Tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quý II năm 2021

(Quanlynhauoc.vn) – Kết quả điều tra lao động việc làm quý II cho thấy thị trường lao động chưa có dấu hiệu khả quan so với quý I. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm đều tăng so với quý trước.

 

Lao động thiếu việc làm trong độ tuổi quý II năm 2021 là 1,1 triệu người.
Bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước

Bước sang năm 2021, bức tranh kinh tế toàn cầu có nhiều “điểm sáng” hơn bởi các nền kinh tế lớn đã dần phục hồi sau những tổn thất nặng nề do dịch Covid -19 gây ra. Trong quý II, các tổ chức quốc tế đều đưa ra những nhận định khả quan hơn, Ngân hàng thế giới và Liên minh Châu Âu đều dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 5,6% trong năm 2021; Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến GDP toàn cầu sẽ tăng 6%; tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2021 là 5,8%1. Các nền kinh tế lớn trên thế giới như: Mỹ, Trung Quốc đều có phục hồi đáng kể.

Theo Báo cáo Triển vọng việc làm và xã hội thế giới – xu hướng năm 2021 của tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cuộc khủng hoảng thị trường lao động do đại dịch Covid -19 tạo ra mất thời gian dài nữa mới kết thúc và tăng trưởng việc làm sẽ không đủ bù đắp cho những thiệt hại ít nhất là đến năm 2023. Dự báo tiến trình phục hồi việc làm toàn cầu sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2021, nếu dịch Covid – 19 được kiểm soát.

Ở trong nước, làn sóng dịch Covid – 19 lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4 đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý II, đặc biệt các thành phố kinh tế trọng điểm lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của các bộ, ngành, địa phương là thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Kết quả điều tra lao động việc làm quý II cho thấy thị trường lao động chưa có dấu hiệu khả quan so với quý I. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm đều tăng so với quý trước.

Tác động của dịch Covid -19 đến tình hình lao động việc làm

 

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê tại buổi họp báo, ngày 06/7/2021, tác động của dịch Covid -19 đến tình hình lao động việc làm cụ thể như sau:

Thứ nhất, làn sóng dịch Covid – 19 lần thứ 4 đã làm nghiêm trọng hơn những tác động tiêu cực đến người lao động. Trong quý II, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid – 19, bao gồm: người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn cách việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm lao động ở độ tuổi từ 25 – 54 với 75% lao động bị ảnh hưởng. Đáng lưu ý, lao động khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều hơn so với khu vực nông thôn.

Thứ hai, trong quý II năm 2021, dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm trước khi có dịch Covid – 19. Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng cách ứng phó của người lao động và người chủ sử dụng lao động trước đại dịch trong năm nay có nhiều thay đổi so với năm 2020 đã góp phần làm gia tăng đáng kể số người tham gia lực lượng lao động so với cùng kỳ năm trước.

Thứ ba, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, lao động có việc làm trong quý II năm 2021 giảm so với quý trước; lao động có việc làm phi chính thức tiếp tục tăng, đưa quý II năm 2021 trở thành quý có tỷ lệ lao động phi chính thức ở mức cao nhất so với các quý khác trong vòng 3 năm trở lại đây. Điều này chứng tỏ những diễn biến khó lường của dịch Covid – 19 đã không chỉ tước đi cơ hội có việc làm của 1,8 triệu lao động mà còn đẩy 1,4 triệu lao động khác rơi vào trạng thái dễ bị tổn thương do không có việc làm chính thức.

Thứ tư, dịch vụ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid – 19. So với quý trước, lao động làm việc ở khu vực này sụt giảm cả về số lượng và tỷ trọng, số người thiếu việc làm ở khu vực này tăng cao.

Thứ năm, thu nhập bình quân tháng của người lao động đạt 6,1 triệu đồng, giảm so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Đà phục hồi và tăng trưởng thu nhập bình quân từ công việc chính của người lao động bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid – 19. Trong đó, người lao động làm việc ở khu vực công nghiệp và xây dựng bị ảnh hưởng về thu nhập nhiều nhất; riêng thu nhập bình quân tháng của lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng. Đây là khu vực duy nhất có mức thu nhập bình quan tăng so với quý trước.

Thứ sáu, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi tăng so với quý trước và dao động xung quanh mức 2%. Trên thực tế, dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp đã tước đi hy vọng về khả năng tìm kiếm được việc làm của người lao động. Chính vì vậy, khi mất việc, thay vì tích cực đi tìm việc làm khác, người lao động lại tin là không thể tìm được việc làm và chấp nhận tạm thời rời khỏi lực lượng lao động, trở thành lao động không sử dụng hết tiềm năng trong nền kinh tế. Điều này làm số lượng người thất nghiệp không tăng tương ứng với số người thất nghiệp bị đẩy ra khỏi thị trường lao động và khiến thị trường lao động không tăng cao.

Thứ bảy, trong “cơn bão” đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (14 đến 24 tuổi) duy trì ở mức cao. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập hoặc đào tạo tiếp tục tăng. Trong quý II, cả nước có gần 2 triệu thanh niên từ 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo, tăng 243 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị; và, ở nữ thanh niên cao hơn nhiều so với nam thanh niên.

Thứ tám, hiện vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ; việc tận dụng nhóm lao động này trở lên hạn chế hơn trong bối cảnh dịch Covid – 19. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là chỉ tiêu tổng hợp cho biết mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường, phản ánh tình trạng dư cung về lao động. Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng luôn tồn tại. Tỷ lệ này thường tăng cao khi thị trường chịu các cú sốc về kinh tế – xã hội. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của khu vực thành thị tăng so với quý trước trong khi đó tỷ lệ này ở khu vực nông thôn giảm. Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người dưới 35 tuổi. Điều này cho thấy, Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, việc nghiên cứu các chính sách để tận dụng nhóm lao động này trở lên cần thiết.

Thứ chín, số lao động làm công việc tự tiêu khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản ghi nhận mức tăng cao nhất so với nhiều năm trở lại đây. Hầu hết lao động sản xuất tự sản tự tiêu không có bằng cấp, chứng chỉ. Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi, yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như dịch Covid – 19 bùng phát mạnh ảnh hưởng lớn tới tình hình lao động việc làm, cơ hội để nhóm lao động này có một công việc trên thị trường lao động sẽ trở lên khó khăn hơn.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động trong thời gian tới

Những con số thống kê về tình hình lao động việc làm quý II năm 2021 đã phản ánh những khó khăn và biến động của nền kinh tế nói chung và thị trường lao động Việt Nam nói riêng trong thời gian qua. Những khó khăn này là thách thức lớn đối với các nỗ lực của Chính phủ trước mục tiêu kép: vừa phát triển kinh tế vừa chiến thắng đại dịch. Để hoàn thành mục tiêu này, Việt Nam cần tập trung một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục thực hiện kiên định mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động. Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin để đạt được miến dịch cộng đồng, đặc biệt ưu tiên cho các lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghệp, khu chế xuất để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Hai là, chủ động và tích cực triển khai hiệu quả 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid – 19 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021. Ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Ba là, có các chương trình, chính sách khuyến khích thanh niên và lao động trẻ, đặc biệt là những người lao động không có việc làm, không tham gia học tập đào tạo tích cực; nâng cao trình độ để sẵn sàng chủ động gia nhập thị trường lao động với hành trang là các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong thời đại kỷ nguyên số.

Bốn là, nâng cao vai trò của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước nhằm tăng cường kết nối cung – cầu lao động, tạo niềm tin cho người lao động về cơ hội có việc làm, rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động, thời gian tuyển dụng của người sử dụng lao động, tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, góp phần tăng trưởng và giải quyết việc làm cho người lao động.

Năm là, tập trung hỗ trợ nhiều hơn đến đối tượng yếu thế trong xã hội (buôn bán nhỏ, lao động phi chính thức, …) vì đây là những đối tượng dễ bị tổn thương khi việc thực hiện giãn cách xã hội, bằng những hỗ trợ thiết thực; để giảm thiểu những tác động tiêu cực về mặt xã hội.

Chú thích:
1. Tổng cục Thống kê. Báo cáo tác động của dịch Covid – 19 đến tình hình lao động, việc làm, quý II năm 2021. Hà Nội, ngày 06/7/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Tổng cục Thống kê. Thông cáo báo chí tình hình lao động, việc làm, quý II và 6 tháng đầu năm 2021. Hà Nội, ngày 06/7/2021.
2. Tổng cục Thống kê. Thông cáo báo chí về kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2020. Hà Nội, ngày 29/6/2021.

Hoàng Trang