(Quanlynhanuoc.vn) – Vào đầu tháng 8 hằng năm, Cục Tham chiếu dân số Hoa Kỳ (PRB) công bố báo cáo về tình trạng dân số thế giới. Báo cáo sẽ cung cấp cho chúng ta một bức tranh tổng quan về tình trạng dân số toàn thế giới, cả về quy mô, cơ cấu hay những biến động về tỷ suất sinh, chết, di dân cũng như tuổi thọ trung bình của dân số tại mỗi quốc gia và khu vực trên thế giới. Từ việc tiếp cận bản công bố tình trạng dân số thế giới 20211 (ngày 17/8/2021) và các tài liệu liên quan, tác giả sẽ khái quát một số nét cơ bản nhất về bức tranh dân số thế giới hiện tại.
Về quy mô dân số
Tổng dân số trên thế giới tính đến tháng 7/2021 là 7.837 triệu người, trong đó, châu Á chiếm tỷ trọng dân số cao nhất, với gần 60% dân số thế giới.
Bảng 1. Quy mô dân số thế giới và các châu lục
Đơn vị: triệu người
Khu vực | Quy mô dân số |
Thế giới | 7.837 |
Châu Phi | 1.373 |
Châu Mỹ | 1.027 |
Châu Á | 4.651 |
Châu Âu | 744 |
Châu Đại Dương | 43 |
*Nguồn: World population data sheet 2021. www.prb.org. |
Theo số liệu báo cáo trên, tính đến thời điểm giữa năm 2021, Trung Quốc vẫn là quốc gia đông dân nhất thế giới với 1.412 triệu người. Dự báo đến năm 2050 có khoảng 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có quy mô dân số giảm, bao gồm Trung Quốc, Thái Lan và Ukraine. Khu vực được dự báo là dân số sẽ sụt giảm nhanh chóng vào năm 2050 là Đông Âu. Trong khi đó, khu vực chiếm phần đông dân số vẫn là châu Á và châu Phi.
Về mức sinh
Chủ đề báo cáo về tình trạng dân số thế giới năm 2021 tập trung vào mức sinh toàn cầu, bởi vậy, có khá nhiều chỉ tiêu mức sinh được phân tích. Trước hết, thông qua tổng tỷ suất sinh (TFR) cho thấy, mức sinh dân số thế giới có sự biến động lớn theo thời gian và giữa các khu vực.
Tính đến hết năm 2020, tổng tỷ suất sinh đã giảm từ 3,2 con/01 phụ nữ năm 1990 xuống còn 2,3 con/01 phụ nữ2. Tuy nhiên, con số này cũng dao động từ 4,7 con/01 phụ nữ ở vùng cận sa mạc Saharan châu Phi và xuống tới 1,3 con/phụ nữ ở khu vực Đông Á hay Nam Âu. Đồng thời, mức sinh và mức thu nhập vẫn có tỷ lệ nghịch. Đó là những quốc gia có thu nhập thấp nhất thì có mức sinh cao nhất và ngược lại, những quốc gia có thu nhập cao nhất thì mức sinh thấp nhất.
Bảng 2. So sánh mức sinh của dân số thế giới theo nhóm nước
Nhóm nước
(Theo mức thu nhập) |
Mức sinh (TFR) | |
Năm 1990 | Năm 2020 | |
Thu nhập cao | 1,8 | 1,5 |
Thu nhập trung bình | 3,4 | 2,2 |
Thu nhập thấp | 6,4 | 4,7 |
*Nguồn: World population data sheet 2021, www.prb.org. |
Cụ thể, báo cáo đã chỉ ra một số quốc gia có mức sinh cao nhất trên thế giới là Niger có TFR cao nhất là 7,0 và tiếp theo là Somalia với 6,9 và Chad với 6,4. Các quốc gia có mức sinh thấp nhất như Hàn Quốc với TFR là 0,8; Đài Loan là 1,0 và Ukraine là 1,1.
Điều đáng nói, dù các quốc gia và cả cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực giảm tình trạng làm mẹ ở tuổi vị thành niên nhưng vẫn còn khoảng 15% số trẻ sinh ra ở khu vực châu Phi là của những bà mẹ ở độ tuổi từ 15 – 19. Con số này ở châu Mỹ là 12%, châu Đại Dương là 6%, châu Á 5% và châu Âu là 3%.
Tổ chức Save the Children dẫn số liệu của Chính phủ Nam Phi cho thấy, tỷ lệ trẻ vị thành niên mang thai và sinh con tại Gauteng (tỉnh đông dân nhất Nam Phi) tăng ít nhất 60% kể từ khi đại dịch Covid – 19 xảy ra, trong đó, hơn 930 em phải làm mẹ khi chưa đủ 14 tuổi. Hơn 23.000 thiếu niên dưới 18 tuổi tại tỉnh Gauteng sinh con trong thời gian từ tháng 4/2020 – 3/2021, so với con số 14.577 thiếu nữ dưới 19 tuổi sinh con trong cùng kỳ năm trước3.
Một điểm đáng chú ý trong báo cáo dữ liệu dân số năm 2021, các nhà nghiên cứu đã đề cập đến sự thay đổi tỷ lệ số ca sinh của những phụ nữ từ 35 tuổi trở lên theo thời gian. Kết quả cũng phản ánh phù hợp với xu hướng kết hôn muộn và độ trễ sinh con của phụ nữ ngày nay, nhất là ở các nước phát triển, có thu nhập cao. (xem Bảng 3).
Bảng 3. Tỷ lệ ca sinh của các bà mẹ từ 35 tuổi trở lên
Đơn vị: %
Nhóm nước | Tỷ lệ ca sinh | |
1990 | 2020 | |
Toàn thế giới | 11 | 14 |
Các nước phát triển hơn | 9 | 23 |
Các nước kém phát triển | 11 | 13 |
*Nguồn: World population data sheet 2021, www.prb.org. |
Từ năm 1990 – 2020, tỷ lệ sinh ở phụ nữ từ 35 tuổi trở lên đã tăng ở châu Âu (từ 8% lên 24%), châu Đại Dương (từ 13% lên 23%), châu Mỹ (từ 11% lên 16%) và châu Á (từ 9% đến 12%). Trái lại, con số này gần như thay đổi rất ít ở châu Phi, từ 17% xuống 16%.
Bên cạnh đó, mức sinh cũng đang có chiều hướng giảm ở nhiều quốc gia. Mỹ và Ca-na-đa nằm trong số các quốc gia có mức sinh dưới mức sinh thay thế.
Về mức chết
Báo cáo cũng chỉ ra, có sự ảnh hưởng của Covid – 19 nên mức chết thô (được tính dựa trên số người chết trên 1000 người dân) năm 2020 đã gia tăng hơn so với năm 20194. Cụ thể là, ở Nga đã tăng từ 12/1000 trong năm 2019 lên 15/1000 trong năm 2020. Ở I – ta – li -a, con số đó là 11 và 13 và Mỹ là 9 và10.
Mức chết của trẻ sơ sinh dao động lớn theo các khu vực. Ở châu Phi có mức chết trẻ sơ sinh cao nhất thế giới với 47 trẻ sơ sinh chết trên 1.000 ca sinh ra sống. Con số này lần lượt là 26 ở châu Á, 16 ở châu Đại Dương, 12 ở châu Mỹ và ở châu Âu là thấp nhất với 4/1.000 ca sinh sống.
Chỉ số chết của trẻ sơ sinh phản ánh trình độ phát triển kinh tế – xã hội ở các quốc gia đó, nhất là thể hiện mức độ chăm sóc bà mẹ và trẻ em. Các con số cụ thể được đề cập ở Bảng 4.
Bảng 4. Mức chết của trẻ sơ sinh năm 2021 theo nhóm nước
Đơn vị: Số trẻ sinh ra chết trên 1.000 ca sinh sống
Nhóm nước
(Theo mức thu nhập) |
Mức chết của trẻ sơ sinh |
Toàn thế giới | 31 |
Thu nhập cao | 4 |
Thu nhập trung bình | 29 |
– Trung bình cao | 11 |
– Trung bình thấp | 35 |
Thu nhập thấp | 51 |
*Nguồn: World population data sheet 2021, www.prb.org. |
Cơ cấu tuổi dân số
Già hóa dân số là xu hướng chung trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, xét từ góc độ cơ cấu tuổi của dân số ở các quốc gia và vùng lãnh thổ cũng có những khác biệt đáng kể. Tỷ lệ trẻ em (từ 15 tuổi trở xuống) ở vùng Đông, Trung và Tây phi là khá cao, chiếm tới hơn 40% tổng dân số thế giới. Còn khu vực có dân số già nhất trên thế giới là Nam Âu và Tây Âu với 21% dân số từ 65 tuổi trở lên, trong khi khu vực cận Sahara châu Phi có tỷ trọng nhỏ nhất là 3%. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên là 17% gần bằng tỷ lệ người dưới 15 tuổi 18%.