Tăng cường giải pháp thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện

(Quanlynhanuoc.vn) – Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện là giai đoạn biến các ý tưởng chính sách này thành các hoạt động và các kết quả cụ thể trong thực tế. Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện có sự tham gia của nhiều chủ thể và đòi hỏi cần phải có bộ máy quản lý và nguồn lực phù hợp.
Ảnh minh họa (internet).
Thực trạng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đã đề ra lộ trình phát triển cụ thể cho BHXH tự nguyện trong giai đoạn từ 2018 – 2030 như sau:

– Giai đoạn đến năm 2021: phấn đấu nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; tương ứng với 550.000 tham gia BHXH tự nguyện.

– Giai đoạn đến năm 2025: phấn đấu, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

– Giai đoạn đến năm 2030: phấn đấu, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Hết năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện đã đạt gần 1,1 triệu người, tăng 494 nghìn người, gần gấp đôi so với năm 20191, đạt khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, tăng gấp gần 5 lần so với năm 2015 và vượt chỉ tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Tuy nhiên, số người chưa tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn rất lớn trong bối cảnh nước ta có tới khoảng 37 triệu lao động phi chính thức và nông dân2. Ngoài ra, còn rất nhiều lao động làm việc trong khu vực chính thức nhưng không được đóng BHXH bắt buộc cũng thuộc đối tượng của chính sách BHXH tự nguyện. Dư địa của chính sách còn rất lớn nhưng cũng rất khó khăn để đạt được mục tiêu như Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đề ra và tiến tới thực hiện tầm nhìn chiến lược là BHXH toàn dân. Thời gian gần đây, do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số người tham gia BHXH tự nguyện dừng đóng và hưởng trợ cấp BHXH một lần gia tăng nhanh3. Đây là những thách thức mà ngành BHXH phải giải quyết trong thời gian tới.

Nguyên nhân người lao động (NLĐ) không “mặn mà” với BHXH tự nguyện vì nhiều lý do như thu nhập thấp, bấp bênh… Nhưng đối với nhiều lao động tự do, kể cả có thu nhập cao họ cũng không muốn tham gia BHXH tự nguyện. Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện chưa tốt, chưa làm thay đổi được nhận thức của người dân. NLĐ tự do đa số chưa hình thành được ý thức tự an sinh xã hội, còn thờ ơ, chưa lo lắng cho tương lai xa hoặc còn phó mặc, trông chờ nhiều vào Nhà nước. Vì vậy, để thúc đẩy NLĐ tự do tham gia BHXH tự nguyện thì phải để cho họ thấy cả lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH tự nguyện.

Giải pháp khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Thứ nhất, thiết kế một số chính sách liên kết giữa BHXH tự nguyện và các chính sách kinh tế – xã hội khác.

Người tham gia BHXH tự nguyện được ưu tiên vay vốn, hưởng lãi xuất ưu đãi khi vay vốn để đi lao động ở nước ngoài. Ở Việt Nam hiện nay, xuất khẩu lao động vẫn là một hình thức giải quyết việc làm hiệu quả đối với người dân nông thôn và lao động phi chính thức. Họ mong muốn nhận được hỗ trợ của Nhà nước để được đi xuất khẩu lao động. Vì vậy, có thể thực hiện chính sách này đối với người lao động phi chính thức. Đối với một số trường hợp khi đi lao động ở nước ngoài yêu cầu tiền đặt cọc cao thì có thể xem xét giảm số tiền đặt cọc của NLĐ, hoặc thế chấp chính số tiền đã đóng BHXH tự nguyện với các cơ quan.

Người tham gia BHXH tự nguyện cần được ưu tiên trong đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, cho vay vốn đề phát triển sản xuất ở địa phương với quan điểm người tham gia BHXH tự nguyện là người có “điểm uy tín xã hội” cao và đáng tin cậy.

Người tham gia BHXH tự nguyện có thể được hưởng ưu đãi khi vay vốn ngân hàng để mua nhà. Ở các đô thị, NLĐ tham gia BHXH tự nguyện sẽ được cộng điểm khi mua nhà ở xã hội giống người tham gia BHXH bắt buộc.

Thử nghiệm hình thức “bán cưỡng chế” tham gia BHXH tự nguyện đối với một số đối tượng cụ thể. Tham gia BHXH tự nguyện không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ của NLĐ có thu nhập. Trừ những đối tượng cụ thể là người hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách, người thất nghiệp thì những đối tượng còn lại là người có thu nhập, vì vậy, họ có quyền lợi và nghĩa vụ tham gia BHXH như là một công cụ tài chính bảo vệ thu nhập của bản thân và gia đình, đồng thời giảm gánh nặng trợ giúp của Nhà nước.

Tuy nhiên, đây là một biện pháp rất nhạy cảm và có thể gây “sốc” đối với xã hội và NLĐ. Vì vậy, trong triển khai cần phải rất thận trọng. Trước tiên, có thể hướng đến thử nghiệm với các đối tượng lao động tự do, nông dân có thu nhập cao như người sở hữu trang trại; chủ cơ sở sản xuất – kinh doanh; những lao động tự do ở thành thị… Trong quá trình thực hiện, cần tuyên truyền cho họ hiểu về chính sách BHXH tự nguyện. Điều kiện để phương án này thành công là liên thông chặt chẽ với các chính sách ưu đãi.

Thứ hai, học tập và thử nghiệm hình thức tham gia BHXH tự nguyện theo hộ giống mô hình của bảo hiểm y tế.

Người tham gia BHXH tự nguyện theo hộ cũng được giảm dần mức đóng nếu một hộ có nhiều người cùng tham gia BHXH tự nguyện. Mức giảm này được ngân sách địa phương hỗ trợ thêm còn tài khoản được hưởng của người tham gia vẫn giữ nguyên. Các địa phương trên cơ sở kinh tế – xã hội của mình có thể nghiên cứu, thử nghiệm mô hình này, hiện nay nhiều địa phương đã cân đối và bổ sung thêm mức hỗ trợ này theo khả năng ngân sách của địa phương, như: Quảng Ninh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hưng Yên.

Điều kiện chung để có thể áp dụng các quy định này là cần tính toán quy định thời gian tham gia BHXH tự nguyện tối thiểu trong thời gian bao lâu thì được hưởng các ưu đãi này, mức độ ưu đãi như thế nào. Mức tối thiểu được tác giả đề xuất là phải tham gia BHXH tự nguyện 60 tháng để nhận được các ưu đãi chính sách như trên.

Ngoài ra, để áp dụng được các quy định này thì cơ quan BHXH Việt Nam cũng cần phải tăng tính hợp tác, tính phục vụ hơn nữa với người tham gia BHXH tự nguyện. Vì nếu áp dụng các quy định này thì chắc chắn khối lượng công việc của cơ quan BHXH các cấp sẽ tăng thêm.

Thứ ba, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chính sách BHXH tự nguyện.

BHXH tự nguyện là một chủ trương lớn và chiến lược của Đảng và Nhà nước để củng cố an sinh xã hội, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và đã được khẳng định trong nhiều văn kiện của Đảng. Vì vậy, trách nhiệm triển khai hiệu quả chính sách BHXH tự nguyện là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị ở các địa phương. Vì quyền lợi của NLĐ và vì sự phát triển của các địa phương, hệ thống chính trị phải phát huy lợi thế đặc biệt của mình trong thực thi chính sách.

Việc thực thi chính sách BHXH tự nguyện trong 2 năm qua, kể từ khi Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương thì kết quả thực thi BHXH tự nguyện đã tăng nhanh đáng kể. Do đó, để tiếp tục phát huy kết quả này, cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong thực thi chính sách BHXH tự nguyện, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Chính quyền địa phương, các cấp ủy đảng và các cơ quan đoàn thể tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin chính sách cho người lao động. Sự tham gia của hệ thống chính trị cơ sở khiến người dân gia tăng lòng tin với BHXH tự nguyện.

Đặc biệt, tăng cường vai trò của các cơ quan đoàn thể trong tuyên truyền và thực thi chính sách như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là những đoàn thể có số lượng thành viên lớn, hiện diện trong mọi hoạt động trong đời sống xã hội ở cơ sở, vì vậy, cần phối hợp với các cơ quan này để tăng hiệu quả tuyên truyền chính sách và mở rộng đối tượng tham gia.

Trong các cuộc hội thảo, hội nghị tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện cần có sự xuất hiện của đại diện chính quyền địa phương hoặc các nhân vật có uy tín tại cộng đồng như: chủ tịch, bí thư xã, phường; già làng, trưởng bản, cha xứ… để NLĐ thêm tin tưởng vào chính sách BHXH tự nguyện của Nhà nước. Trong thực tế, đây là ưu thế tuyệt đối của BHXH tự nguyện so với các công ty bảo hiểm thương mại khác.

Tại các cuộc hội thảo, hội nghị tuyên truyền trực tiếp, nếu có sự tham gia của đại diện chính quyền cấp cơ sở thì tỷ lệ thành công của hội thảo rất cao, nhiều người dân sẵn sàng đăng ký tham gia BHXH tự nguyện tại ngay hội thảo. Nhiều nơi, các cuộc hội nghị, hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Ủy ban nhân dân xã, phường, vì vậy làm cho lòng tin của người dân vào BHXH tự nguyện tăng cao và tăng mức độ sẵn lòng tham gia BHXH tự nguyện. Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đều lập chỉ tiêu chính sách BHXH tự nguyện và theo dõi thực hiện sát sao kịp thời việc thực hiện chỉ tiêu này.

Thứ tư, hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn để họ không phải chọn cách hưởng trợ cấp BHXH một lần.

Giải pháp đề ra là có quy định cho phép NLĐ thế chấp sổ BHXH đối với các tổ chức tín dụng để vay tiền. Số tiền tham gia BHXH tự nguyện có thể được dùng làm tài sản thế chấp, đặt cọc khi giao dịch với các tổ chức tài chính, tín dụng nhà nước theo nguyên tắc “thỏa thuận ba bên” là bên người tham gia BHXH tự nguyện, bên cơ quan BHXH và tổ chức tài chính tín dụng. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện với số tiền càng nhiều, số năm càng dài thì số vốn tín dụng vay được càng tăng. Trong trường hợp này, cơ quan BHXH và tổ chức tài chính phải kết hợp với nhau để giải quyết các quan hệ phát sinh trong hoạt động này.

Giải pháp này tạo điều kiện để NLĐ vượt qua khó khăn tạm thời và giúp họ có cơ hội tiếp tục tham gia BHXH. Trở ngại lớn nhất của giải pháp này chính là phát sinh thêm các nghiệp vụ giữa cơ quan BHXH và các tổ chức tín dụng. Vì vậy, thực hiện giải pháp này cần sự quyết tâm cao của các lãnh đạo và cơ quan quản lý nhà nước để tạo điều kiện và hỗ trợ NLĐ.

Thứ năm, tăng cường chăm sóc khách hàng tham gia BHXH tự nguyện.

Hiện nay, NLĐ chỉ mới tham gia đóng phí, không theo dõi được quá trình tham gia BHXH tự nguyện nên còn chưa yên tâm, tin tưởng vào hệ thống BHXH. Vì vậy, BHXH Việt Nam có thể thực hiện các biện pháp kỹ thuật hậu cần để tăng cường chăm sóc khách hàng tham gia BHXH tự nguyện, thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã vận hành những ứng dụng để theo dõi quá trình tham gia BHXH của người tham gia, tuy nhiên, đối với những lao động tự do không có điều kiện phù hợp để sử dụng các ứng dụng đó thì cần thêm các hoạt động chăm sóc khách hàng khác, ví dụ: một số NLĐ tham gia khảo sát đề xuất một số nội dung sau: tin nhắn nhắc nợ đối với khách hàng; tin nhắn xác nhận số tiền đã đóng của khách hàng; thông báo hằng năm về số tiền và số tháng tham gia về số điện thoại đăng ký của khách hàng.

Nếu áp dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động này thì tạo sự thuận tiện cho khách hàng, lợi ích đem lại rất lớn nhưng cũng sẽ không làm phát sinh chi phí lớn cho cơ quan BHXH.

Tăng cường thực hiện các biện pháp hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện sẽ tạo ra cơ sở hậu cần, kỹ thuật và gia tăng lòng tin của NLĐ với hệ thống BHXH, góp phần thực hiện thành công chính sách BHXH tự nguyện, tiến tới mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân.

Chú thích:
1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2021, ngày 24/12/2020.
2. Viện Khoa học Lao động và Xã hội. Báo cáo Lao động phi chính thức 2017.
3. Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, năm 2020.
Tài Liệu tham khảo:
1. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
2. Nghị quyết số 28 – NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
3. Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
ThS. Nguyễn Thị Minh Nguyệt
Học viện Hành chính Quốc gia