Quản lý chuyển đổi số trong tổ chức

(Quanlynhanuoc.vn) – Chuyển đổi số (Digital Transformation) hiện nay là một phần quan trọng nằm trong xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0. Khó có một định nghĩa rõ ràng và cụ thể về chuyển đổi số vì quá trình áp dụng chuyển đổi số sẽ có những khác biệt ở từng lĩnh vực khác nhau. Dưới đây là một số quan điểm của Teal Unicorn về chuyển đổi số.
Ảnh minh họa: Internet.

Thuật ngữ chuyển đổi số được sử dụng chủ yếu mang ý nghĩa như là một phương tiện và nhờ vào công nghệ thông tin (CNTT) để giúp cho chúng ta làm tốt hơn công việc của mình. Chuyển đổi số không có nghĩa là chuyển đổi kỹ thuật số của tổ chức trừ khi CNTT là phần tích hợp của doanh nghiệp hay tổ chức và nó không có bất kỳ sự khác biệt nào. Tuy nhiên, thực tế hầu hết các tổ chức, CNTT lại chỉ là một bộ phân riêng rẽ, do đó, chỉ có mảng công nghệ là được chuyển đổi trong tổ chức.

Thông thường, các quy trình thủ công sẽ linh hoạt và phản ứng nhanh nhạy hơn so với tự động hóa. Tự động hóa trên thực tế làm giảm khả năng thích ứng của chúng ta khi có sự thay đổi.

Sự chuyển đổi thực sự của một tổ chức là nói đến tư duy chúng ta thay đổi cách quản lý và làm việc trong toàn bộ tổ chức. Điều này sẽ được kích hoạt bởi các công nghệ kỹ thuật số mới để tổ chức có thể hoạt động theo những phương thức mới, dựa trên công nghệ mới. Bên cạnh đó, số hóa chỉ là một công cụ, một phương tiện để giúp tổ chức hoạt động hiệu quả hơn khi đã có tư duy và phương pháp quản lý đúng.

Con người – quy trình – công nghệ, sự biến đổi theo thứ tự này là điều chúng ta nên vận dụng. Nếu tất cả những gì chúng ta biến đổi là công cụ và công nghệ sẽ không làm thay đổi cách chúng ta nghĩ về con người hoặc cách chúng ta hành xử trong thực tế. Nó giống như “Công nghiệp 4.0”, đây chỉ là một từ thông dụng khác nếu tất cả những gì chúng ta làm là thay đổi công nghệ của mình để trở nên số hóa hơn mà thiếu đi yếu tố con người.

Việc chuyển đổi số có thể được thử nghiệm trong phạm vi nhỏ, với quy trình của tổ chức, nhưng sự chuyển đổi thực sự của tổ chức sẽ chỉ đến khi những người điều hành tổ chức cam kết với những giá trị và nguyên tắc mới, với những niềm tin và hành vi mới cùng với công nghệ mới.

Một trong những lĩnh vực chính mà chúng ta thể hiện sự thay đổi trong quản trị và điều hành là hệ thống chính sách và các quy định của tổ chức. Đây là lĩnh vực then chốt để cho phép việc chuyển đổi số có thể diễn ra trong tổ chức.

Chúng ta nói về CNTT và chuyển đổi số tưởng như là chúng khác nhau, thay thế cho nhau nhưng thực ra không phải vậy. Chuyển đổi số là khi chúng ta sử dụng CNTT để có thể bắt đầu một tổ chức mới hoặc chuyển đổi hoạt động của tổ chức dựa trên công nghệ chứ không phải theo cách làm thủ công. Chúng ta có thể phát minh ra một sản phẩm hoàn toàn mới nhờ vào công nghệ.

Chúng ta có thể thấy, ngân hàng đã làm điều này cách đây 50 năm khi họ loại bỏ sổ cái thủ công và chuyển sang dữ liệu máy tính. Điều này cho phép họ biết chính xác họ có bao nhiêu tiền trong thời gian thực. Nó cho phép họ tạo ra các loại sản phẩm tài chính mới mà trước đây họ chưa bao giờ có thể thực hiện được khi làm ngân hàng trên giấy.

Các hãng hàng không đã làm điều đó từ nhiều thập kỷ trước khi họ thay đổi từ vé giấy sang vé điện tử và cho phép những đại lý du lịch bán vé trực tiếp mà không cần gọi điện cho các hãng hàng không. Các tổ chức như Expedia (trang điện tử cho phép đặt vé máy bay, phòng khách sạn, thuê xe… trực tuyến) đã thực hiện một cuộc chuyển đổi kỹ thuật số của ngành Du lịch khi họ loại bỏ các đại lý du lịch do con người vận hành. Giờ đây, mọi người tương tác trực tiếp với hệ thống đặt vé máy bay thông qua Expedia cũng như Uber đã chuyển đổi phương thức hoạt động của ngành công nghiệp taxi…

Như vậy, khi chúng ta nói về chuyển đổi số hiện nay nghĩa là nói đến những ví dụ mới về chuyển đổi số với các công nghệ mới: ngân hàng cần có máy tính nối mạng để kết nối các hệ thống của họ từ các địa điểm khác nhau, trang Expedia cần internet và một công nghệ khác được gọi là dịch vụ web, Uber cần điện thoại thông minh và GPS.

Giờ đây, chúng ta có các công nghệ mới như: machine learning, big data, GPS, IoT sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa trong hoạt động chuyển đổi số của các tổ chức. Nhiều chính phủ cũng đang đi theo con đường tương tự. Từ lâu, họ đã sử dụng máy tính được kết nối để không phải ghi lại mọi thứ trên giấy, họ đã sử dụng internet để kích hoạt chính phủ điện tử, sử dụng điện thoại thông minh và GPS để cho phép công chúng thông báo về những thứ cần giúp đỡ. Chính phủ sẽ làm những việc như: đặt những chiếc máy tính nhỏ xíu trong nhà vệ sinh công cộng, đường xá, thùng rác, hoặc bất kỳ công việc mang tính vật lý nào mà họ quản lý. Họ sẽ sử dụng machine learning và big data để tìm kiếm những khía cạnh trong xã hội để có thể tối ưu hóa như: giao thông, phúc lợi và an ninh, hoặc theo dõi người có nguy cơ mắc Covid-19.

Trong thời đại công nghệ 4.0, chuyển đổi số trong quản lý cho phép chúng ta trở nên linh hoạt hơn, thích ứng hơn (Agile), áp dụng những phương pháp như Scrum và DevOps, làm việc theo những cách mới, áp dụng công nghệ mới, kích hoạt các sản phẩm và dịch vụ mới để điều hành hoạt động của tổ chức được hiệu quả dựa trên nền tảng số.

Các quy trình hoạt động phải được tái phát minh và thực hiện trên các nền tảng mới, người dùng phải học và áp dụng các công nghệ mới. Nếu chuyển đổi số không được thực hiện một cách linh hoạt, từng bước và thử nghiệm thì rủi ro cũng sẽ vô cùng lớn.

TSCherry Vũ (Vũ Anh Đào) và Rob England
Công ty Tư vấn toàn cầu Two Hills có trụ sở chính tại New Zealand