Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân và nội dung dân giám sát, dân thụ hưởng trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng

(Quanlynhanuoc.vn) – Dân chủ là mục tiêu, là động lực của hành động cách mạng, phát huy tốt quyền làm chủ sẽ khơi dậy được sức mạnh nội lực tiềm tàng và vô tận trong Nhân dân. Luận điểm dân là gốc của Nước thể hiện sâu đậm trong tư tưởng, hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó Nhân dân là lực lượng quyết định bước tiến của lịch sử. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân cũng là phát huy động lực để phát triển kinh tế, văn hóa, củng cố nền tảng chính trị, là cơ sở cho sự phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần II, tháng 2/1951. Ảnh: hochiminh.vn.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân

Luận điểm “dân là gốc của Nước” thể hiện sâu đậm trong tư tưởng, hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì dân là điểm mấu chốt, động lực, mục tiêu cho hành động; từ dân mà lựa chọn phương pháp, hình thức để huy động lực lượng, sức mạnh nơi dân, đem tài dân, sức dân mà giải phóng Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ý thức rằng, quần chúng nhân dân là chủ thể tạo ra lịch sử, lịch sử là lịch sử của quần chúng nhân dân. Nhân dân là lực lượng quyết định bước tiến của lịch sử. Lực lượng lãnh đạo dù lựa chọn con đường cách mạng, phương pháp cách mạng nào, nhưng Nhân dân là người lựa chọn cuối cùng, quyết định làm nên lực lượng của cách mạng. Lịch sử đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam, theo con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định, dưới sự lãnh đạo của Đảng là minh chứng thuyết phục, khẳng định vị trí, vai trò của Nhân dân.

Tiếp cận quyền dân chủ của Nhân dân ở góc độ là động lực hành động, trong triết lý hành động Hồ Chí Minh, điều đã thôi thúc Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước là đòi lại quyền độc lập của dân tộc, quyền tự do, dân chủ của Nhân dân.

Trong suốt cuộc đời mình, Hồ Chí Minh đã “ra sức phấn đấu để giữ gìn quyền dân chủ của đồng bào”1. Từ những ngày đầu, quyền tự do của dân tham gia phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Hồ Chí Minh bằng nhiều hình thức khác nhau đã đấu tranh đòi “quyền dân chủ cho người bản xứ”. Trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc, Người chỉ rõ: “Vấn đề hòa bình, thống nhất, độc lập dân tộc và dân chủ là những vấn đề có liên quan chặt chẽ với nhau”2. Đây vừa là mục tiêu cách mạng, vừa là động lực thôi thúc Hồ Chí Minh trong hành động, trong lãnh đạo cách mạng, cũng như yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, đấu tranh bảo vệ quyền tự do, dân chủ của Nhân dân.

Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước giành được độc lập. Tuy nhiên, chính quyền non trẻ gặp vô vàn khó khăn, thách thức vì trình độ, khả năng làm chủ của Nhân dân vẫn còn hạn chế do hậu quả của chính sách “ngu dân” của thực dân, đế quốc. Chính vì vậy, khi tiến hành tổ chức Tổng tuyển cử, có ý kiến cho rằng, “Nhân dân ta trình độ còn kém, không nên vội tổ chức Tổng tuyển cử. Nhưng Đảng ta kiên quyết nói: Đồng bào ta phải được hưởng quyền dân chủ, chúng ta phải tổ chức Tổng tuyển cử”3.

Với nỗ lực của Đảng, Chính phủ và Nhân dân ta, những khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết. Ngày 06/01/1946, là “ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”4, “là ngày vui sướng của đồng bào ta”, là ngày quyền làm chủ của Nhân dân lần đầu tiên được thực hiện.

Chỉ có sự thôi thúc của triết lý: “Dân chủ là của báu nhất của nhân dân”5 và “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”6 mới tạo nên động lực để Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta vượt qua những khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc” ngay sau khi giành được chính quyền, để khẳng định và thực hiện quyền dân chủ của Nhân dân.

Khi Nhân dân có điều kiện tham gia trực tiếp vào việc đưa ra các quyết sách, chủ trương của Đảng và Chính phủ với tư cách là người làm chủ, đồng thời, thấy được tiếng nói của mình, thấy rõ những quyền và lợi ích của mình trong mỗi chủ trương, chính sách là cơ sở tiếp thêm động lực để Nhân dân hăng hái đóng góp và thực hiện quyền cũng như nghĩa vụ đối với Đảng và Chính phủ. Ngay sau khi giành được chính quyền, Nhân dân được bỏ lá phiếu, được khẳng định quyền làm chủ của mình, việc làm này trong chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là thực hành quyền dân chủ của Nhân dân mà còn là phương pháp dân chủ, nghệ thuật tạo động lực từ quyền dân chủ. Đó không chỉ là bài học trong quyết tâm lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, trong phát huy động lực dân chủ của Nhân dân mà còn là dấu mốc cho phong cách lãnh đạo dân chủ của Đảng, trong mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân. Là cơ sở khoa học, là triết lý hành động để củng cố ngày càng bền chặt mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân.

Trong thực tiễn cách mạng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu: “Mọi công việc đều vì dân mà làm”7, bởi: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”8, “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ”9. “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ”10. Đồng thời, Người chỉ ra: “Khắp nơi có đoàn thể nhân dân, như Hội đồng nhân dân, Mặt trận, Công đoàn, Hội Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc,… Những đoàn thể ấy là tổ chức của dân, phấn đấu cho dân, bênh vực quyền của dân, liên lạc mật thiết với Nhân dân, với Chính phủ. Khi ai có điều gì oan ức, thì có thể do các đoàn thể tố cáo lên cấp trên. Đó là quyền dân chủ của tất cả công dân Việt Nam. Đồng bào cần hiểu rõ và khéo dùng quyền ấy”11. Quyền làm chủ của Nhân dân thể hiện rõ trong mối quan hệ với Đảng và Chính phủ: “Dân làm chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, uỷ viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”12.

Xác định rõ mối quan hệ giữa lợi ích và trách nhiệm, quyền hạn và bổn phận của mỗi người dân để khơi dậy và phát huy sức mạnh của Nhân dân trong việc đề ra những chủ trương, quyết sách quan trọng đối với vận mệnh của đất nước. Người chỉ rõ: “Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Vì vậy, chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng. Vì vậy, mỗi một khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng,… Việc gì cũng hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm”13. Nhưng Người cũng lưu ý, “dân chúng không nhất luật như nhau. Trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau. Có lớp tiền tiến, có lớp chừng chừng, có lớp lạc hậu”14. Vì vậy, phải phát huy được quyền dân chủ của đa số quần chúng, để đa số quần chúng được nói lên ý kiến của mình, nguyện vọng của mình, để “đem các ý kiến khác nhau so sánh. So đi sánh lại, sẽ lòi ra một ý kiến mà mọi người đều tán thành, hoặc số đông người tán thành. Ý kiến đó, lại bị họ so sánh tỉ mỉ từng đoạn, họ thêm điểm hay vào, bỏ điểm dở đi. Ý kiến đó trở nên ý kiến đầy đủ, thiết thực”15. “Theo ý kiến đó mà làm, nhất định thành công”16.

Nội dung dân giám sát, dân thụ hưởng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Nội dung phát huy quyền làm chủ của Nhân dân được hoàn thiện thêm một bước mới với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Cụ thể, Đảng đã bổ sung, hoàn chỉnh phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được thực hiện trong nhiệm kỳ vừa qua. Bổ sung thêm hai vấn đề lớn: dân giám sát và dân thụ hưởng trở thành một phương châm hoàn chỉnh.

Vấn đề giám sát và thụ hưởng là những vấn đề rất quan trọng, có ý nghĩa lớn. Nếu như chúng ta phát huy tốt vai trò giám sát của Nhân dân thì có thể ngăn ngừa từ sớm những tiêu cực trong xã hội, trong đội ngũ cán bộ. Có lẽ không ai hiểu tổ chức, không ai hiểu cán bộ, đảng viên bằng Nhân dân. Có Nhân dân giám sát chặt chẽ, hằng ngày, kịp thời góp ý, kịp thời phê bình thì cán bộ dễ nhận thức và sửa chữa được, không mắc vào các sai lầm đáng tiếc phải xử lý như thời gian vừa rồi.

Ý nghĩa của việc làm thế nào để dân được thụ hưởng, đây là mối quan hệ biện chứng. Vì đi vào kinh tế thị trường thì động lực quan trọng là lợi ích. Sự hài hòa về lợi ích là quan trọng. Làm thì phải được hưởng, làm nhiều phải hưởng nhiều. Đây là nguyên lý của chủ nghĩa xã hội, tức là phân phối theo lao động. Nhân dân là người trực tiếp làm ra của cải vật chất thì Nhân dân phải là chủ thể để thụ hưởng những thành quả do mình làm ra. Đó là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa và cũng là động lực để thúc đẩy phát triển xã hội.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng bổ sung thêm “dân giám sát, dân thụ hưởng” là một bước tiến mới được Nhân dân đồng tình, hoan nghênh, nếu chúng ta thực hiện đúng thì sẽ tạo ra một xung lực mới trong quá trình phát triển đất nước. Vì chủ trương thì rõ, đường lối thì đúng, vấn đề là thực hiện thế nào? Đó là phải là nhận thức đồng lòng từ trên xuống dưới, nhất là từ cơ sở, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã, phường, phải thấm nhuần và phải có cơ chế cụ thể.

Để dân giám sát, phải có cơ chế nào, dân thụ hưởng thì cơ chế thế nào, quy định thế nào và nhất là phải có chế tài. Như vậy, nếu không thực hiện thì phải chịu trách nhiệm ra sao, nếu gây khó dễ cho vai trò giám sát của dân, trách nhiệm xử lý thế nào. Nếu vi phạm lợi ích của dân thì xử lý thế nào? Lâu nay, chế tài chưa đủ mạnh, do đó, mà đường lối thì đúng, chủ trương thì hay nhưng vào trong thực tiễn, thậm chí có nơi vào cuộc sống bị méo mó đi, khiến quần chúng kém phấn khởi, thậm chí là thiếu tin tưởng. Điều này phải quyết tâm khắc phục.

Trong bối cảnh tình hình thực tiễn hiện nay, qua thực tiễn hoạt động, để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng niềm tin tưởng tuyệt đối của Nhân dân cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng là nhân tố quyết định để tập hợp được mọi lực lượng và sức mạnh trong Nhân dân, xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc.

Thứ hai, trong mọi hoạt động, hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, khơi dậy sức sáng tạo, sự ủng hộ của Nhân dân, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Chỉ có trên cơ sở đổi mới phong cách, thái độ của chính quyền với người dân thì mới có thể khuyến khích người dân dám nói, dám biểu lộ chính kiến, quan điểm của mình theo tinh thần thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Thứ ba, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hiệp thương phối hợp thống nhất hành động của các tổ chức thành viên.

Thứ tư, quán triệt phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể xã hội phải thường xuyên đổi mới tư duy và phương châm hành động phù hợp với thực tiễn. Cán bộ, công chức nhà nước cần đổi mới phong cách, thái độ ứng xử với người dân theo đúng tính chất là “công bộc của dân”, là người phục vụ dân; khắc phục căn bệnh quan liêu, cửa quyền, hách dịch, lạnh nhạt, vô cảm khi tiếp xúc với dân.

Thứ năm, thực hành dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết gắn với đấu tranh, có lý, có tình với các hành vi sai trái, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ sáu, hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về thực hành dân chủ, bảo đảm thượng tôn pháp luật; đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân, xây dựng cơ chế bảo đảm để người dân được nói lên tiếng nói của mình.

Từ khẳng định dân là gốc của nước, đến phát huy quyền dân chủ của Nhân dân trong thực tiễn năng lực làm chủ, biết hưởng quyền, trong lịch sử cách mạng đã nâng cao dùng quyền làm chủ cho Nhân dân; Nhân dân đã dám nói lên nguyện vọng, yêu cầu của mình với Đảng, Chính phủ là đã thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ làm chủ, quyền làm chủ của mình trong sự nghiệp cách mạng. Đảng và Chính phủ lắng nghe ý kiến của Nhân dân, thực hiện quyền của Nhân dân là đã huy động được sức mạnh, lực lượng của dân, tài dân, để làm lợi cho dân, thực hiện tốt những nhiệm vụ cách mạng do Đảng, Chính phủ đề ra, bảo đảm giành và giữ vững quyền tự quyết dân tộc, quyền làm chủ của Nhân dân. Đó là động lực từ quyền dân chủ của Nhân dân, từ phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Chú thích:
1, 4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 270, 166.
2, 9, 10. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 9. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 415, 258, 382.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập.Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 622.
5,12. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 457, 572.
6. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 325.
7, 11. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 397.
8. Hồ Chí Minh.Toàn tập. Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 434.
13, 14, 15, 16. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 333 – 334, 336.
Tài liệu tham khảo:
1. Dân chủ – kỷ cương trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. http://quanlynhanuoc.vn, ngày 30/3/2021.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
3. Nguyễn Gia Nùng. Đặc sắc văn hóa Hồ Chí Minh. H. NXB Thanh niên, 2006.
4. Yên Ngọc Trung. Triết lý hành động Hồ Chí Minh. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2020.
ThS. Hà Mai Anh
Học viện Hành chính Quốc gia