Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao

(Quanlynhanuoc.vn) – Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 21/9/1973. Kể từ đó đến nay, mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản không ngừng được đẩy mạnh và phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp. Hợp tác nông nghiệp giữa hai nước đã đi vào chiều sâu và đang đóng góp tích cực cho sự  phát triển kinh tế một cách ổn định, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao điều kiện sống cho người dân, bảo đảm an ninh lương thực cho cả hai nước.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Lịch sử quan hệ Việt Nam – Nhật Bản

Từ cuối thế kỷ XVI, khi các nhà buôn Nhật Bản đến Việt Nam giao thương, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản (viết tắt là quan hệ Việt – Nhật) đã bắt đầu. Vào ngày 21/9/1973, Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 1992, đánh dấu cột mốc khi Chính phủ Nhật Bản quyết định mở lại viện trợ cho Việt Nam. Năm 2009, quan hệ Việt – Nhật đã được nâng cấp lên tầm đối tác chiến lược. Quan hệ Việt – Nhật nhanh chóng phát triển và mở rộng trên nhiều các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, giao lưu văn hóa, bước sang giai đoạn mới về chất và ngày càng đi vào chiều sâu. Khuôn khổ của mối quan hệ hai nước dần phát triển lên tầm vĩ mô và sự hiểu biết giữa hai quốc gia, hai dân tộc không ngừng được tăng lên. Năm 2014, quan hệ tiếp tục được nâng cấp lên tầm đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.

Với tư cách là thành viên G7, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên mời Tổng Bí thư Việt Nam sang thăm (năm 1995). Năm 2011, Nhật Bản đã công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và mời Việt Nam sang tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng (tổ chức tháng 5/2016).

Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng năm 2020 đạt 28,6 tỷ USD; nhập khẩu đạt 14,6 tỷ USD; xuất khẩu đạt 14 tỷ USD. Về đầu tư trực tiếp, lũy kế đến tháng 9/2020, Nhật Bản có 4.595 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 59,87 tỷ USD, đứng thứ hai trong tổng số 136 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản có 209 dự án cấp mới, 100 dự án tăng vốn và 448 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đầu tư là 1,73 tỷ USD, đứng thứ tư trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam1.

Về phía Việt Nam, Chính phủ đã đơn phương miễn thị thực cho công dân Nhật Bản đến Việt Nam với mục đích du lịch và công tác từ ngày 01/01/2015 và chính sách này đã được áp dụng cho tất cả công dân Nhật Bản từ ngày 01/7/2004.

Hợp tác nông nghiệp giữa hai nước đã được nâng lên một tầm cao mới, hợp tác trên nhiều mặt từ hợp tác kỹ thuật, nghiên cứu, phát triển cơ sở hạ tầng, liên doanh liên kết và đầu tư trực tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp đang ngày càng được mở rộng. Hai quốc gia cũng đã ký kết Tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp năm 2015.

Tình hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại hai quốc gia

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam

Việt Nam là quốc gia đang phát triển và nông nghiệp vẫn là ngành giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức khá lớn trong ngành nông nghiệp như: nhu cầu lương thực thực phẩm không ngừng tăng do dân số ngày càng tăng; diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do xu hướng đô thị hóa; sự diễn ra mạnh mẽ của biến đổi khí hậu; quá trình hội nhập nền kinh tế quốc tế đòi hỏi chất lượng ngành nông sản không ngừng tăng cao.

Những thách thức trên đòi hỏi nông sản Việt Nam phải không ngừng gia tăng về sản lượng và chất lượng. Do đó, việc áp dụng công nghệ cao (CNC) là xu hướng tất yếu trong nông nghiệp và là giải pháp giải quyết những thách thức cho nền nông nghiệp nước nhà.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc áp dụng CNC trong nông nghiệp, ngày 29/01/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 176/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020. Đồng thời, ban hành Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/02/2012 phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC thuộc chương trình quốc gia phát triển CNC đến năm 2020 nhằm thúc đẩy phát triển và xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao.

Để triển khai các quyết định trên, các tỉnh, thành phố đã và đang tích cực đẩy mạnh việc áp dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, cả nước có 3 khu nông nghiệp CNC được Chính phủ phê duyệt tại các tỉnh Hậu Giang, Phú Yên và Bạc Liêu, các khu nông nghiệp CNC còn lại do UBND tỉnh thành lập. Bên cạnh đó cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập 3 khu nông nghiệp ứng dụng CNC tại Thái Nguyên, Quảng Ninh và Lâm Đồng. Hiện có 46 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC và 9 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC được công nhận2.

Nông nghiệp công nghệ cao Nhật Bản. Ảnh: agri.vn

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Nhật Bản

Nhật Bản từ lâu được biết đến là đất nước có ngành Nông nghiệp hiện đại và phát triển đứng đầu thế giới. Là quốc gia luôn ứng dụng những mô hình hiện đại cùng những trang thiết bị tốt nhất, mọi loại cây giống và vật nuôi luôn được nghiên cứu và lựa chọn sao cho thích hợp với từng loại mô hình trồng trọt và chăn nuôi để đạt được độ tương thích cao nhất, từ đó mang lại hiệu quả tốt nhất.

Nông nghiệp CNC của Nhật Bản là ngành đang được nhiều nước trên thế giới học hỏi, đặc biệt trong bối cảnh diện tích đất trồng đang ngày càng bị thu hẹp và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở nên nhức nhối trên toàn thế giới. Chính phủ Nhật Bản nhận thức được điểm mạnh, điểm yếu để từ đó tập trung phát huy điểm mạnh của họ đó chính là công nghệ và từng bước đưa ngành nông nghiệp quốc gia đi lên và đạt được những bước phát triển và thành tựu vượt bậc.

Đặc điểm nổi bật trong nông nghiệp Nhật Bản là tất cả đều áp dụng các trang thiết bị hiện đại nhằm tự động hóa tối đa trong tất cả các khâu từ gieo trồng đến chăm sóc và thu hoạch. Vai trò của người nông dân chỉ là đầu tư cho các thiết bị máy móc cần thiết để thực hiện các thao tác nông nghiệp.

Điểm nổi bật thứ hai là các mô hình trồng trọt đều hạn chế tối đa việc sử dụng đất nông nghiệp. Hai mô hình trồng trọt nổi bật bao gồm trồng rau thủy canh công nghệ Nhật Bản và trồng rau trong nhà kính. Với hai mô hình điển hình này có thể giúp khắc phục tình trạng thời tiết mùa đông giá lạnh. Dù điều kiện thời tiết có khắc nghiệt thế nào thì việc trồng trọt vẫn có thể diễn ra quanh năm nhằm bảo đảm năng suất tối đa cung cấp các nhu cầu của xã hội.

Điểm nổi bật thứ ba là Nhật Bản thường xuyên sử dụng rô bốt trong ngành Nông nghiệp của họ. Nếu ở thời điểm năm 1868, 80% dân số Nhật Bản tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp thì hiện nay, con số này chỉ có 3%3. Nếu như trước kia, sản lượng hằng năm không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước thì đến nay, sản lượng nông nghiệp không chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn dư thừa để xuất khẩu…

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio làm việc cùng Bộ NN-PTNT chiều 25/8/2020. Ảnh: nongnghiep.vn.
Tình hình hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao giữa hai quốc gia

Hợp tác cấp chính phủ

Tháng 5/2015, nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm chính thức đến Nhật Bản, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản đã đi đến thống nhất ký kết tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản giai đoạn I (2015 – 2019).

Việc triển khai tầm nhìn giai đoạn 2015 -2019 đã hỗ trợ Việt Nam một cách đắc lực trong việc nâng cấp hạ tầng, đẩy mạnh đầu tư tư nhân cũng như tăng cường nguồn nhân lực cho sự phát triển bền vững trong nông nghiệp, từ đó những vấn đề bất cập trong nông nghiệp từng bước được giải quyết. Kết quả này góp phần không nhỏ trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Việt Nam. Cụ thể, với tầm nhìn này, việc trao đổi nông sản hai bên được thúc đẩy mạnh mẽ và tăng từ 10 – 12%/năm, cụ thể trong năm 2019 là 3,5 tỷ USD. Ngoài ra, đã có 11 dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại và dự án vốn vay của Nhật Bản trong khuôn khổ tầm nhìn giữa hai bộ, với tổng số vốn lên đến 750 triệu USD4.

Ngày 12/12/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã có cuộc đối thoại cấp cao lần thứ 5 cùng Bộ trưởng Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản về hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản và diễn đàn hợp tác công – tư nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản. Tại cuộc đối thoại, hai bên đã thống nhất triển khai “Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác về nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản trong giai đoạn 2020 – 2024” với các nội dung chính bao gồm: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp: các công trình thủy lợi, hạ tầng hỗ trợ chuỗi giá trị nông nghiệp; hỗ trợ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp tư nhân, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị nông nghiệp.

Hợp tác cấp doanh nghiệp

Tháng 7/2020, 7 tập đoàn đứng đầu lĩnh vực nông nghiệp tại Nhật Bản kết hợp với Công ty cổ phần Nông nghiệp kỹ thuật cao Nhật bản GK – Organic đã có buổi triển lãm 700 sản phẩm cùng với sự tham gia của một lượng lớn các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Buổi triển lãm đã khép lại một quãng thời gian nghiên cứu, tiến tới giai đoạn hợp tác và đầu tư sâu rộng vào ngành nông nghiệp CNC.

Có thể nói, thời gian tới sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản khi cả hai nước đều gia nhập các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Nhờ có ưu thế về công nghiệp, tiếp cận thị trường và tận dụng ưu đãi thuế quan, nguồn lực tài nguyên, lao động dồi dào, Việt Nam sẽ thu hút các  doanh nghiệp Nhật Bản  đầu tư vào nông nghiệp, như các ngành công nghiệp sản xuất vật tư đầu vào (máy móc, phân bón), công nghiệp phụ trợ (thiết bị bảo quản, bao bì), chế biến sâu, chế biến phụ phẩm nông nghiệp…

Giải pháp thúc đẩy quan hệ Việt – Nhật để tăng cường phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Một là, việc áp dụng các quy định ưu đãi thuế còn gặp nhiều vướng mắc, thủ tục đầu tư phức tạp, kéo dài gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng khi có ý định đầu tư vào Việt Nam. Do vậy, cần rút ngắn thời hạn cấp phép, rút ngắn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Hai là, ngoài việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản, Chính phủ Việt Nam cần trích đầu tư kinh phí để ưu tiên phát triển nông nghiệp CNC cũng như thực hiện các chính sách kêu gọi vốn từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong nước dưới hình thức trái phiếu. Việc áp dụng thành công CNC trong nông nghiệp sẽ mang đến lợi ích kinh tế to lớn đối với Việt Nam khi tiết kiệm được sức người, tăng năng suất, chất lượng, giá trị thặng dư…

Bên cạnh đó, việc kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản cũng là một cách huy động vốn. Để làm được điều này, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cần làm nổi bật lợi thế cũng như tiềm năng to lớn của việc đầu tư vào nông nghiệp CNC tại Việt Nam.

Ba là, thường xuyên tổ chức các buổi họp mặt, thảo luận trực tiếp giữa doanh nghiệp hai quốc gia nhằm giúp Chính phủ nắm bắt được các khó khăn để từ đó đưa ra các chính sách tháo gỡ kịp thời, tạo điều kiện pháp lý thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản khi họ muốn đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, tổ chức các cuộc triển lãm các sản phẩm cũng như CNC trong nông nghiệp để tạo cầu nối cho việc trao đổi công nghệ và tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Bốn là, cần tăng cường hợp tác giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyển giao các thành tựu khoa học – công nghệ, các ứng dụng trong ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; tổ chức chương trình trao đổi sinh viên, chuyên gia giữa hai quốc gia, từ đó tạo cơ hội học hỏi, giao lưu, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm giữa hai nền nông nghiệp. Đồng thời, Chính phủ cần trích ngân sách thành lập và duy trì các quỹ học bổng để thu hút và hỗ trợ cũng như phát triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực này. Có như vậy mới tạo ra được tiền để vững chắc cho nền nông nghiệp CNC tại Việt Nam.

Chú thích:
1. Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử. http://dangcongsan.vn, ngày 18/10/2020.
2. Phát triển công nghệ cao vẫn gặp nhiều rào cản. http://thoibaonganhang.vn, ngày 23/12/2020.
3. Phát triển tam nông của Nhật Bản và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. http://consosukien.vn, ngày 11/6/2019.
4. Đối thoại cấp cao hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 5. http://www.mard.gov.vn, ngày 13/12/2020.
PGS.TS. Đặng Hoàng Linh – ThS. Trần Thị Thùy Linh
Học viện Ngoại giao