Nhận diện mối tương quan giữa kỹ năng lãnh đạo, quản lý và đạo đức công chức trong thực thi công vụ

(Quanlynhanuoc.vn) – Việc nâng cao đạo đức công chức trong hoạt động công vụ là một trong những trách nhiệm của nhà lãnh đạo, quản lý nhm bảo đảm các chức năng của tổ chức được thực hiện theo chuẩn mực đạo đức nhất định. Bài viết hướng tới việc xem xét tương quan giữa các khái niệm về đạo đức, sự lãnh đạo và các kỹ năng lãnh đạo nhằm nâng cao đạo đức công vụ.
Ảnh minh họa (internet).
Đạo đức trong hoạt động công vụ

Đạo đức của công chức khi thực hiện công vụ có tác động trực tiếp đến người dân. Vì vậy, bảo đảm các tiêu chuẩn đạo đức trong công vụ là một vấn đề cốt yếu. Đạo đức công vụ gồm các nguyên tắc và giá trị. Các nguyên tắc và giá trị này bao gồm: sự khách quan, vô tư, công bằng, nhạy cảm, lòng từ bi, trách nhiệm giải trình, minh bạch, sự tận tụy và bảo vệ đối với lợi ích của cộng đồng. Các tình huống tiến thoái lưỡng nan về đạo đức công vụ thường xảy ra xung quanh hành vi tự quyết định, sự tham nhũng, các vấn đề liên quan đến trách nhiệm giải trình, chủ nghĩa gia đình trị, sức ép từ lợi ích nhóm, sự bí mật về thông tin, các thủ tục phức tạp của chính sách… Các nhà lãnh đạo “có tay nghề” có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền và nuôi dưỡng các giá trị đạo đức, đồng thời, giải quyết những “khó xử” liên quan đến các vấn đề đạo đức.

Sự lãnh đạo và các kỹ năng lãnh đạo

Lãnh đạo là quá trình mà một người thuyết phục và hướng dẫn các thành viên của nhóm hay tổ chức cùng đạt được mục tiêu chung. Các quy tắc và các giá trị đều được tiên phong đề ra và thực hiện từ người lãnh đạo, sau đó được phát triển và duy trì cũng bởi các nhà lãnh đạo đó. Các nhà lãnh đạo là người định hướng và sáng lập văn hóa tổ chức. Sự thành công của các quy tắc đạo đức trong bất kỳ tổ chức nào đều nằm ở quá trình lãnh đạo đã được cam kết với những quy tắc đạo đức đó. Kỹ năng lãnh đạo, cùng với việc nâng cao hiệu quả làm việc của các nhà quản lýcũng có khuynh hướng thúc đẩy các chuẩn mực và hành vi đạo đức. Kỹ năng lãnh đạo không phải là bẩm sinh có được mà được học hỏi, phát triển và trải nghiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ, bao gồm các kỹ năng sau:

Kỹ năng về chuyên môn:

Kỹ năng về chuyên môn bao gồm các các phương pháp, quy trình, thủ tục hoặc các vấn đề chuyên môn dẫn đến sự hiểu biết rõ hơn và sự thành thạo về một lĩnh vực cụ thể. Những kỹ năng này bao gồm những hiểu biết thực tế về các quy tắc, cơ cấu, các hệ thống quản lý và các đặc trưng của đội ngũ cán bộ trong tổ chức đó. Ngoài ra, còn cókiến ​​thức liên quan đến sản phẩm và dịch vụ của tổ chức, như: tiêu chuẩn kỹ thuật, điểm mạnh và những hạn chế, tồn tại.

Kỹ năng về chuyên môn có thể thu được từ sự hợp nhất của quá trình giáo dục chính quy, các khóa đào tạo nghiệp vụ và từ kinh nghiệm trong quá trình làm việc. Một trí nhớ tốt và khả năng học hỏi có thể giúp các nhà quản lý có năng lực đạt được kỹ năng chuyên môn nhanh chóng. Để có thể chỉ đạo và hướng dẫn cấp dưới và vận hành tổ chức một cách có kế hoạch thì kiến ​​thức về sản phẩm và các quy trình hoạt động là yêu cầu chính. Kỹ năng này là nền tảng cho cảm hứng lao động, cho sự đổi mới và những kế hoạch mang tính chiến lược.

Kỹ năng tư duy:

Các kỹ năng tư duy bao gồm khả năng phân tích, tư duy lô gíc, hình thành ý tưởng, phân tích quy nạp và suy luận.Kỹ năng tư duy liên quan đến khả năng đánh giá tốt, sự khôn ngoan, thấu hiểu, sáng tạo và khả năng ra quyết định trong các tình huống phức tạp. Các kỹ năng tư duy đã được đánh giá bằng nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm các bài kiểm tra khả năng, bài kiểm tra tình huống, phỏng vấn và đưa ra các quyết định trong những tình huống cần thiết. Kỹ năng tư duy nhất thiết được yêu cầu đối với các nhà lãnh đạo để họ có thể lập kế hoạch, tổ chức và giải quyết vấn đề một cách có hiệu quả.

Để đạt được một sự điều phối hợp lý, các nhà quản lý cần phải hiểu được chức năng của các bộ phận khác nhau trong tổ chức và cách thức mà các bộ phận này liên hệ và tương tác với nhau. Khả năng xác định tính phức tạp của các mối quan hệ và dự báo sự kiện tương lai từ những phát triển hiện tại là cần thiết cho các nhà quản lý để dự đoán những ảnh hưởng của thay đổi môi trường bên ngoài đối với tổ chức. Khả năng học hỏi và thích ứng với thay đổi là một yêu cầu hàng đầu để đạt được kỹ năng tư duy. Thuật ngữ “Siêu nhận thức” (Yukl, 2001) rất hữu ích trong trường hợp này, bởi nó đề cập đến khả năng phân tích một cách khách quan và phức tạp các quy trình nhận thức của một người nào đó và tìm cách cải thiện các quy trình. Những khả năng này cho phép các nhà lãnh đạo tránh được những sai lầm và thích ứng với thay đổi các giả định cũng như khẳng định niềm tin.

Kỹ năng giao tiếp ứng xử và tạo lập quan hệ:

Kỹ năng giao tiếp ứng xử và tạo lập quan hệ gồm có kiến ​​thức về hành vi của con người và quá trình hoạt động nhóm, khả năng hiểu được cảm xúc, thái độ và ý định của người khác, khả năng tương tác rõ ràng và đáng tin cậy.Kỹ năng lãnh đạo này cũng bao gồm các kỹ năng cần thiết để phối hợp các hành động của chính nhà lãnh đạo và những người khác; kỹ năng đàm phán để dung hòa những khác biệt giữa quan điểm của các nhân viên và thiết lập các mối quan hệ hài hòa; kỹ năng thuyết phục tác động lên những người khác để họ thực hiện mục tiêu của tổ chức một cách hiệu quả hơn. Những kỹ năng này giúp tạo ảnh hưởng lên mọi người và làm cho việc phổ biến các quan điểm và thông tin trở nên dễ dàng.

Trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence – EI):

Trí tuệ cảm xúc (EI) được định nghĩa là mức độ mà mọi người quen với những cảm xúc của riêng họ và cảm xúc của những người khác. Nó đề cập khả năng tập hợp cảm xúc và lý do theo cách mà cảm xúc được thể hiện để hỗ trợ quá trình nhận thức và kiểm soát cảm xúc một cách hợp lý. EI bao gồm các kỹ năng, như: sự tự nhận thức về bản thân, kỹ năng giao tiếp, sự thấu cảm và tự điều chỉnh, qua đó đặc điểm của khả năng lãnh đạo có thể được nhận thấy. EI hỗ trợ vai trò lãnh đạo trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp, ra quyết định tốt hơn, quản lý thời gian và quản lý khủng hoảng. Sự tự nhận thức về bản thân giúp lãnh đạo nhận thức được những nhu cầu riêng và phản ứng của một người với những tình huống nhất định.

Thông minh xã hội:

Chỉ số thông minh xã hội là khả năng xác định các yêu cầu lãnh đạo trong một tình huống cụ thể và chọn một phản ứng thích hợp bên ngoài xã hội. Nó bao gồm tính nhạy cảm và tính linh hoạt của hành vi. Sự nhạy cảm xã hội có nghĩa là khả năng hiểu được nhu cầu, các vấn đề và lỗ hổng của tổ chức. Nó cũng bao gồm khả năng hiểu được đặc điểm của các thành viên, các mối quan hệ xã hội và các quá trình tập thể có xu hướng ảnh hưởng đến tổ chức. Tính linh hoạt hành vi là khả năng và sự sẵn sàng để thay đổi hành vi của một người để điều chỉnh các yêu cầu cho phù hợp với hoàn cảnh mới.

Các kỹ năng lãnh đạo và chuẩn mực đạo đức công vụ

Công chức phải thực hiện các quyết định hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Sự tin tưởng của người dânđối với chính phủ phụ thuộc vào cách thức mà các nhiệm vụ này được thực hiện. Vì vậy, điều quan trọng là phải duy trì tiêu chuẩn đạo đức trong việc thực hiện. Các nhà quản lý hành chính nên sẵn sàng tham gia vào tất cả các giai đoạn của chương trình nâng cao tiêu chuẩn đạo đức công vụ từ việc lập kế hoạch đến việc thực hiện; đồng thời,tuân thủ các quy tắc đạo đức và khuyến khích hành vi đạo đức trong tổ chức bằng cách bản thân họ gương mẫu thực hiện. Các kỹ năng lãnh đạo khác nhau có thể nâng dần khả năng của người lãnh đạo trong việc đạt được những mục tiêu này.

Các kỹ năng này bao gồm:

Một là, kỹ năng thuộc chuyên môn, nghiệp vụ: giúp nhà lãnh đạo làm việc hiệu quả hơn và có khả năng đáp ứng với các công việc cũng như các tình huống xảy ra trong công việc tốt hơn. Những kỹ năng này cho phép các nhà lãnh đạo có thể độc lập ra các quyết định chuyên môn nghiệp vụ, do đó, giúp phát hiện những đề xuất không phù hợp liên quan đến các vấn đề chuyên môn. Kiến thức và sự tuân thủ các quy tắc, quy định giúp thiết lập luật pháp, trách nhiệm giải trình và minh bạch. Với hiểu biết rõ ràng về các quy tắc và quy định, người lãnh đạo có nhiều xu hướnglàm việc trong khuôn khổ pháp luật. Điều này làm giảm những rủi ro của hành vi phi đạo đức.

Hai là, kỹ năng tư duy: hỗ trợ các nhà lãnh đạo trong việc hoạch định, tổ chức và giải quyết vấn đề có hiệu quả. Kỹ năng này rất cần thiết để giải quyết với các vấn đề đạo đức và các xung đột lợi ích. Các kỹ năng này trang bị cho các nhà lãnh đạo khả năng phán đoán tốt và cho phép lãnh đạo hiểu rõ hậu quả của bất kỳ một hành động nào đó trướckhi nó được tiến hành, do vậy, có thể tránh được những quyết định gây tranh cãi. Những kỹ năng này dẫn đến các quyết định tuân theo các chuẩn mực đạo đức và tạo ra độ tin cậy.

Ba là, kỹ năng giao tiếp ứng xử, tạo lập các mối quan hệ và chỉ số thông minh xã hội làm cho việc truyền bá các giá trị đạo đức trong tổ chức trở nên thuận lợi hơn. Người lãnh đạo sở hữu những kỹ năng này có thể dễ dàng “khuyếch tán” các giá trị đạo đức cốt lõi đến các thành viên. Người lãnh đạo cũng có thể động viên, khích lệ công chức thực hiện các giá trị đạo đức này để chúng trở nên gắn bó trong văn hóa làm việc của cơ quan. Việc thực hành các kỹ năng giao tiếp ứng xử và giao tiếp xã hội khác nhau sẽ tạo ra môi trường cởi mở và thân thiện, khiến cho những cán bộ dũng cảm thừa nhận những hành động sai mà không trốn tránh trách nhiệm.

Bốn là, trí tuệ cảm xúc: giúp ngăn cản người ban hành các quyết định phi đạo đức do thiếu lý trí. Do đó, sẽ tạo điều kiện cho việc duy trì sự công bằng và bảo vệ lợi ích công cộng. Tính toàn vẹn có thể được tăng cường bằng sự tựtuân thủ các quy định và sự tự nhận thức. Một nhà lãnh đạo với trí tuệ cảm xúc và chỉ số thông minh xã hội cao hoàn toàn có khả năng lựa chọn các quyết định thích hợp và hợp lý trong các tình huống khó khăn. Những kỹ năng này cho phép các nhà quản lý kịp thời đáp ứng các vấn đề đạo đức mới và đa dạng.

Các kỹ năng lãnh đạo tạo điều kiện cho nhà quản lý phân biệt giữa hành vi đạo đức và phi đạo đức, góp phần tạo nên sự hiểu biết đúng đắn về các tình huống liên quan đến vấn đề đạo đức, về việc ra quyết định và việc phổ biến, thiết lập các giá trị đạo đức. Các nhà lãnh đạo được trang bị đầy đủ các kỹ năng trên có thể xây dựng nền công vụ theo các chuẩn mực đạo đức nhất định.

Tài liệu tham khảo:
1. Rosenbloom, D.H. (1989). Understanding management, politics and law in the public sector (2nd ed.). NJ, Random House Inc.
2. Nigro, F.A. and Nigro, L.G. (1989). Modern public administration (7th ed.). New York: Harper and Row.
3. Grosenick, L. E. & Gibson, P. A. (2001). Governmental ethics and organizational culture. In Handbook of administrative ethics. (pp. 243-261). (T. L. Cooper Ed.). New York: Mercel Dekker Inc.
4. Katz, R. L. (2009). Skills of an effective administrator (Harvard Business Review Classics). MA: Harvard Business School Press.
5, 6. Yukl, G. (2001). Leadership in organizations (5th ed.). New Jersey: Prentice-Hall Inc.
ThS. Phan Anh Hồng
Học viện Hành chính Quốc gia