Kinh nghiệm chuyển đổi số tại E-xtô-ni-a

(Quanlynhanuoc.vn) – Cộng hòa E-xtô-ni-a là quốc gia ở Bắc Âu với diện tích hơn 45.000km2 và dân số hơn 1,3 triệu người. Hiện nay, E-xtô-ni-a được coi là một trong những xã hội điện tử tiên tiến nhất trên thế giới. E-xtô-ni-a cũng là một trong số những nước thành công nhất trong phát triển chính phủ số ở châu Âu1. Nội dung bài viết trình bày nguyên nhân lý giải cho những thành tựu phát triển công nghệ, kỹ thuật số sáng tạo và những kinh nghiệm học hỏi trong quá trình chuyển đổi số của E-xtô-ni-a.
Trụ sở Quốc hội Estonia ở Tallinn. Ảnh: vi.wikipedia.org.
Xuất phát điểm bình thường, kết quả phi thường

Khi tách khỏi Liên Xô (cũ) năm 1991, E-xtô-ni-a là một quốc gia nghèo, bộ máy chính quyền không hoàn thiện (không có mạng lưới cơ quan thuế, không có văn phòng dịch vụ xã hội). Cải cách cần được thực hiện ở mọi lĩnh vực. Khi đó, chỉ 1/3 dân số E-xtô-ni-a có điện thoại; chỉ các văn phòng cơ quan nhà nước hay công ty lớn mới có máy tính cá nhân, ít người biết tới Internet hay nghe nói về Apple hoặc Microsoft.

Đất nước này đã phát triển một cách nhanh chóng. Trong khoảng mười năm sau khi tách khỏi Liên Xô, E-xtô-ni-a đã thay đổi từ nước nông nghiệp sang nước công nghệ cao. Sự phát triển này gắn liền với quá trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia của E-xtô-ni-a. E-xtô-ni-a là “một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới soạn thảo chiến lược chính phủ điện tử vào giữa những năm 1990”. Thành công của CĐS E-xtô-ni-a được công nhận lần đầu tiên vào năm 2000, khi E-xtô-ni-a vượt trội hơn nhiều nước giàu có khác về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, với 99% dịch vụ công trực tuyến 24/7. Năm 2007, E-xtô-ni-a là nước đầu tiên trên thế giới cho phép bầu cử trực tuyến. Năm 2011, E-xtô-ni-a dẫn đầu về công nghệ thông tin (CNTT) ở châu Âu. Về chỉ số phát triển chính phủ điện tử trên thế giới, E-xtô-ni-a đứng ở vị trí thứ 13 năm 2016, thứ 16 năm 2018 và thứ 3 năm 2020. Hầu như tất cả mọi thứ và mọi công dân ở E-xtô-ni-a đều được kết nối với Internet.

Ở E-xtô-ni-a, các tương tác và giao dịch khác giữa công dân và nhà nước cũng như giữa các cơ quan và bộ, ngành ở E-xtô-ni-a đều được số hóa và bảo đảm an toàn ở mức bảo mật cao nhất. Người dân có thể nhận kết quả xét nghiệm y tế và đơn thuốc, đóng thuế hoặc thậm chí mua xe trực tuyến mà không cần phải đến văn phòng đăng ký xe. Chính phủ E-xtô-ni-a đã học cách cung cấp các dịch vụ công hiệu quả như cách mà Amazon bán sách: không có sự hiện diện vật lý, không có chi phí ứng dụng, không có giờ mở và đóng cửa.

Cải cách hành chính đã giúp E-xtô-ni-a tiết kiệm “800 năm làm việc”. Mục tiêu tiếp theo của E-xtô-ni-a là một công dân có thể tiếp nhận dịch vụ mà không cần yêu cầu chính phủ. Ví dụ, khi một đứa trẻ ra đời, chính phủ tự động thanh toán phúc lợi cho trẻ, đăng ký vào danh sách chờ ở nhà trẻ, cấp mã số căn cước, đề nghị bố mẹ đặt tên… Đặc biệt, hệ thống thông tin được thiết lập để chính quyền không bao giờ yêu cầu người dân cung cấp bất kỳ thông tin nào mà họ đã có. Chính phủ E-xtô-ni-a gọi đây là quy định “chỉ một lần”, nghĩa là không bao giờ công dân phải khai lại lần thứ hai địa chỉ, ngày sinh hoặc bất cứ thông tin nào khác.

Câu hỏi đặt ra là: làm sao một nước rất nhỏ đã thực hiện thành công CĐS nhanh và mạnh như vậy trong một thời gian rất ngắn? Tại sao E-xtô-ni-a làm tốt khi các nước khác vẫn còn đang vật lộn với nhiều khó khăn? Đi tìm nguyên nhân thành công của E-xtô-ni-a có thể là kinh nghiệm giúp các quốc gia khác thành công trên con đường CĐS.

Một số nguyên nhân của thành công

Có một số nguyên nhân cơ bản sau đây giải thích cho sự thành công của E-xtô-ni-a trong quá trình CĐS:

Một là, tầm nhìn và tư duy đổi mới của lãnh đạo đất nước.

Quá trình CĐS bắt đầu với tầm nhìn và tư duy đổi mới của cựu Tổng thống E-xtô-ni-a Toomas Hendrik Ilves2 và cựu Thủ tướng Mart Laar3. Cựu Tổng thống E-xtô-ni-a Toomas Hendrik Ilves đã sớm nhận thấy giải pháp để bắt kịp các quốc gia khác nằm ở CĐS đất nước.

Sự tập trung sớm của E-xtô-ni-a vào việc tích hợp giáo dục CNTT với giáo dục phổ thông là một yếu tố cần thiết trong việc cho phép chuyển đổi kỹ thuật số. Được tài trợ bởi cả các tổ chức công và tư, chương trình Tiger Leap do Jaak Aaviksoo và Toomas Hendrik Ilves khởi xướng vào năm 1996: bước đầu tiên là đưa tất cả các trường học ở E-xtô-ni-a lên mạng. Các công ty khu vực tư nhân đã tham gia vào quan hệ đối tác công tư được đồng tài trợ có tên là Look @ World. Cả hai chương trình đều có tác động to lớn đối với thanh niên E-xtô-ni-a và dẫn đến sự xuất hiện của một khu vực khởi nghiệp CNTT sôi động.

Cựu Thủ tướng trẻ tuổi Mart Laar (là Thủ tướng khi mới 32 tuổi) có cùng tầm nhìn và tư duy với ông Toomas Hendrik Ilves. Trong cuộc phỏng vấn với báo chí châu Âu năm 2000, ông Mart Laar nói: “Chúng tôi chọn CNTT vì nó không yêu cầu nhiều tiền, đầu tư duy nhất chúng tôi cần là giáo dục tốt, điều rất ăn khớp với văn hoá của chúng tôi. Vì chúng tôi không thể làm mọi thứ ngay một lúc, chúng tôi hội tụ chỉ vào một điều: giáo dục công nghệ”.

Các lãnh đạo E-xtô-ni-a nghĩ cách tốt nhất là trước tiên hãy bắt đầu với những người trẻ tuổi, và đề xuất E-xtô-ni-a bắt đầu bằng cách đưa máy vi tính và giảng dạy về máy vi tính đến với tất cả học sinh. Bước đi lớn đầu tiên trong quá trình số hóa E-xtô-ni-a là Chương trình quốc gia về tin hóa các trường học (Tiger Leap – Bước nhảy của hổ) được đề xuất và ban hành năm 1996. Mục tiêu chính của Tiger Leap là kết nối tất cả các trường học bằng internet, trang bị máy tính cho các trường học và bắt đầu sử dụng CNTT vào quá trình dạy và học. Mặc dù chương trình nhấn mạnh vào việc giáo dục, nhưng tác động của nó lớn hơn dự kiến ban đầu và cuối cùng đã thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển của xã hội thông tin E-xtô-ni-a. Đến năm 1998, tất cả các trường học tại quốc gia này đều được trang bị máy tính có kết nối mạng. Các trường đều có phòng máy tính, mở sau giờ học để khuyến khích mọi người đến, sử dụng.

Tiger Leap Plus (2001 – 2005), một phần tiếp theo của chương trình Tiger Leap, được Chính phủ E-xtô-ni-a triển khai. Mục tiêu của chương trình là ứng dụng CNTT để tạo điều kiện một xã hội học tập trong các trường học và máy tính được sử dụng như một nhu cầu tất yếu của quá trình dạy và học tập. Có bốn lĩnh vực ưu tiên: (1) Phát triển năng lực CNTT cho sinh viên tốt nghiệp, giáo viên và quản trị viên. (2) Học ảo (phát triển phần mềm học tập, phát triển phòng tập ảo,… ). (3) Phát triển cơ sở hạ tầng CNTT (hiện đại hóa phần mềm và phần cứng, kết nối internet, hỗ trợ kỹ thuật cho trường học). (4) Thúc đẩy sự hợp tác của tất cả các bên liên quan (nhà nước, cộng đồng địa phương, trường học, phụ huynh và tổ chức khác).

Phổ biến CNTT cho toàn cộng đồng là bước nền tảng để thực hiện số hóa quản trị nhà nước. Kết quả là, với kỹ năng mạnh trong CNTT, người E-xtô-ni-a có khả năng thực hiện hệ thống chính phủ điện tử hiệu quả, nơi mọi thứ đều được trực tuyến để loại bỏ việc xếp hàng dài trước các văn phòng chính phủ. Nguồn nhân lực CNTT có kỹ năng cũng phát triển các doanh nghiệp điện tử với các cửa hàng trực tuyến để thay thế cho các cửa hàng vật lý truyền thống.

Như vậy, nguyên nhân đầu tiên cho sự thành công của E-xtô-ni-a bắt đầu bằng tầm nhìn và tư duy đổi mới của các nhà lãnh đạo đất nước. Như cựu Tổng thống Toomas Hendrik Ilves cho rằng: số hóa quản trị không chỉ là “đưa chính phủ lên trực tuyến”. Nó cũng không đơn thuần là biến hồ sơ giấy thành các tệp PDF. Số hóa chính phủ rốt cuộc có nghĩa là tư duy lại phương thức vận hành của quản trị. Và cựu thủ tướng Mart Laar cũng khẳng định thành công của E-xtô-ni-a chính là việc bỏ “tư duy cũ”. Ông nói: “E-xtô-ni-a là nước rất nhỏ. Nó như cái làng nhỏ hơn là một nước nơi mọi người biết lẫn nhau; chúng tôi làm việc cùng nhau và thay đổi cách tư duy của chúng tôi cùng nhau. Chúng tôi hội tụ vào “cách nghĩ” mới, tư duy mới mà bắt đầu với giáo dục. Vì hội tụ công nghệ này, vì tư duy mới này, chúng tôi thành công”.

Hai là, ý chí chính trị của lãnh đạo, dám làm, dám chấp nhận rủi ro.

Có tư duy và tầm nhìn, nhưng nếu lãnh đạo đất nước không dám làm, không dám chấp nhận rủi ro thì cũng không thể CĐS thành công. Khi đề xuất với chính phủ về việc bắt đầu số hóa, ông Toomas Hendrik Ilves biết rằng điều này sẽ mất nhiều năm và sẽ gặp nhiều trở ngại. Thực tế, phần lớn trong thời gian 20 năm tiếp theo, các đảng đối lập dường như đã chọn CĐS là một vấn đề để chỉ trích. Ông Toomas Hendrik Ilves chia sẻ: “Không có gì là dễ dàng. Cá nhân tôi đã bị công kích vì CĐS trong gần 10 năm liên tục, bắt đầu từ việc thúc đẩy tin học hóa các trường học cho đến việc số hóa toàn bộ quy trình quản trị”.

Bộ trưởng Giáo dục E-xtô-ni-a vào thời điểm năm 1995 là Tiến sĩ Jaak Aaviksoo, đã thúc đẩy chính phủ chấp thuận đề xuất đưa máy vi tính vào tất cả trường học, kết nối tất cả chúng với nhau. Ý tưởng này không được sự đồng tình của tất cả mọi người. Liên đoàn giáo viên đã kịch liệt phản đối máy vi tính trong trường học, cho rằng chúng sẽ hủy hoại nền giáo dục. Trong gần một năm, không một số báo nào của tuần báo Liên đoàn giáo viên không có bài phản bác kịch liệt ý tưởng này.

Tuy nhiên, dù vấp phải nhiều sự phản đối nhưng nhờ tâm thế cương quyết của các nhà hoạch định, E-xtô-ni-a vẫn kiên định với chính sách này. Các nhà hoạch định chính sách E-xtô-ni-a không sợ bị cử tri phàn nàn. Họ dám thử nghiệm những điều mới mẻ và giữ quan điểm chấp nhận rủi ro. Họ thực hiện CĐS bất chấp những trở ngại.

Ba là chính sách hợp tác công – tư nhanh nhạy, sáng suốt.

Cộng hòa E-xtô-ni-a trở thành ngôi sao về thành tựu CĐS còn nhờ vào chính sách về sự hợp tác nhanh nhạy, sáng suốt, thu hút sự tham gia của khu vực tư và của chính quyền địa phương vào quá trình CĐS. Khi thực hiện chiến lược số hóa nền kinh tế và quản trị, chính phủ E-xtô-ni-a đã đưa các quyết sách nhanh chóng, kịp thời, không có lo sợ sự thiếu hụt nguồn lực hay cơ sở hạ tầng. Sự thiếu hụt sẽ được bổ sung từ khu vực tư hoặc từ chính quyền địa phương với chính sách hợp lý.

Cụ thể, nhận thấy nguồn lực từ đầu tư công là không đủ, chính phủ E-xtô-ni-a đưa ra những chương trình ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư tham gia xây dựng “ngân hàng điện tử”, xây dựng những trung tâm máy tính ở thư viện thành phố hoặc các cơ quan chính quyền để người dân có thể sử dụng rộng rãi.

Các quan hệ đối tác công tư đã khởi xướng các khoản đầu tư đáng kể vào CNTT và dịch vụ kỹ thuật số như liên doanh với các công ty nhà nước ở Scandinavia và sau đó chủ yếu là ngành ngân hàng. Với sự gia tăng của ngân hàng điện tử vào cuối những năm 1990, các ngân hàng đã đi đầu trong việc triển khai e-ID quốc gia (ban đầu là ngân hàng phát hành e-ID). Thông qua các chương trình giáo dục Tiger Leap và Look @ World vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, các ngân hàng đã triển khai giáo dục CNTT trong trường học và cho nhiều tầng lớp dân cư để công dân có thể sử dụng các dịch vụ trực tuyến của họ. Về bản chất, các ngân hàng đã đảm nhận nhiệm vụ đào tạo cho những công dân để thực hiện các giao dịch trực tuyến.

Chính phủ cũng triển khai chính sách sử dụng cơ chế tài trợ đối ứng 50 – 50, trong đó, chính quyền địa phương nào sẵn sàng chi trả một nửa giá máy vi tính sẽ được trung ương trả cho 50% còn lại. Kết quả là năm 1998, tất cả các trường học ở E-xtô-ni-a đều có phòng máy vi tính được nối mạng.

Bốn là, xây dựng niềm tin của người dân vào chính phủ số.

Một trong những yếu tố chính cho sự thành công của E-xtô-ni-a trong việc CĐS để trở thành chính phủ điện tử hàng đầu như hiện nay nằm ở niềm tin của người dân vào chính phủ. Cựu Tổngthống Toomas Hendrik Ilves khẳng định: “Lòng tin là hết sức quan trọng, là điều kiện tiên quyết. Việc cung cấp tất cả các dữ liệu và truy cập vào thông tin của chính phủ đòi hỏi một sự tin tưởng sâu sắc từ các công dân. Có niềm tin, công dân mới sẵn sàng sử dụng hệ thống, nếu không có lòng tin, người dân sẽ không tiếp nhận”.

Chính phủ E-xtô-ni-a đã xây dựng lòng tin từ phía người dân bằng những bước đi nhỏ nhưng mang tính quyết định trong gần 30 năm qua. Vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất để bảo đảm lòng tin là sự minh bạch. Chính phủ tin rằng, cần bảo đảm an toàn cho công dân trong xã hội số và đã thực hiện nhiều biện pháp, như: thực hiện các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ và bảo mật tất cả dữ liệu của công dân; cơ sở pháp lý phải được điều chỉnh để bảo đảm quyền thực thi của đất nước trong bảo vệ dữ liệu. Mọi cư dân của E-xtô-ni-a đều được cấp một định danh số duy nhất, an toàn để truy cập vào tất cả dịch vụ của chính phủ, như: hồ sơ sức khỏe, đăng ký ô tô, thuế, hồ sơ tài sản… Người dân E-xtô-ni-a luôn được biết rằng mọi việc truy cập, can thiệp vào cơ sở dữ liệu công sẽ được ghi lại và đánh dấu thời gian dựa trên blockchain, và nếu có cá nhân/tổ chức khác truy cập, can thiệp vào các cơ sở dữ liệu đó thì đó là hành vi phạm tội hình sự. Điều này tạo niềm tin giữa công dân, nhà nước và dịch vụ điện tử.

Điều thậm chí còn quan trọng hơn là dữ liệu công dân E-xtô-ni-a không thuộc về nhà nước E-xtô-ni-a. Việc dữ liệu cá nhân có trong cơ sở dữ liệu chung không có nghĩa là nhà nước E-xtô-ni-a sở hữu nó, mà nó thuộc về công dân. Bất cứ lúc nào, công dân có quyền biết và kiểm soát những gì xảy ra với dữ liệu này. Điều này làm cho xã hội kỹ thuật số minh bạch hơn nhiều so với xã hội bên ngoài.

Bài học kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi số

Thứ nhất, số hóa quản trị sẽ vận hành tốt nếu được sự ủng hộ của công chúng. Không nhất thiết tất cả người dân sẽ tham gia, nhưng điều quan trọng phải có sự ủng hộ của các chủ thể chính trong khu vực tư nhân, trong đó đặc biệt là các ngân hàng. Các ngân hàng là một đồng minh tất yếu vì việc CĐS dưới sự dẫn dắt của chính phủ sẽ làm cho các giao dịch an toàn hơn. Vấn đề không kém phần quan trọng là giúp ngân hàng cắt giảm chi phí lao động, chi phí thuê trụ sở và vận hành. Khu vực ngân hàng là một bộ phận của khu vực tư nhân mà số hóa mang lại những lợi thế lớn nhất về bảo mật cũng như tiết kiệm.

Bên cạnh đó là sự ủng hộ của các bộ phận dân cư như thanh niên và đội ngũ chuyên môn ưu tú, các kỹ sư, nhà khoa học, giới học thuật. Tất cả các thành phần này đóng vai trò then chốt trong việc tạo dựng sự ủng hộ rộng rãi đối với việc CĐS.

Thứ hai, các chính phủ cần đưa CĐS trở thành một ưu tiên công. Họ sẽ thành công khi CĐS được tuyên bố là một mục tiêu chính sách, được cấp lãnh đạo cao nhất như nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ với vai trò là động lực chính trị của quá trình đó dẫn dắt và nêu rõ là một ưu tiên. Do CĐS là một quá trình của toàn bộ chính phủ nên mọi thành viên trong chính phủ, các bộ trưởng và quan chức cấp cao đều phải tham gia.

Nhiều quốc gia thất bại khi họ giao nhiệm vụ CĐS cho một cơ quan, bổ nhiệm một “Bộ trưởng số” với quyền lực giống như tất cả các bộ trưởng khác. Điều này sẽ dẫn đến sự thất bại trong CĐS vì các bộ trưởng khác sẽ phớt lờ những gì “Bộ trưởng số” nói, sẽ luôn có lý do biện minh cho tiến độ chậm chạp, rằng đó là vấn đề của “Bộ trưởng số”, không phải vấn đề của tôi.

Về mặt thực tế và kỹ thuật, nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ sẽ là động lực chính trị, nhưng giám đốc dự án do họ bổ nhiệm là người quản lý quá trình đó. Giám đốc dự án là chuyên gia chịu trách nhiệm về quá trình và không nên dưới quyền ai khác ngoài nguyên thủ quốc gia/người đứng đầu chính phủ – người có quyền lực hành pháp để thực hiện CĐS.

Thứ ba, số hóa thành công khi các chính phủ nhanh chóng cung cấp các dịch vụ công mà người dân ưa thích. Một cách để xác định điều gì sẽ thu hút nhất là xem cơ quan chính quyền nào là nơi có nhiều công dân đang chờ đợi một dịch vụ hoặc mong đợi điều gì đó, hoặc nơi tồn đọng với khối lượng lớn các đơn từ của công dân chờ xử lý.

Thứ tư, CĐS sẽ chậm chạp khi thiếu ý chí chính trị từ phía chính phủ. Các chính phủ lo sợ phải thực hiện những bước đi ban đầu không quen thuộc, do vậy ngại thực hiện. Đây là lúc cần đến dũng khí chính trị và sự lãnh đạo chính trị. Luôn khó khăn khi thay đổi cách mọi người thực hiện công việc.

Các nhà lãnh đạo chính trị cảm thấy không tự tin và không muốn thực hiện những việc mà họ sợ rằng sẽ không được công chúng ủng hộ. Các công chức đã quen với một cách làm sẽ ngại thay đổi. Công dân không phải lúc nào cũng hiểu được ý nghĩa của các chính sách mới. Chính vì vậy, “tập thể lãnh đạo” chính trị của một quốc gia cần thể hiện sự lãnh đạo thực sự, giải thích ý nghĩa của CĐS, cách thức vận hành, những gì nó sẽ mang lại cho người dân. Điều này cũng có nghĩa các nhà lãnh đạo ít nhất cần hiểu được các khía cạnh cơ bản của những việc phải tiến hành và giải thích được lý do thực hiện các việc đó.

Kết luận

Sự thành công trong CĐS của E-xtô-ni-a cho thấy khu vực công có thể thay đổi một cách hiệu quả mà không mất nhiều thập kỷ. Không quan trọng cho nước lớn hay nhỏ, nếu có ý chí chính trị, niềm tin của người dân và sự hợp tác khu vực công – tư sẽ có thể CĐS thành công. Các nước khác có thể học được nhiều điều từ E-xtô-ni-a, lấy cảm hứng từ E-xtô-ni-a để theo đuổi “thay đổi kỹ thuật số thực sự ấn tượng” cho khu vực công.

Tuy nhiên, các nước không nên “bắt chước” E-xtô-ni-a hoàn toàn do tính chất đặc thù của đất nước này là quy mô nhỏ. Do đó, cần có sự học hỏi phù hợp, ví dụ về khía cạnh kỹ thuật, phương pháp thực hiện một số dự án thay vì “bê nguyên” cách tiếp cận của E-xtô-ni-a về nước mình.

Chú thích:
1. Bộ Thông tin và Truyền thông. Cẩm nang chuyển đổi số. NXB. Thông tin và Truyền thông, 2020, tr. 82.
2. Ông Toomas Hendrik Ilves là Tổng thống E-xtô-ni-a giai đoạn 2006 – 2016.
3. Ông Mart Laar là Thủ tướng E-xtô-ni-a giai đoạn 1992 – 1994 và 1999 – 2002.
Tài liệu tham khảo:
1. Cách Chính phủ Estonia vận hành như công ty công nghệ. https://chungta.vn, ngày 04/3/2019.
2. Bước nhảy của hổ: Con đường chuyển đổi số của Estonia. https://vietnamnet.vn, ngày 12/10/2020.
3. Từng chỉ trích tôi, phe đối lập giờ tuyên bố Estonia là Cộng hòa số đầu tiên.https://vietnamnet.vn, ngày 14/10/2020.
4. Estonia – cường quốc chính phủ điện tử và quyết tâm của người đứng đầu. https://ictnews.vietnamnet.vn, ngày 24/05/2021.
5. Phạm Văn Nghĩa. Chặng đường phát triển chính phủ số Estonia. Tạp chí Thông tin và Truyền thông số 17, 18, tháng 12/2020.
6. Ross O’Brien (2004). E-government in Central Europe. Rethinking Public Administration. [online] In: The Economist. The Economist Intelligence Unit.
7. Rainer Kattel and Ines Mergel, “ Estonia’s digital transformation: mission mystique and the hiding hand”, in Great Policy Successes, Edited by Mallory E.Compton, Paul ‘T Hart, Oxford University Press, 2019, pages 143-160.
8. Số hoá một quốc gia: Nhìn từ trường hợp Estonia và những bài học (Kỳ 1).https://diendandoanhnghiep.vn, ngày 02/10/2020.
9. E-Estonia – mô hình mẫu của chính phủ điện tử. https://tiasang.com.vn, ngày 02/07/2018.
10. Bài học từ Estonia. https://science-technology.vn, ngày 14/01/2017.
TS. Bùi Thị Ngọc Mai
Học viện Hành chính Quốc gia