(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành Chiến lược về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
Chính phủ số bản chất là Chính phủ điện tử, được bổ sung những thay đổi về cách tiếp cận, cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số. Phát triển Chính phủ số chính là phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đã bao hàm Chính phủ điện tử.
Chính phủ điện tử được hiểu một cách đơn giản là “04 không”, có khả năng họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy tờ, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt.
Chính phủ số là Chính phủ điện tử thêm “04 có”, gồm: có toàn bộ hành động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế – xã hội.
Chiến lược đã xác định 06 quan điểm lớn, là kim chỉ nam, định hướng phát triển Chính phủ số từ đó phát triển kinh tế số, xã hội số trong giai đoạn mới. Trong đó, quan điểm điểm đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là: phát triển Chính phủ số có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế – xã hội.
Chiến lược đưa ra tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam sẽ đạt vị trí cao trên thế giới về xếp hạng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu theo xếp hạng của Liên hợp quốc.
Chiến lược cũng đặt ra 05 nhóm mục tiêu chính, bao gồm: cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội; huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội; vận hành tối ưu các hoạt động của cơ quan nhà nước; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế – xã hội; thay đổi đột phá xếp hạng quốc gia về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, về tham gia điện tử và về Dữ liệu mở theo đánh giá của Liên hợp quốc.
Để thực hiện các mục tiêu, Chiến lược đã xác định 06 nhóm nhiệm vụ trọng tâm quốc gia (hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển hạ tầng số; phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia; phát triển dữ liệu số quốc gia; phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia; bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia); 06 nhóm nhiệm vụ tương ứng thuộc phạm vi các bộ, ngành địa phương. Trong đó, nhấn mạnh: phát triển các dịch vụ công trực tuyến dựa trên nhu cầu người dân và theo các sự kiện trong cuộc đời, người dân chỉ cung cấp thông tin một lần. Một số nhiệm vụ cốt lõi bao gồm:
– Sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, Luật Lưu trữ; xây dựng Luật Chính phủ số; ban hành nghị định của Chính phủ về định danh và xác thực điện tử và hoàn thiện hành lang pháp lý để phổ cập danh tính số; bảo đảm môi trường pháp lý cho phép thử nghiệm, chấp nhận cái mới và chấp nhận thay đổi;
– Phát triển và vận hành hạ tầng mạng chuyên dùng ổn định, an toàn, thông suốt, kết nối 04 cấp hành chính từ trung ương đến cấp xã; xây dựng nền tảng điện toán đám mây Chính phủ; phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; phát triển nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử quốc gia; phát triển nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động cho mọi dịch vụ Chính phủ điện tử, Chính phủ số;
– Phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia, trước hết là các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp; phát triển các dữ liệu chuyên ngành về tài chính, bảo hiểm, nông nghiệp, giáo dục, y tế, việc làm và an sinh xã hội,…
– Phát triển, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công quốc gia; xây dựng Cổng dữ liệu quốc gia; xây dựng nền tảng họp trực tuyến; nền tảng làm việc, cộng tác trên môi trường số; nền tảng trợ lý ảo; phát triển, hoàn thiện hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; phát triển trục liên thông văn bản quốc gia; phát triển hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; xây dựng hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước.
– Xây dựng hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng phục vụ Chính phủ điện tử; xây dựng hệ thống phân tích, xử lý dữ liệu lớn phục vụ nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia; xây dựng hệ thống hỗ trợ điều phối, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng; phát triển, hoàn thiện hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.
Chiến lược cũng chỉ rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc ứng dụng mạnh mẽ, hiệu quả các công nghệ số mới như điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), di động (Mobility), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), mạng xã hội,… để tiết kiệm thời gian, chi phí xây dựng, vận hành các hệ thống thông tin và tự động hoá, thông minh hoá, tối ưu hoá các quy trình xử lý công việc.
Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Việt Nam chắc chắn tạo bước đột phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong giai đoạn mới, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số của Việt Nam dựa trên 03 trụ cột Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số; phù hợp xu thế phát triển của thế giới.