Tăng cường ý thức kỷ luật của đội ngũ viên chức đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

(Quanlynhanuoc.vn) – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhận định: “Một bộ phận viên chức còn có hành vi ứng xử chưa đúng với quan điểm, quy tắc và chuẩn mực đạo đức trong hoạt động nghề nghiệp của mình, thậm chí còn có hành vi vi phạm pháp luật; có lối sống bàng quan, thực dụng; sa ngã trước sức cám dỗ của vật chất và sức hút của đồng tiền, dẫn đến những hành vi “lệch chuẩn”, thậm chí là vi phạm nghiêm trọng đạo đức, vi phạm kỷ cương, kỷ luật và vi phạm pháp luật”1. Từ đó cho thấy, việc tăng cường ý thức kỷ luật cho đội ngũ viên chức hiện nay là yêu cầu cấp thiết.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Khái quát thực trạng ý thức kỷ luật của đội ngũ viên chức ở nước ta hiện nay

Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng đã tạo được những chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị. Quá trình tự phê bình và phê bình đã góp phần đấu tranh với những suy nghĩ và hành vi sai trái nhằm cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đạt được một số kết quả. Nhận thức, trách nhiệm của viên chức về phòng, chống tham nhũng, lãng phí được nâng lên2.

Tuy nhiên, theo đánh giá tại Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thì năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái. Một số nơi tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

Nhiều tổ chức đảng, đảng viên, viên chức còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị (TTCT), đạo đức, lối sống (ĐĐLS) dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc3.

Một bộ phận viên chức còn có hành vi ứng xử chưa đúng với quan điểm, quy tắc và chuẩn mực đạo đức trong hoạt động nghề nghiệp của mình, thậm chí còn có hành vi vi phạm pháp luật; có lối sống bàng quan, thực dụng; sa ngã trước sức cám dỗ của vật chất và sức hút của đồng tiền, dẫn đến những hành vi “lệch chuẩn”, thậm chí là vi phạm nghiêm trọng đạo đức, vi phạm kỷ cương, kỷ luật và vi phạm pháp luật.

Một bộ phận viên chức chưa gương mẫu, chưa thực sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của Nhân dân và giải quyết kịp thời những quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của người dân. Năng lực, phẩm chất, ý thức kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu; chi phí không chính thức còn cao; còn tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Tham nhũng, lãng phí một số nơi còn nghiêm trọng4. Thực trạng trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Về nguyên nhân khách quan.

Tác động từ khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội trên thế giới sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu; từ mặt trái của kinh tế thị trường, những hoạt động lợi dụng sự phát triển của khoa học – công nghệ thông tin, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Những khó khăn, thách thức của các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh quốc tế hiện nay; nhiều vấn đề mới, phức tạp phát sinh từ thực tiễn nhưng chưa được lý giải và xử lý kịp thời, hiệu quả. Các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, dân tộc, tôn giáo và những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác của ta để xuyên tạc, bóp méo tình hình; cổ suý cho lối sống hưởng thụ, thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa; đồng thời, cấu kết với các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị hoạt động ráo riết, chống phá cách mạng ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn.

Về nguyên nhân chủ quan.

Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận viên chức trước hết là do bản thân những viên chức đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân.

Công tác giáo dục TTCT cho viên chức về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới; chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức về tình trạng suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và những hậu quả gây ra. Sinh hoạt đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi còn hình thức, đơn điệu. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lýluận chưa có chiều sâu, không theo kịp tình hình thực tế. Chưa chú trọng xây dựng, tuyên truyền, nhân rộng những mô hình mới, điển hình tiên tiến, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.

Một số nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng có nội dung chưa sát thực tiễn, thiếu tính khả thi và thiếu chế tài xử lý. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp chưa có quyết tâm chính trị cao; việc cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện ở một số địa phương, đơn vị còn chung chung, chỉ đạo thiếu quyết liệt, còn trông chờ, ỷ lại cấp trên. Việc xử lý viên chức vi phạm còn nương nhẹ, nể nang, thiếu cương quyết.

Chưa có cơ chế khen thưởng những tập thể, cá nhân tổ chức thực hiện nghị quyết sáng tạo, có hiệu quả và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc. Thiếu cơ chế để xử lý, thay thế kịp thời những viên chức lãnh đạo, quản lý yếu về năng lực, giảm sút uy tín, trì trệ trong công tác, kém hiệu quả trong phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Chậm ban hành quy định xử lý tổ chức, cá nhân có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật của Đảng chưa nghiêm, còn có biểu hiện “nhẹ trên, nặng dưới”. Công tác quản lý viên chức còn thiếu chặt chẽ. Nguyên tắc tập trung dân chủ ở nhiều nơi bị buông lỏng; nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm, chưa có cơ chế để bảo vệ người đấu tranh phê bình. Sự phối hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử chưa chặt chẽ, xử lý chưa đủ nghiêm minh. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu; việc kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức5.

Tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn thấp, chưa được củng cố kịp thời. Chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc; chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung. Công tác kiểm tra ở một số nơi chưa thường xuyên, quyết liệt, thiếu trọng tâm, trọng điểm; công tác giám sát còn hẹp về phạm vi, đối tượng, kết quả chưa thực chất.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy một số cơ quan tham mưu, giúp việc cấp uỷ mới chỉ tập trung vào tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, chưa coi trọng nâng cao chất lượng hoạt động, gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Số lượng cán bộ cấp xã và đội ngũ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công vẫn còn quá lớn; phẩm chất, năng lực, uy tín còn nhiều hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới6.

Một số nhiệm vụ và giải pháp tăng cường ý thức kỷ luật của đội ngũ viên chức ở nước ta trong thời gian tới

Để tăng cường ý thức kỷ luật của đội ngũ viên chức ở nước ta trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, tăng cường vai trò của pháp luật đối với đội ngũ viên chức. Bởi, mỗi xã hội vận động, phát triển ổn định được đều nhờ đến một hệ thống phức tạp những chuẩn mực tương tác nhau, vừa kìm trói, vừa định hướng, vừa giải phóng năng lực hoạt động, các hành vi của cá nhân theo một phương thức sản xuất, một hình thái kinh tế – xã hội nhất định.

Trong số các hệ thống chuẩn mực xã hội phức tạp ấy thì sự tương tác của hai hệ thống chuẩn mực pháp luật và đạo đức có ý nghĩa rất quan trọng đến sự phát triển cái đúng và cái tốt của đời sống xã hội, nhất là ý thức kỷ luật của đội ngũ viên chức. Hệ thống chuẩn mực luật pháp đặc trưng cho công lý, xét đoán và quyết định những hành viđúng sai của xã hội. Nó có cả một hệ thống thiết chế tòa án, công an, nhà tù để cổ vũ cái đúng, trừng trị và ngăn chặn cái sai. Chuẩn mực pháp lý là loại chuẩn mực bắt buộc đối với tất cả mọi người sống trong một quốc gia, buộc họ phải làm, phải tuân theo.

Hai là, chú trọng kết hợp linh hoạt các phương pháp và hình thức kiểm tra, giám sát. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao công tác kiểm tra, giám sát. Người đã thường xuyên nhắc nhở: “Các cấp, các ngành nếu tổ chức tốt việc kiểm tra, giám sát cũng như “ngọn đèn pha”, bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm chúng ta đều biết rõ. Có thể nói chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra, giám sát. Nếu tổ chức kiểm tra, giám sát chu đáo thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười, gấp trăm”7.

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quyết định số 99- QĐ/TW ngày 03/10/2017 của Bộ Chính trị về ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc trung ương tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ viên chức trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Ba là, quy định rõ và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; có cơ chế khuyến khích, khơi dậy tinh thần cống hiến vì đất nước, tạo động lực và áp lực để mọi viên chức hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, tận tụy phục vụ Nhân dân; có cơ chế bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, làm tốt chức năng hỗ trợ, thúc đẩy phát triển. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của viên chức. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước. Kiên trì giáo dục, rèn luyện viên chức về đức tính liêm khiết, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí. Xây dựng đội ngũ viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo dựa trên cơ chế cạnh tranh về tuyển dụng, chế độ đãi ngộ và đề bạt; có phẩm chất đạo đức tốt và bản lĩnh chính trị vững vàng8.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập và có chính sách nhà ở, bảo đảm cuộc sống để viên chức yên tâm công tác. Tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động là cơ sở để tăng lương. Thực hiện trả lương cho viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Điều chỉnh quan hệ phân phối thu nhập; tiếp tục hoàn thiện chính sách tiền lương, tiền công trong khu vực doanh nghiệp theo hướng Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu; đồng thời, tăng cường cơ chế thương lượng, thỏa thuận tiền lương theo nguyên tắc thị trường. Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ9.

Năm là, đẩy mạnh công tác chọn lọc, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức có đức, có tài, có bản lĩnh chính trị dựa trên cơ chế cạnh tranh về tuyển dụng, chế độ đãi ngộ, đề bạt và đánh giá công bằng. Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế lựa chọn, đánh giá, sàng lọc khách quan để nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức. Bảo đảm phát hiện chính xác vàxử lý công minh, kịp thời mọi hành vi vi phạm, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm và tội phạm, không để lọt vi phạm, tội phạm, không làm oan người vô tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

Viên chức vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, cách chức đến buộc thôi việc; bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Kiên quyết phê phán, xử lý nghiêm minh những viên chức thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu dân10.

Sáu là, áp dụng đúng hình thức kỷ luật viên chức theo quy định của pháp luật về viên chức, nhất là quy định của Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019). Theo đó, viên chức bị khiển trách thì thời hạn nâng lương bị kéo dài 3 tháng; bị cảnh cáo thì thời hạn nâng lương bị kéo dài 6 tháng. Trường hợp viên chức bị cách chức thì thời hạn nâng lương bị kéo dài 12 tháng, đồng thời bố trí vị trí việc làm khác phù hợp. Viên chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. Viên chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được bổ nhiệm, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết nghỉ hưu hoặc thôi việc. Viên chức quản lý đã bị kỷ luật cách chức do tham nhũng hoặc bị tòa án kết án về hành vi tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí quản lý.

Viên chức bị cấm hành nghề hoặc bị hạn chế hoạt động nghề nghiệp trong một thời hạn nhất định theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, nếu không bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc thì phải bố trí viên chức đó vào vị trí việc làm khác không liên quan đến hoạt động nghề nghiệp bị cấm hoặc bị hạn chế. Viên chức bị xử lý kỷ luật, bị tạm đình chỉ công tác hoặc phải bồi thường, hoàn trả theo quyết định của cấp có thẩm quyền nếu thấy không thỏa đáng thì có quyền khiếu nại, khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết theo trình tự do pháp luật quy định.

Bảy là, xử lý nghiêm minh viên chức vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Đồng thời, truy cứu trách nhiệm hình sự bất cứ viên chức nào phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Chú thích:
1, 4, 6, 8, 9, 10. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII. Tập 1. H.NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2021, tr. 43, 43, 40, 365, 378 – 378, 130.
2. Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng các năm 2016, 2017, 2018, 2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng: đã tổ chức 147.693 lớp tập huấn, hội nghị, cuộc họp để quán triệt, giới thiệu về phòng, chống tham nhũng với hơn 6,7 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức và người dân tham gia.
3, 5. Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăngcường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
7. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 288.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
2. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
3. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Hoa
Học viện Báo chí Tuyên truyền
ThS. Phan Thị Hải Hà
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội