Bảo đảm quyền được giáo dục của trẻ em theo quy định của pháp luật hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Nhà nước ta luôn bảo đảm cho mọi trẻ em được đối xử bình đẳng, có điều kiện thuận lợi nhất để phát triển và được hưởng các quyền cơ bản của trẻ em. Trong số các quyền của trẻ, quyền giáo dục là một trong những quyền nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, đây cũng là một quyền còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu và đề xuất. Bài viết trên cơ sở nghiên cứu các quy định hiện hành về quyền giáo dục của trẻ em, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hơn nữa quyền được giáo dục và đào tạo của trẻ em ở Việt Nam.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Quy định về quyền giáo dục của trẻ em

Giáo dục là một lĩnh vực rộng lớn, bao quát từ những nội dung về mục tiêu, tính chất, nguyên lý giáo dục, hệ thống giáo dục quốc dân, nội dung và phương pháp giáo dục, chương trình giáo dục đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân, nhiệm vụ và quyền của người học, quản lý nhà nước về giáo dục, trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội… Quyền giáo dục, học tập là quyền tối quan trọng thuộc nhóm quyền văn hóa trong các nhóm quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.

Quyền được giáo dục (học tập) được ghi nhận từ rất sớm trong các công ước quốc tế về quyền con người. Đầu tiên được đề cập trong khoản 1 Điều 26 Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1984, trong đó nêu rõ: “Mọi người đều có quyền được học tập. Giáo dục phải được miễn phí, ít nhất là ở các bậc tiểu học và trung học cơ sở. Giáo dục tiểu học phải là bắt buộc”. Tiếp đó, Điều 11 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế – xã hội và văn hóa năm 1966 quy định: “Các quốc gia hội viên ký kết Công ước này thừa nhận cho mọi người quyền được hưởng giáo dục. Giáo dục phải nhằm phát huy đầy đủ nhân cách và nhân phẩm, tăng cường sự tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản…”. Cụ thể hóa quyền giáo dục của trẻ em, Công ước quyền trẻ em quy định như sau: “Các quốc gia thành viên thừa nhận quyền của trẻ em được học hành, và để từng bước thực hiện quyền này trên cơ sở bình đẳng về cơ hội, phải: a. Thực hiện chính sách giáo dục tiểu học bắt buộc, sẵn có và miễn phí cho tất cả mọi người;…” (Điều 28 – 29 Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em).

Việt Nam, với tư cách là một nước thành viên tích cực tham gia và thực hiện Công ước quyền trẻ em với phương châm, coi “giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu”, từ đó, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến quyền được giáo dục của trẻ em, như bản Hiến pháp đầu tiên: “Trẻ em được quyền săn sóc, giáo dưỡng” (Điều 14 Hiến pháp năm 1946), thực hiện “… nền sơ học cưỡng bách và không học phí… Học sinh nghèo được Chính phủ giúp…” (Điều 15). Những nguyên tắc hiến định mang đậm tinh thần vì trẻ em, tiếp tục được khẳng định và phát triển trong các bản Hiến pháp sau này (năm 1959, 1980, 1992, 2013).

Từ quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam đã thể chế hóa quyền của trẻ em trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, tạo thành một hệ thống các văn bản pháp luật về quyền trẻ em nói chung và quyền học tập của trẻ em nói riêng. Hiện nay, các quy định điều chỉnh quyền học tập của trẻ em được quy định cụ thể tại Hiến pháp năm 2013, Luật Trẻ em năm 2016, Luật Giáo dục năm 2019.

Để bảo đảm quyền bình đẳng và cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật, chúng ta đã tham gia Công ước Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật (UNCRPD), đồng thời, Luật Người khuyết tật năm 2010 và Luật Trẻ em năm 2016 đều có những quy định nhằm bảo đảm sự chăm sóc và phúc lợi cho người khuyết tật, bảo đảm quyền bình đẳng và cơ hội giáo dục đầy đủ cho mọi công dân.

Pháp luật ở nước ta cũng quy định rõ nghiêm cấm hành vi cản trở việc học tập của trẻ em. Các văn bản pháp luật luôn chú ý đến việc quy định các chính sách để bảo vệ quyền đó, nhất là trách nhiệm, nghĩa vụ của gia đình, nhà trường, các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội. Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nêu nghĩa vụ cha mẹ với con cái. Điều 99 Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “2. Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập, hoàn thành chương trình giáo dục phổ cập theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho trẻ em theo học ở trình độ cao hơn”. Ngoài ra, còn có các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục đào tạo, như tại Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 05/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo giai đoạn 2012 – 2015.

Như vậy, các văn bản pháp luật hiện hành đã tập trung vào nguyên tắc bảo đảm quyền và phúc lợi của trẻ em với quan điểm ưu tiên, bình đẳng, không phân biệt đối xử, chú trọng đến giáo dục, học tập. Bên cạnh pháp luật, một hệ thống các thiết chế được thành lập để huy động các lực lượng, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các cá nhân để bảo đảm quyền giáo dục của trẻ em.

Thực tiễn pháp luật về bảo đảm quyền được giáo dục của trẻ em tại Việt Nam

Từ việc quan tâm và chăm lo đến phát triển giáo dục – đào tạo cùng với các chính sách, pháp luật phù hợp trong những năm qua, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu trong việc bảo đảm quyền giáo dục của trẻ em.

Thứ nhất, đó là quyền của trẻ em được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân.

Để thực hiện quyền được giáo dục của trẻ, chúng ta đã nỗ lực từng bước để thực hiện các chiến dịch: phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, trẻ em học bậc tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập không phải trả học phí. Đây là một quy định nhằm khuyến khích học tập ở trẻ em nói riêng và công tác xã hội hóa giáo dục nói chung của đất nước ta.

Năm 2000, Việt Nam đã hoàn thành phổ cập tiểu học, vượt trước 15 năm so với thời hạn của mục tiêu thiên niên kỷ. Hiện nay, tất cả các tỉnh, thành phố đều đạt phổ cập trung học cơ sở (THCS) và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Chỉ tiêu về đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trên toàn quốc cho trẻ 5 tuổi đã hoàn thành ngay từ đầu năm 2017 với tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,98%. Bên cạnh đó, cả nước đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó có 18/63 tỉnh, thành phố đạt mức độ; cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1, trong đó có 19/63 tỉnh, thành phố đạt mức độ 2, mức độ 3…1.

Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, có 8,3% trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đến trường, giảm 12,6 điểm phần trăm so với năm 1999 và giảm 8,1 điểm phần trăm so với năm 2009 (năm 1999: 20,9%; năm 2009: 16,4%). Tỷ lệ trẻ em không đến trường của nam giới cao hơn 1,7 điểm phần trăm so với nữ giới. Như vậy, sau 20 năm, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường đã giảm được gần hai phần ba. Đây là một trong những thành tựu rất đáng ghi nhận trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam trong hai thập kỷ qua2.

Để bảo đảm quyền được giáo dục của trẻ, Nhà nước tiến hành đầu tư xây dựng nhiều trường học, đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị trường học thông minh để trẻ em được tiếp cận môi trường giáo dục một cách tốt nhất. Việc tăng nguồn nhân lực cho lĩnh vực giáo dục – đào tạo, từ năm 2010 đến nay, chúng ta vẫn ưu tiên duy trì mức 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đặc biệt thông qua việc miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm và có chính sách thu hút, hỗ trợ giáo viên đến công tác tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, như: miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí cho học sinh, sinh viên nghèo; hỗ trợ phát triển giáo dục đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), người khuyết tật…

Bên cạnh đó, việc giảng dạy bằng tiếng DTTS cũng được triển khai tại 20 tỉnh với 7 thứ tiếng DTTS. Tính đến hết năm học 2014 – 2015, đã có 5.515 lớp học chữ tiếng dân tộc với 124.246 học sinh theo học các tiếng Chăm, Khơ-me, Ê-đê, Ba-na, Gia-rai, Hơ-mông. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang hợp tác với UNICEF thí điểm thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ3.

Thứ hai, bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng, được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh của trẻ em.

Không còn sự phân biệt nam nữ về việc tiếp cận giáo dục với trẻ em. Bậc tiểu học, tỷ lệ đi học chung của trẻ em trai là 101,1%, của trẻ em gái là 100,8%; bậc THCS tương ứng là 92,2% và 93,5%; bậc THPT, tỷ lệ đi học chung của trẻ em trai thấp hơn trẻ em gái 7,1 điểm phần trăm (đánh giá về tỷ lệ đi học chung theo giới tính, ở cấp học thấp (tiểu học và THCS)4. Ngoài ra, còn có nhiều biện pháp để bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng không phân biệt đối xử cho trẻ em khuyết tật. Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), từ năm 2016 – 2017, tại Việt Nam có 94,2% trẻ em khuyết tật tham gia học tập ở các trường học thông thường5. Đối với việc phát triển tài năng, năng khiếu, sự sáng tạo của trẻ cũng nhận được sự quan tâm rất nhiều từ cha mẹ trẻ và sự hỗ trợ của nhà trường, trung tâm, các cơ sở giáo dục quan tâm đến việc phát triển toàn diện cho trẻ em, tôn trọng những sáng tạo, ý tưởng của trẻ.

Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận việc thực hiện quyền được giáo dục của trẻ em ở Việt Nam còn tồn tại những hạn chế nhất định. Đó là, sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục với chính sách hộ khẩu, khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS; giáo dục về nhân quyền trong các cấp học chưa được đầu tư thỏa đáng. Chi phí giáo dục khá cao so với thu nhập của người dân đặc biệt là khu vực thành thị. Trẻ em DTTS còn gặp rào cản về ngôn ngữ khi bắt đầu tới trường. Một bộ phận trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa được tiếp cận với giáo dục.

Quyền học tập là quyền của trẻ em được dạy những kiến thức và kỹ năng để trẻ có thể tự mình đứng vững trong xã hội. Hiện nay, ở thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn, trẻ em bị đối mặt với ở các chương trình học quá tải, việc học chiếm một quỹ thời gian quá lớn khiến cho nhiều trẻ không có thời gian vui chơi, tự do phát triển. Có những em số buổi học thêm bằng số buổi học chính của các em ở trường.

Các nội dung học thường xuyên thay đổi, ví dụ như các chương trình cải cách sách giáo khoa gây hoang mang cho người học dẫn đền nhiều trẻ em không thấy được niềm vui trong học tập trong những năm gần đây. Tình trạng bạo lực học đường vẫn xảy ra và một số vấn đề về giáo dục giới tính cho trẻ em trong trường học chưa được quan tâm đúng mực.

Đối với trẻ em khuyết tật, nhiều trẻ em khuyết tật không tiếp cận được các chương trình giáo dục vì thiếu các cơ sở giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật. Chưa có không gian, môi trường để trẻ em khuyết tật được học tập, sáng tạo theo cách của các em.

Nguồn lực đầu tư cho giáo dục có hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm chất lượng giáo dục trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, hội nhập quốc tế. Việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh chưa được chú ý đúng mức cả về nội dung và phương pháp. Giáo dục phổ thông mới quan tâm nhiều đến “dạy chữ”, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng sống, đến “dạy người” và “dạy nghề” cho học sinh; việc thi cử còn nặng về điểm số dẫn đến gây áp lực cho học sinh…

Khuôn khổ pháp luật Việt Nam về quyền được giáo dục cho trẻ em mặc dù đang từng bước được hoàn thiện nhưng vẫn có những bất cập. Qua kết quả nghiên cứu, rà soát và phân tích cho thấy, vẫn còn nhiều quy định trong các đạo luật hiện hành chưa tương thích với các quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Chẳng hạn, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 chưa quy định thiệt hại được bồi thường do vi phạm quyền học tập của công dân; Luật Giáo dục năm 2019 mới chỉ quy định phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS nhưng chưa có quy định ưu tiên phát triển giáo dục ở vùng hải đảo; các chính sách, pháp luật để hỗ trợ người khuyết tật ban hành ở cấp quốc gia đã được áp dụng và triển khai trên toàn quốc. Tuy nhiên, tùy thuộc vào các nguồn lực địa phương, việc thi hành và thực hiện chính sách đa dạng và mức độ của dịch vụ trợ giúp người khuyết tật là khác nhau.

Một số kiến nghị, đề xuất

Trên cơ sở những ưu điểm và hạn chế của việc bảo đảm quyền học tập của trẻ em ở Việt Nam, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục thực hiện các bước như sau:

Một là, quyền học tập của trẻ em liên quan đến hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội và đang được xã hội hóa. Vì vậy, cần hình thành một hệ thống pháp luật quy định toàn diện đồng bộ, cụ thể và có tính khả thi cho việc bảo đảm quyền học tập của trẻ em. Tính ràng buộc của pháp luật là cơ sở để toàn xã hội hành động vì quyền học tập của trẻ em.

Hai là, các quy định của pháp luật phải được hướng dẫn thi hành một cách nhanh chóng và thống nhất, tránh chồng chéo khó áp dụng và hướng đến quyền học tập của trẻ em, tránh tình trạng coi trẻ em là các chủ thể thụ động và chỉ chú ý đến các quyền mà người lớn dành cho trẻ em, xem nhẹ các quyền do chính trẻ em thực hiện.

Mặt khác, các quy định của pháp luật cần phải được cụ thể, trách tình trạng quy định của pháp luật mang tính định hướng, chung chung, dẫn tới khó áp dụng trên thực tế làm giảm hiệu quả của hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đồng thời, cần phải có các chế tài đủ mạnh để xử lý những vi phạm xâm phạm quyền được giáo dục của trẻ em.

Ba là, các quy định của pháp luật liên quan đến quyền trẻ em cần phải phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, phản ánh đúng trình độ phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Các quy định của pháp luật quốc gia phải tương thích với pháp luật quốc tế nói chung và Công ước về quyền trẻ em nói riêng.

Bốn là, Nhà nước cần có những quy định cụ thể về việc đầu tư, phát triển cơ sở vật chất để bảo đảm quyền giáo dục của trẻ em. Từ đó, mở rộng, tạo điều kiện thực hiện việc xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục một cách mạnh mẽ hơn nữa để bảo đảm quyền được giáo dục của trẻ em.

Năm là, chúng ta cũng nên xem xét phê chuẩn Công ước UNESCO về chống phân biệt đối xử trong giáo dục. Các quy định pháp luật hướng tới việc tiếp cận giáo dục có chất lượng cho trẻ em, đặc biệt với những nhóm trẻ em khuyết tật, trẻ em sinh sống ở khu vực nông thôn và miền núi. Quy định về giáo dục giới tính, các kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục, phòng, chống bạo lực trong nhà trường cho trẻ em trong các chương trình học.

Chú thích:
1. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu 9 thành tựu và 5 hạn chế của ngành Giáo dục. http://vietnamnet.vn, ngày 27/01/2021.
2, 4. Thành tựu giáo dục và đào tạo qua kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.  http://consosukien.vn, ngày 22/12/2020.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Báo cáo quốc gia về giáo dục cho mọi người năm 2015 ở Việt Nam. http://unesdoc.unesco.org, truy cập ngày 22/9/2019.
5. Bảo đảm quyền tiếp cận toàn diện hệ thống giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật. http://www.qdnd.vn, ngày 20/3/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), 2013.
2. Luật Giáo dục năm 2005, 2019.
3. Luật Trẻ em năm 2016.
4. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004.
5. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
6. Luật Người khuyết tật năm 2010.
7. Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 05/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo giai đoạn 2012 – 2015.
8. Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em.
9. Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1984.
ThS. Bùi Thị Hường
Viện Nhà nước và Pháp luật – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam