Văn hóa dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Hồ Chí Minh là một nhà tiên tri, tiên lượng, Người có những dự đoán thiên tài về tình hình thế giới và trong nước. Đặc biệt, với ý thức cao về trách nhiệm trước vận mệnh của dân tộc, Người đã có những phân tích, mổ xẻ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sớm cảnh báo những nguy cơ của Đảng cầm quyền. Người chỉ rõ, với tư cách là Đảng cầm quyền, trong công tác cán bộ, Đảng có một trách nhiệm quan trọng là bố trí đội ngũ cán bộ cho cả hệ thống chính trị. Vì vậy, công tác cán bộ tốt thì sẽ thúc đẩy cả bộ máy hoạt động tốt, công tác cán bộ yếu kém là nguy cơ không chỉ cho Đảng, mà sẽ làm cho cả bộ máy tê liệt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu trí thức dự Hội nghị chính trị đặc biệt., tháng 3/1964. Ảnh tư liệu.
Hồ Chí Minh về công tác cán bộ

Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi giành được chính quyền về tay Nhân dân, Hồ Chí Minh đã nói: chính phủ, cán bộ, đảng viên là công bộc của dân. Người lãnh đạo phải có tầm nhìn xa trông rộng, nhận thức được những vấn đề có tính quy luật, điều kiện khách quan và yếu tố chủ quan của cách mạng.

Hồ Chí Minh quan tâm tới khâu đánh giá cán bộ, đây là công việc đầu tiên trong công tác cán bộ. Khâu này giải quyết tốt sẽ làm cho toàn bộ công tác cán bộ vận hành trôi chảy; khâu này dở thì toàn bộ các bước tiếp theo sẽ bị đình trệ. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “Từ trước đến nay, Đảng ta chưa thực hành cách thường xem cán bộ”1. Đây là một công việc khó, vì liên quan tới đánh giá và hiểu biết con người. Nhưng cái khó nhất lại xuất phát từ việc đánh giá bản thân mình. Không biết đúng sai, phải trái, mạnh yếu, tốt xấu của mình thì chắc chắn không nhận rõ được người cán bộ tốt hay xấu. Hiện nay, trong khâu đánh giá cán bộ, ở những mức độ khác nhau, từng địa phương, ban, ngành, đang phạm những căn bệnh lớn mà Hồ Chí Minh đã cảnh báo ngay sau Cách mạng Tháng Tám – 1945: “Do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người,… Đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau”2.

Theo Hồ Chí Minh, xem xét, đánh giá cán bộ, quyết không nên máy móc, vì tư tưởng con người cũng biến hóa. Quá khứ, hiện tại, tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau. Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ. Hồ Chí Minh đã nói tới loại người “muốn làm mật thám được việc, thì nó lại công tác hăng hơn ai hết. Nếu ta không xem xét rõ ràng, thì lầm nó là cán bộ tốt”3. Đó là sự cảnh báo trong tình hình hiện nay đối với loại người muốn được đề bạt, cơ cấu vào cơ quan lãnh đạo thường cố gắng che đậy bằng cái vẻ bề ngoài rất tinh vi.

Làm công tác cán bộ mà không phát hiện được người tài là sai lầm. Phát hiện được mà không sử dụng càng sai lầm hơn. Nhưng nguy hiểm nhất là phát hiện lầm người tài, điều đó do vô tình hoặc non về trí tuệ thì cũng là sai lầm nhưng ở mức thấp. Nhưng nếu đó là sự cố tình, biết người bất tài nhưng vẫn cố lôi kéo, cơ cấu theo kiểu bè phái thì đó là sai lầm không thể chấp nhận, cần phải được xử lý nghiêm khắc. Sự lầm lẫn giữa mặt thật và mặt giả, vàng thau, trắng đen là một điều tệ hại trong công tác đánh giá cán bộ mà Hồ Chí Minh gọi đó là một khuyết điểm to. Tình hình đó hiện nay đang diễn ra ở những mức độ và phạm vi khác nhau, cần được uốn nắn và loại bỏ ra khỏi tư duy của công tác cán bộ.

Sau khâu đánh giá cán bộ là sử dụng cán bộ. Khâu này cần có đủ ba yếu tố: cái tâm, cái trí bản lĩnh. Hồ Chí Minh sử dụng cụm từ “khéo dùng cán bộ”, trong đó Người bàn tới việc phải “có gan cất nhắc cán bộ”. “Có gan” tức là bản lĩnh. Đồng thời, Người cảnh báo các chứng bệnh sau đây: “1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. 2. Hám dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà ghét những người chính trực. 3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình”4. Đây là những vấn đề vẫn đang diễn ra trước mắt chúng ta ngày hôm nay và còn phải tiếp tục suy ngẫm nghiêm túc lâu dài.

Một trong những khuyết điểm lớn trong công tác cán bộ hiện nay ở nơi này, nơi khác là không thực hành đúng chữ “chính” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thiếu công bằng, chính trực. Hồ Chí Minh dạy: “Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con, bầu bạn mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình”. Mà “dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm)5. Cùng với bệnh “thích dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, chán ghét người chính trực” là hàng loạt các hiện tượng không lành mạnh khác, không phải chỉ diễn ra hơn nửa thế kỷ trước, mà vẫn đang tồn tại hôm nay. Đó là thiếu tinh thần rộng rãi, mất dân chủ, nặng thành kiến. Và nguy hiểm hơn là vì cái tâm vẩn đục, trí tuệ thấp, không có bản lĩnh nên “bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt”6.

Trong việc “dùng người” và đào tạo cán bộ, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc khiến cho cán bộ có gan đề ra ý kiến, có gan phụ trách, có gan làm việc. Đây là một tư duy sớm về đổi mới công tác cán bộ. Không có những cán bộ tốt, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẽ không có một xã hội giàu mạnh, văn minh. Cán bộ không cả gan đề ra ý kiến, thì nội bộ của Đảng sẽ âm u, mất dân chủ. Không có gan phụ trách, thì cán bộ chỉ là những cái máy, ỷ lại. Vì vậy, “phải đào tạo một mớ cán bộ phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc. Có thế Đảng mới thành công. Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo, đập đi, hò đứng, không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng”7. Đó cũng là tình trạng đang diễn ra hiện nay, tuy không phổ biến, nhưng rất đáng lo ngại. Cán bộ thường thì không dám nói; cán bộ quản lý khi có khuyết điểm thì không dám nhận khuyết điểm, không thích mọi người đề ra ý kiến, chỉ thích cấp dưới tâng bốc mình.

Về việc sử dụng cán bộ, phải có bản lĩnh (có gan) cất nhắc cán bộ. Điều này biểu hiện trước hết là dám sử dụng người tài. Họ có thể có chỗ tốt, chỗ xấu. Bản lĩnh và trí tuệ của người làm công tác cán bộ là biết nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu. Đừng sợ mất địa vị mà dìm người tài. Lãnh đạo có tâm, có trí tuệ, bản lĩnh là biết dùng người, biết dùng những người tài giỏi hơn mình, là làm cho tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo kém trí tuệ là không biết dùng người và đi tới chỗ thui chột tài năng.

Hồ Chí Minh chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa giải thích thuyết phục, cảm hóa, dạy bảo với xử phạt. Trong công tác cán bộ trước hết và chủ yếu là thuyết phục, cảm hóa. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. “Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn dùng không xử phạt là không đúng”8. Hiện nay, chỗ này chỗ khác đang có một thực tế do người quản lý không có động cơ trong sáng, nên cất nhắc cán bộ không phải vì công tác, tài năng mà vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, vì quan hệ, vì lợi ích cá nhân. Cách làm đó rõ ràng không làm cho mọi người “tâm phục, khẩu phục” mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng như Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Người coi đó là cách làm “có tội với Đảng, có tội với đồng bào”9. Từ việc đánh giá cao vai trò, vị trí của cán bộ, Người đã bàn đến sự thành công và thất bại đều liên quan tới cán bộ tốt hay kém.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các giáo sư, cán bộ giảng dạy các trường ĐH và THCN (12/1958). Ảnh tư liệu.
Công tác cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta hiện nay

Thực tiễn vừa qua, dưới những tác động tiêu cực của cơ chế kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã làm cho không ít cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có những biểu hiện“ cua cậy càng, cá cậy vây”, quan liêu, xa dân, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, lợi dụng chức vụ, quyền hạn sa vào chủ nghĩa cá nhân, bè phái, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, lãng phí,… làm xói mòn niềm tin của Nhân dân với Đảng, với chế độ. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát hàng chục vạn tổ chức đảng và hàng triệu đảng viên; thi hành kỷ luật hơn 1.000 tổ chức đảng và hơn 87.000 đảng viên, trong đó, có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, kể cả đương chức và đã nghỉ hưu, cả cán bộ liên quan đến nhân sự đại hội đảng bộ các cấp…10.

Để nâng cao hiệu quả công tác cán bộ cần tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức trong thời gian vừa qua. Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức sẽ chú trọng đến việc tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên đăng ký và tự giác thực hiện chuẩn mực đạo đức, trách nhiệm nêu gương. Đồng thời, cần phải có những quy định, những nội quy cụ thể để đảng viên thực hiện chuẩn mực đạo đức đó. Tinh thần trách nhiệm nêu gương không phải tự nhiên mà có, không phải tự nó tồn tại, mà phải thông qua giáo dục, rèn luyện và các biện pháp, chế tài của Đảng và pháp luật.

Ngoài ra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công tác cán bộ, đổi mới hình thức tuyển dụng, sử dụng cán bộ, coi trọng “thực học, thực tài”; nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược, nguồn nhân sự chất lượng cao; trao quyền, gắn trách nhiệm, lựa chọn người có đủ tài, đức, trí, dũng, nhân, nghĩa đối với những vị trí lãnh đạo của cơ quan, sở, ngành; tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, cán bộ, công chức phải luôn quan niệm “dân là gốc”, hết mình phụng sự nhân dân, việc gì có lợi cho dân thì phải ra sức làm; tạo môi trường dân chủ trong làm việc để cấp dưới dám nghĩ, dám tham mưu, cấp trên dám nói, dám làm…

Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đi đôi với việc củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. Đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ – nội dung then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2002, tr. 274, 277, 278, 279, 105, 641,279, 281, 284.
10. Thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ chủ chốt các cấpdaihoi13dangcongsan.vn, ngày 25/12/2020
TS. Nguyễn Hoàng Anh
Học viện Hành chính Quốc gia