Tư tưởng V.I.Lênin trong tác phẩm “thà ít mà tốt” với việc hoàn thiện bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay

(Quanlynuoc.vn) – Trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước ở Việt Nam hiện nay, việc hoàn thiện bộ máy nhà nước theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết để phát triển đất nước một cách bền vững đi lên chủ nghĩa xã hội. Chính trên lĩnh vực hệ trọng này, chúng ta có thể tìm thấy trong di sản tư tưởng của V.I.Lênin về cải tiến xây dựng nhà nước kiểu mới – nhà nước xã hội chủ nghĩa trong tác phẩm “Thà ít mà tốt” với nhiều chỉ dẫn quan trọng.
V.I.Lênin. Ảnh: tulieuvankien.dangcongsan.vn

Với tư cách là người sáng lập, đứng đầu và lãnh đạo Nhà nước Xô viết, cuối năm 1922, đầu năm 1923, V.I.Lênin đã thẳng thắn vạch ra những yếu kém, khuyết điểm của bộ máy nhà nước (BMNN) Xô viết còn mang nặng vết tích của nhà nước cũ: tệ quan liêu, nạn hối lộ, cồng kềnh, lãng phí, tốn kém. Đồng thời, Người còn chỉ rõ nguyên nhân của những yếu kém, khuyết điểm đó để khắc phục chúng và việc cải tiến, khắc phục những khuyết điểm, yếu kém của BMNN Xô viết lúc đó trở nên cấp bách. Có thể thấy, bài học đầu tiên trong tư tưởng của V.I.Lênin, đó là để đổi mới BMNN thì phải nhìn thẳng vào sự thật, phải thấy rõ những hạn chế, không che giấu khuyết điểm mà phải nhận thấy và chỉ ra những chỗ yếu kém, còn tồn tại thì mới có thể thay đổi và sửa chữa để đạt kết quả tốt nhất.

Sau khi đưa ra yêu cầu phải nhìn thẳng vào sự thật trước khi cải tiến, V.I.Lênin vạch ra mục đích của cải tiến BMNN Xô viết là nhằm phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ chế độ Xô viết; yêu cầu nhà nước ấy phải giữ vững bản chất của giai cấp công nhân, phải làm cho BMNN thật sự trong sạch và có trình độ cao về văn hóa, phải làm cho BMNN Xô viết trở nên thật sự tinh gọn, có hiệu lực và hiệu quả, phải xây dựng một nhà nước trong đó giai cấp công nhân tiếp tục là giai cấp lãnh đạo. Đây chính là con đường mà Nhà nước ta từ khi đổi mới cho đến nay đều mong muốn đạt được. Việc đổi mới một cách toàn diện và triệt để BMNN là một việc không đơn giản, phải biết chọn khâu đột phá trong tổ chức BMNN để tiến hành đổi mới, V.I. Lênin đã biết chọn khâu đột phá để qua đó, tác động tới toàn thể BMNN đó là Bộ Dân ủy.

Để nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh thì BMNN phải gọn nhẹ và có hiệu quả, cán bộ, công chức (CBCC) phải có năng lực, phải đổi mới thành phần của BMNN bằng những lực lượng ưu tú của Đảng trong công nhân và trong trí thức. Vì vậy, cần phải tinh giản biên chế, cải tiến tổ chức, xóa bỏ tác phong lề mề hành chính, bệnh quan liêu, không có hối lộ, tham nhũng. Theo đó, cần có chế độ lương, ưu đãi đối với CBCC, viên chức nhà nước thỏa đáng.

Trong quá trình đổi mới BMNN theo quan điểm “thà ít mà tốt” của V.I.Lênin, phải làm cho BMNN thật tinh gọn và có hiệu lực, hiệu quả. Giảm bớt các cơ quan, tổ chức trong BMNN mà thực sự không cần thiết hoặc trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ. Những người được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước phải thật sự ưu tú, có năng lực, có phẩm chất, tận tâm phục vụ và cống hiến cho BMNN, cho nhân dân thì BMNN đó mới thật sự vững mạnh. Những người không đủ tiêu chuẩn thì cần loại khỏi bộ máy để làm trong sạch, tinh gọn bộ máy và không gây cản trở cho sự vận hành của bộ máy, tránh lãng phí.

Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để thanh lọc khỏi BMNN những kẻ tham ô, hối lộ và những phần tử xấu khác.

Đổi mới BMNN một cách toàn diện nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, được tiến hành một cách tuần tự, từng bước; cần phải quán triệt nguyên tắc kiên trì, tránh nóng vội, hấp tấp thì mới đạt được kết quả như mong muốn. Lựa chọn, đào tạo cán bộ… phải có thi cử, phòng ngừa tính không thận trọng, nóng vội, hấp tấp đốt cháy giai đoạn, coi công việc gì cũng có thể làm được mà không cần sự kiểm tra, giám sát.

Để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (NNPQ XHCN) của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân ở Việt Nam hiện nay:

Thứ nhất, quán triệt quan điểm lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hoạt động cải tiến BMNN theo hướng xây dựng NNPQ XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Theo xu hướng phát triển của nhân loại, nước ta đang từng bước xây dựng NNPQ XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân dựa trên cơ sở khối liên minh công – nông và đại đoàn kết dân tộc. Đặc biệt, giai đoạn hiện nay, khi chủ nghĩa xã hội không còn là một hệ thống trên thế giới, bên cạnh đó các thế lực thù địch liên tục chống phá thành quả cách mạng thế giới và cách mạng Việt Nam, cùng với những diễn biến trong xã hội ngày càng phức tạp. Trước tình hình đó, càng đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta luôn kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó Đảng phải trung thành, nắm vững bản chất cách mạng và khoa học, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện, tình hình cụ thể của cách mạng Việt Nam, không máy móc, giáo điều.

Chỉ dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, thì sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng một NNPQ XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân dựa trên khối liên minh công – nông mới có thể thành công và sẽ thu được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thứ hai, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo công cuộc xây dựng NNPQ XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Đi đôi với xây dựng một đảng trong sạch, vững mạnh về mọi mặt, phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trước hết là đặt trọng tâm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước có vai trò rất quan trọng, thể hiện năng lực cầm quyền của Đảng. Có xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì mới nâng cao được năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, ngược lại, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng cũng là để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Thứ ba, đổi mới cơ chế, chính sách phát hiện tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng CBCC trong BMNN.

Kế thừa quan điểm của V.I.Lênin và Hồ Chí Minh đối với CBCC trong cải tiến BMNN, Đảng ta cần nhấn mạnh những yêu cầu đối với xây dựng đội ngũ CBCC, phải coi trọng cả năng lực và đạo đức. Trong đó, phải bảo đảm tính nghiêm túc, trung thực trong thi cử, tuyển dụng CBCC; sắp xếp lại đội ngũ CBCC đúng chức danh, tiêu chuẩn, gắn với việc tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ. Phải tuyển chọn được những người thật sự ưu tú, có năng lực, tận tâm với công việc vào BMNN mới có thể nâng cao chất lượng của BMNN và được người dân tín nhiệm tuyệt đối trong công việc, lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của đảng viên, Nhân dân làm thước do chủ yếu.

Hiệu quả hoạt động của BMNN phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đội ngũ CBCC. Cơ chế tuyển chọn phải thực sự khách quan, công khai, công tâm để người có tài, có đức không bị loại, những người hăng hái không nhụt chí, còn những kẻ cơ hội, đạo đức và năng lực yếu kém bị loại trừ. Chỉ có như vậy, BMNN mới thực sự trong sạch vững mạnh, mới đáp ứng được yêu cầu xây dựng một NNPQ của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC nhà nước cần phải được tiến hành và tập trung vào đối tượng công chức hành chính, CBCC cơ sở. Việc đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại cán bộ theo chức danh và cán bộ dự nguồn, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, chú ý bồi dưỡng phẩm chất chính trị, trình độ nghề nghiệp, năng lực thực tiễn, xử lý tình huống, khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong đào tạo. Các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng, tập trung ưu tiên vào đối tượng CBCC cơ sở còn trẻ, đặc biệt là ở các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Công tác đào tạo cán bộ ở nước ngoài và hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng phải được Nhà nước ta quan tâm nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, học hỏi kinh nghiệm quản lý của các nước tiên tiến.

Xây dựng đội ngũ CBCC phải bằng nhiều biện pháp đồng bộ, kết hợp giữa việc đổi mới cơ chế, chính sách với chế độ tiền lương đãi ngộ. Đây là một vấn đề lớn, tác động đến nhiều mặt của quá trình cải cách BMNN, liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm của đội ngũ CBCC, trong đó cũng là những vấn đề cơ bản nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong BMNN.

Thứ tư, đẩy mạnh đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng làm trong sạch BMNN.

Để đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng cần phải bằng hệ thống các biện pháp đồng bộ, cả trước mắt và lâu dài, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”.

Cùng với việc xây dựng cơ chế phòng, chống, tấn công quan liêu, tham nhũng trên tất cả các lĩnh vực, cần xác định và tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm. Yếu tố quan trọng, quyết định hiệu lực, hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng chính là công tác lãnh đạo. Sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng, thông qua các chủ trương, chính sách mang tính chỉ đạo, thông qua các cấp ủy đảng quyết định sự thành bại của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống bệnh quan liêu.

Thứ năm, tăng cường vai trò giám sát của Nhân dân đối với BMNN và công chức nhà nước.

Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, thiết chế thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, các cơ quan có trách nhiệm phải giải trình, bảo đảm tính minh bạch, sự tham gia rộng rãi của Nhân dân trong quá trình xây dựng trước khi ban hành. Một mặt, tôn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp của Nhân dân nhưng phải phân tích mức độ đúng, sai của những ý kiến đó; mặt khác, phải bảo vệ người đã có ý kiến phát hiện những sai trái của CBCC.

Để phát huy vai trò giám sát của các tổ chức, đoàn thể, Nhân dân, cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể; khắc phục tình trạng hành chính hóa, công chức hóa, quan liêu, xa dân; hướng mạnh công tác về cơ sở, nắm chắc tình hình quần chúng; chủ động phối hợp giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân; kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết, xử lý trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Bên cạnh đó, cần kiện toàn Ban thanh tra nhân dân ở cơ sở để tổ chức này thực sự là nơi tập hợp quần chúng ở xã, phường, thị trấn và các cơ quan hành chính sự nghiệp, các tổ chức kinh tế – xã hội trong công tác giám sát việc thực thi chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại cơ sở. Cần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban thanh tra nhân dân trong giám sát hoạt động của chính quyền nói chung và trong thực hiện quy chế dân chủ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói riêng.

Phát huy tối đa vai trò của quần chúng nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng và quản lý nhà nước. Cần phải tăng cường việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, các cán bộ, đảng viên trong BMNN thông qua Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội, các tổ chức quần chúng – với chức năng “phản biện xã hội” bằng nhiều hình thức mà trước tiên và quan trọng nhất là phát huy dân chủ XHCN, gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với xây dựng chính quyền, phát huy tối đa vai trò của các tổ chức này trong quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng và hoàn thiện NNPQ XHCN cũng như của cả hệ thống chính trị nước ta.

Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1, 2. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Phân viện Báo chí và Tuyên truyền. Giới thiệu tác phẩm của C. Mác – P. Ăngghen – Lênin – Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng và chính quyền. H. NXB. Chính trị quốc gia, 2001.
3. V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 3, Tập 16. NXB Tiến bộ, Mátcơva, 1979.
4. V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 4, Tập 12, Tập 13, Tập 21. H. NXB Chính trị quốc gia, 2005.
5. V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 30, Tập 36, Tập 37, Tập 38. NXB Tiến bộ, Mátcơva, 1978.
6. V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 41. NXB Tiến bộ, Mátcơva, 1977.
7. V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 34, Tập 35, Tập 44, Tập 45. H. NXB Chính trị quốc gia, 2006.
8. V.I.Lênin. Về tư cách người đảng viên cộng sản. H. NXB Sự thật, 1975.
9. V.I.Lênin. Thân thế và sự nghiệp. NXB Tiến bộ, Mátcơva, 1986.
Tạ Thị Lê
Học viện Chính trị khu vực II