Chiều sâu nhân văn trong luận thuyết quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhân vật lịch sử kiệt xuất đã góp phần quyết định đến thắng lợi của dân tộc Việt Nam. Tên tuổi của ông vượt ra ngoài biên giới quốc gia và trở thành một trong mười vị tướng tài của thế giới thế kỷ XX.
Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến từng trận đánh. Ảnh : Tư liệu – TTXVN.

Chiến lược quân sự của Võ Nguyên Giáp được luận bàn rộng rãi trong nước và trên trường quốc tế. Không ai (ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh) có thể trả lời đầy đủ và chính xác câu hỏi: Vì sao một thầy giáo dạy sử chưa từng kinh qua một trường lớp quân sự nào lại có thể trở thành vị nguyên soái tài ba thống lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, đánh tan Pháp, Mỹ khiến cả năm châu bàng hoàng, chấn động? Nhưng có một điều chúng ta có thể khẳng định chắc chắn: thẳm sâu trong tư tưởng quân sự của Võ Nguyên Giáp là truyền thống nhân ái cao cả tiếp nối từ Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung – những bậc anh hùng đã lấy “chí nhân để thay cường bạo”, biết dựa vào dân, “khoan thư sức dân” để tạo nên những trang sử vàng oanh liệt của dân tộc Việt Nam.

Lòng Nhân trong luận thuyết quân sự của ông bộc lộ qua những trang viết bất hủ, như: Mười lời thề danh dự; Mười hai điều kỷ luật với dân của Quân đội nhân dân Việt Nam; Những ngày đầu của nước Việt Nam mới… qua thư Đại tướng gửi cho quân, dân cả nước và qua những chiến dịch lịch sử oai hùng, qua cách ứng xử của ông với binh lính trên tinh thần “huynh đệ chi binh”. Tiếp nối nét son trong văn hóa quân sự của cha ông, chữ Nhân trong cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang những nội hàm mới của thời kỳ hiện đại.

Tư tưởng vì Dân, tôn trọng quyền lợi của Nhân Dân

Mười lời thề danh dự do Đại tướng soạn thảo và đọc ngày 22/12/1944 tại Cao Bằng trong buổi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam), tư tưởng vì dân, tôn trọng quyền lợi của Nhân dân được đề cập ở ngay lời thề thứ nhất:

“1. Xin thề: Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để chống quân xâm lược và bọn phản quốc, để giải phóng nhân dân Việt Nam, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước dân chủ, độc lập, tự do, ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới”.

Ngay trong lời thề thứ nhất, Đại tướng đã xác định mục tiêu thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là để giải phóng Nhân dân Việt Nam. Những người đang phải chịu cảnh sưu cao thuế nặng, đói khát cùng cực, lại bị thực dân Pháp “đổ thuốc phiện và rượu cồn” để khiến nòi giống suy nhược. Vì mục tiêu cao cả ấy, những người chiến sĩ quyết hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để chống quân xâm lược và bọn phản quốc, xây dựng, phát triển nước Việt Nam thành một nước dân chủ, độc lập, tự do, sánh vai với các nước dân chủ trên toàn thế giới. Không tự tư tự lợi, tất cả là vì dân.

Ở lời thề thứ chín, Đại tướng thể hiện rõ tư tưởng vì dân, lấy dân làm gốc, thực hiện cuộc chiến tranh nhân dân toàn diện:

“9. Xin thề: Khi tiếp xúc với dân chúng sẽ làm đúng ba điều nên: Kính trọng dân, cứu giúp dân, bảo vệ dân; và ba điều răn: Không dọa nạt dân, không lấy của dân, không quấy nhiễu dân. Để gây lòng tin cậy ái đới của dân chúng, thực hiện quân dân nhất trí – cứu nước diệt gian”.

Tư tưởng lấy dân làm gốc vốn là điểm đặc biệt trong văn hóa quân sự truyền thống của Việt Nam. Từ thời Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Người đã luôn tâm niệm “Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”cho sự nghiệp lâu dài của nước nhà, đến Nguyễn Trãi với tư tưởng “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”2, hay Hoàng đế Quang Trung từng quan niệm “Chính sự đạo vương cốt vun gốc, vén ngọn, làm cho dân yên ổn cấy cày”3. Tư tưởng “dân vi bản”, lấy dân làm gốc đã được Đại tướng mở rộng thêm những ý nghĩa mới, đó là phải gây dựng được lòng tin yêu của quần chúng nhân dân, xây dựng tình quân dân nhất trí, gắn bó như cá với nước để cùng thực hiện nhiệm vụ cứu nước, diệt gian.

Khi tiếp xúc với Nhân dân, Đại tướng đặc biệt nhấn mạnh, trước hết, phải kính trọng dân. Dân là quan trọng nhất rồi mới đến cán bộ, chiến sĩ. Đây chính là tinh thần dân chủ của thời đại xã hội chủ nghĩa với lý tưởng xây dựng chế độ chính trị là của dân, do dân và vì dân. Cứu giúp dân, bảo vệ dân là sứ mệnh, là nhiệm vụ chính trị lớn lao của người chiến sĩ. Sự tồn tại của Quân đội là để bảo vệ dân, để cứu dân chứ không phải là thành trì bảo vệ cho một giai tầng nào đó.

Quân đội Việt Nam luôn thấm nhuần tư tưởng là quân đội của Nhân dân, từ Nhân dân mà ra vì Nhân dân mà phục vụ. Trong thời bình, khi thiên tai lũ lụt, lúc khó khăn vất vả, màu áo xanh chiến sĩ luôn kề vai sát cánh với đồng bào, giọt nước mắt của người dân khóc thương những cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh khi vào cứu hộ tại Rào Trăng trong trận lũ lịch sử tại miền Trung năm 2020 đã khẳng định phẩm chất của Anh bộ đội Cụ Hồ một đời vì dân vì nước vẫn luôn bất biến. Đại tướng đã có vai trò rất lớn trong việc xây dựng chân dung Người lính Cụ Hồ với những giá trị đẹp đẽ, là Đoàn quân Việt Nam sáng ngời lý tưởng vì dân. Lấy việc bảo vệ dân, cứu giúp dân là trọng, Đại tướng đã góp phần đặt những viên gạch đầu tiên để thiết lập một tổ chức bộ máy đặt quyền lợi của Nhân dân lên trên tất cả. Đó cũng là kim chỉ nam, là bài học cho việc xây dựng thiết chế chính trị không phải là hài hòa lợi ích mà phải tập trung vào lợi ích của Nhân dân, như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Gốc có vững thì cây mới bền/ Xây lầu độc lập trên nền Nhân dân4.

Cũng tại lời thề thứ chín, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tự răn mình và đồng đội: Không dọa nạt dân, không lấy của dân, không quấy nhiễu dân. Kính trọng dân, coi trọng quyền lợi của dân, lấy việc phục vụ dân, hy sinh vì dân trở thành lý tưởng đẹp đẽ của cuộc đời chiến sĩ, là sứ mệnh thiêng liêng của đoàn quân áo vải, Đại tướng tuyệt đối không cho phép những tư tưởng lệch lạc, kiêu binh phách lối, nhũng nhiễu Nhân dân. Có như vậy, mới gây dựng được lòng “ái đới” (thân thiết và tôn trọng) của Nhân dân đối với quân đội, mới kết thành liên minh quân – dân chặt chẽ gắn bó, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân. Và, cả dân tộc bước vào hai cuộc chiến tranh vệ quốc với hào khí ngút trời sánh ngang hào khí Đông A thuở trước, đánh bại Pháp, Mỹ bảo vệ nền tự do hòa bình độc lập của Tổ quốc. Đây chính là tinh thần dân chủ của thời đại mới, thời đại được soi rọi bằng ánh sáng của học thuyết Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vĩ đại.

Xây dựng văn hóa quân sự trên cơ sở của lòng “Nhân”

Khác với các quốc gia khác, văn hóa quân sự ở Việt Nam từ cổ chí kim luôn tiềm tàng dấu ấn của chữ “Nhân”, chính chữ “Nhân” với những giá trị đẹp đẽ của nó đã tạo nên sức mạnh vĩ đại của toàn dân tộc nhất là khi Tổ quốc bị xâm lăng. Điều này, lý giải được vì sao dân tộc ta lại luôn giành chiến thắng trong những cuộc kháng chiến thần thánh của toàn dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước: từ chiến thắng năm 938 của Ngô Quyền đến hai cuộc chiến tranh chống Tống của nhà Tiền Lê, nhà Lý; ba lần chống quân Mông Nguyên xâm lược của nhà Trần; mười năm kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi và chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa của Quang Trung – Nguyễn Huệ tiêu diệt 10 vạn quân xâm lược nhà Thanh.

Lòng nhân ấy, thể hiện trong tư tưởng xây dựng môi trường quân đội trở thành một đại gia đình. Ở đó, mối quan hệ giữa vua, quan, tướng lĩnh luôn đoàn kết, gắn bó trên tinh thần: phụ tử chi binh, huynh đệ chi binh: “Tướng sĩ một lòng phụ tử / Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào5. Đó cũng là sự khoan dung, độ lượng đối với kẻ thù: “Họ đã tham sống sợ chết mà hòa hiếu thật lòng / Ta lấy toàn quân là hơn để Nhân dân nghỉ sức 6là sự biết ơn công lao của Nhân dân trong những cuộc chiến tranh vệ quốc qua lời Nguyễn Trãi: “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như nước”7Truyền thống tốt đẹp ấy đã được Đại tướng gìn giữ và phát triển lên một tầng nấc mới. Nội dung này được thể hiện rõ nét trong lời thề thứ bảy.

“7. Xin thề: Hết sức ái mộ các bạn chiến đấu trong quân đội cũng như bản thân, hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận”.

Ngắn gọn mà súc tích, lời lẽ đơn giản, dễ hiểu, Đại tướng đã góp phần xây dựng mối đoàn kết toàn quân, trên dưới một lòng. Anh em chiến sĩ yêu mến gọi Đại tướng là “người anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong hồi ức của những vị cựu chiến binh thời ấy, Võ Nguyên Giáp là một vị tướng thương yêu bộ đội hết lòng. Là một nhà cầm quân đương nhiên quân lệnh như sơn, nhưng ngay trong những mệnh lệnh, nhật lệnh của mình, Đại tướng đã bày tỏ sự thấu hiểu những khó khăn, gian khổ mà người lính phải trải qua khi thực thi quân vụ. Ngày 06/12/1953, Đại tướng ra Lệnh động viên gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ. Sau phần phổ biến 3 nhiệm vụ tiến quân vào Tây Bắc theo lệnh của Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch, Đại tướng viết: “Chúng ta phải sửa đường, khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, anh dũng chiến đấu, chịu đói, chịu rét, trèo đèo lội suối, đi xa vác nặng, tìm đến sào huyệt quân địch để tiêu diệt chúng, để giải phóng đồng bào ta”.

Qua đó cho thấy, Đại tướng rất thấu hiểu sự vất vả, hiểm nguy mà người nơi tiền tuyến phải đối mặt. Hay trong Thư gửi lớp huấn luyện cán bộ dân công (ngày 26/3/1953), Đại tướng yêu cầu cán bộ lãnh đạo phải “hết sức quan tâm đến đời sống của dân công, thường xuyên giáo dục, động viên dân công vượt mọi khó khăn…”. Không chỉ căn dặn qua thư, Đại tướng còn trực tiếp đến chiến hào nói chuyện với bộ đội pháo binh, bộ đội pháo cao xạ dịp Tết Nguyên đán năm 1954. Tại đây, một lần nữa ông yêu cầu cán bộ chỉ huy, cán bộ chính trị phải quan tâm hơn nữa vấn đề ăn uống, nghỉ ngơi của anh em. Phải cải thiện cấp dưỡng, bố trí giờ giấc sinh hoạt và làm việc cho gọn, bảo đảm anh em được ngủ. Phải tổ chức lại lán, tránh ẩm ướt, gió lạnh. Sự quan tâm tận tình, chu đáo của Đại tướng đến từng miếng ăn, giấc ngủ của người lính đã thể hiện tình cảm của vị thủ trưởng dành cho cấp dưới. Ta hiểu vì sao chiến sĩ dưới quyền lại trìu mến gọi Đại tướng là “Anh Cả”.

Ở chiến dịch Điện Biên Phủ, việc quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, ngoài yếu tố bảo đảm đánh chắc thắng ra còn nhằm giảm tổn thất, hy sinh cho bộ đội, bởi ông luôn quý trọng sinh mệnh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân. Thượng tướng Trần Văn Trà khi sinh thời đã viết về ông: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh!8.

Với Nhân dân, Đại tướng luôn khắc ghi công lao của quần chúng trong chiến tranh. Một tuần sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng có Thư gửi đồng bào khu Tây Bắc: “… Cảm ơn toàn thể đồng bào đã hết sức giúp đỡ cung cấp lương thực cho bộ đội, hăng hái đi dân công, đã gửi thư, quà ủy lạo bộ đội, hết lòng chăm sóc giúp đỡ thương binh”.

Với kẻ xâm lược, thấu triệt tinh thần “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” của các bậc tiền nhân, Võ Nguyên Giáp không chỉ là một vị tướng biết đánh thắng địch bằng quân sự, mà còn biết thắng địch bằng nhân nghĩa. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau trận mở màn tiến công cụm cứ điểm Him Lam của Đại đoàn 312, quân Pháp thương vong rất lớn. Theo đề nghị của Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị cho ông Mạc Ninh thảo ngay một bức thư chuyển cho Bộ chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ với thành ý cho phép ra Him Lam nhận thi thể các binh sĩ tử trận.

Việc làm đó thể hiện tinh thần nhân đạo và trên thực tế đã tạo ra một “sang chấn” về tâm lý đối với binh lính Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngay sau ngày chiến thắng, trên cánh đồng Mường Thanh và dọc theo bờ sông Nậm Rốm, ông cùng Bộ chỉ huy chiến dịch đã cho dựng hàng chục chiếc lều để cứu chữa cho tù, hàng binh bị thương.

Chất nhân văn trong con người Võ Nguyên Giáp cũng chính là hiện thân của tư tưởng nhân nghĩa, nhân văn trong văn hóa giữ nước của dân tộc Việt Nam được tích tụ qua hàng nghìn năm lịch sử và được tỏa sáng, phát triển lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Hoàng Quốc Việt nói chuyện thân mật với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam dự lễ kỷ niệm lần thứ 10 ngày thống nhất các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam (Hà Nội).
Người tạo nội hàm mới cho chữ “Trung” trong thời đại cách mạng

Trong thời đại phong kiến, chữ trung (忠) là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá phẩm đức của một người. Cổ nhân cho rằng, người tràn ngập tư tâm, tà niệm thì tất sẽ bất trung, người trung thành thì tất sẽ ngay chính. “Trung” là tiêu chuẩn đầu tiên để kết giao và là tiêu chuẩn để bậc hiền nhân dùng người. Trung quân đồng nghĩa với ái quốc. Năm 1944, khi chính thức trở thành người lãnh đạo của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Đại tướng đã đem đến cho chữ “trung” một luồng tư tưởng mới. Đó là, lòng trung vì nước vì dân. Lòng trung nghĩa của người chiến sĩ cộng sản trong thời đại cách mạng dân chủ cất lên trong những Lời thề thiêng liêng của người giải phóng quân 77 năm về trước. Phần lớn nội dung của Lời thề nhấn mạnh phẩm chất trung nghĩa của người chiến sĩ.

Trước hết là, trung với nước. Lời thề thứ nhất đã khẳng định mạnh mẽ quyết tâm Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để chống quân xâm lược và bọn phản quốc, để giải phóng nhân dân Việt Nam, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước dân chủ, độc lập, tự do, ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới”.

Thứ hai là, lòng trung với tổ chức và quyết tâm rèn than, luyện trí để tận trung với sự nghiệp cách mạng. Sự trung thành, trung tín, trung nghĩa này được Đại tướng chắt lọc thành những Lời thề ngắn gọn mà đanh thép:
“2. Xin thề: Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên, khi nhận một nhiệm vụ gì sẽ tận tâm, tận lực thi hành cho nhanh chóng và chính xác.
3. Xin thề: Bao giờ cũng cương quyết phấn đấu, dù gian lao khổ hạnh cũng không phàn nàn, vào sống ra chết cũng không sờn chí, khi ra trận quyết chí xung phong, dù đầu rơi máu chảy cũng không lùi bước.
4. Xin thề: Lúc nào cũng khẩn trương, hoạt bát, hết sức học tập, chiến đấu để trở thành một người quân nhân cách mạng, xứng đáng là một người chiến sĩ tiên phong giết giặc, cứu nước.
5. Xin thề: Tuyệt đối giữ bí mật cho mọi việc của đội như nội dung, tổ chức, kế hoạch hành động cùng những người chỉ huy trong đội và giữ bí mật cho tất cả các đoàn thể cứu quốc.
6. Xin thề: Nếu trong lúc chiến đấu bị quân địch bắt được. Dù bị cực hình tàn khốc thế nào, cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp cứu quốc, không bao giờ phản bội, xưng khai”.

Điều cuối cùng của Mười lời thề danh dự đã chốt lại như đinh đóng cột phẩm chất của người chiến sĩ vệ quốc phải luôn: “nêu cao tinh thần tự phê bình và sửa chữa tư cách cá nhân mô phạm, không làm điều gì hại tới thanh danh của quân đội giải phóng và hại đến quốc thể Việt Nam”.

Chữ “Trung” trong quan niệm của Đại tướng là vì nước vì dân, sẵn sàng đổ máu giữa sa trường để xây dựng một nhà nước dân chủ, độc lập, tự do, ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới; là lòng trung quên mình vì nhiệm vụ, đặt lợi ích của tổ chức, Nhân dân làm trọng. Đó là lòng trung của người chiến sĩ cộng sản, lòng trung ấy có nguồn gốc từ lòng yêu nước thiết tha, cháy bỏng, là tâm nguyện cứu giúp dân, bảo vệ dân khỏi ách nô lệ lầm than.

Lòng trung trong tư tưởng của Võ Nguyên Giáp còn thể hiện ở một con người luôn “Dĩ công vi thượng”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói, khắc ghi suốt đời với lời dặn “Dĩ công vi thượng” của Bác Hồ. Câu ấy có nghĩa là đặt việc công lên trên hết, là lúc nào, ở đâu cũng tận tụy, đau đáu với nhiệm vụ vì nước, vì dân.

Ngay cả khi ông được giao những nhiệm vụ không thuộc sở trường, Đại tướng vẫn phục tùng tổ chức, vẫn sẵn sàng thực thi công vụ. Những lúc như vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn kiên trì chịu đựng, hành động đúng mực để không làm ảnh hưởng đến tập thể, đến quân đội, đến lợi ích dân tộc. Lòng trung với nước với dân là kim chỉ nam giữ cho Đại tướng sự ung dung, bình thản của bậc anh hùng trước những cơn dâu bể.

Là người học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm rạng danh  cho đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và của Bác Hồ, dưới sự chỉ huy của người Anh Cả huyền thoại đã làm nên chiến thắng vang dội năm châu, góp phần đóng góp vào sự thúc đẩy phong trào đấu tranh giành độc lập của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Ngày 04/10/2013, Đại tướng về cõi vĩnh hằng, hàng triệu người dân từ Bắc chí Nam đã tập trung về Hà Nội, Quảng Bình để tiễn đưa ông. Từng dòng người lặng lẽ nối tiếp nhau, lệ trào rưng rưng trên khóe mắt tiễn đưa Anh bộ đội Cụ Hồ đẹp nhất, vị tướng của lòng dân về nơi an nghỉ cuối cùng. Đại tướng đã ra đi nhưng con người ông, khí phách ông, chất nhân văn trong suốt cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng thì mãi trường tồn cùng dân tộc. Sống giữa lòng dân là lẽ sống cao cả nhất, đẹp đẽ nhất của bậc hiền tài nhân nghĩa – người đã xếp bút nghiên theo việc đao binh để rồi trở thành vị tướng lừng danh thế giới. Thật đúng là: “Văn lo vận nước văn thành võ/ Võ thấu lòng Dân võ hóa văn9.

Chú thích:
1. Trần Hưng Đạo. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, ngày 02/8/2020.
2, 5, 6. Trích dẫn từ Bình Ngô đại cáo (1428, là bài cáo của Nguyễn Trãi viết thay lời Bình Định vương Lê Lợi để tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống Minh, giành lại độc lập cho Đại Việt) của Wikipedia, bách khoa toàn thư mở, ngày 02/8/2020.
3. Quang Trung. https://vi.wikipedia.org, ngày 02/8/2020.
4. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 410.
7. Quan Hải Nguyễn Trãi. https://www.thivien.net, ngày 02/8/2020.
8. Tướng Văn trong trái tim đồng đội. dientu@hanoimoi.com.vn, ngày 30/04/2015.
9. Câu đối mừng thọ nhân dịp Đại tướng tròn 90 tuổi của nhà giáo Hồ Cơ.
Tài liệu tham khảo:
1. Chiến thắng Điện Biên Phủ và chất nhân văn của một vị tướng. http://nguoilambao.vn, ngày 20/6/2016.
2. Thầy giáo Võ Nguyên Giáp trở thành Đại tướng như thế nào. https://www.quangbinh.gov.vn, ngày 06/10/2013.
3. Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ. H. NXB Quân đội nhân dân, 2004.
4. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một thế kỷ – hai cuộc trường chinh. H. NXB Kim Đồng, 2011.
ThS. Vương Thị Liên
Học viện Hành chính Quốc gia