Đại tướng Võ Nguyên Giáp với việc cải tổ bộ máy hành chính của Chính phủ lâm thời và bài học cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013) là vị tướng tài ba, lỗi lạc của Việt Nam và là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã có nhiều công lao to lớn đối với đất nước trong nhiều lĩnh vực: quân sự, ngoại giao, giáo dục, văn hóa… Một nhân cách lớn về đạo đức, hết lòng vì nước, vì dân. Ông còn là vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thời gian giữ cương vị này, Đại tướng Võ nguyên Giáp đã có những quan điểm chỉ đạo và cải tổ đối với bộ máy hành chính của Chính phủ lâm thời, góp phần cho Chính phủ mới hoạt động hiệu quả.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc với chuyên gia nước ngoài – Ảnh: hocvienpkkq.com
Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra một thời kỳ mới cho dân tộc. Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Nội các của Chính phủ lâm thời có 13 bộ và 15 vị bộ trưởng. Người được giao trọng trách làm Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Nội vụ là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng đã nhận trách nhiệm trước Chính phủ và Nhân dân, gánh trên vai trách nhiệm nặng nề, lo công việc Nội vụ của đất nước. Là lãnh đạo Bộ Nội vụ, ông thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, tổ chức chính quyền, an ninh, nội trị trong thời kỳ nước nhà mới giành được chủ quyền1.

Trong khoảng thời gian làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ từ ngày 28/8/1945 đến ngày 02/3/1946, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chính phủ, ký Sắc lệnh ban bố những vấn đề nội vụ, an ninh của đất nước. Các Sắc lệnh ông ký đã mang lại lợi ích to lớn cho một đất nước còn non trẻ trong hoàn cảnh thù trong, giặc ngoài. Sau 2 ngày nhận nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký Sắc lệnh số 01-SL ngày 30/8/1945 về việc cử ông Hoàng Minh Giám làm Đổng lý Chánh văn phòng Bộ Nội vụ. Đây là sắc lệnh đầu tiên của Bộ Nội vụ về bổ nhiệm nhân sự cho các bộ, ngành của đất nước.

Để giữ an toàn cho ngày Tuyên ngôn độc lập, ngày 01/9/1945 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 03-SL về tuyên bố “Thiết quân luật tại Hà Nội”, trong đó cấm đi lại trên phố từ 12h-6h sáng và không ai được mang khí giới, trừ những người có giấy phép.

Ngày 05/9/1945 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký Sắc lệnh số 05-SL về việc bãi bỏ cờ Quẻ ly và ấn định Quốc kỳ Việt Nam – lá cờ đỏ sao vàng năm cánh; cũng trong ngày 05/9/1945 thay mặt Chính phủ lâm thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký Sắc lệnh số 08-SL về việc giải tán “Đại Việt quốc gia xã hội Đảng” và “Đại Việt quốc dân Đảng”.

Được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phụ trách việc lập Ban dự thảo Hiến pháp, chỉ một thời gian ngắn sau đó, với sự giúp đỡ của các chuyên gia giàu kinh nghiệm, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp và Ban soạn thảo đã trình Quốc hội thông qua năm 1946 – đạo luật cơ bản đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Như vậy, chỉ trong khoảng 6 tháng với cương vị là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông đã tham mưu cho Chính phủ ban hành khoảng 100 sắc lệnh, trong đó có 30 sắc lệnh mà ông thay mặt Chính phủ ký ban hành là minh chứng sinh động, cụ thể cho vai trò đặc biệt quan trọng của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ảnh tư liệu TTXVN.
Những thành tựu về cải tổ bộ máy hành chính của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với vai trò là người đứng đầu Bộ Nội vụ giai đoạn từ 28/8/1945 – 03/02/1946

Là một trong 13 bộ của Chính phủ lâm thời, Bộ Nội vụ được phân công lãnh đạo, theo dõi hai lĩnh vực công tác là: tổ chức xây dựng, củng cố hệ thống chính quyền các cấp và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội. Tuy nhiên trên thực tế, Bộ Nội vụ đã phải đảm nhiệm hầu như công việc nội trị của Chính phủ2. Thời kỳ Chính phủ lâm thời (1945-1946) là một giai đoạn lịch sử tuy ngắn nhưng lại đặc biệt quan trọng, ghi nhận thắng lợi vĩ đại của toàn Đảng, toàn dân tộc trong cuộc vùng lên oanh liệt, quật cường, đánh dấu buổi sinh thành của một chế độ mới, chính quyền dân chủ nhân dân và ngành công tác xây dựng, tổ chức, điều hành chính quyền – Nhà nước kiểu mới mà cơ quan phụ trách chính là Bộ Nội vụ.

Thời kỳ này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lãnh đạo Bộ Nội vụ đã có nhiều đóng góp to lớn trong công tác nội trị, tổ chức xây dựng chính quyền cách mạng nhân dân non trẻ, điển hình là khẩn trương xây dựng, củng cố, bảo vệ thành công và phát huy tối đa công năng của hệ thống chính quyền cách mạng, phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh xây dựng cuộc sống mới, chống lại thù trong, giặc ngoài. Thắng lợi to lớn này đã góp phần xây dựng cơ sở vững chắc cho sự phát triển của chính quyền dân chủ nhân dân trong các giai đoạn sau. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời kỳ giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc cải tổ bộ máy hành chính Chính phủ lâm thời. Thể hiện ở những thành tựu sau:

Thứ nhất, cải tổ bộ máy hành chính công quyền của Chính phủ lâm thời.

Trong thời kỳ là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Đại tướng Võ nguyên Giáp đã ban hành những biện pháp cải bộ bộ máy công quyền đầu tiên của Chính phủ là xóa các ngạch quan lại cũ của bộ máy chính quyền thực dân, tổ chức các hệ thống các cơ quan chính quyền mới. Bộ máy hành chính gồm các Ủy ban nhân dân làng, huyện hay phủ, tỉnh. Ông cho đây là “một lợi khí để thực hiện chính sách quốc gia liên hiệp”3. Nhiệm vụ của các Ủy ban này là bãi bỏ chế độ quan lại, lý dịch cũ, đem cách tổ chức hành chính mới thay vào, thi hành chính sách của Chính phủ, đồng thời phải thực hiện nhiệm vụ an ninh, nội trị là duy trì trật tự chống lại nạn trộm cướp. Cụ thể:

Về biện pháp chống lại các tệ nạn trong bộ máy.

Trong giai đoạn này, theo ông “Trong lúc mới tổ chức các Ủy ban đó không khỏi phạm nhiều lỗi lầm khiến dư luận còn có chỗ hoang mang”4. Những lỗi này cũng được ông chỉ ra:

“1. Một số Ủy ban thực sự chưa phải là đại biểu của Nhân dân vì mới được cấp trên tạm đình chỉ ra làm, chưa được đông đảo dân chúng thừa nhận bằng một cuộc bầu cử thật rộng rãi.
2. Thi hành chính sách của Chính phủ chưa triệt để. Nhiều chỗ còn có tính chất địa phương, không chủ nghĩa.
3. Nhiệm vụ của ủy ban ấn định chưa được rõ ràng, sự phân công chưa được rành mạch, nhiều khi một người làm chưa đủ các việc, về ban quân sự lại làm cả việc tư pháp”5.

Do tồn tại những tệ nạn nhũng lạm này, trong bộ máy hành chính đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và hiệu quả của Chính phủ lâm thời, ông đề xuất hình thành bộ phận thanh tra, công tác thanh tra chính trị. Để loại bỏ được những khuyết điểm này, cần phải xóa bỏ những tệ nạn thường xảy ra tại thôn quê, trong Ủy ban các cấp làng, huyện và tỉnh. Bộ Nội vụ cũng đề xuất đặt ra ngạch thanh tra chính trị, phái đi các tỉnh miền Trung và Nam bộ. Nhiệm vụ của các thanh tra đó là “phải sống gần với dân, nghe ngóng các dư luận, cương quyết trừng trị những bọn nhũng lạm”6.

Cách để hạn chế những tiêu cực còn được ông đề xuất Chính phủ cho thi hành một số kế hoạch, thông cáo, chỉ thị gửi đi khắp nơi, các cuộc hội nghị hành chính toàn tỉnh, họp với các chủ tịch ủy ban làng, huyện, phủ… có đại biểu cấp trên dự. Để làm tốt nhiệm vụ giáo huấn này, ông đề xuất thành lập các trường huấn luyện hành chính để đào tạo cán bộ.

Về hoàn thiện bộ máy hành chính

Để hoàn thiện bộ máy hành chính trong giai đoạn mới hình thành, Bộ Nội vụ đã đề nghị Chính phủ lâm thời về việc cải tổ bộ máy và bổ sung đội ngũ cán bộ, công chức. Chính phủ đã ra Sắc lệnh số 41/SL ngày 03/10/1945 theo đề nghị của Bộ Nội vụ quy định tất cả các công sở và các cơ quan thuộc Phủ toàn quyền Đông Dương đã thành lập ở Việt Nam đều bị bãi bỏ. Đồng thời, sắc lệnh này cũng quy định việc tuyển chọn và sử dụng nhân viên, công chức của hệ thống chính quyền cũ có hạnh kiểm, tư cách, có trình độ nghiệp vụ cao đã được tuyển chọn làm việc trong Bộ Nội vụ.

Bộ Nội vụ đã quy định cách tổ chức và quyền hành của các Ủy ban nhân dân. Ủy ban nhân dân phải thực sự là “đại biểu của dân bằng cách thi hành chế độ bầu cử rộng rãi, bằng cách loại ra những phần tử thối nát. Sau nữa để tránh nhũng lạm có thể xảy ra, một chế độ phân quyền rành rẽ sẽ được thi hành”7.

Muốn vận hành bộ máy hành chính mới, các Ủy ban nhân dân sẽ phải hình thành những tác phong mới, những cách làm mới để củng cố Chính phủ, xây dựng nên một bộ máy hành chính hoàn toàn mới mẻ, cách làm việc cũng phải mới. Theo ông: “Phải tiến hành một chương trình chỉnh đoán chính quyền tổ chức những tỉnh, những xã kiểu mẫu của nước Việt Nam mới. Trong mỗi làng kiểu mẫu phải thực hiện phổ thông đầu phiếu, phải có sự đoàn kết đầy đủ giữa các tầng lớp, không phân biệt quân dân, giầu nghèo, không được có óc bè phải giữa thôn trang”8.

 Thứ hai, cải tổ công tác cán bộ

Để vận hành bộ máy hành chính nhà nước kiểu mới, theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp cần phải có đội ngũ cán bộ, nhân viên, công chức có đủ hạnh kiểm và trình độ thực hiện nghiệp vụ hành chính. Ông chủ trương đưa ra tiêu chuẩn của nhân viên trong các ủy ban và các vấn đề về công tác cán bộ. Cụ thể:

Về tiêu chuẩn của nhân viên trong các Ủy ban. Để cải tổ bộ máy phụ thuộc nhiều vào việc tuyển chọn và sử dụng nhân viên, công chức. Các nhân viên trong các ủy ban phải:

“1. Có tinh thần phụng sự quốc gia, tinh thần công bộc, làm việc cho tất cả các tầng lớp nhân dân.
2. Không được lạm quyền.
3. Liêm khiết.
4. Bài xích thói quan liêu, nạn hủ hóa, ăn tiêu ra”9.

Nhưng để có kế hoạch lâu dài trong tổ chức, cán bộ là cần thiết phải có đủ số lượng và có nghiệp vụ hành chính công. Muốn vậy, Chính phủ phải lo đào tạo cán bộ hành chính. Việc này cần được thực hiện bài bản qua các trường đào tạo, huấn luyện cán bộ hành chính.

Về công tác cán bộKhi mới thành lập Chính phủ lâm thời, số lượng người làm việc còn thiếu và có nhiều hạn chế về nghiệp vụ hành chính. Theo ông: “trong lúc chờ đợi có nhiều cán bộ có năng lực để bổ khuyết vào sự thiếu cán bộ hiện thời, những nhà tri thức đầy kinh nghiệm, có lịch duyệt nên nhận làm cố vấn cho xã, cho phủ, cho huyện hay tỉnh mình ở, để giúp họ trong việc tổ chức bộ máy hành chính mới”10. Quan điểm này cũng được thể hiện rõ trong Sắc lệnh số 41/SL ngày 03/10/1945 để khắc phục tình trạng thiếu cán bộ, công chức thông thạo nghiệp vụ hành chính công, đồng thời nêu cao ngọn cờ đoàn kết dân tộc. Sắc lệnh này cũng quy định việc tuyển chọn và sử dụng nhân viên, công chức của hệ thống chính quyền cũ: “Một số nhân viên của bộ máy chính quyền cũ có hạnh kiểm, tư cách tốt, có trình độ nghiệp vụ cao đã được tuyển chọn làm việc trong Bộ Nội vụ”11.

Một số bài học cho công cuộc cải cách bộ máy hành chính trong giai đoạn hiện nay

Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng đại tài của dân tộc Việt Nam đã cống hiến không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời mình. Trong giai đoạn đầu tiên của Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Đại tướng là một trong những người góp phần quan trọng xây dựng bộ máy hành chính Chính phủ lâm thời, cải tổ bộ máy cũ sang bộ máy hành chính mới với những khó khăn về nhiều mặt. Qua một số thành tựu của ông về cải tổ bộ máy có thể rút ra một số bài học cho công cuộc cải cách hành chính hiện nay, như:

Một là, cải cách tổ chức bộ máy hoạt động hiệu quả, dân chủ đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.

Hai là, bộ máy hành chính phải là đại diện cho Nhân dân, loại bỏ tính cục bộ và phân cấp, phân quyền rõ ràng.

Ba là, quy định rõ tiêu chuẩn đội ngũ công chức về nghiệp vụ hành chính và đặc biệt là các chuẩn về đạo đức công chức.

Bốn là, đề cao vai trò của việc đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức trong quá trình cải cách bộ máy hành chính.

Năm là, có chính sách sử dụng những người có kinh nghiệm giỏi về quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương làm chuyên gia tư vấn cho chính quyền trong việc tổ chức bộ máy.

Sáu là, để hoàn thiện bộ máy hành chính cần phải thực hiện tốt công tác thanh tra từ trung ương xuống địa phương. Các thanh tra viên phải lấy ý kiến của người dân, lắng nghe dư luận và nghiêm minh trong xử lý các hành vi sai phạm trong bộ máy hành chính.

Chú thích:
1,2,11. Bộ Nội vụ 70 năm xây dựng và phát triển (19452015)H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 28, 29, 32.
3,4,5,6,7,8,9,10. Ông Võ Nguyên Giáp Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói về bộ máy hành chính lâm thờiBáo Cứu Quốc, thứ Sáu ngày 19/10/1945.
Tài liệu tham khảo:
1. Ông Võ Nguyên Giáp, vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên của Việt Nam và những Sắc lệnh ký sau ngày 28/8/1945. https://sonoivu.vinhphuc.gov.vn, truy cập ngày 20/7/2020.
2. 75 năm – Nhớ về vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. https://www.quanlynhanuoc.vn, truy cập ngày 20/7/2020.
TS. Nguyễn Thị Hà
Học viện Hành chính Quốc gia