Chính sách đối với người cao tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh – thực trạng và một số kiến nghị

(Quanlynhanuoc.vn) – Tại TP. Hồ Chí Minh, tổng số người cao tuổi năm 2020 là hơn 561.000 người, chiếm tỷ lệ 6,3% dân số. Để người cao tuổi được “sống vui, sống khỏe, sống có ích”, các cấp chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện tốt nhiều chính sách nhằm chăm sóc, trợ giúp người cao tuổi, trong đó, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò người cao tuổi phù hợp với tiềm năng và trình độ phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách người cao tuổi

Năm 2020, cả nước có gần 13 triệu người cao tuổi (NCT), chiếm 12% dân số, trong đó khoảng 1,98 triệu người trên 80 tuổi, gần 4,8 triệu NCT là nam; 7,7 triệu NCT sống ở nông thôn1. Tại TP. Hồ Chí Minh, tổng số NCT năm 2020 là hơn 561.000 người, chiếm tỷ lệ 6,3% dân số2. Trong bối cảnh đó, để NCT được “sống vui, sống khỏe, sống có ích”, các cấp chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện tốt nhiều chính sách nhằm chăm sóc, trợ giúp NCT, trong đó, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động chăm sóc sức khỏe (CSSK) và phát huy vai trò NCT phù hợp với tiềm năng và trình độ phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Thời gian qua, việc thực hiện chính sách về NCT tại TP. Hồ Chí Minh đạt được nhiều kết quả tích cực:

Thứ nhất, kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách về NCT.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố đã chỉ đạo quán triệt đầy đủ các quy định của Luật NCT, thông báo Kết luận số 305-TB/TW ngày 03/02/2010 của Ban Bí thư về kết quả thực hiện Chỉ thị số 59-CT/TW ngày 27/9/2005 của Ban Bí thư (khóa VII) về chăm sóc NCT, Chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2. Ngoài ra, thành phố đã triển khai Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012 – 2020. Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 6328/QĐ-UBND ngày 30/11/2013 về Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 – 2020.

Năm 2017, trên cơ sở Quyết định 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án CSSK NCT giai đoạn 2017 – 2025 và hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 1439/BYT-TCDS ngày 24/3/2017, UBND TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án CSSK NCT tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 – 2025 nhằm đáp ứng nhu cầu CSSK NCT của thành phố thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về NCT; Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.

Thứ hai, công tác CSSK NCT được triển khai có hiệu quả.

Tại TP. Hồ Chí Minh, các đơn vị y tế, các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) đã thực hiện tốt công tác CSSK NCT theo đúng quy định Luật NCT và  quy định của Bộ Y tế. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng CSSK cho NCT, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và Sở Y tế đã kịp thời chỉ đạo các bệnh viện cấp thành phố tích cực chuẩn bị để thành lập Khoa Lão khoa nhằm CSSK cho NCT. Số liệu báo cáo của UBND thành phố cho biết, có nhiều bệnh viện cấp thành phố thành lập Khoa Lão khoa3, hoặc tổ chức khoa Lão khoa kết hợp khoa khác4. Mặt khác, thành phố cũng đã cấp bảo hiểm y tế đầy đủ cho tất cả đối tượng NCT thuộc diện được cấp bảo hiểm y tế. Vì vậy, công tác CSSK NCT tại TP. Hồ Chí Minh được nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng.

Thứ ba, thực hiện công tác chăm lo đời sống vật chất, bảo trợ xã hội và chăm lo đời sống tinh thần cho NCT.

Thành phố đã triển khai kịp thời việc chăm lo cho đời sống vật chất cũng như thực hiện có hiệu quả chính sách bảo trợ xã hội cho NCT. Hiện TP. Hồ Chí Minh có 8 trung tâm bảo trợ xã hội công lập đang nuôi dưỡng hơn 1.400 NCT và gần 800 NCT được nuôi dưỡng tại 13 trung tâm bảo trợ xã hội ngoài công lập5. Các trường hợp này đều được hưởng trợ cấp đầy đủ, đúng quy định. Ngoài ra, thành phố còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể dục – thể thao, vui chơi giải trí phù hợp với NCT; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các câu lạc bộ văn hóa, thể thao cho NCT.

Một số hạn chế, bất cập

Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, việc thực hiện các chính sách về NCT trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vẫn còn một số hạn chế sau:

Một là, công tác tuyên truyền chính sách NCT chưa thật sự đầy đủ.

Mặc dù trong kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về NCT tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 – 2020 xác định phải xây dựng chuyên trang, chuyên mục và nâng cao chất lượng tin bài, phát sóng các chuyên mục về NCT của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh và các đài phát thanh quận – huyện, phường – xã – thị trấn, hệ thống truyền thông khu phố, tổ dân phố, ấp. Tuy nhiên, thực tế chưa có nhiều chuyên mục đưa tin, tuyên truyền về các vẫn đề liên quan đến NCT. Chỉ tiêu Thành phố đề ra: “100% cơ quan phát thanh, truyền hình cấp thành phố và địa phương có chuyên mục về người cao tuổi tối thiểu 2 lần/tuần”6 nhưng trên thực tế, các đài phát thanh, truyền hình của Thành phố cũng như các quận, huyện vẫn chưa có phát sóng chuyên mục thường xuyên về NCT.

Hai là, một số chính sách chưa hợp lý và việc vận dụng chưa tương xứng với tiềm lực của Thành phố.

Về chính sách trợ cấp cho NCT. Mặc dù đã nâng mức trợ cấp cho NCT cao hơn mức trung bình của cả nước, theo quy định của UBND thành phố, từ ngày 01/01/2014, NCT được hưởng mức trợ cấp 380.000 đồng/ người/tháng (hệ số 1). Tuy nhiên, với mức sống khá cao hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh thì mức trợ cấp này còn quá thấp, chưa tương xứng với tiềm lực ngân sách của Thành phố, chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống NCT nhất là NCT có hoàn cảnh khó khăn.

Về chính sách miễn, giảm giá vé cho NCT. Từ ngày 01/8/2017, Thành phố đã thực hiện chính sách miễn phí đi xe buýt đối với NCT từ 70 tuổi trở. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, NCT từ 70 tuổi trở lên đi xe buýt không nhiều, đồng thời, thủ tục để làm thẻ đi xe buýt miễn phí phức tạp.

Ba là, chưa huy động nhiều nguồn lực xã hội trong thực hiện chính sách về NCT.

Thành phố vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc huy động các nguồn lực xã hội trong thực hiện chính sách về NCT, nhất là các chính sách, cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư các cơ sở CSSK NCT còn bất cập trong hỗ trợ miễn giảm thuế, ưu tiên cho thuê đất…

Bốn là, việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách về NCT chưa thường xuyên.

Hiện nay, việc thanh tra, kiểm tra này tại TP. Hồ Chí Minh vẫn còn hạn chế. Điển hình như Luật NCT và các văn bản hướng dẫn quy định NCT được giảm giá vé tham quan du lịch (ít nhất 20%), giá dịch vụ giao thông (ít nhất 15%)7, tuy nhiên, thực tế cho thấy, phần lớn NCT vẫn phải trả tiền như người trẻ tuổi và cũng chưa thấy các đơn vị nào bị kiểm tra, xử phạt vi phạm.

Luật NCT cũng quy định NCT được KCB định kỳ, được theo dõi, quản lý về y tế, được ưu tiên khi KCB tại cơ sở y tế nhưng nhiều NCT chưa được tổ chức khám sức khỏe định kỳ. Các hành vi vi phạm Luật NCT chưa được thanh tra, kiểm tra phát hiện xử lý kịp thời, đầy đủ. Điều này xuất phát từ việc công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát ở địa phương còn hạn chế, chưa được thường xuyên, liên tục; các chỉ tiêu, tiêu chí kiểm tra, giám sát chưa thống nhất, đồng bộ làm cơ sở cho việc thanh tra, kiểm tra, đánh giá chính sách, pháp luật về NCT.

Một số kiến nghị

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện một số chính sách về NCT và ban hành chính sách đặc thù đối với NCT của Thành phố.

Chính phủ cần sớm ban hành Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 để tiếp tục triển khai thực hiện.

Trong thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh cần tổng kết thực hiện quy định về chính sách NCT. Đồng thời kiến nghị Trung ương sửa đổi quy định cho tất cả  NCT đều được hưởng trợ cấp xã hội theo Luật NCT, không phân biệt NCT có hay không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH, có thể quy định các mức trợ cấp khác nhau cho NCT có lương hưu/trợ cấp BHXH và NCT không có lương hưu/trợ cấp BHXH. Đồng thời, có thể xem xét  đối với TP. Hồ Chí Minh khi hạ độ tuổi NCT được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng từ 80 tuổi xuống 70 – 75 tuổi, tùy theo đặc thù của Thành phố và xem xét hạ độ tuổi được miễn phí vé xe buýt tại Thành phố.

Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đã được trung ương cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có cơ chế đặc thù về tài chính – ngân sách để tạo nguồn thu ngân sách phục vụ thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội. Cơ chế đặc thù này sẽ tạo điều kiện tài chính để thành phố có thể thực hiện các chính sách về kinh tế – xã hội, trong đó có chính sách liên quan đến NCT. Mặt khác, Thành phố là địa phương có số lượng NCT rất đông, mức sống của thành phố khá cao, do đó, cũng cần xem xét ban hành quy định mức trợ cấp cho NCT theo hướng tăng mức trợ cấp cho NCT, để bảo đảm cuộc sống cho NCT.

Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách NCT.

UBND Thành phố cần tiếp tục chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến NCT. Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền các gương điển hình, gương “Người tốt, việc tốt”, xây dựng chuyên trang, chuyên mục về NCT; tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về các hoạt động CSSK và phát huy vai trò NCT.

Thứ ba, thực hiện chính sách xã hội hóa về công tác CSSK NCT; triển khai đa dạng hóa các mô hình CSSK NCT.

Thành phố cần thực hiện xã hội hóa về công tác CSSK NCT, đa dạng hóa nguồn vốn để triển khai thực hiện chính sách về NCT. Đồng thời, kiến nghị trung ương quy định các cơ sở dịch vụ, cơ sở CSSK NCT thuộc danh mục các dự án được hưởng chính sách ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa, ưu đãi về đầu tư.

Bên cạnh đó, với xu thế già hóa diễn ra nhanh ở Việt Nam, có rất nhiều mô hình chăm sóc, trợ giúp NCT được xây dựng, nhưng để đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của số đông NCT thì có rất ít mô hình đáp ứng được điều này. Năm 2004 với sự trợ giúp của Tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc tế – HAI, Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã cho ra đời mô hình liên thế hệ tự giúp nhau, đây là mô hình chăm sóc, trợ giúp NCT dựa vào cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam. Mô hình liên thế hệ là một mô hình kết hợp các hoạt động chăm sóc, trợ giúp nhiều mặt, CSSK; tạo việc làm cho NCT, thông qua các câu lạc bộ và hoạt động sinh kế; giải trí, thể dục – thể thao; truyền thông nâng cao nhận thức về chính sách với sự tham gia trợ giúp của Nhà nước và các tổ chức xã hội. Do đó, Thành phố cần đẩy mạnh triển khai thực hiện mô hình liên thế hệ. Đồng thời, nghiên cứu triển khai đa dạng các mô hình CSSK NCT.

Thứ tư, thực hiện công khai, minh bạch các chính sách về NCT, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm về chính sách NCT.

UBND Thành phố cần chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, bảo đảm việc thực hiện đúng các quy định về chính sách NCT; kịp thời phòng ngừa sai phạm trong quá trình thực hiện chính sách. Cụ thể, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông, vận tải cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra thực hiện giảm giá vé và hỗ trợ đối với NCT khi tham gia giao thông công cộng. BHXH Thành phố phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các địa phương chủ động lập danh sách và in cấp thẻ bảo hiểm y tế kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho NCT theo quy định.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể của Thành phố tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giám sát theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm mục tiêu và hiệu quả của việc thực hiện các quy định pháp luật về NCT. Ngoài ra, các cơ quan thanh tra thường xuyên thanh tra việc thực thi chính sách NCT nhằm nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định của chính sách về NCT, phòng ngừa vi phạm pháp luật, phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, trong chính sách để kiến nghị với cơ quan thẩm quyền có biện pháp khắc phục và xem xét, đánh giá hiệu quả việc thực hiện quy định này. Qua đó, phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích hợp pháp của NCT.

Chú thích:
1. Chính sách với người cao tuổi cần công bằng. https://www.sggp.org.vn, ngày 24/11/2020.
2. Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về người cao tuổi năm 2020.
3. Bệnh viện Nhân dân Gia Định; Bệnh viện Nguyễn Trãi; Bệnh viện Nguyễn Tri Phương; Bệnh viện Nhân dân 115; Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn; Bệnh viện Phong Bến Sắn; Bệnh viện Răng Hàm Mặt.
4. Bệnh viện An Bình; Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức.
5. Đề xuất người cao tuổi được hưởng trợ cấp không phân biệt là hưu trí hay không hưu trí. https://voh.com.vn, ngày 11/11/2020.
6. Quyết định số 6328/QĐ-UBND ngày 30/11/2013 về Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 – 2020.
7. Truyền hình thực tế có bỏ quên người lớn tuổi trong sự cô đơn. http://dantri.com.vn, ngày 20/12/2016.
ThS. Đặng Kim Quyên
Trường Cao đẳng Kinh tế TP. Hồ Chí Minh