗi đợt tuyển dụng. Cơ quan tuyển dụng công chức có điều kiện lựa chọn những thí sinh có năng lực tốt nhất, phù hợp nhất trở thành công chức. (2) Giảm chi phí trong tổ chức tuyển dụng công chức. (3) Rút ngắn thời gian tuyển dụng công chức. (4) Nguồn dự tuyển luôn chủ động từ các thí sinh có giấy chứng nhận KĐCL đầu vào công chức thay vì phụ thuộc vào nguồn dự tuyển từ thông báo tuyển dụng của cơ quan. (5) Giấy chứng nhận KĐCL đầu vào công chức phản ánh kiến thức quản lý nhà nước, năng lực ngoại ngữ, tin học giúp giảm các yêu cầu về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, đánh giá thực chất được năng lực của thí sinh.

Mặt khác, việc KĐCL đầu vào công chức sẽ giảm chi phí cho việc tổ chức vòng 2 kỳ thi. Sự sàng lọc vòng kiểm định sẽ giảm số lượng thí sinh dự thi vòng 2 (đối với cơ quan, đơn vị kiểm định theo hình thức đặt hàng). Do đó, xét về tổng thể, các giải pháp này không những không phát sinh thêm chi phí mà còn có thể tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước. bên cạnh dó, thực hiện thống nhất việc KĐCL đầu vào công chức bảo đảm các yêu cầu, như: chuẩn hóa; chuyên nghiệp; khách quan, công bằng, nghiêm túc; công khai; chính xác.

Về đổi mới thi tuyển vòng 2 nên quy định áp dụng kết hợp hai hình thức phỏng vấn và thi viết đối với tuyển dụng công chức để đánh giá năng lực của thí sinh thay vì là lựa chọn thứ ba mà ít đơn vị sử dụng. Việc kết hợp này nhằm đánh giá toàn diện hơn năng lực của thí sinh, đánh giá về phong cách, ngôn ngữ, cử chỉ và các kiến thức chuyên sâu gắn với VTVL.

Đối với vòng thi phỏng vấn cần thực hiện ghi âm, ghi hình và lưu trữ dữ liệu trong thời hạn quy định. Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, phỏng vấn tuyển dụng cần được ghi âm, ghi hình và có cơ chế cho phép thí sinh được phép phúc khảo kết quả tuyển dụng, phải có sự so sánh nội dung trả lời phỏng vấn của các thí sinh để có phương án quyết định phù hợp. Điều này để bảo đảm quá trình thi tuyển thực sự minh bạch, khách quan. Quá trình tuyển dụng thực sự hướng đến mục tiêu lựa chọn những thí sinh tốt nhất, ưu tú nhất cho các cơ quan nhà nước.

Đổi mới TTCC sẽ góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong các cơ quan nhà nước. Với định hướng giảm các văn bằng, chứng chỉ ít liên quan đến yêu cầu VTVL, việc đổi mới thi tuyển vòng 1 với hình thức thống nhất kiểm định, đánh giá năng lực của thí sinh trên các phương diện sẽ giúp giảm bớt các chứng chỉ; đồng thời, đòi hỏi thí sinh phải thực học để thi thực và đạt thực. Quá trình phỏng vấn tuyển dụng được lưu trữ dữ liệu giúp cho cơ quan tuyển dụng và thí sinh có trách nhiệm hơn trong quá trình thi tuyển.

Chú thích:
1. Khoản 2 Điều 37 quy định về việc tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển; khoản 3 Điều 37 quy định về việc người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định tiếp nhận người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm đầu vào làm công chức
2. Quy luật lợi thế kinh tế quy mô. Quy mô càng lớn, chi phí và giá thành trên một đơn vị sản phẩm sẽ càng giảm.
Tài liệu tham khảo:
1. Đặng Xuân Hoan (chủ biên). Mô hình kiểm định chất lượng đầu vào công chức của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam. H. NXB. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2020.
2. Dự thảo Đề án thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
TS. Đoàn Văn Dũng
Học  viện Hành chính Quốc gia