Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà quân sự kiệt xuất trong thế kỷ XX

Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Tổng Tư lệnh đầu tiên và là người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Nhà quân sự kiệt xuất trong thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần xây dựng và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam lên một tầm cao mới của thời đại Hồ Chí Minh.
Duyệt phương án đánh B52 của Mỹ tập kích vào Hà Nội năm 1972 tại Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không – Không quân.
Vài nét khái quát về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sinh ra từ vùng quê giàu truyền thống yêu nước, trực tiếp chứng kiến cảnh đồng bào bị bè lũ thực dân và tay sai đàn áp, bóc lột, Võ Nguyên Giáp đã nung nấu ý chí sôi sục và quyết tâm đứng lên đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc. Kế tiếp các vị tướng tài ba lỗi lạc ghi dấu ấn hiển hách trong lịch sử, như: Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung… Và đến thế kỷ XX, xuất hiện nhà quân sự tài ba, lỗi lạc – Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông là sự kết tinh nghệ thuật quân sự của các bậc tiền bối để làm nên những chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, khiến cả thế giới phải nghiêng mình kính nể trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc: chống Pháp và chống Mỹ. Ngay tướng Mỹ Oét-mo-len đã từng phải thốt lên rằng: “Võ Nguyên Giáp là một vị tướng tài ba, là nhà lãnh đạo kiệt xuất mà tôi chưa từng gặp”.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhân dịp này, chúng ta trân trọng ôn lại những đóng góp lớn lao của ông đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ hiện nay.

Quân ủy Trung ương đang theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Trong ảnh, từ trái sang phải: Đại tá Lê Hữu Đức (Cục trưởng Cục tác chiến), thượng tướng Hoàng Văn Thái (Phó tổng tham mưu), Thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm (Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần), Thượng tướng Song Hào (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tổng tư lệnh, Bộ trưởng Quốc phòng, Bí thư Quân ủy Trung ương), Trung tướng Lê Quang Đạo (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị).
Đặc trưng nổi bật trong tư tưởng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Một là, nghệ thuật đánh chắc, tiến chắc, không chắc thắng không đánh, tránh chỗ mạnh, chọn đánh vào chỗ yếu, sơ hở của địch.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ huy cả 8 chiến dịch lớn, trong đó Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất. Thắng lợi của chiến dịch có ý nghĩa và tầm vóc vượt xa các chiến dịch trước về nhiều mặt, càng khẳng định tài thao lược xuất chúng của vị Tổng tư lệnh. Với tư duy quân sự sắc bén và tài thao lược ông đã khiến thực dân Pháp phải thất bại trong chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”, khi đánh vào Hà Nội cuối năm 1946 và Việt Bắc Thu – Đông 1947; tổ chức thắng lợi chiến dịch Biên giới 1950, với mưu kế “đánh điểm, diệt viện” đã buộc tướng Na-va phải xé lẻ lực lượng để đối phó trong chiến cuộc Đông – Xuân 1953-1954. Tầm nhìn chiến lược cùng với nhãn quan của một thiên tài quân sự, phân tích sâu sắc tình hình địch – ta, ông đã thực hiện phương châm tránh những mũi nhọn của địch và đánh vào chỗ yếu của địch.

Năm 1954 được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng trao quyền trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã chỉ huy các đại đoàn của Quân đội và các lực lượng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các cố vấn nước ngoài muốn dùng chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh”, dù phải đổ bao nhiêu xương máu. Điều Đại tướng trăn trở không chỉ vì những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn “Chiến dịch này rất quan trọng, chỉ được đánh thắng, không chắc thắng thì không đánh” mà còn vì trách nhiệm trước xương máu của chiến sỹ.

Đứng trước trọng trách của người cầm quân ở trận quyết chiến, với khả năng thiên tài, phân tích sâu sắc tình hình, tư duy nhạy bén, linh hoạt, sau 10 ngày cân nhắc, suy nghĩ, ông đã quyết định ngược lại là “đánh chắc, thắng chắc”, mục đích là bảo đảm chắc thắng và ít tổn thất, thương vong cho chiến sĩ. Quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” được coi là quyết định khó khăn nhất – như chính ông cũng từng thừa nhận. Quyết định đó thể hiện tư duy quân sự sắc sảo, bản lĩnh của người cầm quân; nhưng đồng thời cũng là biểu hiện của sự thấm nhuần tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về “đánh chắc thắng”.

Sau này, Đại tướng Lê Trọng Tấn, nguyên Đoàn trưởng Đại đoàn 312 và nhiều tướng lĩnh tham dự chiến dịch Điện Biên Phủ đã phát biểu: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ”. Thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc” được coi là sự kiện kịch tính nhất trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp, điều mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “quyết định khó khăn nhất” trong cuộc đời chỉ huy của mình. Đây là quyết định dũng cảm, sáng suốt của Đại tướng, nếu như theo phương án ban đầu thì chúng ta sẽ bị tổn thất vô cùng to lớn, thậm chí còn thất bại thảm hại trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên phủ buộc Chính phủ Pháp phải ký vào Hiệp định Giơnevơ 1954 thừa nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương.

Hai là, nghệ thuật đánh điểm, diệt viện; biết chọn và chớp thời cơ nổ súng tiến công tiêu diệt địch.

Khi nhân dân ta mới giành được độc lập, tự do ở miền Bắc, thì ở miền Nam đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm không chịu thi hành Hiệp định Giơnevơ, xâm chiếm miền Nam Việt Nam, âm mưu thôn tính cả Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tham mưu cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị dự thảo Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: “Chuyển đấu tranh chính trị ở miền Nam sang chiến tranh cách mạng trên chiến trường”.

Chấp hành nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Tháng 1-1959), Quân ủy Trung ương, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã khẩn trương chỉ đạo chuyển đổi phương thức chiến tranh ở các chiến trường. Với tư duy quân sự sắc sảo và tài thao lược trên chiến trường Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp tham mưu chỉ đạo từng chiến dịch, từng trận đánh. Thắng lợi của Cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1975 thêm một lần nữa khẳng định tài năng nghệ thuật quân sự thiên bẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi điểm đúng tử huyệt Buôn Ma Thuột, quân đội ngụy hoảng loạn và nhanh chóng tan rã. Phán đoán địch sẽ rút khỏi Tây Nguyên, Đại tướng đã kịp thời nắm bắt thời cơ chiến lược, đề nghị chuyển sang kế hoạch sớm giải phóng miền Nam trong năm 1975, kịp thời mở các chiến dịch Huế – Đà Nẵng, chỉ đạo giải phóng quần đảo Trường Sa, phê chuẩn đề nghị thành lập cánh quân phía Đông và ra mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo, táo bạo hơn nữa!” cho toàn quân tiến lên, cùng với 4 cánh quân khác tiến về Sài Gòn giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là người có tài cầm quân, mà còn là một nhà lý luận quân sự uyên thâm, tác giả hàng đầu sách về học thuyết quân sự Việt Nam hiện đại. Tư tưởng và lý luận thể hiện về vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân, về khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh du kích, chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước, về chiến tranh nhân dân trong thời đại mới. Đặc biệt, chiến tranh nhân dân Việt Nam thực sự đã trở thành nghệ thuật độc đáo của Việt Nam. Đó là nghệ thuật đánh lâu dài để chuyển hóa so sánh lực lượng khi lực lượng ban đầu của ta còn nhỏ yếu; đó là nghệ thuật chớp thời cơ chiến lược; đó là nghệ thuật xây dựng, tổ chức và sử dụng lực lượng ba thứ quân, nghệ thuật tổ chức, sử dụng quân đội, từ quy mô nhỏ bé ban đầu tới hình thành thực tế các quân binh chủng, các binh đoàn chủ lực; đó là nghệ thuật luôn chủ động về chiến lược và chiến dịch, phân tích và đánh giá đúng tình hình với tư duy chiến lược sắc sảo, phán đoán đúng thời cơ, dự đoán đúng âm mưu và thời cơ của địch để đề ra phương án, cách đánh cho phù hợp, hiệu quả.

Ba là, quan điểm tin vào sức mạnh của quần chúng và biết dựa vào nhân dân, tạo sự khác biệt trong chiến tranh để giành thắng lợi cuối cùng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chuyên gia lỗi lạc hàng đầu về đường lối chiến tranh Nhân dân của phong trào giải phóng dân tộc trong nước và trên thế giới. Đó là nghệ thuật đánh lâu dài để chuyển hóa so sánh lực lượng khi lực lượng ban đầu của ta còn nhỏ yếu; đó là nghệ thuật chớp thời cơ để giành lấy thắng lợi có tính chiến lược làm xoay chuyển cục diện chiến tranh; đó là nghệ thuật xây dựng, tổ chức và sử dụng kết hợp lực lượng vũ trang ba thứ quân, nghệ thuật tổ chức, sử dụng quân đội, từ quy mô nhỏ bé ban đầu tới hình thành trên thực tế các quân, binh chủng, các binh đoàn chủ lực – những quả đấm thép quyết định thắng lợi trên chiến trường; đó là nghệ thuật luôn chủ động về chiến lược và chiến dịch, phân tích và đánh giá đúng tình hình với tư duy chiến lược sắc sảo, phán đoán đúng, dự báo sớm âm mưu và hành động của đối phương để chủ động về lực lượng, thế trận và cách đánh; đó là nghệ thuật tổ chức bảo đảm hậu cần chiến lược và chiến dịch,…

Những kiến thức và tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều do tự học từ lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam và lịch sử quân sự thế giới; tự rèn luyện, tự đúc rút kinh nghiệm qua thực tế chiến đấu của Quân đội ta mà nên. Chính điều ấy đã làm nên sự khác biệt của Đại tướng, khiến thế giới khâm phục, suy tôn Võ Nguyên Giáp là danh tướng, một trong những thống soái kiệt xuất nhất trong lịch sử nhân loại… là một trong số ít những người có khả năng làm thay đổi dòng chảy lịch sử.

Đại tướng là một vị tướng quán triệt sâu sắc nhất tư tưởng “lấy khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”. Thực tiễn cho thấy, ông là một trong những kiến trúc sư của đường lối chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân toàn diện, dựa vào sức mình là chính. Một nền chiến tranh nhân dân được xây dựng trên nền tảng “cả nước đánh giặc, toàn dân đánh giặc”. Trong bối cảnh Việt Nam khác với các nước, luôn phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm có tiềm lực kinh tế và quân sự vượt trội hơn hẳn, chúng ta luôn trung thành với tư tưởng “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh” của truyền thống dân tộc. Điều này, hoàn toàn đúng và phù hợp với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là nhà chỉ huy quân sự có tài thao lược kiệt xuất, bậc thầy về chiến lược, chiến thuật quân sự. Là vị tướng tài ba, người cầm quân rất cẩn trọng trong so sánh tương quan lực lượng đôi bên, luôn chủ động bắt buộc đối phương bị động thay đổi thế cờ, đánh theo cách đánh của ta, vì thế mà phá sớm về chiến thuật, chiến dịch, chiến lược, dẫn đến thất bại hoàn toàn của địch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn ghi nhớ, noi gương và thực hành lời căn dặn của Lãnh tụ Hồ Chí Minh: Làm cách mạng là phải “Dĩ công vi thượng” (tức là phải đặt lợi ích chung lên trên hết), “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”… coi đó làm phương châm sống và phấn đấu trong suốt cuộc đời.

Đại tướng không chỉ thể hiện rõ tư duy độc lập, sáng tạo của một nhà lãnh đạo ở tầm chiến lược mà còn là người tổ chức, hoạt động với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, mẫu mực; phong cách làm việc khoa học, nguyên tắc nhưng hết sức linh hoạt; luôn đề cao vai trò của tập thể, phục tùng tổ chức; luôn coi trọng thực tiễn, chịu khó học tập, lắng nghe ý kiến hay của quần chúng, của các chuyên gia, nhà khoa học…; luôn tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng Nhân dân, liên hệ và gắn bó mật thiết với Nhân dân; phấn đấu không mệt mỏi xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đem hết trí tuệ, sức lực để hoàn thành tốt mọi công việc của Đảng, Nhân dân và Quân đội giao phó.

Không chỉ là một thiên tài quân sự, trực tiếp tổ chức, kiến tạo những trận đánh lớn, đánh bại những danh tướng hàng đầu của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp có công lao đóng góp to lớn trong việc hình thành, phát triển học thuyết quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đó là đường lối chiến tranh Nhân dân, lấy chính nghĩa thắng bạo tàn. Học thuyết kế thừa và phát huy những bài học giá trị lịch sử của cha ông chống giặc ngoại xâm trong thời đại mới. Đường lối chiến tranh của Đảng và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đã nêu rõ nhiều luận điểm rất cơ bản, như: phải tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện; trường kỳ kháng chiến với tự lực cánh sinh là chính, viện trợ bên ngoài là quan trọng; xây dựng lực lượng vũ trang gồm ba thứ quân (dân quân du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực), lấy bộ đội chủ lực làm nòng cốt; tiến hành chiến tranh du kích kết hợp chiến tranh chính quy với quy mô thích hợp trong từng giai đoạn; toàn dân đánh giặc với nhiều hình thức linh hoạt, lấy yếu địch mạnh, lấy nhỏ đánh lớn, lấy chất lượng tinh thắng số lượng đông, tập trung và phân tán lực lượng linh hoạt, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, giữ nghiêm kỷ luật và tuyệt đối bí mật, đánh chắc thắng; giành thắng lợi từng phần tiến lên giành thắng lợi toàn bộ…

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những người góp phần quan trọng vào chủ trương chiến lược của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 15: “Lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và ngụy quyền Sài Gòn”. Nhờ vậy, cách mạng miền Nam đã chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, góp phần to lớn vào một loạt thắng lợi sau này như: Đường 9 – Nam Lào, Xuân – Hè 1972, Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, Đại thắng mùa Xuân năm 1975,…

Bốn là, tư tưởng quân sự mang đậm chất nhân văn, nhân đạo, chính nghĩa và hòa bình.

Cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta và Quân đội ta. Ở Đại tướng luôn sáng ngời những phẩm chất nhân cách của nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đặc biệt là 6 đức tính cần phải có của các vị tướng do Bác Hồ chỉ ra “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung” luôn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực hiện đầy đủ, trọn vẹn.

Đại tướng là tấm gương sáng về sự liêm khiết, giản dị, khoan dung, nhân hậu, khiêm tốn, ham học hỏi, đoàn kết, sống có tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào. Tình thương yêu con người của Đại tướng được hòa quyện với tình yêu quê hương, đất nước và đã để lại trong nhân dân Việt Nam cùng bạn bè quốc tế hình ảnh về một nhà lãnh đạo đức độ, tài năng, một nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, suốt đời tận tụy hy sinh phấn đấu phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, không màng chút danh, lợi riêng tư. Không phải ngẫu nhiên mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ví như “một cây đại thụ rợp bóng nhân văn”. Thông thường, một vị tướng cầm quân khi ra trận, cái đích bao giờ cũng phải là “quyết đánh, quyết thắng”. Thế nhưng, bên cạnh tư tưởng ấy, ở Võ Nguyên Giáp không phải là “thắng bằng mọi giá”, mà là quyết chiến, quyết thắng trên cơ sở hạn chế thấp nhất sự hy sinh, mất mát của bộ đội. Ông quý từng giọt máu của người chiến sĩ khi xung trận.

Khi xây dựng một kế hoạch tác chiến, trước mỗi trận đánh, ông cũng đau đáu làm sao để giảm đến mức thấp nhất tổn thất cho bộ đội. Không những thế, trong các trận đánh, ông không có tư tưởng “tiêu diệt sạch sành sanh, đánh đến tên giặc cuối cùng”. Đó chính là tư tưởng quân sự mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong con người Đại tướng. Là người chỉ huy, nhưng ông còn như một người cha, người anh, người bác, người chú, người đồng nghiệp, luôn luôn gần gũi với bộ đội, với mọi người.

Đối với bản thân mình, Đại tướng là người quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác Hồ “dĩ công vi thượng”, suốt đời phục vụ quân đội, phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng. Chúng ta biết rằng, trong cuộc đời của Đại tướng có những lúc, có những thử thách, nhưng ông đều vượt qua tất cả. Ở ông luôn thể hiện một phẩm chất vượt trội, đó là đức “nhẫn”. “Nhẫn” ở đây không phải thụ động, chịu đựng, mà chữ “nhẫn” ở đây là biết nói ra lúc nào, nói như thế nào, làm lúc nào, quyết định cái gì, lúc nào, quyết định như thế nào. Cái gì cần nói ra, cái gì cần làm, tất cả đều vì lợi ích của dân tộc. Chữ “nhẫn” hiểu một cách sâu xa như thế đó.

Tư tưởng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là sự kế thừa truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, kết hợp với hệ thống lý luận quân sự của chủ nghĩa Mác – Lênin và tinh hoa quân sự Đông – Tây, đặc biệt, ông rất say mê nghiên cứu về Na-pô-lê-ông và cách mạng Pháp. Trên cơ sở đó, ông đã biết vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh thực tiễn ở nước ta. Qua đó, có sự bổ sung, phát triển nghệ thuật quân sự phù hợp với thời đại mới.

Những tư tưởng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cơ sở quan trọng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục phát huy xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

Tài liệu tham khảo:
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, NXB Quân đội, Hà Nội-2005.
2. Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp – Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, NXB Quân đội, Hà Nội-2010.
3. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Huyền thoại của nhân loại, NXB Thời đại, Hà Nội-2013.
4. Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Chân dung một huyền thoại, NXB Đồng Nai, Đồng Nai-2013.
5. Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người anh hùng huyền thoại, NXB Hồng Đức, Hà Nội-2018.
Đại tá, TS. Bùi Quang Huy
Trường Sĩ quan Chính trị/Bộ Quốc phòng